Quy chuẩn QCVN 01-116:2012/BNNPTNT Xử lý nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu

Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-116:2012/BNNPTNT

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-116:2012/BNNPTNT Quy trình xử lý nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật
Số hiệu:QCVN 01-116:2012/BNNPTNT
Loại văn bản:Quy chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp
Ngày ban hành:14/12/2012
Hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Người ký:
Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

tải Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-116:2012/BNNPTNT

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QCVN 01 - 116 : 2012/BNNPTNT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ NHỆN NHỎ HẠI TRÊN GIỐNG CÂY TRỒNG NHẬP KHẨU TRỒNG TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT

National technical regulations on procedure for Phytophagous mite of imported plant varieties in isolated quarantine area

Lời nói đầu

QCVN 01 - 116 : 2012/BNNPTNT do Ban Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Kiểm dịch thực vật biên soạn, Cục Bảo vệ thực vật trình duyệt, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành tại Thông tư số 63/2012/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 12 năm 2012.

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ QUY TRÌNH XỬ LÝ NHỆN NHỎ HẠI TRÊN GIỐNG CÂY TRỒNG NHẬP KHẨU TRONG KHU CÁCH LY KIỂM DỊCH THỰC VẬT

National technical regulations on procedure for Phytophagous mite of imported plant varieties in isolated quarantine area

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định trình tự xử lý xông hơi nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu gieo trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật (KDTV) trong phạm vi cả nước.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác gieo trồng, chăm sóc và xử lý nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu gieo trồng trong khu cách ly KDTV trên lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

1.3.1. Nhện nhỏ hại thực vật

Là những động vật nhỏ hại cây nằm trong bộ ve bét (Acarina), lớp nhện (Arachnida) thuộc ngành động vật chân đốt (Arthropoda).

1.3.2. Giống cây trồng nhập khẩu

Bao gồm hạt, cây, hom, chồi ghép, mắt ghép và các bộ phận khác của cây nhập khẩu được sử dụng để nhân giống, gieo trồng.

1.3.3. Khu cách ly kiểm dịch thực vật

Là nơi gieo trồng thực vật, bảo quản sản phẩm thực vật được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài trong thời gian kiểm dịch.

1.3.4. Dịch hại kiểm dịch thực vật (đối tượng KDTV)

Là loài sinh vật gây hại có nguy cơ gây tác hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa có mặt hoặc có mặt với phân bố hẹp và được kiểm soát chính thức.

1.3.5. Điều tra

Là việc thực hiện một quy trình chuẩn trong một thời gian cụ thể để xác định đặc điển của quần thể dịch hại hoặc sự có mặt của loài dịch hại trong một vùng.

1.3.6. Phân tích giám định

Là sự kiểm tra chính thức không chỉ bằng mắt để xác định sự có mặt của dịch hại hoặc giám định loài dịch hại đó.

1.3.7. Xử lý

Là việc thực hiện quy trình chính thức cho việc diệt trừ, làm mất hoạt tính hoặc loại bỏ dịch hại hoặc làm cho dịch hại mất khả năng sinh sản hoặc thoái hóa.

1.3.8. Xông hơi khử trùng

Là biện pháp khử trùng bằng hoá chất xông hơi độc.

1.3.9. Thuốc xông hơi khử trùng

Là những chất hoặc hợp chất hoá học có độc tính được sử dụng để diệt trừ sinh vật gây hại trên hàng hoá mà ở điều kiện nhiệt độ và áp suất không khí thông thường có thể tồn tại ở thể khí, có khả năng khuếch tán, xâm nhập vào hàng hoá cũng nh­ư giải phóng khỏi hàng hoá dễ dàng.

1.3.10. Độ kín của xông hơi khử trùng

Là độ kín không cho hơi độc từ phạm vi khử trùng thoát ra bên ngoài.

1.3.11. Phạm vi khử trùng

Là khoảng không gian kín chứa những vật thể được khử trùng;

1.3.12. Liều lượng (thuốc xông hơi khử trùng)

Là lượng thuốc khử trùng hoặc lượng hoạt chất hơi độc sử dụng cho 01 đơn vị trọng lượng vật thể khử trùng hoặc đơn vị thể tích của phạm vi khử trùng.

Đơn vị tính: gam thuốc thương phẩm hay hoạt chất/tấn hoặc gam thuốc thương phẩm hay hoạt chất/m3.

1.3.13. Nồng độ (thuốc xông hơi khử trùng)

Là lượng hơi thuốc xác định tại một thời điểm ở một vị trí nhất định trong phạm vi khử trùng.

Đơn vị tính: g/m3 hoặc mg/l hoặc ppm hoặc phần trăm (%) theo thể tích.

ppm: lượng thuốc tính bằng đơn vị phần triệu (1/1.000.000)

1.3.14. Tích số C.T

Là tích số của nồng độ hơi thuốc và thời gian ủ thuốc để tiêu diệt một loài sinh vật gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ nhất định.

1.3.15. Thời gian ủ thuốc

Là thời gian tính từ khi hoàn thành việc cho thuốc vào trong phạm vi khử trùng đến khi bắt đầu thông thoáng.

1.3.16. Ngưỡng an toàn

Là nồng độ của hơi thuốc có trong không khí cho phép con người có thể tiếp xúc hàng ngày mà không bị ảnh hưởng có hại nào.

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Xử lý xông hơi nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu trong khu cách ly KDTV bằng methyl bromide

2.1.1. Yêu cầu kỹ thuật

2.1.1.1. Yêu cầu chung

- Diệt trừ được nhện nhỏ gây hại mà không gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng; trang thiết bị trong khu cách ly sau xử lý.

- Đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường xung quanh.

- Đảm bảo về vệ sinh môi trư­ờng, về an toàn lao động, về phòng chống cháy, nổ và địa điểm làm việc theo quy định của pháp luật.

2.1.1.2. Yêu cầu về vật liệu, trang thiết bị

- Thuốc methyl bromide thuần (loại 100% CH3Br hoặc 99,4% CH­3Br).

- Thuốc phun vệ sinh.

- Bạt khử trùng; buồng khử trùng hoặc khử trùng toàn bộ nhà trồng cây,

- Vật liệu làm kín (giấy dán craft chuyên dụng, keo, hồ dán, băng dính, cát).

- Dụng cụ lấy mẫu và phân tích mẫu nhện nhỏ hại

- Dụng cụ chiết, ống dẫn thuốc.

- Máy đo nồng độ thuốc khử trùng, sự dò rỉ của thuốc.

- Thiết bị thông thoáng (máy hút khí, quạt đảo khí).

- Cân đồng hồ: 50kg, 100kg.

- Thiết bị phun vệ sinh (bình bơm tay, bình bơm động cơ).

- Máy đo độ ẩm, nhiệt kế, đồng hồ kiểm tra thời gian.

- Mặt nạ chuyên dùng với các trang thiết bị bảo hộ lao động.

- Biển báo cảnh giới.

- Thiết bị phòng chống cháy nổ.

- Dụng cụ sơ cấp cứu tai nạn lao động.

- Các dụng cụ phụ trợ khác.

2.1.1.3. Yêu cầu về kỹ thuật

Đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật theo quy định: đúng chủng loại thuốc, liều lượng, nồng độ và thời gian ủ thuốc.

2.1.2. Yêu cầu khác

2.1.2.1. Yêu cầu về người thực hiện

Người trực tiếp tham gia khử trùng xông hơi phải:

- Có Thẻ xông hơi khử trùng do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc đã qua lớp tập huấn về khử trùng xông hơi.

- Không được uống bia rượu trước và trong quá trình thực hiện xông hơi khử trùng.

- Có ít nhất 02 người trực tiếp gia thực hiện xông hơi khử trùng đối với một phạm vi khử trùng.

- Có hiểu biết về an toàn lao động và sơ cấp cứu nhiễm độc.

2.1.2.2. Yêu cầu về giấy tờ ghi chép

- Biên bản khảo sát.

- Sơ đồ thực hiện xông hơi khử trùng.

- Sổ sách ghi chép quá trình thực hiện.

- Danh sách người tham gia thực hiện xông hơi khử trùng.

- Biên bản kiểm tra nồng độ thuốc trong thời gian xông hơi khử trùng.

- Biên bản nghiệm thu kết quả xông hơi khử trùng.

2.1.3. Trình tự thực hiện

2.1.3.1. Khảo sát

- Vật thể khử trùng: bao gồm các loại cây trồng bị nhện hại, giá thể, chậu vại trồng cây.

- Cấu trúc, loại hình và các hệ thống liên quan: điện, thoát nước, thoát khí của khu cách ly KDTV chứa vật thể khử trùng để có phương án làm kín.

- Địa điểm xung quanh phạm vi khử trùng liên quan đến vệ sinh, an toàn cho người động vật có ích và môi trường sinh thái.

- Xác định nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng.

- Xác định thành phần, mật độ nhện gây hại, trong và ngoài phạm vi khử trùng để có biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

- Lấy mẫu nhện hại đại diện trên các loại cây trồng trước khi khử trùng xông hơi theo QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT “Phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng”.

- Lập biên bản khảo sát khử trùng.

2.1.3.2. Lập phương án khử trùng

* Bố trí sắp xếp

Các loại cây được sắp xếp trong một không gian thích hợp tùy theo mục đích khử trùng xông hơi (cả không gian của một khu; trong buồng khử hoặc trùm bạt).

Tất cả các loại cây trước khi đưa vào xử lý phải được tưới nước vào giá thể trồng cây đảm bảo độ ẩm đạt 60 – 70% nhưng thân, lá cây không bị ướt. Mỗi góc của khu xử lý có một khay nước đảm bảo giữ cho lá cây không bị khô.

* Lập sơ đồ đặt ống dẫn thuốc

Sơ đồ ống dẫn thuốc đặt theo nguyên tắc tập trung ở phía trên và giảm dần ở phía dưới; nếu xử lý nhiều khoang khác nhau thì bố trí mỗi khu vực một lớp ống dẫn thuốc. Ống dẫn thuốc phải được bấm lỗ so le nhau với khoảng cách 1 - 1,5 m. Đặt một ống phụ đề phòng trường hợp tắc ống dẫn thuốc.

* Kiểm tra thiết bị

Kiểm tra các thiết bị khử trùng và dụng cụ bảo hộ lao động

* Tính liều lượng thuốc khử trùng

Căn cứ vào các yếu tố dưới đây để tính lượng thuốc khử trùng:

- Tính chất của loại cây trồng, quy cách sắp xếp.

- Thể tích không gian khử trùng;.

- Nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng.

- Thời gian khử trùng.

* Liều lượng thuốc khử trùng

48 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 11 - 150C

40 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 16 - 200C

32 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 21 - 250C

24 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 26 - 300C

16 g/m3 trong thời gian 2 giờ ở nhiệt độ 31 - 360C

2.1.4. Thực hiện xông hơi khử trùng

2.1.4.1. Làm kín phạm vi khử trùng

Tuỳ theo theo không gian của nhà kính hoặc tập trung cây bị nhện hại trong buồng khử trùng chuyên dụng và điều kiện thời tiết mà có các hình thức làm kín phù hợp (phủ bạt, dán giấy) nhưng phải đảm bảo nguyên tắc làm kín phạm vi khử trùng, đồng thời, các thiết bị máy móc trong phạm vi khử trùng có khả năng chịu ảnh hưởng của thuốc xông hơi. Kết thúc làm kín, phải kiểm tra độ kín của phạm vi khử trùng bằng các thiết bị kiểm tra chuyên dụng.

2.1.4.2 Bơm thuốc

Có ít nhất 2 người thực hiện việc bơm thuốc với đầy đủ trang bị bảo hộ lao động để có thể xử lý các sự cố xảy ra; sử dụng các dụng cụ phù hợp để bơm thuốc. Trong quá trình bơm thuốc phải điều chỉnh lượng thuốc ra từ từ, lưu lượng trung bình khoảng 1,5kg/phút.

2.1.4.3. Đảo khí

Sau khi cho thuốc vào tiến hành đảo khí trong khoảng thời gian15 -20 phút, đảm bảo thuốc phân bố đều trong phạm vi khử trùng.

2.1.4.4 Phun vệ sinh

Trang bị đầy đủ bảo hộ động, phun vệ sinh trong và ngoài, xung quanh phạm vi khử trùng sau khi kết thúc nhằm hạn chế sự lây lan của nhện.

2.1.5.5. Cảnh giới

- Bố trí ít nhất 2 người có đủ trình độ, chuyên môn thực hiện nhiệm vụ cảnh giới.

- Cắm biển cảnh giới và thông báo cho mọi người biết khu vực khử trùng.

- Kiểm tra, không cho người và động vật vào khu vực khử trùng.

- Sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, thiết bị kiểm tra độ rò rỉ phù hợp và có biện pháp làm kín ngay khi phát hiện có rò rỉ thuốc xông hơi khử trùng.

- Có phương tiện liên lạc với người có trách nhiệm để thông tin trực tiếp giải quyết mọi trường hợp khẩn cấp liên quan đến việc khử trùng.

- Xử lý khi xảy ra các sự cố cháy nổ, ngộ độc.

2.2.4. Kết thúc khử trùng

2.2.4.1 Thông thoáng phạm vi khử trùng

- Sau khi kết thúc thời gian khử trùng dùng các thiết bị (quạt, máy hút, hệ thống thông gió…) để thông thoáng phạm vi khử trùng. Thời gian thông thoáng phụ thuộc thể tích phạm vi khử trùng, lượng thuốc và công suất của thiết bị thông thoáng.

- Đo dư lượng hơi thuốc trong phạm vi khử trùng sau khi thông thoáng. Đảm bảo nồng độ thuốc xông hơi trong phạm vi khử trùng đạt mức dưới ngưỡng an toàn 5,0 ppm (0,02 g/m³ hoặc 20 mg/m³).

2.2.4.2. Lấy mẫu

- Lấy mẫu sau khử trùng theo phương pháp của QCVN 01 - 38 : 2010/BNNPTNT “Quy chuẩn Việt Nam về công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng”.

- Đánh giá hiệu quả trừ nhện hại sau khử trùng.

2.2.4.3. Nghiệm thu kết quả khử trùng

- Xác định kết quả khử trùng đối với nhện hại, sự ảnh hưởng của thuốc tới vật tư, máy móc, thiết bị trong phạm vi khử trùng.

- Chủ vật thể hoặc đại diện chủ vật thể cùng với đơn vị thực hiện khử trùng nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu kết quả khử trùng.

2.2. Xử lý nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập nội trồng trong khu cách ly bằng thuổc bảo vệ thực vật trừ nhện

2.2.1. Yêu cầu kỹ thuật

2.2.1.1. Yêu cầu chung

- Diệt trừ các loài nhện nhỏ gây hại mà không gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng; trang thiết bị trong khu cách ly sau xử lý.

- An toàn đối với người, vật nuôi và môi trường xung quanh.

- Đáp ứng nguyên tắc “bốn đúng” trong sử dụng thuốc BVTV.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động, địa điểm làm việc và kho chứa thiết bị hóa chất theo đúng quy định của pháp luật.

2.2.1.2. Yêu cầu về vật tư, thiết bị

Đảm bảo về vật tư, thiết bị khi sử dụng thuốc BVTV như sau:

- Thuốc BVTV trừ nhện hại cây trồng.

- Bình phun thuốc, cốc đong 10 -1000ml, xilanh (2; 5; 10 ml).

- Biển cảnh giới.

- Dụng cụ và thiết bị bảo hộ lao động.

- Cân điện tử.

- Hộp thuốc sơ cứu.

- Các dụng cụ phụ trợ khác.

2.2.1.3. Yêu cầu về kỹ thuật

- Đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật về sử dụng thuốc BVTV.

- Đảm bảo nguyên tắc “bốn đúng” trong việc sử dụng thuốc BVTV.

2.2.1.4. Yêu cầu về người thực hiện

Người trực tiếp tham gia phun thuốc phải:

- Phải đảm bảo về sức khỏe, không phun thuốc khi người mệt mỏi hoặc uống rượu, bia.

- Phải là người am hiểu về kỹ thuật, có chuyên môn.

- Có hiểu biết về an toàn lao động và sơ cấp cứu nhiễm độc.

2.2.2. Trình tự thực hiện

2.2.2.1. Điều tra

- Lấy mẫu đại diện trước khi xử lý theo phương pháp của của QCVN 01 - 38 : 2010/BNNPTNT “Quy chuẩn Việt Nam về công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng”.

- Địa điểm xung quanh khu vực xử lý liên quan đến vệ sinh an toàn cho người, động vật có ích mà môi trường xung quanh.

- Phạm vi và cách thức sắp xếp chậu cây xử lý.

2.2.2.2. Chọn thuốc xử lý

- Để lựa chọn các loại thuốc xử lý căn cứ vào các yêu cầu sau đây:

- Loại nhện hại.

- Loại cây trồng bị hại.

- Mật độ loài gây hại.

2.2.2.3. Tính liều lượng thuốc sử dụng

- Tính liều lượng, lượng nước thuốc sử dụng theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất.

2.2.2.4. Thực hiện xử lý

- Việc phun thuốc trừ nhện nhỏ haị nên được tiến hành ít nhất 2 lần. Lần thứ nhất được xử lý khi nhện bắt đầu xuất hiện và gây hại, lần sau cách lần thứ nhất từ 5 - 7 ngày. Sau đó tùy tình hình phát sinh gây hại của chúng mà tiến hành xử lý lại khi thấy cần thiết.

- Để tăng cường hiệu lực và hiệu quả của thuốc trừ nhện hại, nên sử dụng tia nước mạnh phun tưới mặt trên và mặt dưới lá, thân, cành trước khi xử lý thuốc một ngày.

- Không sử dụng một loại thuốc trừ nhện để trừ một loại nhện trong thời gian dài, nên thay đổi loại thuốc trừ nhện nhằm hạn chế tính kháng thuốc của chúng.

2.2.3. Kết thúc xử lý

2.2.3.1. Cảnh giới

- Cắm biển cảnh báo và thông báo cho mọi người biết khu vực xử lý.     - Kiểm tra, không cho người và động vật vào khu vực xử lý sau 24 giờ.

2.2.3.2. Thông thoáng

Sau khi kết thúc thời gian phun thuốc sau 12 - 24 h, dùng dùng hệ thống quạt thông gió để thông thoáng phạm vi xử lý. Thời gian thông thoáng phụ thuộc thể tích phạm vi xử lý, loại thuốc.

2.2.3.3. Kết thúc xử lý

- Tiến hành điều tra vào lúc 5, 10 và 15 ngày sau khi xử lý thuốc

- Đánh giá hiệu lực của thuốc.

2.2.3.4. Nghiệm thu kết quả xử lý

- Xác định kết quả xử lý đối với nhện hại, sự ảnh hưởng của thuốc tới vật tư, máy móc, thiết bị trong phạm vi xử lý.

- Chủ vật thể hoặc đại diện chủ vật thể cùng với đơn vị/cá nhân thực hiện xử lý nghiệm thu và lập biên bản nghiệm thu kết quả xử lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này đối với Hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc xử lý nhện nhỏ hại trên giống cây trồng nhập khẩu trong khu cách ly kiểm dịch thực vật.

 

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất