Dự thảo Thông tư về phân định ranh giới rừng và mức độ xung yếu rừng phòng hộ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định về phân định ranh giới rừng và tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ lần 9
Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân định ranh giới rừng, tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

Tải Thông tư

Tải dự thảo tiếng Việt (.doc)@DT_Thong tu ve phan dinh ranh gioi rung DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Số:          /2018/TT-BNNPTNT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------

DỰ THẢO 9

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2018

 

THÔNG TƯ

Quy định về phân định ranh giới rừng và tiêu chí xác định mức

độ xung yếu của rừng phòng hộ

 

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 cuả Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về phân định ranh giới rừng và tiêu chí xác định mức độ xung yếu rừng phòng hộ,

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân định ranh giới rừng, tiêu chí xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến các hoạt động phân định ranh giới rừng và xác định mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

1. Tiểu khu là đơn vị quản lý rừng, có ranh giới ổn địnhtrongphạm viđơn vị hành chính cấp xã; tên tiểu khu được ghi bằng chữ số Ả Rập từ tiểu khu số 1 đến tiểu khu cuối cùng theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải trong phạm vi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; diện tích trung bình 1.000 ha.

2. Khoảnh là đơn vị quản lý rừng, có ranh giới ổn định được chia ra từ một tiểu khu rừng;tên khoảnh được ghi bằng chữ số Ả Rập từ khoảnh số 1 đến khoảnh cuối cùng theotrình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải trong phạm vi từng tiểu khu; diện tích trung bình 100 ha.

3. Lô là đơn vị quản lý rừng, có ranh giới ổn định, được chia ra từ một khoảnh; tên lô được ghi số bằng chữ số Ả Rập, từ lô số 1 đến lô cuối cùng trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải trong phạm vi từng khoảnh.

4. Mốc phân định ranh giới là dấu hiệu bằng vật chấtđược sử dụng để đánh dấu cố định các vị trí thực tế quan trọng trên đường ranh giới rừng giữa các chủ rừngtrên thực địa.

 

Chương II

PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI TIỂU KHU, KHOẢNH, LÔ TẠI THỰC ĐỊA

Điều 4. Căn cứ phân định ranh giới

1. Hệ thống tiểu khu hiện có trên địa bàn tỉnh.

2. Có một trong các tài liệu sau:

a) Quyết định giao đất, giao rừng hoặc cho thuê rừng của cấp có thẩm quyền;

b) Hồ sơ ranh giới sử dụng đất của chủ rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Hồ sơ phân định ranh giới

1. Thành phần hồ sơ

a) Danh sách tiểu khu.

b) Bảng tọa độ các điểm đặc trưng theo Mẫu 1 kèm theo Thông tư này

c) Biên bản mô tả đường ranh giới tiểu khu theo Mẫu 2 kèm theo Thông tư này.

d) Bản đồ từng tiểu khu.

đ) Bản đồ ranh giới tiểu khu cấp tỉnh.

2. Hồ sơ phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô được lập thành 03 bộ và quản lý tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng là tổ chức.

Điều 6. Công tác nội nghiệp

1. Thu thập, chuẩn bị tài liệu và bản đồ.

2. Chuyển hệ thống tiểu khu toàn tỉnh lên bản đồ nền cấp tỉnh.

3. Thiết kế hệ thống các điểm đặc trưng trên đường ranh giới tiểu khu trong phạm vi toàn tỉnh gồm các nút giao nhau giữa đường ranh giới các tiểu khu, các điểm địa hình, địa vật đặc trưng trên đường ranh giới tiểu khu (nếu có); đánh số thứ tự các điểm này theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.

4. Xây dựng bản đồ từng tiểu khu.

a) Chuyển hệ thống ranh giới tiểu khu, các điểm đặc trưng từ bản đồ tại khoản 3 Điều này lên bản đồ nền tỷ lệ 1/5.000; ranh giới tiểu khu phù hợp với đặc điểm địa hình địa vật dễ nhận biết ngoài thực địa như sông suối, đường tụ thủy, đường phân thủy, ranh giới thửa đất trên hồ sơ giao đất, giao rừng. Trường hợp ranh giới tiểu khu trùng với ranh giới hành chính hoặc ranh giới khu rừng thì sử dụng ranh giới đó.

b) Thiết kế hệ thống ranh giới khoảnh trong tiểu khu dựa theo các tài liệu hiện có, ranh giới khoảnh phù hợp với đặc điểm địa hình địa vật dễ nhận biết ngoài thực địa như sông suối, đường tụ thủy, đường phân thủy, ranh giới thửa đất trên hồ sơ giao đất, giao rừng; trường hợp tiểu khu có diện tích tương đương với khoảnh thì không phân chia khoảnh.

c) Thiết kế hệ thống ranh giới lô dựa theo các tài liệu hiện có, lô đảm bảo tương đối đồng nhất về trạng thái rừng nhằm thực hiện thống nhất một biện pháp lâm sinh, thuận tiện cho công tác quản lý và thi công; trường hợp đã có hồ sơ giao đất, giao rừng thì sử dụng hồ sơ này để chuyển vẽ ranh giới lô.

d) Thể hiện các yếu tố nằm ngoài phạm vicủa tiểu khu để phục vụ lập biên bản mô tả đường ranh giới.

5. Hoàn thiện bản đồ phân định ranh giới.

a) Hoàn thiện ranh giới lô, khoảnh, tiểu khu cho từng tiểu khu

b) Hoàn thiện ranh bản đồ đường ranh giới tiểu khu toàn tỉnh.

Điều 7. Công tác ngoại nghiệp

1. Mô tả ranh giới tiểu khu bắt đầu từ điểm nút giao nhau đầu tiên phía trên của tiểu khu (có tọa độ kèm theo), theo chiều kim đồng hồ và chia theo từng đoạn (ranh giới tiểu khu giữa các điểm nút giao nhau gọi là đoạn),

2. Nội dung mô tả chi tiết, rõ ràng, liên tục, khép kín và phù hợp với bản đồ nền và bản đồ giao đất (nếu có). Mô tả rõ đường ranh giới thuộc xã nào, số hiệu và tọa độ điểm bắt đầu mô tả; số lượng và chiều dài các đoạn ranh giới; mô tả các địa vật đặc trưng trên đoạn ranh giới (đường dông, đỉnh núi, sông, suối, đường).

3. Trường hợp đoạn ranh giới tiểu khu trùng ranh giới hành chính thì chỉ cần nêu thuộc đoạn ranh giới hành chính đó; đoạn ranh giới tiểu khu trùng ranh giới khu rừng thì chỉ cần nêu thuộc đoạn ranh giới khu rừng đó.

4. Trường hợp khó xác định đặc điểm địa hình địa vật thì dùng GPS để xác định tọa độ các vị trí đặc trưng để mô tả.

5. Sử dụng kết quả mô tả này để mô tả ranh giới các tiểu khu liền kề.

Điều 8. Điều chỉnh ranh giới  

1. Những trường hợp phải điều chỉnh

a) Có thay đổi quy hoạch của cấp có thẩm quyền;

b) Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất;

c) Thay đổi địa giới hành chính;

d) Chuyển nhượng làm thay đổi diện tích.

2. Các bước điều chỉnh

a) Thu thập tài liệu liên quan đến trường hợp điều chỉnh;

b) Chuyển hệ thống đường ranh giới thay đổi lên bản đồ ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô hiện có;

c) Bổ sung mô tả ranh giới ngoài thực địa;

d) Xác nhận của các bên liên quan đối với hồ sơ bổ sung;

đ) Bổ sung vào hồ sơ phân định ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô.

Chương III

PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI TRÊN BẢN ĐỒ

 

Điều 9. Bản đồ phân định ranh giới

1. Bản đồ nền sử dụng bản đồ địa hình hoặc bản đồ địa chính cơ sở có cùng tỷ lệ được thành lập theo quy định về sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia Việt Nam.

2. Kinh tuyến trục của bản đồ tỷ lệ lớn và tỷ lệ trung bình được xác định riêng theo từng tỉnh, thành phố theo quy định tại hướng dẫn áp dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000. Đối với khu rừng cần thành lập bản đồ nằm trên 2 tỉnh, thành phố trở lên thì lựa chọn kinh tuyến trục gần nhất.

3. Các nội dung chính thể hiện trên bản đồ và tỷ lệ bản đồ quy định như sau:

a) Bản đồ từng tiểu khu thể hiện các lô, các khoảnh, tiểu khu, các điểm đặc trưng trên ranh giới tiểu khu; lập bản đồ tỷ lệ 1/5.000.

b) Bản đồ ranh giới tiểu khu cấp tỉnh thể hiện các lô, các khoảnh, các tiểu khu, các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, các chủ rừng là tổ chức, các điểm đặc trưng trên ranh giới tiểu khu, các mốc phân định ranh giới; tỉnh có diện tích dưới 350.000 ha lập bản đồ tỷ lệ 1/50.000; tỉnh có diện tích trên 350.000 ha lập bản đồ tỷ lệ 1/100.000.

c) Bản đồ chủ rừng là tổ chức thể hiện các lô, các khoảnh, các tiểu khu, các mốc phân định ranh giới; chủ rừng có diện tích dưới 3.000 ha (ba ngàn) lập bản đồ tỷ lệ 1/5.000, khu rừng có diện tích từ 3.000 ha đến 12.000 lập bản đồ tỷ lệ 1/10.000; chủ rừng có diện tích từ 12.000 ha đến 100.000 ha lập bản đồ tỷ lệ 1/25.000;chủ rừng có diện tích trên100.000 ha lập bản đồ tỷ lệ 1/50.000.

Điều 10. Biên tập bản đồ phân định ranh giới

1. Ranh giới chủ rừng trùng với đường ranh giới hành chính thì sử dụng đường ranh giới hành chính đó, chuyển vẽ vịtrí và số hiệu các mốc tỉnh, huyện, xãtrên đường ranh giới đó.

2. Ranh giới tiểu khutrùng với các đường ranh giới quy định tại Khoản 1 Điều này thì sử dụng đường ranh giới đó.

3. Ranh giới khoảnh trùng với các đường ranh giới quy định tại Khoản 2 Điều này thì sử dụng đường ranh giới đó.

4. Ranh giới lô trùng với các đường ranh giới quy định tại Khoản 3 Điều này thì sử dụng đường ranh giới đó.

5. Biểu thị ranh giới lô, khoảnh, tiểu khu, khu rừng và các yếu tố nội dung trên bản đồ phải tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn quốc gia số TCVN 11565:2016 và TCVN 11566:2016.

6. Khi thực hiện tổng quát hoá các lô rừng được phép loại bỏ hoặc vẽ gộp các lô có diện tích trên bản đồ nhỏ hơn 16mm2 đối với bản đồ tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 1/10.000; nhỏ hơn 9mm2 đối với bản đồ tỷ lệ nhỏ hơn bằng 1/25.000.

7. Sai số tương hỗ chuyển vẽ ranh giới lô rừng, khoảnh, tiểu khu, khu rừng không vượt quá ± 0,7 mm tính theo tỷ lệ bản đồ nền. Sai số chuyển vẽ ranh giới lô rừng, khoảnh, tiểu khu, khu rừng không được vượt quá ± 0,5 mm tính theo tỷ lệ bản đồ nền.


Chương IV

PHÂN ĐỊNH RANH GIỚI RỪNG THEO CHỦ RỪNG

 

Điều 11. Đối tượng phân định ranh giới rừng

1. Rừng được giao, cho thuê đối với tổ chức.

2. Rừng đã giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư khuyến khích thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Điều 12. Căn cứ phân định ranh giới rừng

Có ít nhất một trong các tài liệu (kèm theo bản đồ) sau đây:

1. Quyết định thành lập khu rừng của cấp có thẩm quyền.

2. Quyết định giao rừng hoặc cho thuê rừng của cấp có thẩm quyền.

3. Hồ sơ ranh giới sử dụng đất của chủ rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Hồ sơ quản lý rừng quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 34 của Luật Lâm nghiệp.

Điều 13. Hồ sơ phân định ranh giới rừng

1. Thành phần hồ sơ phân định ranh giới rừng gồm:

a) Quyết định thành lập khu rừng.

b) Biên bản mô tả đường ranh giới rừng theo mẫu 3 kèm theo Thông tư này

c) Biên bản mô tả đoạn ranh giới rừng theo mẫu 4 kèm theo Thông tư này.

d) Bảng tọa độ cột mốc theo mẫu 5 kèm theo Thông tư này.

đ) Biên bản mô tả sơ đồ vị trí mốc theo mẫu 6 kèm theo Thông tư này

e) Bản đồ ranh giới chủ rừng.

g) Bản đồ ranh giới rừng tự nhiên là rừng sản xuất

2. Hồ sơ phân định ranh giới rừng theo chủ quản lý do chủ rừng lập thành 03 bộ và quản lý tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ rừng là tổ chức; trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tự thực hiện phân định và quản lý.

Điều 14. Các bước thực hiện

1. Thu thập, chuẩn bị tài liệu và bản đồ.

2. Chuyển hệ thống đường ranh giới lên bản đồ nền.

3. Thiết kế sơ bộ vị trí mốc và bảng trên bản đồ nền.

4. Phân định, mô tả đường ranh giới; xác định vị trí mốc, bảng ngoài thực địa.

5. Xác nhận của các bên liên quan đối với hồ sơ phân định ranh giới.

6. Hoàn thiện hồ sơ phân định ranh giới.

7. Cắm mốc, bảng ở thực địa.

Điều 15. Điều chỉnh ranh giới rừng 

1. Những trường hợp phải điều chỉnh

a) Có thay đổi quy hoạch của cấp có thẩm quyền;

b) Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất;

c) Thay đổi địa giới hành chính;

d) Chuyển nhượng có thay đổi diện tích;

2. Các bước điều chỉnh

a) Thu thập tài liệu liên quan đến trường hợp điều chỉnh;

b) Chuyển hệ thống đường ranh giới lên bản đồ nền;

c) Thiết kế sơ bộ bổ sung vị trí mốc phân định ranh giới ở khu vực có thay đổi.

d) Phân định đường ranh giới, vị trí mốc phân định ranh giới bổ sung ngoài thực địa.

đ) Xác nhận của các bên liên quan đối với hồ sơ phân định ranh giới bổ sung.

e) Bổ sung vào hồ sơ phân định ranh giới.

f) Cắm mốc bổ sung ở thực địa.

Điều 16. Phân loại và quy cách mốc, bảng.

Mốc, bảng phải làm bằng bê tông cốt thép mác 200 đảm bảo bền vững, chắc chắn.

1. Mốc cấp 1: Có tiết diện hình chữ nhật, kích thước mốc: cao 100 cm, rộng 30 cm, dày 12 cm, có đế dùng để cắm mốc giới chủ rừng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

2. Mốc cấp 2: Có tiết diện hình vuông, kích thước mốc: cao 100 cm, rộng và dày 15 cm, có đế dùng cắm mốc ranh giới rừng tự nhiên là rừng sản xuất.

3. Bảng: Bảng có kích thước cao 100 cm, rộng 150 cm, dày 5 cm, được gắn vào cọc hình vuông cao 300cm (phần chôn sâu 100 cm), rộng và dày 15 cm và đảm bảo chôn vững chắc để cắm bảng. Bảng cắm ở cửa rừng của các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ, nơi có đường giao thông qua lại hoặc nơi gần các khu dân cư, nơi rừng đang bị chặt phá lấn chiếm mạnh.

Điều 17. Nội dung ghi trên mốc, bảng

Phần mốc nổi trên mặt đất sơn màu trắng, chữ số được viết trên mặt bên của mốc, cách mặt trên của mốc 3cm; chữ in hoa đều nét, cỡ chữ cao 3cm, rộng 2cm, sâu 0,5cm; tô bằng sơn đỏ bền màu và rõ với các nội dung sau đây:

1. Mốc cấp 1: Hai hàng trên ghi tên chủ rừng, loại rừng; hàng thứ 3 ghi số hiệu mốc.

2. Mốc cấp 2: Hai hàng trên ghi tên chủ rừng, hàng thứ 3 ghi số hiệu mốc.

3. Bảng: Phải vẽ sơ đồ khu rừng thể hiện các địa vật định hướng chính và các khu tiếp giáp, bên phải ghi tên khu rừng và nội dung yêu cầu quản lý - bảo vệ.

Điều 18. Quy định về khoảng cách giữa các mốc

1. Khoảng cách giữa các mốc không quá 2.000 mét.

2. Đối với những nơi giáp khu dân cư có nhiều nguy cơ bị xâm phạm, nơi ranh giới khó nhận biết do có quá ít các chi tiết địa hình, địa vật như vùng đồi bát úp hoặc đất bằng ven biển, khoảng cách các mốc không quá 1.000 mét.

3. Bảng cắm trên đường ranh giới khu rừng ở những vùng giáp ranh, nơi tiếp giáp khu dân cư, nơi có đường giao thông qua lại hoặc nơi có rừng đang bị chặt phá, lấn chiếm.

4. Trường hợp xác định đường ranh giới các khu rừng trùng với đường địa giới hành chính hoặc các ranh giới tự nhiên như sông suối, dông núi v.v... thì được phép sử dụng đường địa giới hành chính hoặc các ranh giới tự nhiên đó nhưng mô tả rõ việc sử dụng đường địa giới hành chính hoặc các ranh giới tự nhiên đó trong hồ sơ mốc giới của khu rừng.

5. Số hiệu mốc đánh theo thứ tự từ đầu đến cuối đường ranh giới theo chiều kim đồng hồ.

Điều 19. Vị trí cắm mốc

1. Mốc được chôn cố định xuống đất trên đường ranh giới đảm bảo bền vững chắc chắn, phần nổi trên mặt đất cao 50 cm, mặt ghi số hiệu mốc và tên khu rừng quay ra phía ngoài.

2. Khi có sự chung nhau đường ranh giới giữa loại rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất thì cắm mốc cấp 1 nhưng trên 2 mặt của mốc ghi nội dung theo đúng quy định, phù hợp với từng loại rừng.

3. Cắm mốc tại các vị trí đổi hướng của đường ranh giới, nơi không có địa hình đặc trưng, khó phân định ranh giới.

4. Không cắm mốc ở những nơi đường ranh giới đi theo địa hình, địa vật dễ nhận biết như đường giao thông, sông suối hoặc các dông núi; khi đó mô tả đặc điểm chi tiết địa hình trong hồ sơ ranh giới khu rừng.

5. Mỗi vị trí đóng mốc, bảng phải được lập sơ đồ vị trí, có vị trí tọa độ được xác định bằng GPS (đo 03 lần và lấy giá trị bình quân). Sơ đồ xây dựng trên bản đồ địa hình hoặc bản đồ địa chính có tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000, kích thước 10cm x 15 cm, điểm mốc nằm giữa sơ đồ.

Điều 20. Mô tả đường ranh giới

Mô tả đường ranh giới bắt đầu từ mốc số 1 đến mốc cuối cùng

1. Biên bản mô tả đoạn ranh giới

a) Mô tả chi tiết, rõ ràng, liên tục, khép kín và phù hợp với bản đồ, mô tả số điểm bắt đầu, các địa vật đặc trưng trên đường ranh giới (đường dông, đỉnh núi, sông, suối, đường), chiều dài đoạn ranh giới.

b) Trường hợp trong đoạn ranh giới không liên tục trong một xã thì phải chia ra các phân đoạn để mô tả.

c) Trường hợp đoạn ranh giới trùng ranh giới hành chính thì chỉ cần nêu thuộc đoạn ranh giới hành chính đó;

d) Trường hợp đoạn ranh giới tiếp giáp với một khu rừng khác thì cũng cần nói rõ vị trí điểm bắt đầu và điểm kết thúc.

Đ) Trường hợp khó xác định đặc điểm địa hình địa vật thì dùng GPS để xác định tọa độ các vị trí đặc trưng để mô tả.

2. Biên bản mô tả đường ranh giới

a) Mô tả đoạn ranh giới bắt đầu từ đoạn ranh giới số 1 đến đoạn ranh giới cuối cùng

b) Mô tả tóm tắt số lượng mốc, số lượng bảng và tổng chiều dài đoạn ranh giới; điểm bắt đầu, thứ tự các mốc, bảng trong từng đoạn ranh giới.

Điều 21. Quản lý bảo vệ mốc giới

1. Chủ rừng có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương quản lý bảo vệ mốc giới thuộc phạm vi quản lý của mình.

2. Trường hợp mốc bị xê dịch, bị mất hay hư hỏng thì chủ rừng phải lập biên bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã để có biện pháp xử lý, đồng thời tổ chức khôi phục lại theo đúng hồ sơ mốc giới ban đầu.

 

Chương V

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ XUNG YẾU CỦA RỪNG PHÒNG HỘ

 

Điều 22: Rừng phòng hộ đầu nguồn

1. Cấp rất xung yếu đảm bảo các tiêu chí sau:

a) Lượng mưa lớn hơn 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

b) Địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc lớn hơn 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc lớn hơn 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc lớn hơn 15 độ.

c) Thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát, cát pha có độ dày tầng đất dưới 70 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất dưới 30 centimét.

Trong quá trình phân cấp xung yếu rừng phòng hộ, tăng cấp xung yếu thành cấp rất xung yếu đối với các trường hợp khu rừng phòng hộ liền kề với các sông suối chính; hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đường giao thông quan trọng; các thành phố, thị xã, thị trấn.

2. Cấp xung yếu đảm bảo các tiêu chí sau:

a) Lượng mưa từ 1.500 đến 2.000 milimét một năm hoặc lượng mưa từ 1.000 đến dưới 1.500 milimét một năm, tập trung trong 2 đến 3 tháng.

b) Địa hình và độ chia cắt: có địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu lớn hơn 50 mét, độ dốc từ 26 độ đến 35 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu từ 25 đến 50 mét, độ dốc từ 15 độ đến 25 độ; địa hình đồi, núi và độ chia cắt sâu nhỏ hơn 25 mét, độ dốc từ 8 độ đến 15 độ.

c) Thành phần cơ giới và độ dày tầng đất: loại đất cát hoặc cát pha, tầng đất dày trên 70 centimét; đất thịt nhẹ hoặc trung bình, độ dày tầng đất từ 30 centimét đến 70 centimét.

Điều 23. Rừng phòng hộ chắn gió, chống cát bay

1. Cấp rất xung yếuđảm bảo một trong các tiêu chí sau:

a) Đai rừng tối thiểu là 300 mét tính từ đường mực nước ứng với thủy triều cao nhất hàng năm vào trongđất liền đối với vùng bờ biển bị xói lở, vùng bờ biển còn lại tối thiếu là 200 mét.

b) Đai rừng tối thiểu là 40 mét đối với các vùng cát có diện tích từ 100 ha trở lên, vùng cát di động, vùng cát có độ dốc từ 25 độ trở lên.

2.Cấp xung yếu đảm bảo một trong các tiêu chí sau:

a) Đai rừng phía sau đai rừng rất xung yếu tại Khoản 1 Điều này.

b) Đai rừng tối thiểu là 30 mét đối với các vùng cát có diện tích dưới 100 ha trở lên, vùng cát ổn định, vùng cát có độ dốc dưới 25 độ.

Điều 24. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển

1. Cấp rất xung yếu đảm bảo một trong các tiêu chí sau:

a) Đai rừng từ bờ biển hoặc từ chân đê ra biển thuộc vùng bờ biển và cửa sông bị xói lở hoặc bồi tụ không ổn định.

b) Đai rừng từ mép rừng sát biển trở vào đất liền, chiều rộng tối thiểu là 200m thuộc vùng bờ biển và cửa sông bồi tụ.

c) Đai rừng tối thiểu là 20 m tính từ chân đê và có ít nhất từ 3 hàng cây trở lên đối với vùng cửa sông có đê.

d) Đai rừng rộng tối thiểu ở nơi có đê là 100 m, nơi không có đê 250 mVùng đầm phá ven biển.

2. Cấp xung yếu là đai rừng liền kề phía sau đai rừng phòng hộ rất xung yếu vào trong đất liền.

 

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 25. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện Thông tư này;

3. Chủ rừng có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương quản lý bảo vệ mốc giới thuộc phạm vi quản lý của mình. Nếu mốc bị xê dịch, bị mất hay hư hỏng thì chủ rừng phải lập biên bản báo cáo Ủy ban nhân dân để có biện pháp xử lý, đồng thời tổ chức khôi phục lại theo đúng hồ sơ mốc giới ban đầu.

Điều 26. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trường hợp chủ rừng đã có hồ sơ mốc ranh giới và ranh giới sử dụng đất theo quyết định giao đất thì sử dụng hồ sơ mốc ranh giới, ranh giới sử dụng đất của quyết định giao đất, chỉ tiến hành xác định bổ sung mốc ranh giới các loại rừng nếu có.

2. Những khu rừng đã được xác định ranh giới và cắm mốc trên thực địa trước ngày Thông tư này có hiệu lực, đã có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Tài nguyên và Môi trường thì chủ rừng được sử dụng kết quả đó.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2019.

2. Bãi bỏ Quyết định số 3031/1997/QĐ-BNNPTNT ngày 20 tháng 11 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

 Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 

 

Hà Công Tuấn

 
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung

 

Ghi chú

văn bản tiếng việt

download Thông tư DOC (Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
×
×
×
Vui lòng đợi