Việc yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là hợp lệ trong trường hợp nào? Pháp luật quy định ra sao về thủ tục này?
1. Những vấn đề cần biết về chỉ dẫn địa lý
- Căn cứ khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực, địa phương hay quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể.
- Theo nội dung Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước sẽ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho doanh nghiệp hoặc cá nhân để chế biến, sản xuất “đặc sản” (sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của địa phương, khu vực nào đó) và đưa sản phẩm đó ra thị trường.
2. Trường hợp nào được yêu cầu chấm dứt hiệu lực?
Các doanh nghiệp có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong các trường hợp sau đây:
- Người yêu cầu không tồn tại hoặc không còn kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
- Đánh mất danh tiếng, đặc tính, chất lượng của sản phẩm do sự thay đổi về chỉ dẫn địa lý.
(Căn cứ: Khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
3. Quy trình chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Để chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, công ty tiến hành thủ tục theo các bước như sau:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp gửi yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ tới một trong ba điểm tiếp nhận hồ sơ sau:
- Miền Bắc: Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam có địa chỉ tại 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội;
- Miền Trung – Tây Nguyên: Văn phòng đại diện Cục SHTT, số 135 Minh Mạng, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng;
- Miền Nam: Văn phòng đại diện Cục SHTT, Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Hình thức nộp hồ sơ: Trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Bước 2. Xử lý hồ sơ
- Trường hợp người yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ là chính chủ văn bằng, thời hạn giải quyết là: 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
- Trường hợp người yêu cầu là bên thứ 3, thời hạn giải quyết là: 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn yêu cầu. Bên cạnh đó, Cục sở hữu trí tuệ ra thông báo bằng văn bản gửi cho chủ văn bằng về ý kiến của người yêu cầu, ấn định 02 tháng để chủ sở hữu văn bằng có ý kiến.
Sau thời hạn này, trong vòng 03 tháng tiếp theo, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định hoặc thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ. Nếu chủ văn bằng có ý kiến khác với người yêu cầu, thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng.
4. Công ty cần chuẩn bị tài liệu, hồ sơ gì?
Căn cứ Khoản 20 Điều 1 của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Điểm 21 Mục 1 Chương I Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Tờ khai yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ;
- Chứng cứ (nếu có);
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người nộp văn bản là cá nhân được công ty ủy quyền;
- Bản giải trình lý do yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
- Các tài liệu khác có liên quan;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí cho những trường hợp nộp phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản hoặc dịch vụ bưu chính cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nếu còn gặp khúc mắc trong quá trình thực hiện hoặc có nhu cầu thuê dịch vụ soạn và nộp hồ sơ, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với LuatVietnam để được hỗ trợ kịp thời.