Quyết định 2868/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020

thuộc tính Quyết định 2868/QĐ-UBND

Quyết định 2868/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020
Cơ quan ban hành: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:2868/QĐ-UBND
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Tất Thành Cang
Ngày ban hành:12/06/2015
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
Số: 2868/QĐ-UBND
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 6 năm 2015
 
 
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 – 2020.
-------------------------------
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1087/TTr-SNN-PTNT ngày 15 tháng 5 năm 2015 về phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận có sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TTUB: CT, các PCT;
- Thành viên BCĐ Phát triển KTTT TP;
- Các Sở ngành, Đoàn thể TP;
- BCĐ PT KTTT các quận, huyện;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Phòng: CNN; TC-TM-DV; TH-KH;
- Lưu: VT, (CNN.M) MH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tất Thành Cang
 
 
KẾ HOẠCH
ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆPTRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 – 2020.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2868/QĐ-UBND
ngày 12 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
 
Thực hiện Công văn số 2082/BNN-KTHT ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai thực hiện Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp”, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng “Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020”.
Khái niệm “Kinh tế hợp tác” trong lĩnh vực nông nghiệp thể hiện trong bản kế hoạch này bao gồm khu vực kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) và các liên kết kinh tế thông qua hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp với người sản xuất (cá nhân, nông dân, chủ trang trại) hoặc doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc giữa tổ chức kinh tế tập thể với người sản xuất để cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, thương mại nông sản, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trong các chuỗi giá trị.
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG THỜI GIAN QUA.
1. Hợp tác xã nông nghiệp (HTX nông nghiệp).
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 64 HTX, hoạt động trong 10 ngành nghề sau đây: nấm (02 HTX), rau an toàn (11 HTX), hoa-cây kiểng (06 HTX), chăn nuôi (07 HTX), trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp (01 HTX), thủy sản (03 HTX), ngành nghề nông thôn (01 HTX), diêm nghiệp (02 HTX), dịch vụ nông nghiệp (07 HTX), kinh doanh tổng hợp (24 HTX). Tổng số thành viên của 64 HTX là 4.060 thành viên, bình quân 63 thành viên/HTX. Tổng vốn điều lệ (ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh HTX) của 64 HTX là 336.925 triệu đồng, bình quân 5.264,5 triệu đồng/HTX.
Các HTX có quy mô hoạt động đa dạng từ quy mô cấp xã, cấp liên xã cho đến quy mô cấp huyện, đặc biệt có một số HTX có quy mô hoạt động tại nhiều quận, huyện và ngoài Thành phố như HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, HTX Nuôi trồng Thủy sản Hà Quang, HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Lộc.
Đánh giá mức độ hoạt động của các HTX nông nghiệp như sau:
+ Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả: có 19 HTX, chiếm tỷ lệ 29,7%;
+ Hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả: có 26 HTX, chiếm tỷ lệ 40,6%;
+ Hợp tác xã đang làm thủ tục giải thể: có 05 HTX, chiếm tỷ lệ 7,8%;
+ Hợp tác không phân loại đánh giá (do mới thành lập và chưa đi vào hoạt động): có 9 HTX, chiếm tỷ lệ 14,1%;
+ HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: có 05 HTX, chiếm tỷ lệ 7,8%.
Đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX tuy đa dạng nhưng còn phân tán, chưa xác định sản phẩm chủ lực và chưa xác định mục tiêu lâu dài. Việc phân chia thu nhập của HTX chủ yếu căn cứ vào tỉ lệ vốn góp, chưa chú trọng phân chia theo tỉ lệ mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ nên chưa kích thích thành viên HTX sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX và gắn kết lâu dài với HTX.
2. Tổ hợp tác nông nghiệp (THT nông nghiệp).
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 175 THT nông nghiệp với 3.572 tổ viên (bình quân 20 tổ viên/tổ), trong đó: có 35/175 tổ được thành lập dựa trên hợp đồng hợp tác (theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác) và 140/175 tổ được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hoạt động THT chủ yếu ở mức độ như câu lạc bộ khuyến nông (học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất) chưa phát huy được sức mạnh của từng tổ viên và sức mạnh của kinh tế tập thể. Trình độ quản lý của ban điều hành THT còn hạn chế, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, phân công tổ viên tham gia hoạt động sản xuất của tổ, chưa nhận thức rõ vai trò của kinh tế tập thể. Ban điều hành THT chưa xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể cho tổ nên bị động trong việc thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra đối với sản phẩm của tổ viên.
3. Tình hình phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp
Ngoài hình thức HTX và THT, trên địa bàn Thành phố còn có các hình thức liên kết sản xuất khác như: liên kết sản xuất giữa HTX và các hộ vệ tinh (HTX Tân Thông Hội, HTX Phước An,…); liên kết giữa HTX và doanh nghiệp (HTX Thỏ Việt); liên kết giữa các hợp tác xã với nhau (HTX Phú Lộc và HTX Hưng Điền; HTX Ngã Ba Giòng và HTX Mai Hoa). Các hình thức liên kết này chủ yếu được thực hiện trong thời gian ngắn (từ một đến ba tháng), không có thời gian cố định. Bên cạnh đó, hình thức liên kết này chủ yếu thông qua giao dịch đơn giản (thỏa thuận miệng dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên Hội đồng quản trị HTX với nhau) nên không có sự bền vững lâu dài.
4. Nhận xét, đánh giá.
a) Mặt tích cực
- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Ban lãnh đạo HTX, cũng như các thành viên khi có yêu cầu nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý HTX trong nền kinh tế thị trường.
- Các cấp Đảng bộ, Chính quyền, Tổ chức chính trị - xã hội tại khu vực nông thôn ngoại thành được quán triệt một cách sâu sắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX, THT thành lập và phát triển, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, định hướng cho các HTX hoạt động sản xuất-kinh doanh đúng pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác củng cố các HTX hoạt động yếu kém.
- Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể đã có tác động nhiều mặt và trực tiếp đến việc củng cố, đổi mới và thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã phát triển, bước đầu làm thay đổi nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.
- Một số cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và Thành phố được ban hành, bổ sung và thực hiện đã có tác động nhất định đến việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, thúc đẩy thành viên mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm máy móc, phương tiện, nhà xưởng, chuồng trại, mở rộng sản xuất, kinh doanh,… Một số chính sách cụ thể như: Quyết định số 5259/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho Hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2015, Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho cán bộ có trình độ đại học và bổ sung đối tượng được hỗ trợ đối với cán bộ có trình độ cao đẳng công tác tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 và được thay thế, điều chỉnh bằng Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2013-2015 (gọi tắt là chương trình hỗ trợ lãi vay), Bên cạnh đó, HTX, THT, thành viên HTX, tổ viên THT còn được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, xúc tiến thương mại.
- Một số HTX, THT nông nghiệp đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển. Trong những năm gần đây, nhiều HTX nông nghiệp đã có xu hướng chuyển dần từ hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống của thành viên. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và phù hợp với tính chất đặc thù của nông nghiệp Thành phố (tốc độ đô thị hóa rất nhanh) đã giúp thành viên hạ giá thành sản phẩm, ổn định sản xuất và có niềm tin vào HTX.
b) Khó khăn, hạn chế.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia HTX, một số HTX tuy đã thành lập nhưng chưa tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hoặc chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Số vốn góp của thành viên vào HTX còn thấp, thành viên chưa nhận thức rõ ràng vai trò chủ sở hữu HTX của mình nên chưa tích cực, chưa tham gia nhiều vào công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát HTX. Nguyên nhân của những hạn chế trên bao gồm:
Một là, nhận thức của một số cán bộ, thành viên, nhân dân địa phương về vai trò, sự cần thiết phải phát triển kinh tế tập thể và nhận thức của Hội đồng quản trị, thành viên về nguyên tắc hoạt động của HTX chưa sâu sắc, chưa đầy đủ và thống nhất.
Hai là, một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa mang lại lợi ích cho thành viên, đặc biệt là lợi ích kinh tế chưa rõ nét. HTX hoạt động chưa hiệu quả với những nguyên nhân sau đây:
+ HTX còn gặp khó khăn về đất đai: đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lao động trẻ tuổi chuyển đổi ngày càng nhiều sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Những vấn đề này đều gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các HTX. Ngoài ra, một số HTX đã được giao đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc có vốn nhưng không mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vì có thể bị Nhà nước thu hồi đất.
+ Trình độ một số cán bộ quản lý còn hạn chế: trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một số lãnh đạo, cán bộ HTX còn nhiều hạn chế về quản lý, điều hành hoạt động của HTX. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành và cán bộ kiểm soát hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm thực tế. Mặt khác, năng lực nắm bắt thông tin, khả năng dự báo thị trường, sự nhạy cảm linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của cơ chế thị trường còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ. Ban kiểm soát của HTX chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được giao.
+ Nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn thiếu: do số vốn góp của thành viên còn thấp. HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoặc chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, công tác quản lý tổ chức của HTX còn nhiều yếu kém nên chưa tạo được niềm tin với tổ chức tín dụng.
+ Các tổ hợp tác sản xuất trong nông nghiệp thành lập theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và Thông tư số 04/2008/TT-BKH có vai trò quan trọng liên kết hỗ trợ sản xuất lẫn nhau giữa các hộ nhỏ lẻ, là tiền đề để phát triển các HTX nông nghiệp, hiện chưa được hưởng các chính sách khuyến khích của nhà nước.
+ Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX: chưa ổn định, sản phẩm của HTX chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng, HTX chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường; chưa có sự liên kết giữa các HTX trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chưa gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.
+ Hoạt động của HTX chưa đáp ứng được nhu cầu của thành viên: HTX có nhiều thành viên nhưng không cung cấp hoặc cung cấp rất ít sản phẩm dịch vụ cho thành viên, dẫn đến thành viên không thấy được lợi ích của mình khi tham gia HTX từ đó mà ít gắn bó với HTX; HTX cung ứng dịch vụ cho thành viên và ngoài thành viên thường rất ít có sự khác biệt, vốn góp của HTX thường tập trung ở một số người, kể cả những người không sử dụng sản phẩm dịch vụ của HTX, còn lại đa số thành viên có vốn góp rất thấp lại được chia lợi nhuận theo vốn góp, nên không khuyến khích thành viên HTX sử dụng các sản phẩm dịch vụ của HTX, dẫn đến tình trạng khi thị trường có giá cao thì thành viên bán sản phẩm ra ngoài thị trường.
+ Chưa có sự liên kết giữa các HTX: các HTX hoạt động với qui mô nhỏ lẻ, thiếu hợp tác gắn kết với nhau, thậm chí có tình trạng cạnh tranh lẫn nhau nên không thể phối hợp để cung ứng những đơn hàng lớn theo yêu cầu của các doanh nghiệp phân phối.
II. ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 – 2020.
1. Mục tiêu chung.
- Quán triệt và triển khai thực hiện tốt quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Quán triệt và triển khai thực hiện tốt quan điểm của Thành ủy tại Công văn số 1082-CV/TU ngày 31 tháng 10 năm 2014 về thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị nhằm đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, thông qua các cơ quan thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể. Sớm hoàn thành việc tổ chức lại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các HTX, THT, đồng thời nghiên cứu, học tập các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả tại các tỉnh, thành. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, phối hợp với các tổ chức tín dụng hoàn chỉnh các cơ chế tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho HTX, THT. Có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể.
a) Mục tiêu giai đoạn 2015 – 2016.
- Đánh giá hiện trạng các HTX, THT và các mô hình liên kết đang hoạt động để đúc kết kinh nghiệm xây dựng mô hình phù hợp trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế, chính sách để nhân rộng và phát triển.
- Rà soát, hướng dẫn và tổ chức đăng ký lại cho tất cả HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tổ chức đào tạo tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế hợp tác.
- Xây dựng một số mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển ở mỗi địa phương và phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp đô thị Thành phố.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Vận động người nông dân trước hết tham gia THT, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tiến đến thành lập HTX, vận động các chủ trang trại làm nòng cốt thành lập các HTX mới. Trên cơ sở đó vận động thành lập mới, mỗi năm tăng thêm từ 4 HTX.
- Vận động các THT thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký Hợp đồng hợp tác theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của tổ hợp tác.
- Phát triển HTX phải vững chắc, từ thấp đến cao, từ làm dịch vụ đơn lẻ từng khâu, tiến lên làm dịch vụ tổng hợp, củng cố các HTX hiện có, kiên quyết giải thể các HTX ngưng hoạt động, hoạt động không hiệu quả, nâng cao năng lực của các HTX hoạt động hiệu quả hiện có, phấn đấu tăng mỗi năm thêm từ 2 – 4 HTX hoạt động có hiệu quả.
b) Mục tiêu giai đoạn 2017 – 2020.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng các mô hình hợp tác và hình thức liên kết hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hình thành hệ thống các HTX, THT liên kết với các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu nâng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt trên 70%.
- Năng lực cán bộ HTX, THT được nâng cao, trong đó 100% cán bộ HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.
- Đảm bảo ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất một mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả.
3. Giải pháp và tổ chức thực hiện đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020.
a) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ hợp tác và các văn bản khác về phát triển kinh tế hợp tác, chú trọng triển khai tại các xã xây dựng nông thôn mới (bằng các hình thức như: tập huấn, xây dựng phóng sự, bài phát thanh, bài viết chuyên đề,..). Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, khuyến khích, vận động các hộ nông dân tham gia thành lập HTX, THT trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc lớp tập huấn tư vấn thành lập HTX, THT tập trung theo khu vực xã - ấp hoặc theo cụm xã, liên xã về mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Tư vấn, hướng dẫn trình tự thành lập HTX, THT, các thủ tục pháp lý như: Xây dựng Hợp đồng hợp tác (đối với THT), Xây dựng Điều lệ, Phương án sản xuất - kinh doanh (đối với HTX),… Thảo luận và giải đáp các thắc mắc liên quan đến HTX, THT của các sáng lập viên, hộ nông dân và chính quyền địa phương. Hỗ trợ các sáng lập viên HTX liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
b) Thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế hợp tác và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hợp tác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị có liên quan điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu về HTX, THT, các mô hình liên kết trong nông nghiệp. Nội dung điều tra tập trung vào quy mô sản xuất, sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, thị trường tiêu thụ, kết quả sản xuất-kinh doanh, những chính sách hỗ trợ mà HTX, THT đã tiếp cận được; những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và các kiến nghị, đề xuất của HTX, THT. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đưa ra những giải pháp tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân Thành phố.
c) Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Liên minh hợp tác xã Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Học viện Cán bộ Thành phố xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ đào tạo thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Sở Nội vụ tổ chức cho cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác khảo sát, học tập các mô hình quản lý kinh tế hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức hội thảo trao đổi, giới thiệu các mô hình quản lý kinh tế hợp tác có hiệu quả, tạo điều kiện cho các HTX, THT khác học tập, nhân rộng.
- Học viện Cán bộ Thành phố phối hợp với Sở Nội vụ, Liên minh Hợp tác xã Thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác tại các Sở - ngành, quận - huyện.
- Ủy ban nhân dân quận - huyện bố trí ít nhất 01 (một) cán bộ chuyên trách theo dõi hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và cùng tham gia phối hợp hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp tại địa phương.
d) Hướng dẫn tổ chức lại và xây dựng mô hình HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố và Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức tuyên truyền cho Hội đồng quản trị HTX, thành viên HTX về tổ chức lại và xây dựng mô hình HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Ủy ban nhân dân quận-huyện hướng dẫn tổ chức lại cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.
đ) Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức cho các HTX, THT gặp gỡ và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Hỗ trợ các HTX, THT nông nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại theo Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Bộ Tài chính.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận-huyện tổ chức cho các HTX, THT tham gia giới thiệu sản phẩm tại các kỳ Hội chợ, Triển lãm nông nghiệp trong và ngoài Thành phố.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Chương trình Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, có giá trị cao của Thành phố nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm của HTX, THT nông nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Thành phố xây dựng điểm 05 mô hình HTX hoặc THT điển hình làm cơ sở để quảng bá, nhân rộng.
e) Huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác.
- Ủy ban nhân dân quận-huyện thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên HTX, thành viên HTX được tham gia và thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của Thành phố như chương trình phát triển hoa-cây kiểng, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, cá cảnh,...
g) Tổ chức các chuyến khảo sát, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chuyến khảo sát, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và giá trị kinh tế cao (hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, bò sữa…) cho nông dân và thành viên HTX giao lưu, học tập và áp dụng một số mô hình sản xuất tiên tiến, đạt hiệu quả để đưa vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập.
h) Hỗ trợ đất đai cho các HTX.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo 09, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân quận – huyện rà soát quy hoạch, bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các HTX thuê để hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng trụ sở, mặt bằng sản xuất kinh doanh.
i) Tạo điều kiện cho các HTX, THT tiếp cận các nguồn vốn vay.
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cho các HTX, THT vay theo hướng: tăng mức cho tín dụng cho các HTX, THT; xem xét các phương án, dự án có hiệu quả của các HTX, THT để cho vay; thực hiện cho vay thông qua quy trình quản lý dòng tiền hoặc bao tiêu sản phẩm.
- Liên minh Hợp tác xã Thành phố chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hướng dẫn mở rộng hoạt động tín dụng nội bộ trong các HTX nông nghiệp đủ điều kiện theo Thông tư số 06/2004/TT-NHNN ngày 27/9/2004 và Thông tư số 04/2007/TT- NHNN ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn tín dụng nội bộ hợp tác xã; phổ biến quy trình, thủ tục và hướng dẫn xây dựng phương án vay vốn từ Quỹ CCM; tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ CCM.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phổ biến chương trình hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013-2015 cho các HTX, THT nông nghiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi vay cho các HTX, THT, thành viên HTX, tổ viên HTX. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016-2020 theo hướng tạo điều kiện cho HTX, THT tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp; Ủy ban nhân dân các quận-huyện tập trung hướng dẫn HTX, THT, thành viên HTX, tổ viên THT quy trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Kế hoạch này.
- Hằng năm, lập kế hoạch về khối lượng nhiệm vụ cụ thể, dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố về tiến độ thực hiện kế hoạch.
2. Các đơn vị liên quan.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ và căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố về kinh phí, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch đúng tiến độ.
- Sở Công Thương: Tổ chức thực hiện liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố với các HTX, THT để gặp gỡ và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
- Sở Nội vụ: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác cán bộ, chính sách cán bộ HTX, củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác ở các cấp theo quy định của pháp luật.
-Sở Tài chính: Hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các quy định về tài chính, kế toán.
- Liên minh hợp tác xã Thành phố: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Học viện Cán bộ Thành phố xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ đào tạo thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác theo Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020; chỉ đạo Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã (Quỹ CCM) tạo điều kiện cho HTX, THT vay vốn sản xuất kinh doanh.
- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh: chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để HTX, THT, thành viên HTX, tổ viên THT vay vốn sản xuất kinh doanh.
- Ủy ban nhân dân quận-huyện: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch để triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của Kế hoạch tại địa phương. Định kỳ 6 tháng, báo cáo và đề xuất kiến nghị của địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
 
 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 42/2024/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Phân cấp quản lý công trình thủy lợi và Quy mô thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ban hành kèm theo Quyết định 03/2023/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi và quy mô thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Nông nghiệp-Lâm nghiệp

văn bản mới nhất