Trang /
Tiêu chuẩn TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi HALAL
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 13709:2023
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13709:2023 Thức ăn chăn nuôi HALAL
Số hiệu: | TCVN 13709:2023 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày ban hành: | 29/06/2023 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 13709:2023
THỨC ĂN CHĂN NUÔI HALAL
Halal animal feeding stuffs
Lời nói đầu
TCVN 13709:2023 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
THỨC ĂN CHĂN NUÔI HALAL
Halal animal feeding stuffs
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản thức ăn chăn nuôi halal sử dụng cho vật nuôi dùng làm thực phẩm.
Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng đối với thức ăn cho vật nuôi không dùng làm thực phẩm.
2 Tài liệu viện dẫn
Tiêu chuẩn này không có tài liệu viện dẫn.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và giải thích sau đây:
3.1
Halal (Halal)
Được phép hoặc hợp pháp, theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia)
3.2
Vật nuôi dùng làm thực phẩm (food-producing animals)
Động vật trên cạn, động vật thủy sản mà sản phẩm của chúng được con người tiêu thụ làm thực phẩm, ví dụ: thịt, trứng, sữa và các dạng khác
3.3
Động vật chết (dead animals)
Con vật mà linh hồn đã rời khỏi nó một cách không hợp pháp theo Luật Hồi giáo, được coi là đã chết trước khi giết mổ, ngoại trừ thân thịt thủy sản và động vật hoang dã
3.4
Thức ăn chăn nuôi (animal feeding stuffs)
Sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến
3.5
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (feed ingredient)
Thành phần tạo nên các hỗn hợp của một loại thức ăn, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn của vật nuôi, bao gồm cả phụ gia thức ăn chăn nuôi. Các thành phần có thể có nguồn gốc thực vật, động vật, thủy sản, các chất hữu cơ hoặc vô cơ khác
3.6
Phụ gia thức ăn chăn nuôi 1) (feed additive)
Những thành phần được chủ định bổ sung vào thức ăn chăn nuôi với mục đích công nghệ hoặc để cải thiện mùi vị, tăng giá trị dinh dưỡng hoặc nâng cao hiệu quả sản xuất của vật nuôi, cho dù những thành phần này có hoặc không có giá trị dinh dưỡng
3.7
Không halal (non-halal), tính từ
Haram
Bị cấm hoặc không hợp pháp, theo Luật Hồi giáo
3.8
Najis / najis, danh từ
Chất bẩn, theo Luật Hồi giáo, bao gồm:
a) chó, lợn và sản phẩm từ chó, lợn;
b) thức ăn chăn nuôi halal bị ô nhiễm bởi các chất không halal;
c) thức ăn chăn nuôi halal nhưng tiếp xúc trực tiếp với các chất không halal;
d) các chất lỏng và chất thải của người hoặc động vật như nước tiểu, máu, chất nôn, mủ, phân, nhau thai;
e) xác động vật hoặc động vật halal được giết mổ không theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia), ngoại trừ một số loại động vật thủy sản và côn trùng;
f) Khamr và các sản phẩm có chứa khamr
3.9
Najis al-mughallazah, danh từ
Najis nghiêm trọng
3.10
Khamr, danh từ
Rượu và các chất lỏng chứa cồn, gây say, bị cấm sử dụng theo Luật Hồi giáo
3.11
Sertu, động từ
Hành động làm sạch nhằm thanh tẩy cơ thể, trang phục, không gian, vật dụng và thiết bị đã tiếp xúc với najis al-mughallazah; bằng cách rửa bảy lần với nước tự nhiên (mutlaq), trong đó có một lần rửa bằng nước trộn với đất
4 Các yêu cầu
4.1 Nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi halal
4.1.1 Động vật
4.1.1.1 Yêu cầu chung
4.1.1.1.1 Động vật bị cấm hoặc động vật giết mổ bất hợp pháp theo Luật Hồi giáo hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi halal.
4.1.1.1.2 Không sử dụng huyết, huyết khô và các sản phẩm từ huyết.
4.1.1.1.3 Động vật chết hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi halal.
4.1.1.2 Động vật trên cạn
Các động vật trên cạn có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, ngoại trừ:
a) động vật halal nhưng giết mổ không theo quy định của Luật Hồi giáo;
b) chó và lợn;
c) động vật có răng nhọn hoặc ngà, được sử dụng để giết con mồi, ví dụ: hổ, gấu, voi, mèo, khỉ, v.v...;
d) chim có móng vuốt hoặc chim săn mồi;
e) động vật gây hại và/hoặc có chứa độc tố, ví dụ: chuột, gián, rết, bọ cạp, ong bắp cày, rắn, v.v...;
f) động vật bị cấm giết theo Luật Hồi giáo, bao gồm kiến, ong, chim gõ kiến, v.v...;
g) động vật bị tín đồ Hồi giáo (tín đồ Islam) coi là đáng ghê sợ, ví dụ: chấy, ruồi, v.v...;
h) động vật halal được nuôi liên tục và có chủ ý bằng thức ăn là najis;
i) những động vật trên cạn khác bị cấm dùng làm thực phẩm, theo Luật Hồi giáo.
4.1.1.3 Động vật thủy sản
Các động vật thủy sản có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, ngoại trừ:
a) động vật có chứa độc tố, động vật bị nhiễm độc tố hoặc động vật gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi;
CHÚ THÍCH: Sản phẩm từ động vật thủy sản có thể gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi nhưng có thể được coi là thức ăn chăn nuôi halal khi độc tố hoặc yếu tố nguy hại đã được loại bỏ trong quá trình chế biến.
b) động vật thủy sản sống trong môi trường najis hoặc được nuôi liên tục và có chủ ý bằng thức ăn là najis;
c) những động vật thủy sản khác bị cấm dùng làm thực phẩm, theo Luật Hồi giáo.
4.1.1.4 Động vật lưỡng cư
Động vật lưỡng cư (vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước) như cá sấu, rùa, ếch, v.v... không được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal.
4.1.2 Thực vật
4.1.2.1 Các loại thực vật trên cạn hoặc thực vật thủy sinh và sản phẩm thực vật có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi halal, trừ những loại có chứa độc tố, bị nhiễm độc tố hoặc có thể gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.
CHÚ THÍCH: Sản phẩm từ thực vật có thể gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi được coi là halal khi độc tố hoặc yếu tố nguy hại đã được loại bỏ trong quá trình chế biến.
4.1.2.2 Có thể sử dụng hạt ngũ cốc đã qua chưng cất và sấy khô (distillers’ dried grains - DDG) làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với điều kiện kiểm soát được hàm lượng etanol trong quá trình chế biến và trong sản phẩm cuối cùng.
4.1.3 Vi sinh vật và rong tảo
Các loại vi sinh vật (vi khuẩn, vi nấm), rong tảo và sản phẩm từ chúng có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, trừ những loại có chứa độc tố, bị nhiễm độc tố hoặc gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.
4.1.4 Sinh vật biến đổi gen
Sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen (GMO) có thể được coi là halal nếu có nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện sau:
a) sản phẩm đó không chứa bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc động vật bị cấm trong đạo Hồi cũng như động vật được phép theo đạo Hồi nhưng không được giết mổ theo Luật Hồi giáo;
b) sản phẩm đó không chứa bất kỳ thành phần nào là najis hoặc được sản xuất bởi các dụng cụ hoặc thiết bị bị ô nhiễm bởi najis;
c) sản phẩm đó an toàn và không gây hại;
d) thành phần nguyên liệu của sản phẩm đó không chứa các chất có nguồn gốc từ con người;
e) trong quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển, các sản phẩm halal được tách biệt với các sản phẩm không phải halal (xem 4.1.1);
f) sản phẩm từ cây trồng mà trong quá trình trồng trọt có sử dụng najis hoặc nguyên liệu chứa cồn có bản chất sinh học như thực vật hoặc vi sinh vật đều được phép theo Luật Hồi giáo nếu sản phẩm cuối cùng không chứa nguyên liệu najis;
g) thực phẩm GMO và thành phần GMO đều là halal nếu có nguồn gốc là halal;
h) nguyên liệu GMO được lấy từ thực phẩm có chất độc nhưng chất độc đã được loại bỏ thì nguyên liệu đó được coi là halal;
i) các sản phẩm và cây trồng công nghệ sinh học có nguồn gốc halal, đã được thử nghiệm chuyên sâu về an toàn thực phẩm và môi trường, và được chấp nhận trong thế giới Hồi giáo là halal.
4.1.5 Khoáng chất
Các loại khoáng chất có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi halal, trừ những loại có chứa độc tố, bị nhiễm độc tố hoặc gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.
4.1.6 Phụ gia thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc tổng hợp
Các loại phụ gia thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc tổng hợp có thể được sử dụng để chế biến thức ăn chăn nuôi halal, trừ những loại có chứa độc tố, bị nhiễm độc tố hoặc gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.
4.2 Sơ chế, chế biến
Quá trình sơ chế, chế biến thức ăn chăn nuôi halal phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) không sử dụng các thành phần hoặc sản phẩm từ động vật không phải là halal hoặc từ động vật halal nhưng được giết mổ không theo Luật Hồi giáo;
b) không sử dụng các thành phần bị coi là najis;
c) dụng cụ, thiết bị được sử dụng phải không bị ô nhiễm bởi najis;
d) trong quá trình sơ chế, chế biến, cần tách biệt hoàn toàn thức ăn chăn nuôi halal với mọi sản phẩm khác không đáp ứng các yêu cầu nêu trong điểm a) đến điểm c) của điều này hoặc mọi chất bị coi là najis;
e) sản phẩm phải không chứa độc tố, không bị nhiễm độc tố và không gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.
Thức ăn chăn nuôi halal được sơ chế hoặc chế biến trên các dây chuyền sản xuất độc lập; thức ăn chăn nuôi halal cũng có thể được chuẩn bị hoặc chế biến trong các dây chuyền sản xuất trước đây được sử dụng trong thức ăn không halal. Cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện pháp cần thiết để làm sạch và khử trùng dây chuyền sản xuất nhằm ngăn chặn bất kỳ sự tiếp xúc hoặc nhiễm bẩn nào giữa thức ăn chăn nuôi halal và không halal.
4.3 Bao gói
4.3.1 Sản phẩm phải được bao gói phù hợp.
4.3.2 Vật liệu bao gói phải là vật liệu halal và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) vật liệu bao gói không được làm từ nguyên liệu là najis hoặc chứa thành phần najis hoặc từng tiếp xúc với najis;
b) vật liệu bao gói không được chế tạo, xử lý bằng thiết bị, dụng cụ bị ô nhiễm bởi najis;
c) trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển, vật liệu bao gói phải được tách biệt với các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu nêu trong điểm a) và điểm b) của điều này và với các chất bị coi là najis;
d) vật liệu bao gói không được thôi nhiễm chất độc vào thức ăn chăn nuôi halal.
4.3.3 Quá trình bao gói phải được thực hiện hợp vệ sinh và đảm bảo theo 4.6.
4.4 Ghi nhãn
4.4.1 Việc ghi nhãn không được trái với các nguyên tắc của Luật Hồi giáo và không được gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng.
4.4.2 Tên của thức ăn chăn nuôi halal và hương liệu tổng hợp halal không được đặt theo tên của các sản phẩm không halal.
4.4.3 Trên nhãn sản phẩm phải ghi ít nhất các thông tin sau:
a) tên sản phẩm;
b) khối lượng tịnh hoặc thể tích thực, biểu thị theo đơn vị đo pháp định;
c) tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và/hoặc nhà phân phối, cùng với nhãn hiệu (trademark), nếu có;
d) danh sách thành phần nguyên liệu (thành phần định lượng);
e) mã nhận biết lô sản xuất, ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng;
f) nước xuất xứ;
g) hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;
h) thông tin cảnh báo (nếu có);
i) nên thể hiện trên nhãn thuật ngữ “halal” và/hoặc logo có từ “halal”.
4.4.4 Nội dung ghi nhãn cũng phải bao gồm các thông tin sau:
a) Nguồn động vật của các sản phẩm có chứa dầu, mỡ, các sản phẩm từ thịt và các chất chiết xuất của chúng, ví dụ: gelatin và renin.
b) Nếu sản phẩm thức ăn chăn nuôi được mô tả là “halal” trên nhãn thì phải làm rõ mô tả này đề cập đến thành phần nào và hồ sơ phải lưu giấy chứng nhận halal về thành phần này.
4.5 Vận chuyển và bảo quản
4.5.1 Tất cả các thành phần thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi halal cần được vận chuyển, bảo quản sao cho tránh bị hư hỏng và ô nhiễm, thức ăn chăn nuôi được sử dụng cho đúng nhóm vật nuôi dự kiến.
4.5.2 Có thể trưng bày, vận chuyển hoặc bảo quản thức ăn chăn nuôi halal cùng với thức ăn chăn nuôi không halal với điều kiện phải đảm bảo ngăn ngừa sự nhiễm chéo và áp dụng các quy trình làm sạch thích hợp đảm bảo điều này.
4.6 Vệ sinh và an toàn sản phẩm thức ăn chăn nuôi
4.6.1 Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi halal phải đảm bảo vệ sinh, bao gồm vệ sinh cá nhân, quần áo, dụng cụ, thiết bị và vệ sinh chung của cơ sở.
Cơ sở phải đảm bảo rằng chất thải của najis nghiêm trọng và najis trung bình được làm sạch theo tiêu chuẩn vệ sinh hiện hành hoặc thực hành làm sạch theo nghi thức sao cho không còn mùi, vị và màu. Nguyên tắc làm sạch phải phù hợp với vệ sinh hiện hành và phương pháp thực hành nghi thức tẩy rửa.
4.6.2 Cơ sở phải đảm bảo rằng:
a) việc xử lý các sản phẩm bị ô nhiễm phù hợp với các quy định pháp luật và Luật Hồi giáo;
b) nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các giai đoạn sản xuất, bảo quản hoặc xử lý nguyên liệu phải đảm bảo không phơi nhiễm với sinh vật gây hại và vi sinh vật gây bệnh;
c) các chương trình làm sạch và kiểm tra phải được lập thành văn bản;
d) chỉ cho phép các chất tẩy rửa và khử trùng được phép sử dụng cho thực phẩm tiếp xúc với các thành phần thức ăn chăn nuôi và phải được sử dụng theo các khuyến nghị của nhà sản xuất và các yêu cầu về an toàn.
Phụ lục A
(quy định)
Phương pháp sertu theo Luật Hồi giáo đối với najis al-mughallazah
A.1 Yêu cầu chung
Để làm sạch najis:
a) phải rửa bảy lần với nước (xem A.3), trong đó có một lần rửa bằng nước trộn với đất (xem A.2);
b) lần rửa đầu tiên phải tẩy bỏ sự tồn tại của najis, có thể dùng một lượng nhỏ chất tẩy rửa; không giữ lại nước từ lần rửa thứ nhất, lần rửa tiếp theo được tính là lần rửa thứ hai;
c) lượng đất sử dụng vừa đủ để tạo huyền phù;
d) có thể sử dụng các sản phẩm có chứa đất.
A.2 Điều kiện đối với đất dùng trong sertu
Đất dùng trong sertu phải:
a) không chứa najis;
b) không phải là đất musta’mal [đất đã sử dụng để rửa khô (tayammum)], ngoại trừ sau khi chịu mưa lớn.
A.3 Điều kiện đối với nước dùng trong sertu
Nước dùng trong sertu phải:
a) là nước tự nhiên (mutlaq);
b) không phải là nước musta’mal (nước đã sử dụng để làm sạch);
c) không chứa najis.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa
[2] TCVN 12944, Thực phẩm halal - Yêu cầu chung
[3] TCVN 9593:2013 (CAC/RCP 54-2004, Amd. 1-2008), Quy phạm thực hành chăn nuôi tốt
[4] The Central Islamic Committee of Thailand, THS 24000:2552, General Guidelines on Halal Products
[5] Philippine National Standard, PNS/BAFS 139:2015, Halâl Feeds
[6] Gulf Standard, GSO 2578:2021, Halal Feedstuff
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Các yêu cầu
4.1 Nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi halal
4.2 Sơ chế, chế biến
4.3 Bao gói
4.4 Ghi nhãn
4.5 Vận chuyển và bảo quản
4.6 Vệ sinh và an toàn sản phẩm thức ăn chăn nuôi
Phụ lục A (quy định) Phương pháp sertu theo Luật Hồi giáo đối với najis al-mughallazah
Thư mục tài liệu tham khảo
1) Vi sinh vật, enzym, chất điều chỉnh độ axit, các nguyên tố vi lượng, vitamin và các sản phẩm khác nằm trong phạm vi của thuật ngữ và định nghĩa này phụ thuộc vào mục đích sử dụng và phương thức quản lý.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.