Pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần. Vậy doanh nghiệp được cấp lại khi nào? Doanh nghiệp cần giấy tờ gì?
Là một đất nước được thiên nhiên ưu đãi, hàng năm có rất nhiều giống cây mới ra đời hoặc nhân giống tại Việt Nam. Do vậy, việc đăng ký bảo hộ các giống cây trồng là điều vô cùng cần thiết và ngày càng được coi trọng. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt và hội nhập quốc tế sâu rộng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không biết tự bảo vệ quyền lợi của mình thì sẽ tạo kẽ hở cho kẻ xấu tiến hành ăn cắp, sao chép hoặc trục lợi một cách bất hợp pháp và làm hạn chế nền thương mại quốc gia.
Tuy nhiên, công ty cổ phần có thể gặp các sự kiện, sự cố bất khả kháng trong quá trình hoạt động, do vậy doanh nghiệp có quyền đề nghị cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo hướng dẫn chi tiết tại nội dung Khoản 2 Điều 19 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11 Điều 11 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT), cụ thể như sau:
1. Trường hợp yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng
Văn bằng bảo hộ giống cây trồng được phép cấp lại trong một số trường hợp dưới đây:
- Mất, rách, hỏng hoặc phai mờ bằng bảo hộ đến mức không đọc được;
- Thay đổi chủ sở hữu của bằng bảo hộ;
- Có sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ.
2. Quy trình cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần
Công ty cổ phần thực hiện thủ tục thông qua 02 bước:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Sau khi soạn hồ sơ, doanh nghiệp nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới địa chỉ:
Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới - Cục Trồng trọt
Địa chỉ: số 2 đường Ngọc Hà, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: (024) 38435182 Fax: (04) 37342844
Email: [email protected] Website: pvpo.mard.gov.vn
Bước 2. Xử lý hồ sơ
Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp.
- Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng và trả kết quả hồ sơ cho doanh nghiệp;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt sẽ gửi văn bản trả lời cho doanh nghiệp. Trong nội dung văn bản sẽ nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị
- Tờ khai yêu cầu cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng;
- Đối với trường hợp thay đổi chủ sở hữu hoặc sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ: Tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ bằng bảo hộ giống cây trồng;
- Bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (Không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp bị mất văn bằng);
- Giấy ủy quyền nếu doanh nghiệp ủy quyền cho người khác thực hiện công việc.
4. Thời hạn cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng
Sau 30 ngày kể từ ngày đăng tải quyết định cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng cho doanh nghiệp trên Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, công ty cổ phần sẽ được cấp lại bằng bảo hộ. Bằng bảo hộ phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của bằng.
Trên đây là nội dung thủ tục cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng trong công ty cổ phần. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu thuê dịch vụ để soạn và nộp hồ sơ, quý khách hàng vui lòng liên hệ sớm tới LuatVietnam để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.