(TÊN DOANH NGHIỆP) -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: ................... | …, ngày … tháng … năm … |
QUY CHẾ
ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ TẠI NƠI LÀM VIỆC
(Ban hành kèm theo Quyết định số .......................... ngày
của Giám đốc ….. (Tên doanh nghiệp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc đối thoại định kỳ và đột xuất tại nơi làm việc của ….. (Tên doanh nghiệp), bao gồm: Các nguyên tắc đối thoại, thành phần, số lượng thành viên mỗi bên tham gia đối thoại, trình tự thực hiện cuộc đối thoại và việc thực hiện kết quả đối thoại.
2. Đối tượng áp dụng gồm:
- Người sử dụng lao động: Giám đốc (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Chủ tịch hội đồng thành viên/Chủ sở hữu doanh nghiệp) hoặc người được ủy quyền hợp pháp tại các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc. (nếu có)
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Doanh nghiệp.
- Người lao động đang làm việc tại Doanh nghiệp.
Điều 2. Mục đích xây dựng Quy chế đối thoại tại nơi làm việc
1. Nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và tăng cường sự hiểu biết giữa Người sử dụng lao động và Người lao động để xây dựng quan hệ hài hòa tại nơi làm việc.
2. Thông qua đối thoại, Người sử dụng lao động tiếp thu các ý kiến, kiến nghị và giải đáp những vướng mắc trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Người lao động trong Doanh nghiệp.
3. Đối thoại tại nơi làm việc giữa Người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động là công việc định kỳ nhằm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của Doanh nghiệp.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện quy chế đối thoại tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động phải tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc; được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật thông qua việc đối thoại với người lao động tại nơi làm việc của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
3. Địa điểm đối thoại do Người sử dụng lao động quyết định, nhưng phải đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết cho đối thoại và đảm bảo an toàn, trật tự.
4. Các thành viên tham gia đối thoại phải tuân thủ sự điều hành của người chủ trì, mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự.
Điều 4. Các hình thức đối thoại
1. Đối thoại định kỳ: được tổ chức định kỳ 03 tháng / 01 lần và do Người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với BCH công đoàn cơ sở thực hiện. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức Hội nghị Người lao động của doanh nghiệp (theo quy chế tổ chức Hội nghị Người lao động) thì không tổ chức đối thoại định kỳ.
2. Đối thoại khi một bên có yêu cầu: Là cuộc đối thoại để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết, nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tránh xung đột dẫn đến tranh chấp lao động, đình công tại doanh nghiệp. Khi một bên có yêu cầu thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với BCH công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại.
Chương II
ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ
Điều 5. Nội dung đối thoại định kỳ
Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do Người sử dụng lao động (Giám đốc hoặc người được Giám đốc ủy quyền) chủ trì cùng phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở 03 tháng tổ chức đối thoại một lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định sau: Tình hình sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và các cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; điều kiện làm việc; Yêu cầu của tập thể Người lao động đối với Người sử dụng lao động; yêu cầu của Người sử dụng lao động đối với tập thể Người lao động; nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Điều 6. Số lượng, thành phần, tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc
1. Số lượng thành viên tham gia đối thoại do các bên quyết định, thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất 03 người.
2. Thành phần tham gia đối thoại gồm:
a) Đại diện Người sử dụng lao động:
-Người sử dụng lao động; (Giám đốc hoặc người được Giám đốc ủy quyền)
- Các thành viên đại diện cho người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử (thành viên tổ đối thoại);
b) Đại diện Người lao động:
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở: BCH Công đoàn cơ sở có trách nhiệm phân công thành viên tham gia tổ đối thoại đại diện cho tập thể người lao động.
3. Tiêu chuẩn thành viên tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc:
- Là người đang làm việc tại Doanh nghiệp, có thời hạn thực hiện hợp đồng ít nhất ................ tháng trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn, là cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất, kinh doanh;
- Có hiểu biết về pháp luật lao động và công đoàn, chế độ chính sách đối với người lao động, các nội quy, quy chế của Doanh nghiệp;
- Được người lao động tín nhiệm chọn là đại diện cho tập thể người lao động;
Điều 7. Lập kế hoạch, lấy ý kiến, xây dựng chương trình, nội dung đối thoại định kỳ
1. Trước thời điểm đối thoại định kỳ 30 ngày, Người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với BCH Công đoàn cơ sở lập kế hoạch tổ chức đối thoại. BCH Công đoàn chịu trách nhiệm tổng hợp nội dung đối thoại của tập thể người lao động thông qua các hình thức: phiếu hỏi, thông qua phản ánh của người lao động, qua họp công đoàn bộ phận, hoặc tổ công đoàn ...
2. Nội dung lấy ý kiến đối thoại đinh kỳ gồm một, một số hoặc toàn bộ các nội dung sau:
a. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b. Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại doanh nghiệp.
c. Điều kiện làm việc.
d. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với doanh nghiệp.
e. Yêu cầu của người Người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
g. Nội dung khác mà hai bên quan tâm do người lao động hoặc Người sử dụng lao động đề xuất.
3. Căn cứ kế hoạch và nhu cầu thực tế, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại hoặc tổng hợp xong ý kiến về nội dung đối thoại từ tập thể người lao động, Người sử dụng lao động và BCH công đoàn cơ sở thống nhất:
- Quy mô đối thoại (toàn thể hay đại biểu);
- Số lượng, thành phần tham dự buổi đối thoại;
- Tổ chức hội nghị độc lập hoặc kết hợp trong Hội nghị Người lao động của doanh nghiệp;
- Địa điểm tổ chức;
- Nội dung chương trình đối thoại;
- Phân công cụ thể nhiệm vụ của từng bên;
- Lựa chọn người làm thư ký tại cuộc đối thoại để ghi lại các ý kiến và tổng hợp biên bản đối thoại (có thể hai bên luân phiên đảm nhận vị trí thư ký tại các cuộc đối thoại).
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, Người sử dụng lao động ra quyết định bằng văn bản tổ chức đối thoại đinh kỳ tại nơi làm việc. Quyết định tổ chức đối thoại đinh kỳ được gửi đến Chủ tịch công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại.
5. Kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ đối thoại đinh kỳ do doanh nghiệp chi trả. Các thành viên tham gia đối thoại được trả đầy đủ tiền lương và các chế độ khác theo quy định của doanh nghiệp.
Điều 8. Điều kiện tiến hành cuộc đối thoại
- Khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức Hội nghị NLĐ thì không nhất thiết phải tổ chức đối thoại định kỳ.
- Trong trường hợp đủ 90 ngày kể từ khi kết thúc cuộc đối thoại liền kề mà không có bên nào đề xuất nội dung đối thoại thì Người sử dụng lao động và Chủ tịch Công đoàn cơ sở gặp mặt, trao đổi thống nhất, ký biên bản với nội dung: Tiếp tục thực hiện các vấn đề đã thống nhất thực hiện trong biên bản của các kỳ đối thoại trước đó thay cho việc thực hiện tổ chức cuộc đối thoại định kỳ này.
- Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được tổ chức tại địa điểm và thời gian đã thống nhất. Trường hợp Người sử dụng lao động thay đổi địa điểm, thời gian đối thoại thì phải thông báo cho Chủ tịch Công đoàn và các thành viên tổ đối thoại biết trước.
- Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc chỉ được tiến hành với sự có mặt ít nhất 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên. Trường hợp không đủ 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên, Người sử dụng lao động quyết định hoãn cuộc đối thoại vào thời gian sau đó, nhưng thời gian hoãn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc đối thoại bị hoãn.
- Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.
Điều 9. Tiến hành cuộc đối thoại
- Tổ trưởng tổ đối thoại trình bày từng nội dung đưa ra đối thoại, các căn cứ pháp luật và thực tiễn của từng nội dung đối thoại.
- Thành viên tổ đối thoại các bên lắng nghe, theo dõi phần trình bày nội dung đối thoại của các hai bên.
- Tổ trưởng tổ đối thoại phân công thành viên của tổ đối thoại phía mình trả lời nội dung được phân công hoặc phản biện lại nội dung không phù hợp hoặc không khả thi do các bên đưa ra. Trường hợp có vấn đề phát sinh chưa chuẩn bị trước thì các bên có thể đề nghị tạm ngừng cuộc đối thoại để hội ý thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp.
- Thống nhất kết luận từng vấn đề, nội dung đối thoại và lập biên bản cuộc đối thoại. Nội dung biên bản cuộc đối thoại phải ghi rõ những nội dung thống nhất, biện pháp thực hiện, những nội dung còn ý kiến khác nhau chưa thống nhất, cách thức giải quyết tiếp.
Chương III
ĐỐI THOẠI ĐỘT XUẤT VÀ THEO YÊU CẦU
Điều 10. Điều kiện tiến hành đối thoại đột xuất
Trong trường hợp có những vấn đề bức xúc, cấp thiết phát sinh, hai bên đều có thể yêu cầu tiến hành đối thoại đột xuất nhằm nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, tránh xung đột có thể dẫn đến tranh chấp lao động tại Công ty.
Điều 11. Trình tự thực hiện đối thoại đột xuất:
Trình tự, thủ tục tiến hành đối thoại đột xuất thực hiện như đối thoại định kỳ nhưng được tiến hành khẩn trương hơn. Cụ thể như sau:
- Khi thực tế có phát sinh vấn đề, nội dung bức xúc, cấp thiết cần phải được giải quyết ngay, NSDLĐ hoặc BCHCĐCS thống nhất nội dung cần đối thoại, làm văn bản gửi BCHCĐCS hoặc NSDLĐ yêu cầu tổ chức đối thoại đột xuất. Văn bản cần nêu rõ nội dung đối thoại, lý do đối thoại, thời gian, địa điểm đối thoại và số lượng thành viên tổ đối thoại.
- Quy định thời gian gửi văn bản, thời gian hai bên phải tiến hành cuộc đối thoại.
- Trường hợp đối thoại không thành, không giải quyết được những vấn đề, nội dung đối thoại đưa ra thì lập biên bản đối thoại không thành và đưa ra phương án xử lý tiếp theo.
- Thời gian, địa điểm đối thoại do NSDLĐ quyết định.
Chương IV
XỬ LÝ CÔNG VIỆC SAU ĐỐI THOẠI
Điều 12. Tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và phân công giải quyết các công việc
1. Người sử dụng lao động và Chủ tịch công đoàn cơ sở lập biên bản cuộc đối thoại ghi rõ những nội dung đã thống nhất và các biện pháp tổ chức thực hiện. Đại diện của hai bên ký tên, đóng dấu xác nhận nội dung biên bản.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp và giám sát việc thực hiện các nội dung kết quả đối thoại.
3. Với các nội dung đối thoại chưa thành, người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần chuẩn bị thêm tư liệu, số liệu cho cuộc đối thoại tiếp, hoặc trong trường hợp không tiến hành đối thoại tiếp thì chuẩn bị thủ tục tranh chấp lao động theo quy định pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Công khai kết quả đối thoại
1. Sau khi kết thúc đối thoại, Người sử dụng lao động niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại tại doanh nghiệp và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc hội nghị đối thoại, Doanh nghiệp sẽ gửi báo cáo bằng văn bản với công ty chủ quản (nếu có) và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đối với doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở) hoặc Liên đoàn Lao động Thành phố (đối với doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở).
Điều 14. Tổ chức triển khai quy chế đối thoại
1. Quy chế này được triển khai tới 100% người lao động của Doanh nghiệp.
2. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm phối hợp với Người sử dụng lao động hướng dẫn, triển khai thực hiện quy chế này tới người lao động.
3. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
GIÁM ĐỐC (Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu) |