Tiêu chuẩn ngành 10TCN 216:2003 Hiệu lực của các loại phân bón đối với năng suất cây trồng
Tiêu chuẩn ngành 10TCN 216:2003
Số hiệu: | 10TCN 216:2003 |
Loại văn bản: | Tiêu chuẩn ngành |
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Ngày ban hành: | 05/05/2003 |
Hiệu lực: | |
Người ký: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
tải Tiêu chuẩn ngành 10TCN 216:2003
TIÊU CHUẨN NGÀNH
10TCN 216:2003
QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM TRÊN ĐỒNG RUỘNG HIỆU LỰC CỦA CÁC LOẠI PHÂN BÓN ĐỐI VỚI NĂNG SUẤT CÂY TRỒNG, PHẨM CHẤT NÔNG SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2003/QĐ-BNN ngày 5 tháng 5 năm 2003)
1. Nguyên tắc:
Quy phạm này quy định những nội dung và phương pháp chủ yếu để đánh giá hiệu lực nông học của các loại phân bón phải khảo nghiệm.
2. Nội dung khảo nghiệm:
Số lượng và thời gian khảo nghiệm cho một loại phân bón:
2.1. Đối với phân bón dùng cho nhiều loại cây trồng:
- Khảo nghiệm diện hẹp (thí nghiệm chính quy):
Bố trí khảo nghiệm với ít nhất 3 loại cây trồng: lúa, màu và cây dài ngày (cây công nghiệp hoặc cây ăn quả). Các khảo nghiệm thực hiện tối thiểu trên 2 loại đất. Thời gian khảo nghiệm cho cây ngắn ngày là 2 vụ, cây dài ngày là 1 năm (kể từ sau vụ thu hoạch trước đến vụ thu hoạch sau).
- Khảo nghiệm diện rộng: tương đương với số cây trồng, vùng đất, tiến hành khảo nghiệm diện hẹp nhưng chỉ làm 1 vụ (với cây ngắn ngày), 1 năm (với cây dài ngày) và có đối chứng.
2.2. Đối với phân bón dùng cho một loại cây trồng (chuyên cây):
2.2.1. Khảo nghiệm diện hẹp:
- Đối với cây ngắn ngày: khảo nghiệm 2 vụ tại các địa bàn khác nhau trên 2 loại đất.
- Đối với cây dài ngày: khảo nghiệm 1 năm tại 3 vùng đất khác nhau.
2.2.2. Khảo nghiệm diện rộng: tương đương với số cây trồng, loại đất nơi đã tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, làm 1 vụ (với cây ngắn ngày), 1 năm (với cây dài ngày) và có đối chứng.
3. Phương pháp khảo nghiệm:
3.1. Số công thức khảo nghiệm: Một đề tài khảo nghiệm không bố trí quá 5 công thức kể cả đối chứng [4 công thức phân bón khảo nghiệm cùng loại (bón gốc hoặc bón lá) + 1 đối chứng].
3.2.Công thức khảo nghiệm:
3.2.1. Đối với phân bón lá:
- Công thức đối chứng: phun nước lã với lượng nước phun tương đương lượng nước phun ở công thức khảo nghiệm.
- Công thức khảo nghiệm: Phân bón khảo nghiệm phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất về liều lượng, nồng độ và thời kỳ phun. Ngoài ra cũng có thể bố trí theo công thức của đơn vị khảo nghiệm đề xuất, song tổng số công thức không được vượt quy định ở mục 3.1.
3.2.2. Đối với phân bón rễ:
- Công thức đối chứng: theo mức bón khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cho loại đất và cây trồng tại địa phương.
- Công thức khảo nghiệm: bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra cũng có thể bố trí theo công thức của đơn vị khảo nghiệm đề xuất, song tổng số công thức không được vượt quy định ở mục 3.1.
3.3. Phương pháp bố trí khảo nghiệm: tuân thủ theo tiêu chuẩn về phương pháp bố trí thí nghiệm đồng ruộng.
3.3.1. Khảo nghiệm diện hẹp: Số lần nhắc lại tối thiểu là 3 lần
- Đối với cây hàng năm: diện tích ô tối thiểu là 20 m2.
- Đối với cây lâu năm: diện tích ô tối thiểu là 100m2 (tương đương với diện tích cho 10 cây) đối với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có mật độ trồng dưới 1000 cây/ha, và tương đương với diện tích cho 50 cây đối với các loại cây có mật độ trồng trên 1000 cây/ha (như chè, cà phê).
3.3.2. Khảo nghiệm diện rộng: không nhắc lại
- Đối với cây hàng năm: diện tích một công thức khảo nghiệm tối thiểu là 5.000 m2 , tối đa là 10.000 m2.
- Đối với cây lâu năm: diện tích một công thức khảo nghiệm tối thiểu là 10.000 m2, tối đa là 20.000 m2.
3.4. Bón phân: liều lượng, tỷ lệ, thời gian, thời kỳ bón phân phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
3.5. Đối với những đối tượng đặc thù (hoa, cây cảnh, cỏ sân gôn ) nhà sản xuất phối hợp với đơn vị khảo nghiệm đề xuất phương pháp khảo nghiệm, báo cáo Cục Khuyến nông và khuyến lâm, khi được chấp nhận bằng văn bản mới được tiến hành khảo nghiệm.
4. Thu thập số liệu:
4.1. Nội dung thu thập số liệu:
4.1.1. Về đất:
- Nhóm đất, loại đất (theo phân loại của Việt Nam).
- Số liệu phân tích: pHKCl,, CEC, Hữu cơ, N tổng số, P2O5 và K2O tổng số và dễ tiêu.
(Đối với đất phèn, đất mặn cần có thêm các chỉ tiêu Fe, Al di động và độ dẫn điện. Đối với chất cải tạo đất, ngoài việc phân tích các chỉ tiêu nói trên phải phân tích thêm thành phần cơ giới, đoàn lạp bền trong nước và các chỉ tiêu mà chất cải tạo đất có ảnh hưởng).
Nếu phân bón với mục tiêu là bổ sung trung và vi lượng thì cần phân tích thêm các chỉ tiêu tương ứng (tổng số và dễ tiêu).
4.1.2. Số liệu khí tượng trung bình nhiều năm và của vụ thí nghiệm.
4.1.3. Về cây:
- Đối với cây hàng năm: các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất.
- Đối với cây lâu năm: số liệu về năng suất, riêng cây ăn qủa thu thập thêm trọng lượng và màu sắc qủa.
- Chất lượng nông sản: đối với các loại cây trồng mà phân bón ảnh hưởng nhiều tới chất lượng nông sản thì các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng phải được phân tích theo yêu cầu được ghi trong giấy phép khảo nghiệm.
4.2. Phương pháp thu thập số liệu:
4.2.1. Đối với khảo nghiệm diện hẹp:
- Các yếu tố cấu thành năng suất: theo phương pháp quy định cho từng chỉ tiêu và cây trồng.
- Năng suất: thu trên cả ô.
- Chỉ tiêu chất lượng nông sản (nếu có): theo phương pháp phân tích hiện hành.
4.2.2. Đối với khảo nghiệm diện rộng: chỉ thu thập số liệu năng suất thống kê tại 10 điểm.
- Cây ngắn ngày: 10m2/ điểm.
- Cây lâu năm: 5cây/ điểm.
5. Báo cáo kết quả khảo nghiệm và công bố kết quả:
5.1. Xử lý số liệu:
Các số liệu thu thập được trong các thí nghiệm diện hẹp phải được xử lý thống kê theo phương pháp thống kê sinh học thích hợp.
5.2. Nội dung báo cáo:
5.2.1. Trình bày trang bìa (từ trên xuống dưới):
- Tên tác giả và đơn vị tổng hợp.
- Tên đơn vị, cá nhân đăng ký khảo nghiệm.
- Tên đơn vị tiến hành khảo nghiệm.
- Tên báo cáo kết qủa khảo nghiệm: ghi rõ tên của các sản phẩm khảo nghiệm
- Địa điểm, thời gian báo cáo kết qủa.
5.2.2. Phần nội dung:
5.2.2.1. Tên khảo nghiệm diện hẹp.
5.2.2.2. Mục đích, yêu cầu của khảo nghiệm.
5.2.2.3. Điều kiện và phương pháp khảo nghiệm:
- Địa điểm, thời gian khảo nghiệm (ghi rõ tên chủ hộ, lịch sử sử dụng đất 2-3 vụ trước về loại cây trồng và phân bón).
- Tính chất đất, giống cây trồng, kỹ thuật canh tác áp dụng trong quy trình khảo nghiệm.
- Công thức khảo nghiệm, số lần nhắc lại.
- Diện tích ô khảo nghiệm.
- Phương pháp bố trí khảo nghiệm.
- Phương pháp thu thập, xử lý số liệu.
5.2.2.4. Kết qủa khảo nghiệm diện hẹp:
- Ảnh hưởng của phân bón khảo nghiệm đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất cây trồng.
- Ảnh hưởng của phân bón khảo nghiệm đến chất lượng nông sản.
- Hiệu qủa kinh tế của phân bón khảo nghiệm.
5.2.2.5. Kết qủa khảo nghiệm diện rộng được trình bày ngay sau thí nghiệm diện hẹp đối với từng loại phân bón và cây trồng.
5.2.2.6. Kết luận, đề nghị: (của đơn vị khảo nghiệm)
5.2.2.7. Xác nhận của đơn vị khảo nghiệm (ký tên, đóng dấu xác nhận).
5.2.3. Phụ lục kèm theo báo cáo:
- Bản sao giấy phép khảo nghiệm.
- Bản chứng nhận về độc tính của sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cam đoan của đơn vị, cá nhân đăng ký khảo nghiệm về an toàn môi trường.
- Bản phân tích thành phần chất lượng của phân bón do cơ quan khảo nghiệm thực hiện.
- Các tài liệu về hiệu quả của phân bón khảo nghiệm được tiến hành trước đây và kết quả kinh doanh ở nước ngoài của phân bón (nếu là phân bón nhập).
- Bản xác nhận của địa phương về hộ nông dân khảo nghiệm và kết qủa khảo nghiệm diện rộng.
- Bản xác nhận của cơ quan quản lý khảo nghiệm (Cục Khuyến nông và khuyến lâm hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT).
- Số liệu gốc của các khảo nghiệm.
5.3. Công bố kết qủa:
Kết qủa khảo nghiệm phải được báo cáo nghiệm thu trước Hội đồng Khoa học công nghệ (chuyên ngành về phân bón) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây