Công ty cổ phần là loại hình được quan tâm nhiều nhất khi thành lập doanh nghiệp. Bài viết này sẽ tổng hợp 4 đặc trưng của công ty cổ phần để bạn đọc tham khảo.
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần được định nghĩa là loại hình doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau và gọi là cổ phần;
- Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sẽ sở hữu cổ phần. Công ty cổ phần tối thiểu phải có 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn mình đã góp;
- Lợi nhuận mà cổ đông nhận được từ việc sở hữu cổ phần là cổ tức;
- Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty;
- Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty chính thức có tư cách pháp nhân.
2. Điểm chung, điểm đặc trưng của công ty cổ phần
2.1. Đặc điểm chung của công ty cổ phần
Công ty cổ phần là một trong năm loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2020, vì thế, trước hết nó phải có tư cách pháp nhân. Theo Điều 74 Bộ Luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi:
- Được thành lập một cách hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình;
- Có thể nhân danh chính mình để tham gia các quan hệ pháp luật.
Tư cách pháp nhân của công ty được chính thức xác lập sau khi thực hiện thủ tục thành lập công ty cổ phần và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.2. Đặc trưng của công ty cổ phần
Bên cạnh những đặc điểm chung cần có ở 01 pháp nhân, công ty cổ phần còn có những đặc trưng sau:
2.2.1. Về cổ đông trong công ty cổ phần
Theo Khoản 1 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020, để thành lập được công ty cổ phần, điều kiện tiên quyết là phải có 03 cổ đông góp vốn trở lên.
Cổ đông công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức, miễn là đáp ứng được các yêu cầu mà pháp luật đặt ra và không rơi vào trường hợp không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, pháp luật không giới hạn số lượng cổ đông tối đa trong công ty cổ phần.
2.2.2. Về chế độ chịu trách nhiệm về tài sản của cổ đông
Khác với doanh nghiệp tư nhân, các cổ đông trong công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của chính công ty đó.
Hiểu đơn giản, nếu cổ đông góp số tiền X thì chỉ có nghĩa vụ trả nợ cho công ty trong phạm vi số tiền X đã góp. Điều này giúp các cổ đông hạn chế rủi ro tài chính khi kinh doanh.
2.2.3. Về khả năng huy động vốn
So với các loại hình công ty khác, công ty cổ phần có khả năng huy động vốn linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau, có thể kể đến:
- Chào bán cổ phần: bản chất là kêu gọi thêm người góp thêm vốn (bằng tiền, tài sản,…) nhằm có thêm vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh. Theo Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty có thể:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu: nhằm tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán, từ đó bán toàn bộ số cổ phần trên cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ: là làm gia tăng số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán nhằm tăng vốn điều lệ. Theo luật doanh nghiệp hiện hành, đối tượng được áp dụng hình thức này là công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng;
- Phát hành trái phiếu: Bản chất của phát hành trái phiếu là công ty cổ phần kêu gọi “vay nợ” từ công chúng để kinh doanh, đến kì hạn thì phải trả cả “gốc” lẫn “lãi”. “Trái phiếu” chính là chứng khoán nhằm ghi nhận nghĩa vụ nợ đó của doanh nghiệp.
- Các hình thức huy động vốn khác: thông qua nguồn vay nợ từ tổ chức tín dụng, ngân hàng, các quỹ đầu tư hoặc tiến hành liên doanh liên kết trong và ngoài nước…
Nhờ sự linh hoạt, đa dạng này mà công ty cổ phần có thể chủ động hơn về nguồn vốn khi có nhu cầu.
2.2.4. Về tính tự do chuyển nhượng vốn góp
Các cổ đông trong công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ 02 trường hợp sau:
- Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp, việc cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải là cổ đông sáng lập phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận (Khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ thừa kế, hoặc chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020).
3. Ưu, nhược điểm của công ty cổ phần
3.1 Ưu điểm của công ty cổ phần
Từ những phân tích ở trên, có thể nhận thấy công ty cổ phần mang những điểm ưu việt sau:
- Chế độ trách nhiệm hữu hạn trong khoản vốn đã góp giúp các cổ đông không phải chịu rủi ro lớn khi công ty làm ăn thua lỗ, phá sản…;
- Cơ cấu vốn linh hoạt, bất kì ai đáp ứng điều kiện đều có thể góp vốn;
- Có nhiều phương thức huy động vốn nhất trong số các loại hình doanh nghiệp (huy động vốn góp ban đầu, chào bán cổ phần, phát hành trái phiếu ra công chúng, tín dụng ngân hàng…);
- Dễ dàng chuyển nhượng vốn.
3.2 Nhược điểm của công ty cổ phần
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, công ty cổ phần cũng tồn tại những hạn chế nhất định, có thể kể đến như:
- Do không hạn chế số lượng cổ đông tối đa tham gia góp vốn và tính tự do chuyển nhượng vốn góp nên cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần sẽ chặt chẽ và phức tạp nhất trong những loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp;
- Cũng do cơ cấu phức tạp, nên mọi quyết định về quản lý, kinh doanh phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Do vậy, công ty cổ phần rất dễ bỏ qua cơ hội kinh doanh;
- Quy định pháp luật đối với công ty cổ phần khắt khe hơn, đặc biệt trong tài chính và kế toán;
Trên đây là nội dung bài viết về 4 đặc trưng của công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp mới nhất năm 2020. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, cụ thể hơn.