Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn nội dung như sau: Đánh giá, giám sát tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận; Quy định mẫu Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận; Quy định về thử nghiệm mẫu sản phẩm hữu cơ...
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: /2019/TT-BNNPTNT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DỰ THẢO |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 2 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;
Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn nội dung như sau:
1. Đánh giá, giám sát tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận.
2. Quy định mẫu Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
3. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận.
4. Qui định về thử nghiệm mẫu sản phẩm hữu cơ.
5. Cơ quan thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận.
6. Cơ quan kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đến chứng nhận, sử dụng logo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Đánh giá, giám sát tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận
1. Mã số đăng ký hoạt động
a) Tổ chức chứng nhận có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được cấp một mã số riêng để quản lý. Mã số đăng ký được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
b) Cách đặt mã số đăng ký của tổ chức chứng nhận theo hướng dẫn tại Mẫu số 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Tổng cục, Cục chuyên ngành có trách nhiệm thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Tổng cục, Cục chuyên ngành danh sách các Tổ chức chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
3. Tiêu chí kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận
a) Tuân thủ các quy định tại Điều 17 của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP;
b) Quy trình đánh giá, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xây dựng theo TCVN ISO/ICE 17065;
c) Chuyên gia đánh giá phải được đào tạo và có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo về kỹ thuật chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
4. Quy trình kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận
a) Tổng cục, Cục chuyên ngành (Cơ quan cấp Giấy chứng nhận) xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động của tổ chức chứng nhận có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động với tần xuất tối thiểu 02 lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, trừ trường hợp đột xuất. Đối với tổ chức chứng nhận được thừa nhận chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài Tổng cục, Cục chuyên ngành thành lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
b) Tổng cục, Cục chuyên ngành thành lập Đoàn kiểm tra gồm ít nhất 03 thành viên, trong đó có ít nhất 01 thành viên có chứng chỉ đào tạo về TCVN ISO/ICE 17065 và TCVN ISO 9001; có 01 thành viên thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có cơ sở được chứng nhận.
c) Tổng cục, Cục chuyên ngành thông báo cho tổ chức chứng nhận kế hoạch kiểm tra ít nhất 5 ngày trước khi kiểm tra.
d) Đoàn kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra; tiến hành kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận theo quy định tại Điều 20 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và điểm a, b Khoản 1 Điều 29 của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP; lập biên bản kiểm tra ghi rõ các hành vi vi phạm (nếu có).
đ) Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra cho Cơ quan cấp Giấy chứng nhận.
e) Tùy theo mức độ vi phạm, Tổng cục, Cục chuyên ngành có thể xử phạt hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 119/2017/NĐ-CP; trường hợp vi phạm nghiêm trọng Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo hướng dẫn tại Điều 26 của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP.
Điều 4. Mẫu Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
1. Mẫu Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam (VIETNAM ORGANIC):
(Mẫu lô gô theo TCVN 12134:2017)
2. Công bố sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam
a) Cơ sở có Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ trước khi sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam gửi qua mạng điện tử, sau đó gửi bản chính trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Bản công bố sử dụng Lô gô theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành tại Thông tư này cho Tổng cục, Cục chuyên ngành.
b) Trường hợp bổ sung, sửa đổi nội dung hoặc tạm dừng, chấm dứt sử dụng Lô gô cơ sở phải gửi thông báo như quy định tại điểm a Khoản này.
c) Tổng cục, Cục chuyên ngành có trách nhiệm thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Tổng cục, Cục chuyên ngành Bản công bố sử dụng/tạm dừng/chấm dứt sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam của cơ sở đã công bố.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ hàng năm hoặc đột xuất kiểm tra việc sử dụng Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Điều 5. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm.
2. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường phải có Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VIETNAM ORGANIC).
3. Kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận
a) Cơ quan kiểm tra: các Tổng cục, cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thành lập đoàn kiểm tra đối với các sản phẩm được giao quản lý.
b) Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra gồm:
- Căn cứ kiểm tra;
- Phạm vi, nội dung, hình thức kiểm tra;
- Tên, địa chỉ của cơ sở được kiểm tra;
- Họ tên, chức danh của trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn;
c) Tiến hành kiểm tra tại cơ sở
- Đoàn kiểm tra công bố Quyết định thành lập đoàn và thông báo kế hoạch, mục đích và nội dung kiểm tra.
- Tiến hành kiểm tra thực tế (điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực tham gia sản xuất, kinh doanh), kiểm tra hồ sơ, tài liệu, nhãn sản phẩm, sử dụng lô gô và phỏng vấn (nếu cần).
- Lấy mẫu thử nghiệm khi nghi ngờ việc sử dụng vật tư đầu vào ngoài danh mục cho phép tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được phép áp dụng tại Việt Nam.
- Lập biên bản kiểm tra và họp kết thúc, thông báo kết quả kiểm tra.
d) Yêu cầu đối với biên bản kiểm tra
- Phải được đoàn kiểm tra lập tại cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra;
- Thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra;
- Ghi rõ các hạng mục không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thời hạn yêu cầu cơ sở khắc phục các sai lỗi;
- Nêu kết luận chung về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và các yêu cầu đáp ứng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam;
- Có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở về kết quả kiểm tra, hành động khắc phục các sai lỗi (nếu có);
- Có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở, đóng dấu giáp lai của cơ sở (nếu có) vào biên bản kiểm tra hoặc ký từng trang trong trường hợp cơ sở không có con dấu;
- Trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra thì Đoàn kiểm tra phải ghi: “Đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản” và nêu rõ lý do đại diện cơ sở không ký. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên trong Đoàn kiểm tra;
- Được lập thành 03 bản: 01 bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 01 bản lưu tại cơ sở, 01 bản lưu hồ sơ kiểm tra; trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.
e) Xử lý vi phạm
Đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra thực hiện xử lý cơ sở có vi phạm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 6. Qui định về thử nghiệm mẫu sản phẩm hữu cơ
1. Người lấy mẫu, quá trình lấy mẫu
a) Thực phẩm hữu cơ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT.
b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
c) Giống cây trồng hữu cơ: Theo quy định tại Điều 9 của Thông tư số 46/2015/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2015 quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng.
d) Giống vật nuôi hữu cơ: có chuyên môn phù hợp và có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận về lấy mẫu.
2. Thử nghiệm nhanh đối với hóa chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép sử dụng tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
a) Các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine) trong thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi hữ cơ: theo hướng dẫn tại Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/11/2012 và Thông tư 01/2016/TT-BNNPTNT ngày 15/02/2016 về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
b) Các loại tạp chất: tinh bột PVA (Polyvinyl alcohol), CMC (Carboxymethyl cellulose), Adao (Gelatine) và Agar trong các loại sản phẩm tôm hữu cơ: theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2018/TT-BNNPTNT ngày 10/7/2018 về kiểm tra tạp chất trong tôm và sản phẩm tôm.
c) Thuốc bảo vệ thực vật nhóm Lân hữu cơ và Carbamate: Phương pháp KIT thử nghiệm nhanh dựa trên khả năng ức chế men ChE để xác định sự có mặt của thuốc bảo vệ thực vật nhóm Lân hữu cơ và Carbamate trong sản phẩm hữu cơ theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.
d) Các hóa chất khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Cơ quan thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận
a) Tổng cục Thủy sản là cơ quan thực hiện và kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận lĩnh vực thủy sản.
b) Cục Trồng trọt là là cơ quan thực hiện và kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận lĩnh vực trồng trọt.
c) Cục Chăn nuôi là cơ quan thực hiện và kiểm tra, giám sát tổ chức chứng nhận lĩnh vực chăn nuôi.
2. Cơ quan kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng
a) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm thủy sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu, từ các cơ quan kiểm tra và từ các nguồn thông tin cảnh báo khác.
b) Cục Bảo vệ thực vật: kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm có nguồn gốc thực vật bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu, từ các cơ quan kiểm tra này và từ các nguồn thông tin cảnh báo khác.
c) Cục Thú y: kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm có nguồn gốc động vật bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu, từ các cơ quan kiểm tra và từ các nguồn thông tin cảnh báo khác.
Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm theo quy định tại Văn bản 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/5/2018 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn (hợp nhất của Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2001 và Thông tư 11/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/5/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
3. Cơ quan tiếp nhận báo cáo hoạt động của tổ chức chứng nhận của nước ngoài hoặc tổ chức chứng nhận được thừa nhận chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài là Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2019.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Công báo Chính phủ; - Website: Chính phủ; Bộ NN&PTNT; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan; - UBND các Tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Sở NN&PTNT các Tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Các Vụ: PC; KHCN; - TCTS, Cục: TT, CN; BVTV, TY, QLCL NLS&TS; - Lưu: VT, CBTTNS. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNGTrần Thanh Nam |
Phụ lục
(Ban hành kèm theo Thông tư số /2019/TT-BNNPTNT ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Mẫu số 01 | Bản công bố sử dụng lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam |
Mẫu số 02 | Cách đặt mã số tổ chức chứng nhận |
Mẫu số 01
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
BẢN CÔNG BỐ SỬ DỤNG/DỪNG SỬ DỤNG
LÔ GÔ SẢN PHẨM HỮU CƠ VIỆT NAM
Kính gửi: Tổng cục, Cục chuyên ngành
1. Tên cơ sở :..........................................................................................................
Tên viết tắt (nếu có) ...............................................................................................
Tên giao dịch: bằng tiếng nước ngoài (nếu có).......................................................
2. Trụ sở chính:
Địa chỉ:....................................................................................................................
Điện thoại:........................................................ Fax:...............................................
Email:................................................. Website (nếu có);........................................
3. Người đại diện pháp luật:
Họ và tên:................................... Chức vụ................... Quốc tịch...........................
Cơ sở công bố như sau:
- Sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam từ ngày … tháng … năm … cho các sản phẩm hữu cơ được cơ sở sản xuất/ kinh doanh bao gồm:
STT | Tên sản phẩm | Nơi sản xuất | Mã số Giấy chứng nhận phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ | Diện tích, quy mô sản xuất | Sản lượng, công suất | Ngày cấp | Ngày hết hạn |
- Tạm dừng/ chấm dứt việc sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam từ ngày … tháng … năm … đối với các sản phẩm hữu cơ bao gồm:
STT | Tên sản phẩm | Nơi sản xuất/ kinh doanh | Lý do ( Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc tạm đình chỉ hoặc bị hủy bỏ…) |
Cơ sở xin cam kết:
- Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của bản công bố sử dụng Lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
- Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, của Quy chế sử dụng lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.
……., ngày… tháng…năm…..
ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
Mẫu số 02
CÁCH ĐẶT MÃ SỐ ĐĂNG KÝ TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN
Mã số đăng ký của tổ chức chứng nhận gồm 04 phần:
1) Chữ viết tắt tổ chức chứng nhận: ORGANIC
2) Chữ viết tắt của lĩnh vực đăng ký: Thủy sản (TS), Trồng trọt (TT), Chăn nuôi (CN), Chế biến (CB). Trường hợp đăng ký hoạt động chứng nhận cùng thời điểm từ 2 lĩnh vực trở lên thì dùng dấu / giữa các lĩnh vực.
3) Năm được chỉ định: lấy 02 chữ số cuối của năm cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
4) Số thứ tự của tổ chức chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động gồm 02 chữ số.
Ví dụ:
- Mã số đăng ký của một tổ chức chứng nhận được cấp Giấy chứng nhận thứ 01 của năm 2019 là ORGANIC-TT-19-01.
- Trường hợp tổ chức chứng nhận đăng ký cùng thời điểm 2 lĩnh vực TT và CN thì mã số đăng ký là ORGANIC-TT/CN-19-01.