Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định

Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển
Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp Loại dự thảo:Quyết định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Nội dung tóm lược

Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo ổn định bờ sông, bờ biển nâng cao năng lực phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói riêng, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

------------

Số:       /QĐ-TTg


DỰ THẢO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-------------

Hà Nội, ngày       tháng         năm 2019

 

 

QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

--------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Căn cứ Nghị số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng chống thiên tai.

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên toàn quốc (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, trong đó chú trọng công tác quản lý bờ sông, bờ biển gắn với sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ven sông, ven biển;

b) Kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, trong đó chỉ sử dụng giải pháp công trình đối với những khu vực tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; bảo vệ đất rừng tại những khu vực xói lở nghiêm trọng không thể phục hồi;

c) Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kết hợp với giải pháp tuyền thống thân thiện với môi trường, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, giá thành hạ, có thể sử dụng nhiều lần, dễ thi công;

d) Đề cao sự tham gia của cồng đồng trong công tác quản lý bờ sông, lòng sông, vùng ven sông và ven biển, đảm bảo sinh kế của người dân khu vực ven sông, ven biển;

đ) Tăng cường huy động nguồn lực của danh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển;

e) Hợp tác quốc tế, nhất là các quốc gia có chung lưu vực sông quản lý hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu các yếu tố tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Đảm bảo ổn định bờ sông, bờ biển nâng cao năng lực phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói riêng, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

- Nâng cao năng lực quản lý của các cấp, các ngành, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trong việc bảo vệ và  phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển.

b) Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực ven sông, ven biển. Đến năm 2021, đảm bảo 100% các hộ dân ở ven sông, ven biển được  cảnh báo về nguy cơ sạt lở và trang bị kiến thức phòng tránh.

- Rà soát, phân loại sạt lở, đến năm 2020 hoàn thành xây dựng bản đồ sạt lở trên phạm vi toàn quốc.

- Hoàn thành 100% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 và hoàn thành 90% việc trồng rừng ngập mặn ven biển tại những khu vực bãi biển ổn định, phù hợp với điều kiện trồng rừng đến năm 2025;

- Đến năm 2020 hoàn thành khung hệ thống cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển trên các phần mềm quản lý và đến năm 2025 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

- Nâng cao năng lực các hoạt động quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển của các cấp các ngành, các tổ chức, cộng đồng, giảm thiểu các tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển;

- Xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đến năm 2025 tập trung xử lý hoàn thành về cơ bản việc xử lý tại các trọng điểm xung yếu về sạt lở bảo đảm an toàn khu tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển, các khu vực chỉnh trị trọng điểm và ổn định bờ biển tại những khu vực xói lở mạnh; 

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng ứng dụng và chuyển giao công nghệ nâng cao khả năng phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra;

- Huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, nhất là từ khối doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách

a) Rà soát, điều chỉnh quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển phù hợp với điều kiện thực tiễn trong quản lý, xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.

b) Xây dựng các chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, khuyến khích khối tư nhân đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

c) Rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

d) Xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai về sạt lở bờ sông, bờ biển; phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai.

đ) Ban hành nghị định quy định về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý.

e) Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

g) Xây dựng và ban hành cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

2. Điều tra cơ bản, thiết kế quy hoạch,

a) Điều tra hiện trạng dân cư, ưu tiên tại những khu vực có nguy cơ sạt lở trên các hệ thống sông chính;

b) Điều tra đánh giá hiện trạng lòng dẫn, sạt lở và công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

c) Điều tra, đánh giá diễn biến hàm lượng bùn cát trên sông, ven bờ, các yếu tố về thuỷ, hải văn, nước ngầm;

d) Tổ chức lập quy hoạch phòng chống thiên tai, thuỷ lợi; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh, trong đó có hợp phần chỉnh trị sông, đường bờ biển.

3. Quản lý bảo vệ bờ sông, lòng sông, bờ biển          

a) Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, các tổ chức và chính quyền địa phương trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

b) Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, chỉ khai thác với tỷ lệ nhất định so với lượng bùn cát lắng đọng giảm nguy cơ mất cân bằng bùn cát;

c) Tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên; hạn chế việc sử dụng cát tự nhiên trong san nền; sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng;

d) Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, đê điều, phòng chống thiên tai, thuỷ lợi;

đ) Kiểm soát, chấn chỉnh việc quản lý rừng ngập mặn và khai thác, sử dụng nước ngầm;

e) Quản lý tổng hợp vùng ven biển theo hình thức xã hội hoá, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển;

g) Tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại sạt lở, cắm biển cảnh báo tại những khu vực sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở;

h) Cắm biển chỉ giới phạm vi chỉnh trị sông, đường bờ biển;

i) Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động giao thông thuỷ;

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống sạt lở

a) Hoàn thiện bản đồ nền (webgis) về sạt lở bờ sông, bờ biển; thường xuyên cập nhật bản đồ hiện trạng công trình phòng chống sạt lở, bản đồ phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển.

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về bùn cát, thuỷ hải văn trên sông và vùng ven biển; trữ lượng nước và diễn biến nước ngầm, lún, sụt đất tại các vùng đồng bằng, ven biển.

c) Cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; diễn biến lòng dẫn, đường bờ sông, bờ biển; rừng ngập mặn, rừng chắn cát và cồn cát ven biển.

d) Cập nhật dữ liệu về nhà ở, công trình trong phạm vi có nguy cơ xảy ra sạt lở và trong phạm vi bảo vệ bờ sông, bờ biển.

đ) Cập nhật dữ liệu về khai thác cát, nạo vét luồng lạch trên các sông, cửa sông, ven biển.

e) Cập nhật các kịch bản nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu; phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển.

5. Xây dựng công trình, các dự án liên quan đến phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

a) Đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển theo kế hoạch 05 năm và rà soát hàng năm; xử lý sạt lở cấp bách và khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển, tái thiết sau thiên tai, kết hợp xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực quản lý, chống lấn chiếm. Trước mắt tập trung đầu tư tại những khu vực tập trung dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng quan trọng, khu du lịch, nghỉ dưỡng và những khu vực đang có diễn biến xói lở mạnh bờ biển làm mất đất và rừng ngập mặn;

b) Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến lòng dẫn, sạt lở bờ sông, bờ biển; trong đó chú trọng thực hiện tại những hệ thống sông liên quốc gia, các khu vực có diễn biến sạt lở phức tạp;

c) Đầu tư các dự án trồng và phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng ven biển đồng đồng bằng sông Cửu Long;

d) Đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ di dời dân ra khỏi những khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

6. Khoa học công nghệ

a) Nghiên cứu vật liệu mới thay thế cát nước ngọt sử dụng trong xây dựng, đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp, tiến tới không sử dụng cát để san lấp;

b) Nghiên cứu, đánh giá tình hình lún sụt đất làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

c) Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển phù hợp với điều kiện từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư.

d Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu.

đ) Nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy, chế độ thuỷ văn, cân bằng bùn cát trên các hệ thống sông chính, nhất là các hệ thống sông xuyên quốc gia.

7. Hợp tác quốc tế

a) Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các quốc gia ở thượng nguồn thuộc hệ thống sông Hồng, Mê Kông để quản lý bền vững việc sử dụng nguồn nước, hạn chế quá trình suy giảm bùn cát;

b) Thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công;

c) Điều tra, đánh giá, dự báo dòng chảy lũ, dòng chảy bùn cát hệ thống sông liên quốc gia;

d) Xây dựng phương án chỉnh trị sông làm cơ sở để rà soát, tích hợp vào các quy hoạch liên quan;

đ Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ nguồn lực xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

8. Lộ trình thực hiện

Có Phụ lục 1 kèm theo

9. Huy động nguồn lực

Nguồn lực thực hiện Đề án bao gồm: ngân sách nhà nước; quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn vốn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Theo kế hoạch 05 năm tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được điều chỉnh hàng năm, các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, chú trọng việc lồng ghép các nội dung phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và trồng rừng ngập mặn ven biển vào kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó:

a) Ngân sách nhà nước

- Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách, quy chế, phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo, bản đồ hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển phục vụ công tác quản lý và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;

- Điều tra cơ bản; thiết kế quy hoạch đối với hợp phần chỉnh trị sông, đường bờ biển; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển; trước mắt tập trung thực hiện tại các hệ thống sông liên quốc gia, hệ thống sông lớn;

- Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp công trình phù hợp với điều kiện từng vùng, thân thiện với môi trường, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Trung Bộ;

- Di dời dân cư, công trình trong khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; trồng rừng ngập mặn ven biển; xây dựng công trình phòng chống sạt lở và xử lý sạt lở cấp bách  bờ sông, bờ biển. Trong đó ưu tiên thực hiện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung theo phương châm đầu tư không hối tiếc, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

b) Quỹ phòng, chống thiên tai

- Tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng và các tổ chức, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ bờ sông, bờ biển, rừng ngập mặn ven biển nói riêng và phòng chống thiên tai nói chung;

- Kiểm tra, phân loại sạt lở, cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển; trước mắt tập trung triển khai tại những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm;

- Duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên thực hiện tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp;

- Trồng cây chắn sóng ven biển, vùng cửa sông, trong đó tập trung vào việc trồng dặm, những khu vực có thể trồng tự nhiên (không cần xây dựng công trình giảm sóng bằng vật liệu cứng);

c) Nguồn vốn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; điều tra cơ bản, xây dựng phương án chỉnh trị sông, ổn định đường bờ biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Trung Bộ.

- Hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý bảo vệ bờ sông, bờ biển, khai thác tài nguyên, khoáng sản làm gia tăng nguy cơ sạt lở; xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biên và trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, quy chế về quản lý bờ sông, bờ biển và  xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;

b) Tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, các tổ chức và chính quyền địa phương trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

c) Điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

d) Hướng dẫn các địa phương phân công, phân cấp quản lý và duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng hợp phần chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển trong quy hoạch tỉnh;

đ) Phối hợp với các địa phương lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển. Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển;

e) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, xây dựng công trình phòng chống  sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu;

g) Rà soát, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức trong xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

h) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương rà soát, đánh giá phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;

i) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành các quy định về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cấp độ rủi ro thiên tai về sạt lở bờ sông, bờ biển;

b) Điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu về bùn cát, thuỷ hải văn, nước ngầm, lún sụt đất, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long;

c) Nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi chế độ thuỷ, hải văn, cân bằng bùn cát trên các hệ thống sông, nhất là hệ thống sông xuyên quốc gia;

d) Hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi giảm thiểu nguy cơ mất cân bằng bùn cát.

3. Bộ Giao thông vận tải

a) Rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên sông, ven sông, ven biển, triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển đối với các công trình đã xây dựng;

b) Tăng cường quản lý đối với việc xây dựng mới các công trình trên sông, ven sông, ven biển tránh gây sạt lở đối với khu vực lân cận;

c) Quản lý chặt chẽ việc nạo vét luồng, lạch phục vụ giao thông thuỷ đảm bảo không gây sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế sự suy giảm bùn cát, sử dụng hiệu quả bùn cát nạo vét để san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng;

d) Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động giao thông thuỷ hạn chế tác động gây sạt lở bờ sông, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4. Bộ Xây dựng           

a) Hướng dẫn việc xây dựng các khu dân cư phục vụ di dời dân ra khỏi những khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển;

b) Nghiên cứu vật liệu mới thay thế cát nước ngọt sử dụng trong xây dựng, đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Xây dựng các chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, khuyến khích khối tư nhân đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển rừng ngập mặn ven biển;

b) Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA cho các dự án đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và nguồn dự phòng ngân sách trung ương để xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.

6. Bộ Tài chính

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi đầu tư phát triển và phương án phân bổ chi đầu tư xây dựng các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các công trình xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.

7. Các Bộ, ngành khác

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bờ sông, bờ biển; khai thác tài nguyên, khoáng sản; sử dụng nguồn nước, xây dựng các công trình trên sông, ven sông, ven biển để giảm thiểu các tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ven biển.

8. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố

a) Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức trong công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

b) Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển; khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển; khai thác nước ngầm; bảo vệ rừng ngập mặn ven biển;

c) Sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng hạn chế việc sử dụng cát, sỏi lòng sông;

d) Quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển theo hình thức xã hội hoá, gắn với sinh kế của người dân và trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ rừng ngập mặn ven biển;

đ) Kiểm tra, rà soát, phân loại sạt lở, cắm biển cảnh báo tại những khu vực sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng chống sạt lở bơ sông, bờ biển;

e) Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên xây dựng công trình phòng chống sạt lở, tổ chức di dời dân khỏi khu vực sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đảm bảo an toàn cho ngời và tài sản;

g) Phân công, phân cấp việc quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

h) Lồng ghép các nội dụng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

i) Ưu tiên bố trí nguồn vốn của địa phương và huy động từ khối tư nhân di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển; trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển; xây dựng công trình và xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT;
- Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Ủy ban của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các vụ: KTTH, KTN, TH, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (2).

THỦ TƯỚNG





 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi