Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11200:2016 Thức ăn chăn nuôi-Xác định độ ẩm bằng phương pháp chuẩn độ Karl Fischer
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11200:2016
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11200:2016 Thức ăn chăn nuôi-Xác định độ ẩm bằng phương pháp chuẩn độ Karl Fischer
Số hiệu: | TCVN 11200:2016 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày ban hành: | 08/06/2016 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11200:2016
THỨC ĂN CHĂN NUÔI - XÁC ĐỊNH ĐỘ ẨM BẰNG PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ KARL FISCHER
Animal feeding stuffs - Determination of moisture content by karl fischer titration method
Lời nói đầu
TCVN 11200:2016 được xây dựng dựa theo AOAC 2001.12 Determination of Water/Dry Matter (Moisture) in Animal Feed, Grain, and Porage (Plant Tissue). Karl Pischer Titration Methods;
TCVN 11200:2016 do Viện Chăn nuôi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THỨC ĂN CHĂN NUÔI - XÁC ĐỊNH ĐỘ ẨM BẰNG PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ KARL FISCHER
Animal feeding stuffs - Determination of moisture content by karl fischer titration method
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp chuẩn độ Karl Fischer để xác định độ ẩm trong khoảng từ 1% đến 15% có trong thức ăn chăn nuôi và thức ăn thô.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho thức ăn hỗn hợp khoáng.
Giới hạn phát hiện (LOD) của phương pháp ước tính là 0,25% và giới hạn định lượng (LOQ) ước tính là 0,8% đối với các phần mẫu thử 500 mg. Đối với phần mẫu thử 1 g thì LOD ước tính là 0,12% và LOQ ước tính là 0,4%.
Các kết quả của phép thử liên phòng thử nghiệm được nêu trong Phụ lục B.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi (nếu có).
TCVN 6952 (ISO 9498) Thức ăn chăn nuôi - Chuẩn bị mẫu thử.
3 Nguyên tắc
Phương pháp I, nước được chiết trực tiếp từ mẫu thử, sau đó bổ sung hỗn hợp metanol-formamid (tỷ lệ thể tích 1 : 1) vào bình chuẩn độ Karl Fischer với đồng hóa tốc độ cao. Sau đó, tiến hành chuẩn độ nước ở 50 °C bằng thuốc thử Karl Fischer một thành phần trên nền imidazol.
CHÚ THÍCH: Hàm lượng formamid không được vượt quá 50% để duy trì các điều kiện phản ứng.
Phương pháp II, tiến hành theo phương pháp 1 nhưng sử dụng metanol sôi thay cho hỗn hợp metanol-formamid ở nhiệt độ cao hơn 66 °C mà không đồng hóa ở tốc độ cao.
Bình chuẩn độ phải kín hoàn toàn.
Các phương pháp này dùng cho mẫu thử nghiệm khô được cân và cho trực tiếp vào bình chuẩn độ để giảm thiểu việc hấp thụ ẩm từ không khí môi trường. Các phản ứng như sau:
CH3OH + SO2 + RN = [RNH] SO3CH3
Trong đó: RN tà imidazol.
HO + l2 + [RNH] SO3CH3 + 2 RN = [RNH] SO4CH3 + 2 [RNH]
Imidazol được sử dụng làm bazơ để trung hòa axit và đệm cho hệ thống chuẩn độ.
4 Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu
4.1 Lấy mẫu
Việc lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này, nên lấy mẫu theo TCVN 4325 (ISO 6497) Thức ăn chăn nuôi - Lấy mẫu.
4.2 Chuẩn bị mẫu
Chuẩn bị mẫu thử theo TCVN 6952 (ISO 9498).
5 Phương pháp I: Chiết bằng hỗn hợp metanol-formamid
5.1 Thuốc thử
5.1.1 Thuốc thử Karl Fischer
Thuốc thử Karl Fischer một thành phần, trên nền imidazol, với độ chuẩn khoảng 5 mg H2O/ml thuốc thử, ví dụ: HYDRANAL®-Composite 5 (Riedel-de Haën 34.805, Sigma Aldrich, St Louis, MO)1) hoặc loại tương đương.
LƯU Ý: HYDRANAL®-Composite 5 chứa năm thành phần độc hại, gồm iot, lưu huỳnh dioxit, imidazol, dietylen glycol monoetyl ete và axit clohydric, phải cẩn trọng khi thao tác.
5.1.2 Metanol khan, để xác định độ ẩm, có hàm lượng nước không lớn hơn 0,05%.
5.1.3 Formamid
5.1.4 Dung môi
Hỗn hợp metanol-formamid (tỷ lệ thể tích 1:1). Chuẩn bị mới trong ngày sử dụng.
5.1.5 Natri tartrat ngậm hai phân tử nước (Na2C4H4O6.2H2O)
Natri tartrat ngậm hai phân tử nước, chất chuẩn sơ cấp (có hàm lượng nước, 15,66% ± 0,05%).
5.1.6 Chất chuẩn nước, đã được chứng nhận, có hàm lượng nước 10 mg/g
5.2 Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ của phòng thử nghiệm thông thường và cụ thể như sau:
5.2.1 Hệ thống đồng hóa chuẩn độ Karl Flscher, ví dụ loại Metrohm 720 KFS Titrino2), có bình chuẩn độ hai vỏ LP (dung tích từ 50 ml đến 150 ml), buret 10 ml “ngắt đóng nhanh” (snap-in), giá chuẩn độ 703 với máy bơm có hẹn giờ (Titrino-Polytron), hoặc loại tương đương.
5.2.2 Nồi cách thủy tuần hoàn nước, có thể duy trì ở nhiệt độ 50 °C ± 1 °C.
5.2.3 Bộ đồng hóa, ví dụ bộ đồng hóa Brinkmann Polytron3) có bộ điều chỉnh giảm tạo bọt PTA 20TSM, bộ điều chỉnh được lắp vào bình chuẩn độ và được chỉnh đến khoảng 2,5 cm trên đáy của bình chuẩn độ. Cài đặt để có tốc độ đồng hóa 24 000 r/min.
5.2.4 Thìa cân thủy tinh, để đưa mẫu thử vào bình chuẩn độ (loại Brinkmann hoặc loại tương đương).
5.2.5 Bộ khuấy từ
5.2.6 Tủ sấy, duy trì được nhiệt độ ở 103 °C ± 2 °C
5.3 Cách tiến hành
5.3.1 Làm khô hoặc ổn định bình chuẩn độ
Phân phối đủ dung môi metanol-formamid vào bình chuẩn độ của hệ thống đồng hóa-chuẩn độ Karl Fischer (5.2.1) để làm ngập phần trên cùng của bộ đồng hóa khoảng 8 mm. Đậy bình để giảm thiểu sự hấp thụ ẩm từ không khí. Làm nóng đến 50 °C ± 1 °C trong nồi cách thủy tuần hoàn nước (5.2.2).
Làm khô bình chuẩn độ (kể cả dung môi, thành bình, thành điện cực, bộ điều chỉnh và môi trường bình) bằng cách thực hiện một lần vận hành hoàn chỉnh mà không có phần mẫu thử (phép thử trắng), bao gồm cả đồng hóa và chuẩn độ như sau: khởi động thiết bị và ổn định dung môi bằng cách chuẩn độ để loại ẩm. Ngay khi thiết bị đã ổn định, bắt đầu phép xác định. Đồng hóa mẫu ở tốc độ 24 000 r/min trong 60 s. Nhập số “1” về khối lượng phần mẫu thử và chuẩn độ dung môi một lần nữa để loại bỏ các vết nước còn lại. Điểm kết thúc đạt được khi không có sự thay đổi điện thế quan sát được trong 10 s (hệ thống chuẩn độ được cài đặt cho tiêu chí dừng: thời gian, độ trễ: 10 s). Bình chuẩn độ đã khô có độ trôi tối đa từ 5 μl đến 10 μl thuốc thử Karl Fischer mỗi phút.
5.3.2 Chuẩn hóa
Làm nóng bình chuẩn độ đến 50 °C ± 1 °C trong nồi cách thủy (5.2.2) rồi làm khô theo 5.3.1. Đặt chế độ hiệu chỉnh tùy thuộc vào thiết bị. Ổn định dung môi bằng cách chuẩn độ độ ẩm nền (ấn nút “khởi động”). Cân nhanh từ 150 mg đến 250 mg chất chuẩn natri tartrat ngậm hai phân tử nước (5.1.5) vào thìa cân thủy tinh (5.2.4) và ghi lại khối lượng của thìa cùng với chất chuẩn (wS), chính xác đến 0,1 mg. Chuyển nhanh phần chất chuẩn vừa cân vào bình chuẩn độ qua nút có vách ngăn. Đồng hóa ở tốc độ 24 000 r/min trong 60 s. Cân lại thìa rỗng và ghi lại khối lượng thìa (wT) trong khi vẫn đồng hóa. Ngừng đồng hóa sau 60 s. Tính khối lượng chất chuẩn (wS - wT), chính xác đến 0,1 mg. Nhập khối lượng thu được vào máy, bật máy khuấy từ và bắt đầu chuẩn độ. Trước khi đạt đến điểm kết thúc chuẩn độ, đồng hóa tiếp để đưa nước còn sót dưới nắp xuống. Chuẩn độ đến điểm kết thúc như trong 5.3.1, ghi lại thể tích thuốc thử đã dùng để chuẩn độ (V), tính bằng mililit, chính xác đến 0,001 ml. Lặp lại thêm bốn lần.
Độ chuẩn, T0, biểu thị bằng số miligam nước trên thể tích chất chuẩn, tính được bằng công thức sau:
T0 = | (wS - wT) x 0,1566 |
V |
Trong đó:
ws là khối lượng thìa cùng với chất chuẩn, tính bằng miligam (mg);
wT là khối lượng thìa, tính bằng miligam (mg);
V là thể tích thuốc thử đã dùng để chuẩn độ, tính bằng mililit (ml)
Tính trung bình của năm giá trị độ chuẩn thu được. Độ lệch chuẩn tương đối phải < 2%.
5.3.3 Sự phù hợp của hệ thống
Làm nóng bình chuẩn độ đến 50 °C ± 1 °C trong nồi cách thủy (5.2.2) rồi làm khô theo 5.3.1. Kiểm tra độ trôi của bình chuẩn độ. Bình chuẩn độ đã khô cần có độ lệch tiêu thụ tối đa từ 5 μl đến 10 μl thuốc thử Karl Fischer mỗi phút.
Phân tích chất chuẩn nước như sau: Ngay sau khi làm khô bình, bẻ đầu của ampul chuẩn tại viền màu trắng và lấy từ 1 ml đến 2 ml chất chuẩn nước vào xyranh đã được sấy trước ở 103 °C. Tráng rửa xyranh rồi đẩy hết dung dịch chuẩn ra. Rút phần chất chuẩn nước còn lại (khoảng 6 ml) vào xyranh và cân chính xác (ws) bằng cách đặt xyranh vào cốc có mỏ đặt trên bàn cân. Thêm nhanh khoảng 2 ml chất chuẩn nước qua vách ngăn và giữ đầu tiêm dưới bề mặt của dung môi. Cẩn thận rút đầu kim ra, cân lại xyranh rỗng và ghi lại khối lượng (w1). Khối lượng của dung dịch chuẩn là (wS - w1). Ghi lại khối lượng chất chuẩn nước chính xác đến 0,1 mg. Nhập khối lượng thu được vào thiết bị, bắt đầu khuấy và chuẩn độ. Ghi lại thể tích dung dịch thử đã dùng để chuẩn độ (V1) Thực hiện quy trình chuẩn độ này thêm hai lần, ghi khối lượng của xyranh sau mỗi lần bổ sung tiếp theo (w2, w3) và thể tích tương ứng của dung dịch thử đã dùng để chuẩn độ (V2, V3).
Khối lượng dung dịch nước chuẩn, w0, tính bằng gam, tương ứng là wS - w1, w1 - w2, w2 - w3.
Độ thu hồi, R, tính bằng phần trăm theo công thức sau:
R = | V0 x T0 x 100 |
w0 x c |
Trong đó:
V0 là thể tích dung dịch thử đã dùng để chuẩn độ, tính bằng mililit (ml);
T0 là độ chuẩn, tính bằng miligam trên mililit (mg/ml)
w0 là khối lượng dung dịch nước chuẩn, tính bằng miligam (mg);
c là hàm lượng nước công bố, trong giấy chứng nhận chất chuẩn nước, tính bằng miligam trên gam (mg/g).
Độ thu hồi trung bình cần trong khoảng 100% ± 1%. Nếu hệ thống không nằm trong quy định thì hiệu chỉnh trước khi phân tích tiếp theo. Nếu độ thu hồi của chất chuẩn nước nằm trong dải quy định thì không cần thực hiện phép thử trắng.
5.3.4 Phép xác định
Làm khô bình chuẩn độ như trong 5.3.1. Đặt chế độ phân tích mẫu tùy thuộc vào thiết bị. Cân nhanh khoảng 0,5 g mẫu thử (có chứa khoảng 25 mg đến 50 mg nước) vào thìa cân thủy tinh (5.2.4) và ghi lại khối lượng của thìa cân có chứa mẫu (w), chính xác đến 0,1 mg. Chuyển nhanh phần mẫu thử vừa cân vào bình chuẩn độ qua nút có vách ngăn. Đồng hóa ở tốc độ 24 000 r/min trong 60 s. Cân lại thìa rỗng và ghi lại khối lượng thìa (wT) trong khi vẫn đồng hóa. Từ đó, tính khối lượng chất chuẩn (wS - wT), chính xác đến 0,1 mg. Ngừng đồng hóa sau 60 s. Nhập khối lượng thu được vào máy và bắt đầu chuẩn độ. Trước khi đạt đến điểm kết thúc chuẩn độ, đồng hóa tiếp để đưa nước còn sót dưới nắp xuống. Đảm bảo rằng độ ẩm của các hạt dưới nắp hoặc trên thành bình phía trên bề mặt chất lỏng đều được chuẩn độ. Điểm kết thúc chuẩn độ đạt được khi không có sự thay đổi điện thế quan sát được trong vòng 10 s (tiêu chí dừng: thời gian, độ trễ: 10 s). Ghi lại thể tích dung dịch thẻ đã dùng để chuẩn độ (V). Lặp lại phép xác định ba lần. Độ lệch chuẩn tương đối của các lần lặp lại cần nhỏ hơn 5%. Không làm rỗng, bình giữa các lần chuẩn độ. Thường cứ ba lần chuẩn độ thì làm rỗng và làm đầy lại bình chuẩn độ.
5.3.5 Tính kết quả
Hàm lượng nước, cw, tính bằng phần trăm khối lượng, theo công thức sau:
cw = | V x T0 |
10 x (w0 - wT) |
Trong đó:
V là thể tích dung dịch thử đã dùng để chuẩn độ, tính bằng mililit (ml);
T0 là độ chuẩn, tính bằng miligam trên mililit (mg/ml);
w là khối lượng thìa cùng với phần mẫu thử, tính bằng miligam (mg);
wT là khối lượng thìa, tính bằng miligam (mg);
6 Phương pháp II: Chiết bằng metanol nóng
6.1 Thuốc thử
Xem 5.1.
6.2 Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ thủy tinh của phòng thử nghiệm thông thường và cụ thể như sau:
6.2.1 Hệ thống chuẩn độ Karl Fischer, ví dụ loại Metrohm 720 KFS,Titrino4), buret 10 ml “ngắt đóng nhanh” (snap-in), giá chuẩn độ 703 hoặc loại tương đương. Có bình chuẩn độ hai vỏ (dung tích 50 ml đến 150 ml) và bình ngưng hoặc bình bốn cổ có bộ phận gia nhiệt.
6.2.2 Nồi cách thủy tuần hoàn nước, có thể duy trì ở nhiệt độ 75 °C ± 1 °C.
6.2.3 Thìa cân thủy tinh, để đưa mẫu thử vào bình chuẩn độ.
6.2.4 Bộ khuấy từ.
6.3 Cách tiến hành
6.3.1 Làm khô hoặc ổn định bình chuẩn độ
Cho khoảng 50 ml metanol vào bình chuẩn độ (6.2.1). Đậy bình để giảm thiểu sự hấp thụ ẩm từ không khí. Đun cho đến khí metanol bắt đầu sôi. Làm khô bình (kể cả dung môi, thành bình, thành điện cực, bộ điều chỉnh và môi trường bình) bằng cách chuẩn độ đến khô. Điểm kết thúc đạt được khi không có sự thay đổi điện thế quan sát được trong 10 s (hệ thống chuẩn độ được cài đặt “tiêu chí dừng”: thời gian độ trễ: 10 s). Bình chuẩn độ đã làm khô có độ lệch tiêu thụ tối đa từ 5 μl đến 10 μI thuốc thử Karl Fischer mỗi phút.
6.3.2 Chuẩn hóa
Làm nóng bình chuẩn độ đến 66 °C ± 1 °C (điểm sôi của metanol) rồi làm khô theo 6.3.1. Đặt chế độ hiệu chỉnh tùy thuộc vào thiết bị. Ổn định dung môi bằng cách chuẩn độ độ ẩm nền (ấn nút “khởi động”). Tắt hệ thống gia nhiệt, khi metanol ngừng sôi thì cân nhanh từ 150 mg đến 250 mg chất chuẩn natri tartrat ngậm hai phân tử nước (5.1.5) vào thìa cân thủy tinh (6.2.3) và ghi lại khối lượng của thìa cùng với chất chuẩn (wS), chính xác đến 0,1 mg. Chuyển nhanh phần chất chuẩn vừa cân vào bình chuẩn độ. Cân lại thìa rỗng và ghi lại khối lượng thìa (wT). Từ đó, tính khối lượng chất chuẩn (wS - wT), chính xác đến 0,1 mg. Nhập khối lượng thu được vào máy, bật bộ khuấy từ (6.2.4) và bắt đầu chuẩn độ. Chuẩn độ đến điểm kết thúc như trong 6.3,1, ghi lại thể tích thuốc thử đã dùng để chuẩn độ (V), tính bằng mililit, chính xác đến 0,001 ml. Lặp lại thêm bốn lần.
Tính độ chuẩn như trong 5.3.2, sau đó tính trung bình của năm giá trị thu được. Độ lệch chuẩn tương đối phải nhỏ hơn 2%.
6.3.3 Sự phù hợp của hệ thống
Làm nóng bình chuẩn độ đến 66 °C ± 1 °C (điểm sôi của metanol) rồi làm khô theo 6.3.1. Kiểm tra độ lệch của bình. Bình chuẩn độ đã khô cần có độ lệch tiêu thụ tối đa từ 5 μl đến 10 μl thuốc thử Karl Fischer mỗi phút.
Phân tích chất chuẩn nước như sau: Ngay sau khi làm khô bình, tắt hệ thống gia nhiệt và sau khi metanol ngừng sôi, bẻ đầu của ampul chuẩn tại viền màu trắng và lấy từ 1 ml đến 2 ml chất chuẩn vào xyranh đã được sấy trước ở 103 °C. Tráng rửa xyranh rồi đẩy hết dung dịch chuẩn ra. Rút phần chất chuẩn nước còn lại (khoảng 6 ml) vào xyranh và cân chính xác bằng cách đặt xyranh vào cốc có mỏ đặt trên bàn cân (wS). Thêm nhanh khoảng 2 ml chất chuẩn nước qua vách ngăn và giữ đầu kim dưới bề mặt của dung môi. Cẩn thận rút đầu kim ra, cân lại xyranh rỗng và ghi lại khối lượng (w1). Khối lượng của dung dịch chuẩn là (wS - w1). Ghi lại khối lượng chất chuẩn nước, chính xác đến 0,1 mg. Nhập khối lượng thu được vào thiết bị, bật hệ thống gia nhiệt và bắt đầu khuấy và chuẩn độ càng nhanh càng tốt. Ghi lại thể tích dung dịch chuẩn độ (V1). Thực hiện quy trình chuẩn độ này thêm hai lần, ghi tại khối lượng của xyranh sau mỗi lần bổ sung tiếp theo (w2, w3) và thể tích tương ứng của dung dịch thử chuẩn (V2, V3). Tính độ thu hồi theo 5.3.3.
Độ thu hồi trung bình cần trong khoảng 100% ± 1%. Nếu hệ thống không nằm trong quy định thì hiệu chỉnh trước khi phân tích tiếp theo. Nếu độ thu hồi của chất chuẩn nước nằm trong dải quy định thì không cần thực hiện phép thử trắng.
6.3.4 Phép xác định
Làm khô bình chuẩn độ như trong 6.3.1. Đặt chế độ phân tích mẫu tùy thuộc vào thiết bị. Sau khi tắt hệ thống gia nhiệt và metanol ngừng sôi, cân nhanh khoảng 0,5 g phần mẫu thử (có chứa khoảng 25 mg đến 50 mg nước) vào thìa cân thủy tinh (6.2.3) và ghi lại khối tượng của thìa cân có chứa mẫu (w), chính xác đến 0,1 mg. Chuyển nhanh phần mẫu thử vừa cân vào bình chuẩn độ qua nút có vách ngăn. Cân lại thìa rỗng và ghi lại khối lượng thìa (wT). Tính được khối lượng mẫu thử là (w - wT) g, chính xác đến 0,1 mg. Nhập khối lượng thu được vào máy, bật bộ khuấy từ (6.2.4), bật hệ thống gia nhiệt và chuẩn độ ngay khi metanol bắt đầu sôi mạnh. Điểm kết thúc chuẩn độ đạt được khi không có sự thay đổi điện thế quan sát được trong vòng 10 s. (tiêu chí dừng: thời gian, độ trễ: 10 s); Ghi lại thể tích chất chuẩn độ (V). Lặp lại phép xác định ba lần. Độ lệch chuẩn tương đối của các lần lặp lại cần nhỏ hơn 5%. Không cần làm rỗng bình giữa các lần chuẩn độ. Thường cứ ba lần chuẩn độ làm rỗng và làm đầy lại bình, chuẩn độ.
6.3.5 Tính kết quả
Tinh kết quả theo 5.3.5.
7 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải ghi rõ:
a) mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu thử;
b) phương pháp lấy mẫu đã sử dụng, nếu biết;
c) phương pháp thử đã dùng, viện dẫn tiêu chuẩn này;
d) tất cả các chi tiết thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này, hoặc tùy chọn cùng với các chi tiết bất thường nào khác có thể ảnh hưởng đến kết quả;
e) kết quả thử nghiệm thu được.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Các yếu tố ảnh hưởng đến phép thử
Độ pH của hệ thống có thể không ổn định nếu mẫu thử chứa axit mạnh hoặc bazơ mạnh (ví dụ: hỗn hợp khoáng).
Nguồn gây cản trở là các aldehyd và keton, các chất này phản ứng với metanol tạo thành axetal, xetal tương ứng và nước. Không sử dụng axeton để rửa dụng cụ thủy tinh hoặc thiết bị. Lượng axeton dư phản ứng với metanol tạo thành axeton dimetyl axetal và nước, dẫn đến hàm lượng nước thu được cao. Các nguồn gây nhiễu khác bao gồm các oxit kim loại như canxi oxit (CaO) hoặc các hợp chất khác có thể tạo ra nước khi bị trung hòa, hoặc các thiol như xystein hydroclorua hoặc các hợp chất khác có thể bị oxy hóa bởi iôt. Nếu nghi ngờ có các chất gây nhiễu, cần kiểm tra bằng cách thực hiện lặp lại ba lần với cùng dung môi đã sử dụng cho mẫu thử ngay sau khi chạy mẫu thử, để giữ lại các chất gây nhiễu trọng bình chuẩn độ. Trong hầu hết các trường hợp, các chất gây nhiễu nếu có mặt sẽ có cùng ảnh hưởng đến giá trị thu được đối với chất chuẩn nước cũng như phần mẫu thử.
Để giảm khả năng bị nhiễu kết quả, thường xuyên cho chạy chất chuẩn nước. Chiết lặp lại một phần mẫu thử trong cùng dung môi có thể làm tăng các khả năng gây nhiễu. Nếu phát hiện có chất gây nhiễu, có thể dùng các phụ gia hoặc các dung môi thay thế để giảm thiểu độ nhiễu.
Phụ lục B
(Tham khảo)
Kết quả của phép thử liên phòng thử nghiệm
Bảng B.1 - Kết quả thử nghiệm liên phòng về xác định hàm lượng nước trong thức ăn chăn nuôi, hạt ngũ cốc và thức ăn thô
| Đậu nành | Thức ăn chứa ure | Cỏ khô | Hạt ngũ cốc | Alfalfa ủ chua | Ngô ủ chua | Thức ăn cho mèo | Sản phẩm thay thế sữa | Alfalfa khô | Yến mạch |
Số lượng phòng thử nghiệm còn lại sau khi trừ ngoại lệ | 9 | 9 | 9 | 9 | 7(2) | 9 | 9 | 9 | 9 | 8(1) |
Giá trị trung bình | 6,99 | 4,58 | 6,35 | 8,58 | 7,26 | 6,40 | 6,90 | 5,21 | 7,36 | 7,53 |
Độ lệch chuẩn lặp lại, sr | 0,10 | 0,19 | 0,18 | 0,39 | 0,14 | 0,22 | 0,24 | 0,32 | 0,51 | 0,09 |
Độ lệch chuẩn tương đối lặp lại, RSDr % | 1,38 | 4,11 | 2,89 | 4,49 | 1,98 | 3,40 | 3,50 | 6,13 | 6,99 | 1,14 |
Độ lệch chuẩn tái lập, sR | 0,44 | 0,49 | 0,48 | 0,46 | 0,72 | 0,47 | 0,43 | 0,42 | 0,66 | 0,61 |
Độ lệch chuẩn tương đối tái lập, RSDR % | 6,31 | 10,73 | 7,59 | 5,35 | 9,85 | 7,34 | 6,27 | 7,99 | 8,95 | 8,12 |
Chỉ số Horrat | 2,11 | 3,37 | 2,51 | 1,85 | 3,32 | 2,43 | 2,10 | 2,56 | 3,02 | 2,75 |
Bảng B.2 - Kết quả thử nghiệm cộng tác về xác định hàm lượng chật khô trong thức ăn chăn nuôi, hạt ngũ cốc và thức ăn thô
| Đậu nành | Thức ăn chứa ure | Cỏ khô | Hạt ngũ cốc | Alfalfa ủ chua | Ngô ủ chua | Thức ăn cho mèo | Sản phẩm thay thế sữa | Alfalfa khô | Yến mạch |
Số lượng phòng thử nghiệm còn lại sau khi trừ ngoại lệ | 9 | 9 | 9 | 9 | 7(2) | 9 | 9 | 9 | 9 | 8(1) |
Giá trị trung bình | 93,01 | 95,42 | 93,65 | 91,42 | 92,74 | 93,60 | 93,10 | 94,79 | 92,64 | 92,47 |
Độ lệch chuẩn lặp lại, sr | 0,10 | 0,19 | 0,18 | 0,39 | 0,14 | 0,22 | 0,24 | 0,32 | 0.51 | 0,09 |
Độ lệch chuẩn tương đối lặp lại, RSDr % | 0,10 | 0,20 | 0,20 | 0,42 | 0,16 | 0,23 | 0,26 | 0,34 | 0,56 | 0,09 |
Độ lệch chuẩn tái lặp, sR | 0,44 | 0,49 | 0,48 | 0,46 | 0,72 | 0,47 | 0,43 | 0,42 | 0,66 | 0,61 |
Độ lệch chuẩn tương đối tái lập, RSDR % | 0,47 | 0,52 | 0,51 | 0,50 | 0,77 | 0,50 | 0,46 | 0,44 | 0,71 | 0,66 |
Chỉ số Horrat | 0,23 | 0,26 | 0,25 | 0,25 | 0,38 | 0,25 | 0,23 | 0,22 | 0,35 | 0,33 |
Bảng B.3 - Kết quả thử nghiệm liên phòng về xác định hàm lượng nước trong thức ăn chăn nuôi, hạt ngũ cốc và thức ăn ủ chua, bao gồm cả dữ liệu của phòng thử nghiệm sử dụng phương pháp chiết thay thế
| Đậu nành | Thức ăn chứa ure | Cỏ khô | Hạt ngũ cốc | Alfalfa ủ chua | Ngô ủ chua | Thức ăn cho mèo | Sản phẩm thay thế sữa | Alfalfa khô | Yến mạch |
Số lượng phòng thử nghiệm còn lại sau khi trừ ngoại lệ | 10 | 10 | 10 | 10 | 9(1) | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 |
Giá trị trung bình | 7,01 | 4,57 | 6,34 | 8,60 | 7,40 | 6,43 | 6,49 | 5,18 | 7,40 | 7,51 |
Độ lệch chuẩn lặp lại, sr | 0,10 | 0,18 | 0,28 | 0,37 | 0,15 | 0,21 | 0,23 | 0,30 | 0,49 | 0,15 |
Độ lệch chuẩn tương đối lặp lại, RSDr % | 1,41 | 3,97 | 4,44 | 4,26 | 2,05 | 3,23 | 3,33 | 5,85 | 6,64 | 1,99 |
Độ lệch chuẩn tái lặp, sR | 0,42 | 0,47 | 0,48 | 0,44 | 0,68 | 0,45 | 0,44 | 0,40 | 0,64 | 0,57 |
Độ lệch chuẩn tương đối tái lập, RSDR % | 6,03 | 10,20 | 7,59 | 5,08 | 9,17 | 7,02 | 6,27 | 7,76 | 8,59 | 7,54 |
Chỉ số Horrat | 2,02 | 3,20 | 2,51 | 1,76 | 3,10 | 2,32 | 2,10 | 2,49 | 2,90 | 2,55 |
1) HYDRANAL®-Composite 5 là vídụ về sản phẩm phù hợp bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn và không ấn định phải sử dụng sản phẩm này.
2) Metrohm 720 KFS Titrino là ví dụ về sản phẩm phù hợp bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn và không ấn định phải sử dụng sản phẩm này.
3) Bộ đồng hóa BrinKmann Polytron là ví dụ về sản phẩm phù hợp bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn và không ấn định phải sử dụng sản phẩm này.
4) Hệ thống Metrohm 720 KFS Titrino là ví dụ về sản phẩm phù hợp bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn và không ấn định phải sử dụng sản phẩm này.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.