Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Bổ nhiệm kế toán trưởng trong doanh nghiệp: 5 điều kiện phải có

Việc bổ nhiệm kế toán trưởng trong doanh nghiệp hoặc người phụ trách kế toán cần đáp ứng những điều kiện gì? Ai không được đảm nhiệm? Kế toán trưởng bị cấm làm gì?

 

1. Kế toán trưởng là gì? Người phụ trách kế toán là gì?

Theo Khoản 1 Điều 53 Luật Kế toán 2015:

1. Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.

Hiểu đơn giản, kế toán trưởng là người đứng đầu, phụ trách hạch toán, quản lý dòng tiền ra - vào. Mọi công tác kế toán sẽ được triển khai tại phòng/ban/bộ phận (đơn vị kế toán) tùy thuộc vào quy mô từng doanh nghiệp.

Đồng thời, cũng tại nội dung Khoản 4 Điều 53 Luật này, khi chưa có kế toán trưởng, công ty có thể bổ nhiệm người phụ trách kế toán. Người này có nhiệm vụ thực hiện công việc của kế toán trưởng nhưng không có chức danh chính thức.

2. Công ty có bắt buộc phải có kế toán trưởng không?

Theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bắt buộc phải có kế toán trưởng. Nếu chưa tìm được người đủ điều kiện để làm kế toán trưởng, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ kế toán hoặc bổ nhiệm người phụ trách kế toán trong vòng 12 tháng, sau thời gian này phải bố trí người làm kế toán trưởng.

Tuy nhiên, cũng theo Khoản 2 Điều này, các doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP (số lao động tham gia BHXH tối đa 10 người, tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng, tổng doanh thu năm không quá 10 tỷ đồng với doanh nghiệp thương mại dịch vụ và không quá 10 tỷ đối với doanh nghiệp xây dựng, nông nghiệp) có thể bố trí người phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải là kế toán trưởng.

Do vậy, tất cả các doanh nghiệp đều phải bố trí vị trí kế toán trưởng (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ).

3. Điều kiện trở thành kế toán trưởng, người phụ trách kế toán

Để trở thành người đứng đầu đơn vị kế toán trong doanh nghiệp, kế toán trưởng phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2015 và Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, bao gồm:

- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trung cấp trở lên;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;

- Kế toán trưởng trình độ trung cấp, cao đẳng: phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm; Kế toán trưởng tốt nghiệp đại học thì cần có ít nhất 02 năm kinh nghiệm.

- Không phải là đối tượng bị pháp luật cấm đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng tại doanh nghiệp, cụ thể:

  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định;
  • Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định;
  • Người chưa thành niên;
  • Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội thuộc nhóm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích;
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán;
  • Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán.
Bo nhiem ke toan truong trong doanh nghiep: 5 dieu kien phai co
Bổ nhiệm kế toán trưởng trong doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

4. Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán được làm gì? Bị cấm làm gì?

Căn cứ Điều 55 Luật Kế toán 2015, kế toán trưởng, người phụ trách kế toán được độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện các công việc sau:

  • Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong công ty;
  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán;
  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

Đồng thời, kế toán trưởng, người phụ trách kế toán không được phép thực hiện những hành vi được liệt kê tại Điều 13 Luật này như sau:

  • Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác;
  • Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
  • Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán;
  • Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán khi chưa được phép;
  • Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền;
  • Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng quy định pháp luật;
  • Kiêm nhiệm chức vụ, vừa làm nghiệp vụ kế toán vừa làm thủ kho, thủ quỹ;
  • Bố trí hoặc thuê người làm kế toán không đủ tiêu chuẩn;
  • Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ dưới mọi hình thức;
  • Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
  • Thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
  • Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kế toán.

5. Quy trình bổ nhiệm kế toán trưởng trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp tiến hành bổ nhiệm kế toán trưởng thông qua 2 bước chính như sau:

- Bước 1. Lựa chọn kế toán trưởng, người phụ trách kế toán đủ điều kiện;

- Bước 2. Người đại diện theo pháp luật ký Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng/người phụ trách kế toán;

- Bước 3. Bổ sung thông tin trong hồ sơ doanh nghiệp.

Công ty có thể cập nhật, bổ sung thông tin về kế toán trưởng với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc ngân hàng (Ví dụ: thay đổi thông tin đăng ký thuế đồng thời cập nhật thông tin kế toán trưởng…)

6. Xử phạt trong việc bổ nhiệm kế toán trưởng

Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán là chức danh quan trọng bắt buộc phải có trong mỗi công ty. Do vậy, theo Điều 17 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, nếu công ty có hành vi vi phạm trong quá trình bổ nhiệm sẽ bị xử phạt, cụ thể:

Phạt từ 5 – 10 triệu trong trường hợp:

  • Không bổ nhiệm lại kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo thời hạn quy định;
  • Không bàn giao công việc khi có thay đổi về kế toán trưởng, phụ trách kế toán;
  • Không thông báo khi thay đổi kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.

Phạt từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp:

  • Không bố trí, bổ nhiệm kế toán trưởng;
  • Bố trí người làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đúng trình tự, thủ tục.

7. Lưu ý khi bổ nhiệm toán trưởng, người phụ trách kế toán

- Một công ty không thể vừa có kế toán trưởng, vừa có người phụ trách kế toán (vì bản chất của người phụ trách kế toán là người thực hiện công việc của kế toán trưởng khi doanh nghiệp chưa tìm được kế toán trưởng đủ điều kiện để bổ nhiệm).

- Pháp luật không quy định cụ thể số lượng kế toán trưởng trong một công ty, nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ được có 01 kế toán trưởng là người điều hành, phụ trách chính và chịu trách nhiệm trong việc quản lý, hạch toán dòng tiền. Nghĩa là, một công ty có thể có nhiều người làm kế toán, nhưng chỉ được có 01 kế toán trưởng.

- 01 người có thể làm kế toán trưởng cho nhiều công ty nếu đủ năng lực đáp ứng công việc.

Trên đây là những vấn đề cần biết về bổ nhiệm kế toán trưởng trong doanh nghiệp theo luật mới nhất. Nếu còn câu hỏi cần giải đáp, quý khách hàng vui lòng liên hệ với LuatVietnam để được tư vấn, trao đổi chi tiết hơn.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi