Mẫu thỏa ước lao động tập thể của công ty cổ phần

Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật

(TÊN DOANH NGHIỆP)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

, ngày … tháng …  năm …

THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

(Ban hành kèm theo quyết định số ...................  ngày ...................  của              )

- Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ lao động, chúng tôi gồm có:

1. Đại diện người sử dụng lao động:

- Ông/bà:..............................................................

- Chức vụ:..........................................................................................................................................

2. Đại diện người lao động:

- Ông/bà:...........................................................

- Chức vụ: .........................................................................................................................................

Sau khi bàn bạc, thỏa thuận giữa tập thể Người lao động và Người sử dụng lao động, hai bên cùng nhau thống nhất ký kết Thỏa ước lao động tập thể gồm những nội dung sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vị điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Người sử dụng lao động và Người lao động có nghĩa vụ thi hành Thỏa ước này.
  2. Người sử dụng và quản lý lao động trong Thỏa ước là.................................................................
  3. Người lao động là toàn thể cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp, kể cả người lao động trong thời gian học nghề, thử nghề.

Điều 2. Thời hạn của thỏa ước

1. Bản Thỏa ước lao động tập thể này có hiệu lực trong thời hạn .......  năm, kể từ ngày hai bên ký   kết và đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. (Thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thoả ước lao động tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm – Điều 85 Luật Lao động 2012)

2. Tùy theo điều kiện sản xuất kinh doanh từng thời kỳ, điều kiện kinh tế xã hội mỗi giai đoạn và chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước, Thỏa ước lao động tập thể được xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế khi nhận được yêu cầu của Người lao động hoặc tập thể Người lao động. Trong trường hợp sửa đổi, bổ sung thì trong vòng 15 ngày phải đăng ký lại những điều đã sửa đổi bổ sung với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. (khoản 2 Điều 84 BLLĐ 2012)

3. Khi Thỏa ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn Thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì Thỏa ước lao động tập thể hết hạn này vẫn có hiệu lực nhưng trong thời gian không quá 60 ngày. Nếu quá 60 ngày, kểt từ ngày Thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà thương lượng không đi đến kết quả thì Thỏa ước lao động tập thể đương nhiên hết hiệu lực. Trong trường hợp, quyền và nghĩa vụ của Người lao động và Người sử dụng lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. (Điều 81 Luật Lao động 2012)

4. Trong quá trình thực hiện bản Thỏa ước lao động tập thể nếu xảy ra các trường hợp dưới đây thì giải quyết như sau:

a. Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp và đại diện tập thể lao động căn cứ vào phương án sử dụng lao động để xem xét lựa chọn việc tiếp tục thực hiện, sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể cũ hoặc thương lượng để ký thoả ước lao động tập thể mới.

b. Trong trường hợp thoả ước lao động tập thể hết hiệu lực do người sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì quyền lợi của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

(Điều 86 Bộ Luật lao động 2012)

Điều 3. Nội dung thỏa ước

Bản thỏa ước này bao gồm 10 chương, 38 Điều; quy định mối quan hệ giữa Người sử dụng lao động và tập thể Người lao động về trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước này có hiệu lực. Mọi trường hợp phát sinh không quy định trong bản Thỏa ước này sẽ được giải quyết theo các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước.

Điều 4. Cam kết trách nhiệm thi hành Thỏa ước lao động tập thể

1. Trách nhiệm của Người sử dụng lao động:

a. Đảm bảo quyền tự do của Người lao động tham gia hoạt động Công đoàn và các đoàn thể được Nhà nước thừa nhận. Tạo điều kiện thuận lợi cho Cán bộ Công đoàn hoạt động theo quy định của pháp luật về công đoàn và lao động;

b. Chấp hành đúng quy định của Nhà nước về thuê mướn và sử dụng lao động;

c. Thực hiện đầy đủ các thỏa thuận nêu trên trong Thỏa ước lao động tập thể và các hợp đồng lao động;

d. Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường làm việc và sức khỏe Người lao động;

e. Tạo điều kiện thuận lợi cho Người lao động trong Công ty nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành công việc được giao.

2. Trách nhiệm của Người lao động:

a. Thực hiện đúng những điều khoản đã được ký kết trong Thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động và nội quy lao động, các quy chế khác do Người sử dụng lao động ban hành phù hợp với pháp luật;

b. Phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành công việc được giao; có tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng tập thể ngày càng đoàn kết, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung của Công ty.

Chương II

VIỆC LÀM VÀ BẢO ĐẢM VIỆC LÀM

Điều 5: Ký kết hợp đồng lao động

1. Tùy theo tính chất công việc, Công ty thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động theo các loại đây:

a. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng lao động mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b. Hợp đồng xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c. Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu Người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

(Điều 22 Bộ luật lao động 2012)

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Điều 6: Những ưu tiên dành cho Người lao động khi tuyển dụng hoặc ký lại hợp đồng lao động

1. Người lao động làm việc tại Công ty được ưu tiên ký lại hợp đồng lao động nếu trong quá trình làm việc đã hoàn thành công việc được giao và không bị kỷ luật ở mức độ sa thải.

2. Người thân của Người lao động đang làm việc tại Công ty sẽ được ưu tiên tuyển dụng nếu có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu của Công ty.

3. Trong trường hợp Người lao động đã ký hợp đồng nhưng sau một thời gian công tác thì nghỉ việc hoặc thời gian hợp đồng thì nghỉ việc, sau này khi trở lại xin vào làm việc, nếu Công ty còn có nhu cầu thì vẫn tiến hành ký kết hợp đồng như trình tự ban đầu, không tính thời gian công tác trước đó là liên tục.

Điều 7. Nguyên tắc và chế độ điều động tạm thời đối với nhân viên trong Công ty (thực hiện theo Điều 32 Bộ luật Lao động và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

4. Người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với Người lao động làm việc khác có thời hạn tại các đơn vị, tổ chức mà Công ty có vốn góp, liên doanh hay hợp tác đầu tư.

Điều 8. Các trường hợp tạm hoãn, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Tạm hoãn hợp đồng lao động: Thực hiện theo Điều 32 Bộ luật Lao động, Điều 9 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

2. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

a. Người lao động được quyền đơn phương chầm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động và thực hiện đúng quy định về thời gian báo trước theo khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động;

b. Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà Người lao động ốm đau, tai nạn đã điều trị 6 tháng liền thì thực hiện theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động;

c. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động và thực hiện đúng quy định về thời gian báo trước theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động;

d. Trong trường hợp Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận Người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; (Khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động 2012)

e. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại điểm d khoản 2 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật lao động, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động; (Khoản 3 Điều 42 Bộ luật lao động 2012)

f. Trong trường hợp Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải bồi thường cho Người sử dụng lao động nửa tháng tiền tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có); (Điều 43 Bộ luật lao động 2012)

g. Trong trường hợp Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của Công ty hoặc theo sự thỏa thuận giữa Người sử dụng lao động và Người lao động;

h. Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

Điều 9: Những trường hợp khác:

Nếu người lao động làm việc không hiệu quả, tinh thần trách nhiệm chưa cao, không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Bảng quy định trách nhiệm - quyền hạn, Bảng phân công công việc, Bảng theo dõi công việc và Phiếu giao việc của Công ty hoặc vi phạm Nội quy lao động thì Công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Người lao động. Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải trao đổi thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

Điều 10. Trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. (Điều 47 Bộ luật lao động 2012)

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Điều 11: Những biện pháp bảo đảm việc làm cho Người lao động

Công ty tìm kiếm các biện pháp để đẩy mạnh quá trình sản xuất, kinh doanh nguồn cung cấp nguyên liệu, Đồng thời, Công ty không ngừng đẩy mạnh và mở rộng tốc độ tiêu thị bằng các biện pháp thanh toán linh hoạt để tạo việc làm cho Người lao động.

Điều 12. Chính sách đào tạo và nâng lương

1. Công ty khuyến khích Người lao động tự nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ để hoàn thành tốt công việc được giao bằng cách trợ giúp một phần kinh phí và bố trí thời gian làm việc thuận lợi để Người lao động có thể hoàn tất chương trình đào tạo.

2. Ngoài các chính sách đào tạo quy định tại Khoản 1 Điều này, Công ty sẽ áp dụng chính sách đào tạo và nâng cao tay nghề theo quy định tại Chính sách nhân sự và quy chế đào tạo của Công ty.

3. Công ty tổ chức nâng lương ......................................................................................................

(trình bày rõ chính sách tăng lương của công ty. Ví dụ: Công ty tổ chức nâng lương định kỳ mỗi năm 02 lần đối với nhân viên: 18 tháng một lần đối với chức vụ quản lý. Một lần được xét nâng một bậc lương.)

4. Nâng lương đặc cách đối với những NV có đóng góp tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao và lợi ích cho Công ty. Việc đặc cách nâng lương sẽ được thực hiện theo Quyết định của     .

Điều 13. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc

Việc trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể Người lao động có thể được xem xét hỗ trợ thêm một khoản phụ cấp do Công ty quyết định.

(Tham khảo Điều 48, 49 Bộ luật lao động 2012)

Điều 14. Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ chính sách đối với Người lao động

Ban chấp hành Công đoàn Cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ chính sách đối với Người lao động tại Công ty và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật lao động.

Chương III

THỜI GIAN LÀM VIỆC, THỜI GIAN NGHỈ NGƠI

Điều 15. Thời gian làm việc: (tham khảo Điều 104 Bộ luật lao động 2012)

1. Thời gian làm việc chính thức của Công ty trong ngày là: ........................................................

(trình bày rõ thời gian làm việc trong một ngày và ngày làm việc trong một tuần. Ví dụ: 08 giờ/một ngày. Một tuần làm việc 6 ngày. Tổng số giờ làm việc trong tuần là: 48 giờ/một tuần.)

2. Giờ làm việc hành chính của nhân viên Khối văn phòng được quy định như sau:

a. Buổi sáng từ: .........................................................

b. Buồi chiều từ:........................................................

3. Quy định cụ thể về giờ làm việc của Người lao động sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

4. Quy định về giờ làm việc chính sách trên đây không áp dụng đối với những vị trí công việc mà thời gian làm việc theo ca hoặc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động là không quy định thời gian làm việc chính thức hoặc không làm việc theo giờ hành chính.

Điều 16. Thời giờ nghỉ ngơi của Người lao động (tham khảo Điều 110 Bộ luật lao động 2012)

1. Hàng tuần, Người lao động được nghỉ ít nhất một ngày.

2. Tùy theo đặc điểm, yêu cầu công việc mà Công ty có thể bổ trí ngày nghỉ của nhân viên vào ngày chủ nhật hoặc một ngày khác trong tuần.

3. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu của công tác Người lao động không thể nghỉ hàng tuần thì Công ty sẽ bố trí cho Người lao động phải được nghỉ bình quân một tháng ít nhất là 04 ngày.

Điều 17. Những ngày nghỉ trong năm

1. Nghỉ phép năm:

a. Người lao động có thời gian làm việc 12 tháng liên tục tại Công ty thì được nghỉ phép hàng năm hưởng nguyên lương 12 ngày làm việc;

b. Người lao động có thời gian làm việc liên tục tại Công ty dưới 12 tháng thì số ngày nghỉ phép năm được tính theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc thực tế làm việc. Tuy nhiên, trường hợp Người lao động trong thời gian thử việc thì không được hưởng ngày phép năm;

c. Số ngày nghỉ phép hàng năm sẽ được tăng theo thâm niên làm việc tại Công ty, cứ 5 ngày làm việc tại Công ty sẽ được cộng thêm 1 ngày phép được hưởng nguyên lương;

d. Người lao động có nhu cầu nghỉ phép năm phải làm đơn xin phép năm (theo quy trình quản lý nhân sự của Công ty) và chỉ được nghỉ phép khi được người có thẩm quyền ký duyệt.

e. Công ty có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn và phải thông báo trước cho Người lao động biết;

f. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm thì được trả lương những ngày chưa nghỉ. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

(Tham khảo Điều 114 Bộ luật lao động 2012 và Khoản 3, Khoản 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

2. Nghỉ lễ, tết: (Tham khảo Điều 115 Bộ luật lao động 2012)

a. Người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết như sau:

- Tết Dương lịch: 01 ngày (01/ 01 dương lịch);

- Tết âm lịch: 05 ngày; (do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch.)

- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (30/4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (1/5 dương lịch);

- Ngày Quốc khánh: 01 ngày (02/9 dương lịch);

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (10/3 âm lịch).

b. Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo;

c. Trong trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh Công ty được điều động, phân công Người lao động làm việc trong những ngày nghỉ lễ, tết thì Công ty sẽ đảm bảo cho Người lao động được nghỉ bù trong thời gian thích hợp.

3. Những lao động được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây:

a. Người lao động kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b. Con của Người lao động kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c. Bố, mẹ (bên chồng hoặc bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết: nghỉ 03 ngày.

4. Nghỉ việc riêng không hưởng lương:

Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. (Khoản 2 Điều 116 Bộ luật lao động 2012)

Ngoài ra, người lao động có thể được nghỉ không hưởng lương nhưng phải được sự đồng ý của Người sử dụng lao động (hoặc người được ủy quyền), quy trình nghỉ không hưởng lương theo quy định về quản lý nhân sự của Công ty. Thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa là .........................................................  tháng. Các trường hợp được nghỉ việc không hưởng lương:

a. Người thân trong gia đình Người lao động bị bệnh không có người chăm sóc;

b. Người lao động có con nhỏ dưới 6 tháng không có người trông coi;

c. Người lao động xét thấy bản thân cần được đào tạo thêm để nâng cao tay nghề, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cần thiết cho công việc mà Người lao động đang đảm trách;

d. Các trường hợp khác nếu có lý do chính đáng và được chấp thuận bởi cấp có thẩm quyền quy định trong quy trình quản lý nhân sự của Công ty.

Chương IV

MỘT SỐ QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ

Điều 18: Quyền bình đẳng làm việc của lao động nữ:

1. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm đối với lao động nữ trong Công ty.

2. Công ty có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần. (Tham khảo Điều 5 Nghị định 85/2015/NĐ-CP)

3. Công ty không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với Người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp lao động nữ đó không đảm đương được công việc, bị sa thải, hết thời hạn hợp đồng lao động hoặc Công ty chấm dứt hoạt động.

4. Người lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không phải bồi thường thiệt hại HĐLĐ nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Trong trường hợp này, thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Điều 19. Một số ưu tiên đối với lao động nữ (Tham khảo Điều 155 Bộ luật lao động 2012)

1. Không sử dụng lao động nữ đang có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.

2. Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. (Tham khảo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP)

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

Điều 20. Nghỉ thai sản (Tham khảo Điều 157 Bộ luật lao động 2012)

1. Nữ nhân viên được nghỉ trước và sau khi sinh con, với tổng thời gian cộng dồn không quá 06 tháng (tính cả ngày nghỉ hàng tuần và ngày lễ, tết). Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. (Tham khảo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

2. Người lao động (nam và nữ) được nghỉ hộ sản và hưởng các khoản trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4. Người lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản nếu:

a. Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

b. Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của Người lao động nữ;

c. Phải báo trước và được Người sử dụng lao động đồng ý.

5. Hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trường hợp được nghỉ thêm không hưởng lương, khi trở lại làm việc Người lao động nữ vẫn được đảm bảo chỗ làm việc.

Điều 21. Nghỉ sau thai sản

1. Trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, Người lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn hưởng đủ lương.

2. Nếu vẫn đi làm trong giờ được nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Người lao động nữ được hưởng lương khoán về giờ đi làm này và được cộng dồn để nghỉ một lần theo sự sắp xếp của Công ty. (Tham khảo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP)

Chương V

TIỀN LƯƠNG – PHỤ CẤP LƯƠNG – PHỤ PHÍ

Điều 22. Tiền lương và các hình thức trả lương

1. Tiền lương

a. Mức lương thấp nhất của Công ty áp dụng cho các đối tượng lao động phổ thông không dưới quy định của pháp luật về mức lương tối thiểu ( hiện nay .................................................  đồng/tháng) phù hợp với điều kiện ngành nghề sản xuất, kinh doanh; Nếu có sự thay đổi trong thời gian tới, thì mặc định mức lương thấp nhất của người lao động được căn cứ theo quy định mới của pháp luật. (Tham khảo Điều 91 Bộ luật lao động 2012)

b. Người sử dụng lao động và Người lao động thỏa thuận về mức thu nhập, tiền lương căn bản được thể hiện trong hợp đồng lao động.

Mức thu nhập này là bảo mật, Người lao động không tự ý cung cấp cho bất kỳ cơ quan, tổ chức và cá nhân nào khi chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền trong Công ty.

2. Các hình thức trả lương: (tham khảo Điều 94 Bộ luật lao động 2012)

a. Lương thời gian theo chức danh công việc;

b. Lương khoán theo công việc: áp dụng cho những công việc không thường xuyên mang tính chất thời vụ hoặc các công việc không ổn định về nhân sự, lao động;

3. Quy định khác:

a. Mức tiền lương của Người lao động phải được ghi vào hợp đồng lao động để làm cơ sở giải quyết các chế độ theo quy định của Nhà nước;

b. Căn cứ trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, khối lượng công việc và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty, tiền lương Người lao động được thể hiện trong Hợp đồng lao động và Bản thỏa thuận lương theo quy định của Công ty;

c. Tiền lương của Người lao động được thanh toán vào ngày...................... hàng tháng. (Tham khảo Điều 95 Bộ luật lao động 2012)

Điều 23. Quy định về làm thêm giờ và tiền lương làm thêm giờ (Tham khảo Điều 97 Bộ luật lao động 2012)

1. Công ty có thể yêu cầu Người lao động làm tăng thêm giờ so với số giờ làm việc chính thức đã quy định tại Điều 15 của Thỏa ước này nhưng phải đảm bảo tổng số giờ làm thêm không vượt quá 04 giờ trong một ngày hoăc 200 giờ trong một năm, trong các trường hợp sau:

a. Xử lý sự cố trong sản xuất, kinh doanh cần phải giải quyết khẩn cấp;

b. Theo yêu cầu cấp thiết của sản xuất, kinh doanh;

c. Do tính chất thời vụ của công việc;

d. Do thiếu hụt nhân sự, hoặc phải tạm thời thay thế công việc đảm trách ngoài chức năng, nhiệm vụ đã được giao trong thời gian ngắn;

e. Giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn;

f. Xử lý kịp thời các mặt hàng tươi sống, công trình xây dựng và sản phẩm do yêu cầu nghiêm ngặt của công nghệ không thể bỏ dở được;

g. Giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không thể đáp ứng đầy đủ, kịp thời được;

h. Người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với Người lao động điều động làm thêm giờ trong các trường hợp khắc phục hậu quả: bão lụt, hỏa hoạn, thiên tai, đảm bảo tiến độ kế hoạch và yêu cầu cấp thiết khác.

Trong một số trường hợp đặc biệt ( thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, …) do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.

(Tham khảo Điều 106 và 107 Bộ luật lao động 2012)

2. Thủ tục đăng ký làm việc ngoài giờ:

a. Phiếu đăng ký làm việc ngoài giờ phải được Trưởng bộ phận xác nhận, trình Tổng Giám đốc phê duyệt để xác định tính chất và mức độ yêu cầu công việc phải làm ngoài giờ;

b. Bảng chấm công công ngoài giờ phải được bảo vệ xác nhận, Trưởng bộ phận, đơn vị ký duyệt để làm cơ sở cho Phòng Nhân sự, Phòng kế toán tính lương.

3. Việc làm thêm giờ quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

a. Các chức danh thuộc cấp bậc quản lý của Công ty (Quản lý cấp cơ sở, quản lý cấp trung, quản lý cấp cao…)

b. Các trường hợp nhân viên được Công ty phân công trực luân phiên vào buổi trực tối hàng ngày, ngày nghỉ hàng tuần (chủ nhật), ngày lễ; tết;

c. Các vị trí công tác đã được xác định hưởng mức lương chuyên môn như: bảo vệ, lái xe, phụ xe, thủ kho, phụ kho, nhân viên làm việc theo ca;

d. Người lao động không thể hoàn thành công việc được giao do nguyên nhân chủ quan từ phía Người lao động;

e. Thời gian hội họp.

4. Trường hợp Người lao động làm thêm giờ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì được tính lương ngoài giờ theo công thức sau:

Lương làm thêm giờ

=

Lương cơ bản/tháng

x

Số ngày, giờ làm thêm thực tính

x

150% (ngày thường)

200% (ngày nghỉ hàng tuần)

300% (ngày lễ, tết)

Ngày công chế độ:8 giờ

Điều 24. Phụ cấp, phụ phí và trợ cấp Công ty áp dụng cho Người lao động

1. Phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ:

a. Trường hợp Người lao động kiêm nhiệm các chức vụ mà người được giao phải chịu trách nhiệm với công việc kiêm nhiệm thì được hưởng mức phụ cấp ....................................... % mức lương cơ bản của vị trí kiêm nhiệm.

b. Kiêm nhiệm đoàn thể:

- BCH Công đoàn được hưởng mức phụ cấp theo quy định của Công đoàn;

- Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn thanh niên được hưởng mức phụ cấp ...............  đồng/tháng.

- Phó Bí thư Chi bộ, Phó bí thư Chi đoàn thanh niên, được hưởng mức phụ cấp ..................  đồng/tháng.

2. Phụ cấp thâm niên công tác tại Công ty và ưu đãi khác:

a. Căn cứ vào thời gian công tác, tất cả NV được hưởng mức lương thâm niên tính từ ngày.........

cụ thể như sau:

- Từ trên 02 năm đến 03 năm: Được hưởng ....... % mức lương;

- Từ trên 03 năm đến 05 năm: Được hưởng ....... % mức lương;

- Từ trên 05 năm đến 10 năm: Được hưởng ....... % mức lương;

- Trên 10 năm: Được hưởng ....... % mức lương;

b. Chế độ phụ phí ưu đãi áp dụng dành cho các chuyên viên cấp cao đặc biệt có uy tín, có năng lực điều hành giỏi, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hoạch định chiến lược phát triển Công ty hoặc những NV nhiều kinh nghiệm, trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ do Công ty có nhu cầu mời về cộng tác sẽ do Chủ tịch Hội đồng quyết định từng trường hợp.

3. Phụ cấp lưu động:

a. Phụ công tác phí, di chuyển: Áp dụng trong trường hợp nhân viên đảm nhận các công việc thường xuyên đi công tác, phải di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác, khoản phụ phí này căn cứ vào sổ nhật ký công tác của nhân viên;

b. Trong trường hợp nhân viên được điều động đi công tác đột xuất, chi phí sẽ được tính theo quy định về công tác phí.

4. Phụ cấp điện thoại:

Tùy theo vị trí, điều kiện công tác và công việc đảm nhiệm mà một số nhân viên sẽ được phụ phí điện thoại hàng tháng.

5. Phụ cấp xăng:

Tùy theo vị trí, điều kiện công tác và công việc đảm nhiệm mà một số nhân viên sẽ chi phụ phí tiền xăng hàng tháng.

Các khoản phụ phí nêu trên được tính trả trong kỳ lương hàng tháng.

6. Phụ cấp tiền cơm trưa:

Nhân viên vào làm việc tại Công ty được phụ phí một suất cơm trưa căn cứ ngày công làm việc thực tế. Công ty sẽ không thanh toán tiền cơm trưa trong trường hợp nhân viên nghỉ phép, nghỉ việc riêng, nghỉ do ngừng việc.

Điều 25. Công khai tài chính và phân phối lợi nhuận

Người sử dụng lao động có trách nhiệm công khai một số khoản tài chính của Công ty trước đại diện tập thể Người lao động theo quy định của Công ty.

Chương VI

AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 26. Quy định chung về an toàn lao động và vệ sinh lao động

1. Công ty có trách nhiệm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho Người lao động. Người lao động phải tuân thủ các quy đinh về an toàn lao động, vệ sinh lao động và Nội quy lao động của Công ty. Thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy về phòng chống và chữa cháy nổ, thiên tai, bão lụt… tích cực tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.

2. Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, lưu giữ và tàng trữ các loại máy móc, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của Người lao động và môi trường xung quanh quy định của pháp luật và quy định của Công ty.

3. Đối với các loại thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động. Công ty phải khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về an toàn lao động và vệ sinh lao động.

4. Khi vận hành dây chuyền sản xuất, những người tham gia lao động, làm việc phải tuyệt đối chấp hành phương án vận hành đã đề ra. Tại nơi làm việc phải có quy định về quy chuẩn vận hành máy móc thiết bị, các tiêu lệnh về phòng cháy chữa cháy, các tiêu chuẩn về vệ sinh công nghiệp.

5. Đối với Người lao động làm việc theo ca sản xuất phải ghi chép đầy đủ tình hình giao ca trước và sau khi làm việc. Đối với nhân viên lái xe phải kiểm tra xe cẩn thận, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi đưa vào nơi đậu, đỗ, lưu thông theo quy định.

6. Người lao động phải tuân thủ đầy đủ các quy tắc về an toàn lao động chung và đặc thù riêng cho từng ngành nghề để đảm bảo tuyệt đối cho người và tài sản tại nơi làm việc .

7. Người lao động có trách nhiệm chấp hành đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ an ninh, công tác an toàn ký thuật, an toàn vệ sinh bảo hộ lao động và chấp hành lịch khám sức khỏe định kỳ. Người lao động làm việc ở các khu vực có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, an toàn kỹ thuật phải tuân thủ và thực hiện đúng những quy định đã đề ra.

8. Nghiêm cấm mang vũ khí, những vật dễ cháy, nổ, chất ô nhiễm vào nơi làm việc.

9. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực cấm của Công ty.

10. Người lao động không được hành động theo cách có thể gây hại đến sức khỏe về an toàn của khách hàng và đồng nghiệp.

11. Người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy. Những người được sự tham gia vào lực lượng PCCC của đơn vị phải tích cực học tập huấn luyện và có nghĩa vụ thực hiện thành thạo công tác PCCC khi xảy ra cháy nổ, tùy theo sự phân công phải tích cực chữa cháy, phải bảo vệ tính mạng con người và tài sản của Công ty.

12. Hết giờ làm việc, Người lao động ở các bộ phận công tác phải kiểm tra điện, nước, biện pháp phòng chống cháy nổ trước khi ra về.

13. Người lao động phải tuân thủ các thao tác kỹ thuật, quy trình công nghệ đã được phổ biến, không được tự ý thay đổi hoặc thực hiện sai làm ảnh hưởng đến quy trình, tiến độ thực hiện gây thiệt hại cho người và tài sản của Công ty.

14. Thường xuyên kiểm tra chế độ bảo dưỡng, chăm sóc theo lịch tu sửa, giữ gìn, sử dụng các thiết bị lao động, các phương tiên bảo hộ cá nhân theo quy định.

15. Nghiêm cấm việc phá hoại, xê dịch các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy hoặc sử dụng các phương tiện này sai mục đích.

16. Mọi Người lao động phải có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi làm việc cũng như vệ sinh chung của cơ quan đơn vị, bảo quản sạch sẽ máy móc thiết bị và nhà cửa nơi mình làm việc để đảm bảo tính sử dụng lâu dài của thiết bị và sự gọn gàng, ngăn nắp, mỹ quan chung của Công ty.

17. Người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ các nội quy, quy định về vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường. Không nấu ăn, xả rác, khạc nhổ và làm mất vệ sinh ở nơi làm việc.

Điều 27. Kiểm tra định kỳ an toàn lao động và vệ sinh lao động

1. Công ty kiểm tra định kỳ, tu sửa máy móc thiết bị, nhà làm việc, kho tàng theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.

2. Người sử dụng lao động phải có đủ phương tiện che chắn các bộ phận dễ gây nguy hiểm của máy móc thiết bị trong Công ty; nơi làm việc, nơi đặt máy, thiết bị, nơi có yếu tố nguy hiểm độc hại trong doanh nghiệp, phải bổ trí dự phòng sự cố, có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đặt ở vị trí mà mọi người dễ thấy, dễ đọc.

3. Trong trường hợp phát hiện nơi làm việc, máy móc, thiết bị có nguy cơ gây tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Người sử dụng lao động phải thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc phải ra lệnh ngưng hoạt động tại nơi làm việc đối với máy móc, thiết bị đó cho tới khi nguy cơ được khắc phục.

4. Người lao động phải báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề độc hại hoặc sự cố nguy hiểm. Tham gia tích cực trong việc cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động (nếu có) khi có lệnh của Người sử dụng lao động.

5. Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe cho mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người phụ trách các bộ phận, đơn vị không được buộc Người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.

6. Hàng năm, Công ty phải tổ chức học tập an toàn lao động cho tất cả các nhân viên. Nếu người lao động nào không học an toàn lao động thì không bố trí làm việc. Những người đã học và huấn luyện an toàn lao động phải được kiểm tra và phải được ký vào bản cam kết đã được học và qua huấn luyện về an toàn lao động. Trường hợp Người lao động không chấp hành nội quy an toàn lao động thì phải tự chịu trách nhiệm về tai nạn, thiệt hại xảy ra.

Điều 28. Chăm sóc sức khỏe bảo đảm vệ sinh y tế cho Người lao động

1. Đối với người làm việc có yếu tố nguy hiểm độc hại, dễ gây tai nạn lao động, Công ty trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế và trang bị bảo hộ lao động thích hợp để bảo đảm ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động.

2. Khi tuyển dụng và sắp xếp lao động, Công ty sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại công việc, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn thông báo cho Người lao động về những quy định, biện pháp làm việc, an toàn vệ sinh và những khả năng tai nạn cần đề phòng trong công việc của từng Người lao động. Người lao động ký hợp đồng lao động với thời hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được khám sức khỏe khi tuyển dụng và khám sức khỏe định ký hàng năm. Chi phí khám sức khỏe do Công ty chi trả.

3. Công ty có trách nhiệm tổ chức chăm lo sức khỏe cho Người lao động và phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho Người lao động khi cần thiết.

Điều 29. Xử lý tai nạn lao động

1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Công ty chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật. (Tham khảo Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP)

2. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động đúng theo quy định của pháp luật; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động. (Tham khảo Khoản 4, Khoản 5 Điều 152 Bộ luật lao động 2012)

3. Công ty chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thân thể về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng lương và các khoản thu nhập khác trong thời gian điều trị theo quy định tại Thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật.

4. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được Công ty bồi thường với mức như sau:

a. Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b. Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

5. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này.

(Tham khảo Điều 145 Bộ luật lao động 2012)

6. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. (Tham khảo Điều 142 Bộ luật lao động 2012 và Điều 13 Nghị định 45/2013/NĐ-CP)

Chương VII

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM

Điều 30. Các quy định về thuế thu nhập cá nhân

1. Nhân viên phải chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về thuế thu nhập cá nhân.

2. Hàng tháng, Công ty lập Bảng lương để Người lao động nhận lương, đồng thời để làm cơ sở nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Điều 31. Các chế độ bảo hiểm

1. Các chế độ BHXH:

a. Các chế độ bảo hiểm được áp dụng đối với Người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên.

b. Hàng tháng, Công ty có trách nhiệm trích tiền lương Người lao động để nộp nghĩa vụ về BHXH – BHYT – BHTN của Người lao động theo quy định hiện hành.

2. Bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:

a. Người sử dụng lao động: đóng 18% mức tiền lương tháng;

b. Người lao động: đóng 8% mức tiền lương tháng;

3. Bảo hiểm y tế được thực hiện như sau:

a. Người sử dụng lao động: đóng 3 % mức tiền lương tháng;

b. Người lao động: đóng 1,5 % mức tiền lương tháng;

4. Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như sau:

a. Người sử dụng lao động: đóng 1 % mức tiền lương tháng;

b. Người lao động: đóng 1 % mức tiền lương tháng;

5. Người sử dụng lao động và Người lao động bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành và các khoản quy định khác đúng thời hạn.

Điều 32. Quy định về trợ cấp thăm hỏi, hiếu hỷ, ốm đau

1. Trợ cấp và thăm hỏi chia buồn mai táng:

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

2. Trợ cấp hiếu hỉ, tân hôn:

Mừng đám cưới NV trong Công ty là ................ đồng/người và Công đoàn tặng một món quà không quá đồng/01 suất. Nếu hai vợ chồng cưới nhau đều là CBCNV trong Công ty thì tiền mừng đám cưới là          đồng/1 đôi vợ chồng. Đối với các trường hợp này, nếu Người lao động có khó khăn về kinh tế thì:

a. Đối với Người lao động đang làm việc với Hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì

b. Đối với Người lao động đang làm việc với Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì

.....................................................................................................................................................

3. Trợ cấp về các ngày lễ và sinh nhật:

a. Đối với các ngày lễ như giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch), ngày Chiến thắng (30/4), ngày Quốc tế lao động (ngày 01/5), ngày Quốc khánh (ngày 2/9), tết dương lịch (01/01) và tết Nguyên Đán ...........

b. Đối với các ngày lễ Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 thì

c. Đối với ngày sinh nhật của NV.....................................................................................................

4. Trợ cấp ốm đau, thai sản:

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

5. Các quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này chỉ được áp dụng đối với nhân viên đã ký hợp đồng lao động chính thức với Công ty.

Chương VIII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 33. Khen thưởng

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

Điều 34. Kỷ luật

...........................................................................................................................................................

...........................................................................................................................................................

Chương IX

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Điều 35. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp lao động thì Người sử dụng lao động và Người lao động thống nhất nguyên tắc xử lý sau:

1. Hai bên gặp nhau bàn bạc, thương lượng, hòa giải trực tiếp để tự dàn xếp tại nơi phát sinh tranh chấp và thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

2. Việc giải quyết tranh chấp lao động được tiến hành công khai và khách quan, giải quyết kịp thời, nhanh chóng đúng theo Thỏa ước này và đúng pháp luật.

3. Khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động nhất thiết phải có sự tham gia của Công đoàn và đại diện Người sử dụng lao động.

4. Nếu hòa giải không thành thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu giải quyếtt tranh chấp lao động cá nhân hay tập thể theo đúng quy định của pháp luật.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 36. Cam kết của Người sử dụng lao động

1. Bản Thỏa ước lao động tập thể này là văn bản pháp lý của Công ty làm cơ sở để giải quyết các quan hệ lao động phát sinh trong Công ty, đồng thời để ký kết hợp đồng lao động cá nhân.

2. Trong thời hạn thi hành Thỏa ước lao động tập thể này, Người sử dụng lao động cam kết thực hiện đúng các điều thuộc về trách nhiệm của mình đã ký trong Thỏa ước lao động tập thể.

Điều 37. Cam kết của Người lao động

1. Đại diện tập thể Người lao động cam kết động viên, giám sát Người lao động thực hiện nghiêm túc các điều thuộc về trách nhiệm của Người lao động đã được ghi trong Thỏa ước lao động tập thể.

2. Ngoài những nội dung đã được ký kết trong Thỏa ước lao động tập thể này, Người sử dụng lao động và đại diện tập thể Người lao động cam kết thực hiện đúng những nội dung văn bản pháp luật lao động do Nhà nước ban hành.

Điều 38. Điều khoản chung

1. Hợp đồng lao đồng đã được ký trước khi ban hành Thỏa ước lao động tập thể này nếu có điều gì trái với những nội dung của Thỏa ước này phải được ký lại. Nếu không ký lại thì những điều khoản của Thỏa ước lao động tập thể này đương nhiên có hiệu lực thực hiện cho các hợp đồng lao động đó.

2. Bãi bỏ các quy định trước đây của nội bộ trái với bản Thỏa ước lao động tập thể này.

3. Thỏa ước lao động tập thể này được lập thành........... bản và gửi đăng ký tại Sở Lao động Thương Binh Xã hội ................................................................................... (Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp – Tham khảo Điều 75 Bộ luật lao động 2012)

Thỏa ước có giá trị kể từ khi hai bên ký kết.

Thỏa ước lao động tập thể này ký kết tại: trụ sở [tdn]

TM. BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN

CHỦ TỊCH

(Ký và ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT

CỦA DOANH NGHIỆP

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

(Lưu ý: Người ký kết thoả ước lao động tập thể doanh nghiệp:

+ Bên tập thể lao động là đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

+ Bên người sử dụng lao động là người sử dụng lao động hoặc người đại diện của người sử dụng lao động.)

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem biểu mẫu. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

THỦ TỤC PHÁP LÝ SỬ DỤNG BIỂU MẪU NÀY

BIỂU MẪU LIÊN QUAN