Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Nội dung tóm lược
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ; Sửa đổi, bổ sung về các trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ -------------- Số: /2020/NĐ-CP DỰ THẢO 1 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, BÃI BỎ MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/2020/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN CHI TIẾT LUẬT CHĂN NUÔI
-----------------------------
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
1. Khoản 8 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“8. Các trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bao gồm:
a) Cơ sở sản xuất (sản xuất, sơ chế, chế biến) thức ăn chăn nuôi truyền thống nhằm mục đích thương mại ở hộ gia đình, hộ kinh doanh;
b) Cơ sở sản xuất thực phẩm sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.”
2. Điểm a khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh: Kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh trong quá trình lưu thông trên thị trường hoặc trong quá trình nhập khẩu bị phát hiện không bảo đảm chất lượng; gây mất an toàn cho con người, vật nuôi, môi trường hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng, hoạt động sản xuất thì kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm ghi biện pháp kiểm tra vào Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh thuộc trường hợp này. Sản phẩm sau 03 lần kiểm tra liên tiếp có chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng được chuyển sang biện pháp kiểm tra dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân”
Phương án 1.
3. Điểm c khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất xứ xác nhận sản phẩm được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đối với nguyên liệu đơn, thức ăn truyền thống, trừ các loại thức ăn truyền thống sau:
Hạt cốc nguyên hạt hoặc bột (Ngô, thóc, gạo, lúa mì, lúa mạch, kê, đại mạch, yến mạch, cao lương, lúa miến);
Cám (cám gạo, cám mì);
Hạt đậu nguyên hạt hoặc bột (Đậu tương, đậu xanh, đậu lupin, đậu triều);
Hạt có dầu (Hạt lạc, hạt bông, hạt lanh, hạt vừng, hạt điều, vỏ đậu tương);
Khô dầu (Khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, khô dầu cọ, khô dầu hạt cải, khô dầu vừng, khô dầu hướng dương, khô dầu lanh, khô dầu dừa, khô dầu bông, khô dầu lupin);
Phụ phẩm chế biến từ ngũ cốc (Gluten ngô, gluten mì, gluten feed, DDGS (Distillers Dried Grain Solubles)); Củ quả (Sắn, khoai, cà rốt); Cây, cỏ trên cạn (Cỏ tự nhiên, cỏ trồng, cây họ hòa thảo, cây họ đậu)”.
Phương án 2:
3. Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 18.
4. Khoản 4 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này. Cơ quan kiểm tra trả lời tính đầy đủ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan kiểm tra thẩm định nội dung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan kiểm tra yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp đạt yêu cầu, cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng để tổ chức, cá nhân làm thủ tục hải quan.
c) Đối với thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này: Tổ chức, cá nhân được phép thông quan ngay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan lô hàng, tổ chức, cá nhân nộp kết quả đánh giá sự phù hợp về cơ quan kiểm tra. Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá sự phù hợp và bảo đảm lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan kiểm tra hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy phải thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
d) Đối với thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này: Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, tổ chức, cá nhân phải xuất trình hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cho tổ chức được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi để đánh giá sự phù hợp. Trường hợp lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức chứng nhận hợp quy cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng để tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra.
Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức chứng nhận hợp quy thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.”
5. Bãi bỏ điểm a khoản 1 Điều 29.
6. Khoản 2 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trừ trường hợp thỏa thuận giữa Việt Nam và nước ngoài có quy định khác, các cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:
a) Cảng hàng không quốc tế;
b) Cửa khẩu biên giới đất liền: Cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính;
c) Cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I, cảng biển loại II và cảng biển tiếp nhận tàu nước ngoài;
Điều 2. Quy định chuyển tiếp
1. Tổ chức, cá nhân nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính về thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu vật nuôi sống trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu đơn, thức ăn chăn nuôi truyền thống thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này từ ngày 01 tháng 07 năm 2021. (Trường hợp lựa chọn Phương án 1)
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2021.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc |