Khi chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT công ty cổ phần có thể thực hiện online hoặc nộp hồ sơ bản giấy để Bộ Công Thương xem xét và giải quyết.
1. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là gì?
Theo Khoản 2 Điều 25 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (website cung cấp dịch vụ TMĐT) là website được thành lập nhằm cung cấp môi trường cho các cá nhân, thương nhân, tổ chức khác thực hiện các hoạt động thương mại phục vụ mục đích kinh doanh (ví dụ: đăng thông tin, hình ảnh, giá của sản phẩm, bán hàng…).
Có 4 loại hình website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:
- Sàn giao dịch thương mại điện tử (Ví dụ: lazada, shopee…);
- Website đấu giá trực tuyến (Ví dụ: Cổng đấu giá Lạc Việt…);
- Website khuyến mại trực tuyến (Ví dụ: hotdeal.vn…);
- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
2. Khi nào cần chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT?
Đây là một dạng “chợ ảo”, giúp khách hàng – doanh nhân gặp gỡ và trao đổi buôn bán ngay trên môi trường mạng thay vì phải mất thời gian và công sức tới tận nơi xem xét, lựa chọn nên doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, tên miền, nhân lực vận hành - quản lý…
Trong trường hợp công ty không đủ khả năng để duy trì website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (không phù hợp với định hướng kinh doanh, không đủ tài chính – nhân lực, công ty giải thể/phá sản/…) thì có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp, cá nhân khác.
3. Quy trình, hồ sơ chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT công ty cổ phần
Quy trình chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có thể chia thành 02 bước chính như sau:
Bước 1. Chủ sở hữu cũ của website làm thủ tục đề nghị chấm dứt bằng một trong hai cách sau:
- Đăng nhập vào tài khoản trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử, chọn hồ sơ website đã đăng ký, đề nghị chấm dứt thông báo website, hoặc;
- Gửi Văn bản đề nghị chấm dứt đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử về Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, trong đó, doanh nghiệp phải nêu rõ lý do đề nghị chấm dứt đăng ký là chuyển nhượng.
Bước 2. Công ty cổ phần nhận chuyển nhượng lại làm thủ tục đăng ký lại đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 19 Thông tư 47/2014/TT-BCT, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử từ chủ sở hữu cũ cần phải làm thủ tục đăng ký lại. Thời hạn thực hiện là trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận chuyển nhượng website.
Xem thêm: Thủ tục Đăng ký lại website cung cấp dịch vụ TMĐT công ty cổ phần.
4. Xử phạt vi phạm hành chính khi không chuyển nhượng website
Theo điểm e, khoản 1 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, chủ thể nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 – 30 triệu đồng.
Đồng thời, theo điểm b, khoản 4, Điều 4 Nghị định 98 (đã được sửa đổi bởi điểm b, khoản 1, điều 3, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP), mức phạt nêu trên chỉ áp dụng cho cá nhân; trong trường hợp chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ là gấp đôi.
Do vậy có thể kết luận, nếu công ty cổ phần vi phạm nghĩa vụ chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT nêu trên sẽ phải chịu mức phạt tối đa lên đến 60 triệu đồng.
5. Lưu ý khi nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cần kiểm tra kỹ tình trạng của website:
- Thời hạn của tên miền;
- Website còn hiệu lực đăng ký hay đang bị hủy? Nếu bị hủy, lý do vì sao?
- Các vấn đề khác.
Việc kiểm tra sẽ giúp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đánh giá tình trạng pháp lý của website, xác định nghĩa vụ của các bên trong cuộc chuyển nhượng để tránh bị lừa, mất tiền "oan".
Trên đây là nội dung thủ tục chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT công ty cổ phần. Trong quá trình làm thủ tục thực tế có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề, do vậy nếu có nhu cầu thuê dịch vụ thực hiện thủ tục này, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để trao đổi chi tiết hơn.