Thủ tục chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng công ty cổ phần có thể tiến hành khi không thể hoặc không còn nhu cầu khai thác kinh doanh giống cây trồng đó.
1. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng công ty cổ phần là gì?
Theo Khoản 1 Điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng là việc chủ bằng bảo hộ chuyển toàn bộ quyền đối với giống cây trồng của mình cho bên nhận chuyển nhượng.
Bên nhận chuyển nhượng chính thức trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký một cách hợp pháp tại Cục trồng trọt.
2. Hình thức chuyển nhượng
2.1 Chuyển nhượng đơn
Theo Điều 179 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, doanh nghiệp có thể làm thủ tục thay đổi người đăng ký do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng hoặc thừa kế trước khi Cục Trồng trọt từ chối hoặc ra quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Phí, lệ phí để thực hiện thủ tục sẽ do người yêu cầu với Cục Trồng trọt trả.
2.2 Chuyển quyền sở hữu giống cây trồng
Trong trường hợp doanh nghiệp không thể hoặc không còn nhu cầu kinh doanh đối với giống cây trồng thì có thể chuyển quyền sở hữu cho người khác. Việc chuyển nhượng bắt buộc phải được thể hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Nếu giống cây trồng là giống được tạo ra từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải tiến hành chuyển nhượng theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.
(Điều 194 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009).
3. Hồ sơ chuyển nhượng cần chuẩn bị
Theo Điều 7 và Điều 9 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi Khoản 5 và Khoản 7 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT) để chuyển quyền sở hữu đối với giống cây trồng, công ty cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng đơn/bằng bảo hộ đối với giống cây trồng;
- Hợp đồng chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (trường hợp chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ) hoặc Hợp đồng chuyển nhượng bằng bảo hộ giống cây trồng (trong trường hợp chuyển nhượng bằng bảo hộ);
Hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ) phải được xác lập bằng tiếng Việt hoặc dịch ra tiếng Việt, phải có chữ ký xác nhận của các bên trên từng trang hợp đồng hoặc đóng dấu giáp lai;
- Bằng bảo hộ giống cây trồng bản gốc/bản sao hợp lệ (trong trường hợp chuyển nhượng bằng bảo hộ giống cây trồng);
- Văn bản nhất trí chuyển nhượng giống cây trồng của các đồng chủ sở hữu (đối với trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung);
- Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục nếu công ty nộp đơn qua đại diện;
- Bản sao, chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc giấy tờ tương đương khác chứng minh công ty đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt;
- Trường hợp giống cây trồng được tạo ra bằng ngân sách nhà nước, ngoài các giấy tờ nêu trên, công ty phải bổ sung tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Hướng dẫn nộp hồ sơ
4.1 Cách thức nộp hồ sơ
Doanh nghiệp có có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện tại Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt, số 2 Ngọc Hà – Phường Ngọc Hà – Quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội.
4.2 Quy trình giải quyết hồ sơ
(i) Đối với trường hợp chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
- Xác nhận tính đầy đủ của hồ sơ: trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục trồng trọt sẽ tiến hành kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, Cục Trồng trọt ra thông báo, yêu cầu trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo để công ty cổ phần sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi.
Quá thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không sửa chữa/phản hồi, bổ sung thì Cục Trồng trọt ra thông báo từ chối hồ sơ, có nêu rõ lý do.
- Chấp nhận chuyển nhượng đơn: trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Trồng trọt ký thông báo chấp nhận việc chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng của công ty.
- Công bố thông tin: trong 05 ngày làm việc kể từ ngày ký thông báo chấp nhận việc chuyển nhượng đơn, Cục Trồng trọt đăng công bố lên website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới.
(ii) Trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng bằng bảo hộ giống cây trồng
- Xác nhận tính đầy đủ của hồ sơ: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt sẽ tiến hành xác nhận tính đầy đủ của hồ sơ theo quy định của pháp luật;
- Trong vòng tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tiến hành thẩm định hồ sơ và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng, đồng thời cấp Bằng bảo hộ cho chủ sở hữu mới và ra văn bản thông báo chấp nhận Đơn đăng ký bảo hộ mang tên chủ đơn mới.
5. Phí, lệ phí thực hiện thủ tục
Mức phí, lệ phí chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được áp dụng theo Thông tư 207/2016/TT-BTC như sau:
STT | Nội dung | Đơn vị tính | Mức thu (đồng) |
1 | Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ | Bằng | 350.000 |
2 | Thẩm định đơn | 01 lần | 2.000.000 |
3 | Duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng |
|
|
| - Từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 | 01 giống/01 năm | 3.000.000 |
| - Từ năm thứ 4 đến năm thứ 6 | 01 giống/01 năm | 5.000.000 |
| - Từ năm thứ 7 đến năm thứ 9 | 01 giống/01 năm | 7.000.000 |
| - Từ năm thứ 10 đến năm thứ 15 | 01 giống/01 năm | 10.000.000 |
| - Từ năm thứ 16 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng bảo hộ | 01 giống/01 năm | 20.000.000 |
Trên đây là nội dung chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng công ty cổ phần có thể thực hiện. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu thuê dịch vụ thực hiện công việc, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được tư vấn và hỗ trợ thêm.