Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNNPTNT 2021 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

thuộc tính Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNNPTNT

Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BNNPTNT năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hợp nhất Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn
Số hiệu:01/VBHN-BNNPTNT
Ngày ký xác thực:16/11/2021
Loại văn bản:Văn bản hợp nhất
Cơ quan hợp nhất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Người ký:Phùng Đức Tiến
Số công báo:Đang cập nhật
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết


 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________

 

THÔNG TƯ

Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn
__________________

Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 02 năm 2020.

2. Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 9 năm 2021.

Căn cứ Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn[1].

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật thú y về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, bao gồm:

a) Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh;

b) Quy định các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch;

c) Quy định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh động vật;

đ) Xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

e) Điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh

1. Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch theo quy định tại mục 1 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người theo quy định tại mục 2 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định tại mục 3 của Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II. QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN

Điều 3. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn

1. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn bao gồm:

a) Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phòng bệnh bắt buộc cho động vật bằng vắc-xin được thực hiện đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định tại mục 1 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này;

Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn và hướng dẫn phòng bệnh bằng vắc-xin đối với từng bệnh tại các Phụ lục 09, 10, 12, 13, 15, 16, 21 và 22 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh động vật cụ thể quy định tại mục 1.1 của Phụ lục 07 cho phù hợp với điều kiện của địa phương và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng theo mẫu quy định tại mục 3 của Phụ lục 07.

2. Các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người theo quy định tại mục 2 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này. Căn cứ bệnh động vật quy định tại mục 2.1 của Phụ lục 07 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này, việc giám sát định kỳ được thực hiện như sau:

a) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa do địa phương quản lý;

b) Cục Thú y tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa có vốn đầu tư nước ngoài hoặc do Trung ương quản lý.

Điều 4. Yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi tập trung

1. Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung phải tuân thủ yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật để phòng bệnh cho động vật.

2. Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, nếu có kết quả âm tính đối với bệnh quy định tại mục 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này thì không phải thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh đó.

Điều 5. Điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch

1. Cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi đã tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, nếu có nhu cầu vận chuyển động vật mẫn cảm với bệnh được công bố dịch và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính đối với mầm bệnh của bệnh được công bố dịch;

b) Được vận chuyển bằng phương tiện đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01 - 100: 2012/BNNPTNT: Yêu cầu chung về vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế;

c) Phương tiện vận chuyển động vật, chứa đựng sản phẩm động vật phải được niêm phong, kẹp chì theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm; vệ sinh, khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch.

3. Việc kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật quy định tại Điều này phải bảo đảm về hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 6. Quy định việc sử dụng thuốc thú y chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

1. Trong trường hợp có dịch bệnh đối với các bệnh động vật quy định tại Điều 2 Thông tư này hoặc bệnh truyền nhiễm mới mà trong nước chưa sẵn có thuốc thú y phù hợp để phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp.

2. Việc nhập khẩu thuốc thú y quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Việc sử dụng thuốc thú y quy định tại khoản 1 Điều này để phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc hoặc chỉ định của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Điều 7. Khai báo và báo cáo dịch bệnh động vật

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật thú y bao gồm các thông tin sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân khai báo;

b) Địa điểm, thời gian phát hiện dịch bệnh động vật;

c) Loại động vật;

d) Số lượng động vật;

đ) Mô tả dấu hiệu bệnh.

2. Việc báo cáo dịch bệnh động vật được thực hiện như sau:

a) Ở cấp xã: Nhân viên thú y cấp xã có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện;

b) Ở cấp huyện: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho UBND cấp huyện và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;

c) Ở cấp tỉnh: Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Thú y vùng, Cục Thú y;

d) Ở cấp trung ương: Cục Thú y có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các quốc gia mà Việt Nam cam kết thực hiện báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật;

đ) Trong trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b và c khoản này được phép báo cáo vượt cấp lên chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp cao hơn;

e) Trường hợp xuất hiện dịch bệnh động vật thuộc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y còn phải thực hiện việc báo cáo dịch bệnh động vật cho cơ quan y tế cùng cấp có liên quan theo các quy định hiện hành;

g) Việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin và báo cáo dịch bệnh động vật quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e của khoản này phải được thực hiện trong vòng 24 giờ đối với vùng đồng bằng, trung du và 72 giờ đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kể từ khi nhận được thông tin khai báo dịch bệnh động vật từ các cá nhân, tổ chức có liên quan.

3. Trường hợp nghi ngờ xuất hiện bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này, nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện ngay việc báo cáo ổ dịch bệnh động vật bao gồm các nội dung sau đây:

a) Về địa điểm nơi động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh: Tên chủ vật nuôi hoặc địa điểm nơi phát hiện động vật (địa chỉ cụ thể đến thôn, ấp, bản hoặc số nhà); số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có động vật mắc bệnh; số lượng thôn, ấp, bản có động vật mắc bệnh;

b) Thời gian động vật bắt đầu có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc chết; diễn biến tình hình bệnh theo ngày;

c) Thông tin liên quan đến động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh: Loại động vật; nguồn gốc của động vật; tổng đàn động vật cảm nhiễm; số lượng từng loại động vật bị mắc bệnh, chết, tiêu hủy; triệu chứng, bệnh tích của động vật mắc bệnh; loại thuốc điều trị, vắc-xin, chế phẩm sinh học đã sử dụng và thời gian sử dụng; số động vật được điều trị, được sử dụng vắc-xin, số động vật khỏi bệnh;

d) Tác nhân gây bệnh (nếu biết), nguồn bệnh đang nghi ngờ hoặc đã được xác định, kết quả các chương trình giám sát bị động và giám sát chủ động đối với bệnh (nếu có);

đ) Nhận định tình hình, các biện pháp đã triển khai, các biện pháp sẽ áp dụng, đề xuất, kiến nghị.

4. Báo cáo cập nhật ổ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo cập nhật ổ dịch được áp dụng trong trường hợp dịch bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

b) Báo cáo cập nhật ổ dịch được nhân viên thú y cấp xã và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện vào trước 16 giờ hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt dịch, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần;

c) Biểu mẫu báo cáo cập nhật ổ dịch theo quy định tại mục 1 Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Báo cáo điều tra ổ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo điều tra ổ dịch được áp dụng trong trường hợp dịch bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

b) Báo cáo điều tra ổ dịch được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện trong vòng 07 ngày kể từ khi ổ dịch được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác nhận;

c) Nội dung của báo cáo điều tra ổ dịch được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.

6. Báo cáo kết thúc ổ dịch bệnh động vật được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương thực hiện trong vòng 07 ngày kể từ khi kết thúc ổ dịch theo quy định của pháp luật.

7. Báo cáo định kỳ dịch bệnh động vật

a) Báo cáo tháng được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện bằng hình thức báo cáo văn bản và qua thư điện tử, bao gồm các thông tin về dịch bệnh động vật được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng;

b) Báo cáo quý, 6 tháng và báo cáo năm được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổng hợp, báo cáo thông tin về dịch bệnh động vật trong kỳ báo cáo;

c) Báo cáo định kỳ được thực hiện trong tuần đầu tiên của kỳ báo cáo tiếp theo;

d) Nội dung báo cáo định kỳ được thực hiện theo biểu mẫu quy định tại mục 2 Phụ lục 03 của Thông tư này.

8. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y phải tổ chức lưu trữ, bảo mật thông tin dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý bằng văn bản và cơ sở dữ liệu máy tính theo các quy định hiện hành.

Điều 8. Chẩn đoán bệnh động vật

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm phải tuân thủ theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01 - 83: 2011/BNNPTNT được ban hành theo Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Mẫu bệnh phẩm phải bảo đảm chất lượng cho việc thực hiện xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh và phải được gửi kèm theo phiếu gửi bệnh phẩm xét nghiệm đến phòng thử nghiệm được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Mẫu phiếu gửi bệnh phẩm xét nghiệm theo quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thực hiện theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia về quy trình chẩn đoán bệnh động vật, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật thú y, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Luật bảo vệ môi trường.

4. Phòng thử nghiệm phải tổ chức chẩn đoán, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngay sau khi nhận được mẫu và trả lời kết quả theo Mẫu phiếu trả lời kết quả xét nghiệm theo quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp chưa thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm hoặc chưa xác định được bệnh, phòng thử nghiệm phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân gửi mẫu bệnh phẩm và nêu rõ lý do.

5. Các phòng thử nghiệm chịu trách nhiệm báo cáo ngay kết quả xét nghiệm cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

6. Cục Thú y hướng dẫn việc lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm trong trường hợp xuất hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.

Điều 9. Điều tra ổ dịch

1. Nguyên tắc điều tra ổ dịch

a) Điều tra ổ dịch được thực hiện đối với các trường hợp nghi ngờ có ổ dịch bệnh động vật quy định tại Điều 2 của Thông tư này và phải được tiến hành trong vòng 24 giờ đối với vùng đồng bằng hoặc 72 giờ đối vùng sâu, vùng xa kể từ khi nhận được thông tin về ổ dịch;

b) Trước khi điều tra tại ổ dịch phải thu thập đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ, trang thiết bị, hóa chất cần thiết cho điều tra ổ dịch; chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu, bảo hộ cá nhân; các quy định hiện hành về phòng chống dịch bệnh; nguồn lực, tài chính cần thiết; biểu mẫu, dụng cụ thu thập thông tin;

c) Thông tin về ổ dịch phải được thu thập chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời.

2. Nội dung điều tra ổ dịch

a) Thu thập thông tin ban đầu ở thời điểm trước và trong thời gian xảy ra ổ dịch, xác định các đặc điểm dịch tễ cơ bản và sự tồn tại của ổ dịch; truy xuất nguồn gốc ổ dịch;

b) Cập nhật thông tin về ổ dịch, bao gồm: kiểm tra, đối chiếu với những thông tin được báo cáo trước đó; kiểm tra lâm sàng, số lượng, loài, lứa tuổi, ngày phát hiện động vật mắc bệnh, xác định ca bệnh đầu tiên; số lượng động vật mắc bệnh; thuốc thú y, vắc-xin, hóa chất đã được sử dụng; xác định các yếu tố nguy cơ có liên quan;

c) Mô tả diễn biến của ổ dịch theo thời gian, địa điểm, động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; đánh giá về nguyên nhân ổ dịch;

d) Đề xuất tiến hành nghiên cứu các yếu tố nguy cơ;

đ) Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định ổ dịch, xác định dịch bệnh, phương thức lây lan;

e) Báo cáo kết quả điều tra ổ dịch, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.

3. Trách nhiệm điều tra ổ dịch

a) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện khi nhận được thông báo có động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thực hiện điều tra ổ dịch bệnh trên động vật;

b) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ điều tra ổ dịch đối với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện;

c) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện điều tra ổ dịch trên địa bàn quản lý;

d) Đối với dịch bệnh động vật có diễn biến phức tạp, xuất hiện yếu tố dịch tễ mới, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đề nghị Cơ quan Thú y vùng, Cục Thú y hỗ trợ công tác điều tra ổ dịch tại địa phương.

Điều 10. Xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm

1. Việc áp dụng các biện pháp tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc phụ thuộc vào từng loại bệnh động vật được quy định chi tiết tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, bao gồm:

a) Bệnh Cúm gia cầm (áp dụng đối với thể độc lực cao hoặc chủng vi rút có khả năng truyền lây bệnh cho người) theo quy định tại Phụ lục 09;

b) Bệnh Lở mồm long móng theo quy định tại Phụ lục 10;

c) Bệnh Tai xanh ở lợn theo quy định tại Phụ lục 11;

d) Bệnh Nhiệt thán theo quy định tại Phụ lục 12;

đ) Bệnh Dịch tả lợn theo quy định tại Phụ lục 13;

e) Bệnh Xoắn khuẩn theo quy định tại Phụ lục 14;

g) Bệnh Dại động vật theo quy định tại Phụ lục 15;

h) Bệnh Niu-cát-xơn theo quy định tại Phụ lục 16;

i) Bệnh Liên cầu khuẩn lợn (típ 2) theo quy định tại Phụ lục 17;

k) Bệnh Giun xoắn theo quy định tại Phụ lục 18;

l) Bệnh Lao bò theo quy định tại Phụ lục 19;

m) Bệnh Sảy thai truyền nhiễm theo quy định tại Phụ lục 20;

n)[2] Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi;

Việc phòng, chống, áp dụng các biện pháp xử lý bắt buộc đối với lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Cục Thú y.

o)[3] Bệnh Viêm da nổi cục.

Việc phòng, chống, giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm và áp dụng các biện pháp xử lý bắt buộc đối với gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Cục Thú y.

2. Đối với động vật, sản phẩm động vật mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định các biện pháp xử lý bắt buộc.

3. Các biện pháp kỹ thuật trong tiêu hủy, giết mổ động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, tiêu hủy sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 06 và hướng dẫn tại các Phụ lục 09, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21 và 22 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật

Việc công bố hết dịch bệnh động vật bao gồm các điều kiện sau đây:

1. Trong thời gian 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy, giết mổ bắt buộc hoặc lành bệnh mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh động vật đã công bố.

2. Đã phòng bệnh bằng vắc-xin cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch được công bố đạt tỷ lệ trên 90% số động vật trong diện tiêm trong vùng có dịch và trên 80% số động vật trong diện tiêm trong vùng bị dịch uy hiếp hoặc đã áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật mẫn cảm với bệnh trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

3. Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong khoảng thời gian quy định tại khoản 1 Điều này đối với vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo hướng dẫn tại mục 5 của Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này, bảo đảm đạt yêu cầu vệ sinh thú y.

4. Có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh động vật của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương và văn bản chấp thuận công bố hết dịch gửi kèm theo biên bản thẩm định điều kiện công bố hết dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trên.

Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN [4]

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Thú y

1. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển khai các quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan khác về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

2. Xem xét, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung bệnh động vật vào danh mục quy định tại Điều 2 của Thông tư này khi có các bệnh nguy hiểm khác ở động vật mới xuất hiện.

3. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc nhập khẩu, sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam và hướng dẫn sử dụng thuốc thú y để chống dịch khẩn cấp.

4. Hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các biểu mẫu báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn.

5.[5] Hướng dẫn hoặc trình Bộ ban hành hướng dẫn về chẩn đoán, xét nghiệm, các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới; giám sát bệnh định kỳ.

6. Tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

7. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư này cho phù hợp.

8. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương

1. Căn cứ quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của Cục Thú y để tổ chức thực hiện; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện.

2. Xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi trên địa bàn theo quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

3. Tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn về các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Điều 14. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thú y căn cứ các quy định tại Thông tư này và các Phụ lục ban hành kèm theo để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cho phù hợp.

2. Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho động vật nuôi trên địa bàn, an toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Chấp hành sự kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2016.

2. Thông tư này thay thế các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

a) Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc-xin cho gia súc, gia cầm;

b) Quyết định số 64/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục các bệnh phải công bố dịch; các bệnh nguy hiểm của động vật; các bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc;

c) Thông tư số 69/2005/TT-BNN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm (H5N1) ở gia cầm;

d) Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc;

đ) Quyết định số 67/2006/QĐ-BNN ngày 12/9/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc;

e) Quyết định số 05/2007/QĐ-BNN ngày 22/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 về việc Ban hành quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc;

g) Quyết định số 1037/QĐ-BNN-TY ngày 13/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn vào Danh mục các bệnh phải công bố dịch;

h) Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15/7/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định phòng, chống Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS);

i) Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật;

k) Thông tư số 04/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn;

l) Thông tư số 05/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Niu-cát-xơn ở gia cầm;

m) Thông tư số 53/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định về báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn;

n) Thông tư số 44/2014/TT-BNNPTNT ngày 01/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định các bệnh phải kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
________

Số: 01/VBHN-BNNPTNT

Nơi nhận: 
- Văn phòng Chính phủ (để đăng công báo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNTT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Vụ Pháp chế (để biết);
- Lưu: VT, Cục Thú y. 
 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT


Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2021

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Phùng Đức Tiến

 

[1] Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục thú y,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.”

[2] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 02 năm 2020.

[3] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 9 năm 2021.

[4] Điều 2, Điều 3 Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 02 năm 2020, quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 02 năm 2020.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.”

Điều 2, Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 9 năm 2021, quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 9 năm 2021.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.”

[5] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 02 năm 2020.

Văn bản này có phụ lục đính kèm. Tải về để xem toàn bộ nội dung.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản tiếng Anh đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất