Chủ tịch hội đồng quản trị nắm giữ vai trò rất quan trọng tại doanh nghiệp. Hội đồng quản trị có quyền thay đổi hoặc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần.
1. Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch hội đồng quản trị
Theo Khoản 3, 4 và 5 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền và nghĩa vụ sau:
- Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
- Lên chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập cuộc họp và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
- Tổ chức việc thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị;
- Giám sát quá trình tổ chức và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
- Chủ tọa cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp.
- Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, Chủ tịch có thể ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện công việc.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền tuyển dụng thư ký để hỗ trợ Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị thực hiện các nghĩa vụ trong quá trình hoạt động doanh nghiệp.
2. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị
2.1 Bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị
Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu trong số các thành viên của Hội đồng quản trị.
Trong cuộc họp Hội đồng quản trị đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị sẽ bầu ra thành viên có số phiếu cao nhất để triệu tập và chủ trì bầu chủ tịch Hội đồng quản trị. Trường hợp mà có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 01 người trong số họ triệu tập họp Hội đồng quản trị.
Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng quản trị được tổ chức trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đó.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (trừ trường hợp Công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 156 và Điểm b Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp).
(Xem thêm: Mẫu quyết định bầu chủ tịch hội đồng quản trị).
2.2 Miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị
Theo Điều 155 và Khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:
- Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên của Hội đồng quản trị (ví dụ: không đủ năng lực hành vi dân sự, không có trình độ chuyên môn kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty hoặc thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp …);
- Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
- Có đơn từ chức;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
(Xem thêm: Mẫu quyết định miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị).
2.3 Bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị
Căn cứ nội dung Khoản 2 Điều 160 Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch bị Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm khi:
- Không tham gia điều hành hoặc thực hiện các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục (trừ trường hợp bất khả kháng);
- Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định cụ thể.
Xem thêm:
- Mẫu quyết định bãi nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị;
- Biên bản họp hội đồng quản trị về việc bầu/ bãi nhiệm/ miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị;
- Yêu cầu triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị công ty cổ phần;
- Thông báo họp hội đồng quản trị công ty cổ phần;
- Nghị quyết của hội đồng quản trị công ty cổ phần.
Trên đây là nội dung về thay đổi hoặc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần cần nắm được. Nếu còn thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ LuatVietnam để được hỗ trợ và tư vấn thêm.