Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thức ăn chăn nuôi
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về quản lý thức ăn chăn nuôi cụ thể về lấy mẫu kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc có trong tiêu chuẩn công bố áp dụng; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi...Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NÔNG NGHIỆP
Số: /2019/TT-BNNPTNT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 2019 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn quản lý thức ăn chăn nuôi
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chăn nuôi;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý thức ăn chăn nuôi,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn nội dung về quản lý thức ăn chăn nuôi quy định tại khoản 4 Điều 37, khoản 1 Điều 44, khoản 2 Điều 46, điểm đ khoản 2 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 79 Luật Chăn nuôi, gồm:
1. Quy định lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;
2. Quy định chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc có trong tiêu chuẩn công bố áp dụng;
3. Quy định về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi;
4. Quy định về báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi;
5. Ban hành Danh mục hóa chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương II
NỘI DUNG HƯỚNG DẪN
Điều 3. Lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi
1. Việc lấy mẫu để kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu thức thức ăn chăn nuôi.
2. Người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước phải được Cục Chăn nuôi tập huấn nghiệp vụ và cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi.
Điều 4. Chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc có trong tiêu chuẩn công bố áp dụng
Chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc có trong tiêu chuẩn công bố áp dụng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi
1. Các nội dung phải thể hiện trên nhãn thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thức ăn chăn nuôi là hàng rời khi lưu thông phải có tài liệu kèm theo được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, trừ trường hợp thức ăn chăn nuôi truyền thống là hàng nông sản như ngô hạt, thóc, gạo, tấm, cám, hạt mỳ, hạt đậu, khoai, sắn hoặc sản phẩm khác từ trồng trọt chưa qua chế biến.
3. Thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ được đóng gói khi lưu thông không bắt buộc phải ghi nhãn theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải có dấu hiệu trên bao bì để nhận biết, tránh nhầm lẫn và tài liệu kèm theo được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh hoặc hoạt chất trong thuốc thú y để phòng, trị bệnh cho vật nuôi phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh hoặc hoạt chất, hướng dẫn sử dụng, mục đích sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo.
Điều 6. Báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn theo đặt hàng, thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ có trách nhiệm báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này theo định kỳ vào ngày 25 hằng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi theo định kỳ được gửi về Cục Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn qua môi trường mạng hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Điều 7. Danh mục hóa chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi
1. Danh mục hóa chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Các nguyên liệu được dùng làm thực phẩm mà chưa có trong Danh mục nêu tại khoản 2 Điều này được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
4. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện hóa chất mới hoặc nguyên liệu mới thì tổ chức, cá nhân có ý kiến gửi về Cục Chăn nuôi để tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cập nhật vào Danh mục tại quy định khoản 1 và khoản 2 Điều này định kỳ 06 tháng 01 lần.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của Cục Chăn nuôi
1. Tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
2. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước; kiểm tra cơ quan quản lý cấp tỉnh về thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
3. Tập huấn nghiệp vụ đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ quan quản lý cấp tỉnh; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thức ăn chăn nuôi; tập huấn nghiệp vụ và cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi cho người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi.
4. Rà soát, cập nhật và trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ban hành Danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn quản lý.
2. Thanh tra, kiểm tra, đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn; kiểm tra thực hiện quản lý nhà nước cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã về thức ăn chăn nuôi.
3. Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
4. Cập nhật, báo cáo Cục Chăn nuôi về việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi và kết quả hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam; Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2015 ban hành Danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam; Thông tư số 01/2017/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam; Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam.
Điều 11. Quy định chuyển tiếp
Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã in nhãn trên bao bì có nội dung khác với quy định tại Thông tư này trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: - Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo; Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ NN và PTNT; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Bộ NN và PTNT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu: VT, CN. | BỘ TRƯỞNG
|
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!