VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 236/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2017 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ “GIẢI PHÁP TÍCH TỤ, TẬP TRUNG ĐẤT ĐAI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP QUY MÔ LỚN, CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP” TẠI TỈNH VĨNH PHÚC
Ngày 14 tháng 4 năm 2017, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị để bàn về giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng chí Lê Quốc Doanh Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế; đại diện các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu đề dẫn thảo luận, ý kiến tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của một số địa phương; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến đại diện của doanh nghiệp; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
1. Đánh giá chung
Để phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước nông nghiệp theo hướng hiện đại, cần có những giải pháp đột phá chiến lược để tái cấu trúc lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, cần thiết phải tái cấu trúc để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và nâng cao đời sống của đại bộ phận người nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Tích tụ, tập trung đất đai là giải pháp cần thiết để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.
Pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được hoàn thiện phù hợp hơn với đòi hỏi của thực tiễn, với cơ chế thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung đất đai. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã gắn liền với việc bố trí quỹ đất phù hợp cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp. Việc hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp đưa đất đai tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Các hình thức tích tụ, tập trung đất đai được triển khai đa dạng, thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động còn yếu, trong đó, thị trường cho thuê đất chưa phát triển so với thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Có trường hợp đã tích tụ, tập trung được đất đai nhưng vẫn chưa tổ chức sản xuất và khai thác sử dụng có hiệu quả đất đai. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do quỹ đất nông nghiệp đã được giao, cho thuê cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Không ít nơi chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Mặt khác, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống doanh nghiệp với khoa học - công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
2. Về mục tiêu, quan điểm và những nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới a) Mục tiêu: phải thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai.
b) Về quan điểm thực hiện tích tụ, tập trung đất đai:
- Thứ nhất, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Tích tụ, tập trung đất đai phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển ngành nghề ở nông thôn nói riêng, tạo công ăn, việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.
- Thứ hai, tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn với việc cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất.
- Thứ ba, phải phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.
c) Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, trong thời gian tới đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
+ Tiếp tục khảo sát, tổng hợp, đánh giá chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai để xác định rõ các quy định hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn về tích tụ, tập trung đất đai để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương cùng với quá trình sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI; trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 cho phù hợp.
+ Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
+ Nghiên cứu, đề xuất quy trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; vấn đề đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các dự án nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thế chấp tài sản hợp pháp gắn liền với đất để huy động vốn đầu tư.
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trên cơ sở đó hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp.
+ Phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường, trong đó lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu, đồng thời coi trọng thị trường trong nước. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp cho phù hợp và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và địa phương xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp,...) cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế và tình hình thực tế của địa phương; trong đó cần chú ý vai trò chủ lực của doanh nghiệp để tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp.
- Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả, bền vững, báo cáo Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan và địa phương được biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, CN, KTTH, KGVX, ĐMDN; - Lưu: VT, NN (3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |