Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Nghị định quy định chính sách phát triển thủy sản
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp | Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chính sách về đầu tư; bảo hiểm; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác để phát triển thủy sản.Tải Nghị định
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ Số: /2021/NĐ-CP DỰ THẢO
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
NGHỊ ĐỊNH
Về một số chính sách phát triển thủy sản
-------------
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân hàng nhà nước ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi một số điều của luật các tổ chức tín dụng 2010;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chính sách về đầu tư; bảo hiểm; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác để phát triển thủy sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: Nuôi trồng thuỷ sản, Khai thác thuỷ sản, Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản được hưởng các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư và một số chính sách khác theo quy định tại Nghị định này.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các chính sách được quy định tại Nghị định này.
Chương II
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Điều 3. Chính sách đầu tư
1. Ngân sách trung ương:
a) Ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí vốn trong giai đoạn 5 năm sau và hàng năm theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng tối thiểu gấp 02 lần so với số vốn bình quân hàng năm đã bố trí trong giai đoạn 5 năm trước.
b) Đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu: cảng cá loại I; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; cảng cá loại II, khu neo đậu tránh trú bão tại các đảo, quần đảo. Hỗ trợ tối đa 90% kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu đối với cảng cá loại II và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh. Ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo và cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn.
Các hạng mục thiết yếu bao gồm: cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng, phòng cháy chữa cháy.
c) Đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển, vùng sản xuất giống thuỷ sản tập trung, vùng sản xuất giống nuôi biển do Bộ, ngành, Trung ương, địa phương quản lý thuộc danh mục dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung gồm: Hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, trạm bơm, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện đầu mối, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành quản lý.
Hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển gồm cảng dịch vụ, nạo vét luồng vào cảng, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành, quản lý vùng nuôi biển; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi.
Hạng mục hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất giống nuôi biển gồm: Hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, trạm bơm, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện đầu mối, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi thuỷ sản bố mẹ trên biển, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành quản lý.
d) Đầu tư 100% kinh phí xây dựng các trung tâm giống thủy sản cấp quốc gia, cấp vùng; hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp trung ương và cấp vùng thực hiện nhiệm vụ kiểm định, kiểm chứng nuôi trồng thủy sản.
đ) Đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển thuộc Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bao gồm: nhà làm việc cho Ban quản lý, nhà bảo tàng, bến đậu tàu, đường giao thông nội bộ trong phân khu dịch vụ hành chính; hệ thống quan trắc biến động môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản (thiết bị lặn, máy sạc khí bình lặn, máy quay phim, chụp ảnh dưới nước, các dụng cụ lấy mẫu, thiết bị đo nhanh các thông số môi trường nước biển); trang bị phương tiện thủy và các thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát; cắm mốc, lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu, phao đánh dấu ranh giới khu bảo tồn biển, ranh giới các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển; xây dựng các trạm bảo vệ, cứu hộ động vật thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
e) Đầu tư 100% kinh phí đánh giá tác động môi trường, sức tải môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
2. Ngân sách địa phương đầu tư 100% kinh phí đối với các dự án tại địa phương, thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đáp ứng quy định của Nghị định này; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; duy tu, bảo trì hàng năm các hạng mục công trình hạ tầng thủy sản và chi phí bộ máy quản lý sau đầu tư đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; cảng cá loại III và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
3. Khuyến khích các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư hoặc tham gia thực hiện đầu tư các hạng mục công trình thuộc đối tượng được ngân sách trung ương hỗ trợ.
Điều 4. Chính sách chuyển đổi chủ tàu
Chủ tàu đã được phê duyệt dự án đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án hoặc đã hoàn thành đóng mới, nấng cấp nhưng không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản (sau đây gọi là chủ tàu cũ) được chuyển đổi cho chủ tàu khác có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác thủy sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án (sau đây gọi là chủ tàu mới). Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất hoặc chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư khi nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay hoặc hoàn trả khoản nợ vay của chủ tàu cũ.
1. Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với trường hợp chủ tàu vì nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến không trả nợ được đúng hạn cho ngân hàng và không đủ năng lực khai thác hải sản có nhu cầu chuyển nhượng tàu; chủ tàu mới có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác hải sản đồng ý nhận chuyển nhượng dự án, chủ tàu mới được lựa chọn hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất khi nhận tàu và toàn bộ dư nợ vay từ chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao. Ngân sách nhà nước cấp bù toàn bộ lãi vay của chủ tàu cũ chưa trả nợ được đến thời điểm bàn giao.
Chủ tàu cũ phải trả nợ gốc quá hạn tính đến thời điểm bàn giao và lãi phát sinh của nợ gốc quá hạn. Chủ tàu mới nhận bàn giao tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm: nợ gốc và lãi phát sinh tính từ thời điểm bàn giao theo hợp đồng tín dụng do chủ tàu cũ đã ký với ngân hàng.
2. Chủ tàu cũ và chủ tàu mới thỏa thuận, thống nhất về việc bàn giao tàu và khoản nợ vay, ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
3. Chủ tàu mới và ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại theo quy định (11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới) sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất mà chủ tàu cũ đã thực hiện tại thời điểm bàn giao.
4. Chủ tàu mới nhận bàn giao khoản nợ vay và tài sản hình thành từ vốn vay từ chủ tàu cũ theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định taị khoản 1 Điều này thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của chủ tàu
5. Chính sách chuyển đổi chủ tàu chỉ được thực hiện 01 lần/tàu. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ vay của chủ tàu mới nhận bàn giao từ chủ tàu cũ (nếu có) được phân loại theo nhóm nợ của chủ tàu mới.
Điều 5. Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư
1. Đối tượng được hỗ trợ: Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển; cơ sở sản xuất sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
2. Điều kiện được hỗ trợ:
a) Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển đáp ứng các điều kiện sau:
Đã được cấp giấy phép nuôi biển và được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển, quy mô nuôi tối thiểu 05 ha hoặc có 10 lồng nuôi trở lên hoặc công suất 300 tấn sản phẩm nuôi/năm trở lên;
Thể tích lồng tối thiểu 1.000 m3/lồng;
Bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường;
Sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
b) Các cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển có công suất sản xuất 05 triệu giống/năm trở lên.
3. Mức hỗ trợ:
a) Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển: 01 triệu đồng cho 01 m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa cách bờ trên 06 hải lý; 0,4 triệu đồng cho 01 m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển cách bờ từ 03 đến 06 hải lý.
b) Các cơ sở sản xuất sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển: Được hỗ trợ 30% giá trị đầu tư mới nhưng không quá 10 tỷ đồng/cơ sở hoặc nâng cấp nhưng không quá 05 tỷ đồng/cơ sở.
4.Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị phê duyệt hỗ trợ
a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất.
b) Hồ sơ bao gồm: Đơn xin hỗ trợ một lần sau đầu tư (theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này); Giấy phép và quyết định giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản (đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển); Hồ sơ thiết kế, xây dựng, hoàn công, hồ sơ quyết toán của dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sản xuất giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển.
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, thông báo cho tổ chức, cá nhân kết quả thẩm định.
d) Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí: Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
đ) Định kỳ trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương.
e) Kinh phí hỗ trợ một lần sau đầu tư được tổng hợp vào quyết toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 6. Chính sách bảo hiểm
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác thuỷ sản; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển:
1. Hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho thuyền viên làm việc trên tàu cá; bảo hiểm tai nạn cho cá nhân làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; thuyền viên làm việc trên tàu và xà lan chuyên dụng dịch vụ cho cơ sở nuôi biển công nghiệp. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với các cơ sở nuôi biển ngoài 06 hải lý và vùng biển khơi.
2. Hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu), bảo hiểm lồng bè, phương tiện, thiết bị phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 03-06 hải lý.
3. Hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với thiết bị của các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển ngoài 6 hải lý và vùng biển khơi; hỗ trợ 20% kinh phí mua bảo hiểm vật nuôi đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
Điều 7. Một số chính sách khác
1. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ cao trên tàu cá, quản lý nuôi biển, kỹ thuật viên nuôi trồng thủy sản trên biển.
2. Hỗ trợ một lần chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép: Thời gian hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đối với chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện trong suốt thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất (tối đa 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; tối đa 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới).
a) Điều kiện hỗ trợ: Chủ tàu cá vỏ thép được đóng mới đã thực hiện duy tu, sửa chữa đúng quy định pháp luật về đăng kiểm tàu cá; có hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, sửa chữa tàu với cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá được công bố theo quy định; đã được cơ sở đăng kiểm tàu cá kiểm tra, chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá.
b) Mức hỗ trợ: 150 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15mét đến dưới 24 mét; 200 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 mét đến dưới 30 mét; 250 triệu đồng đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 30 mét trở lên.
c) Trình tự thủ tục:
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ đối với tàu cá vỏ thép có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này); bản chính Hợp đồng, thanh lý hợp đồng duy tu, hóa đơn thanh toán sửa chữa tàu cá; bản photo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Hồ sơ gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách chủ tàu được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thông báo cho chủ tàu và kho bạc nhà nước cấp huyện nơi chủ tàu được hỗ trợ.
Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí: Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
Định kỳ trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, kết quả hỗ trợ của các địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương.
3. Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản bao gồm:
a) Đối tượng được hỗ trợ: Tổ chức cộng đồng, người dân có nguyện vọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
b) Điều kiện hỗ trợ:
Người dân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hỗ trợ đối với tổ chức cộng đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thuỷ sản.
Khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có loài thủy sản có giá trị kinh tế, dịch vụ phục vụ trực tiếp sinh kế của người dân địa phương và khu vực đó chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác.
c) Nội dung và mức hỗ trợ:
Hỗ trợ tối đa 100% chi phí tư vấn hỗ trợ thành lập tổ chức cộng đồng gồm: thực hiện điều tra, khảo sát hiện trạng nguồn lợi thủy sản, kinh tế xã hội và công tác quản lý tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng; xây dựng hồ sơ thành lập Quỹ cộng đồng.
Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng; mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động của tổ chức cộng đồng bao gồm: thiết bị văn phòng; phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát; phao tiêu, biển báo, đèn hiệu đánh dấu khu vực thực hiện đồng quản lý.
Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí hoạt động thường niên của tổ chức cộng đồng trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ ngày tổ chức cộng đồng được hỗ trợ, bao gồm các hoạt động chủ yếu sau: Thuê chuyên gia hỗ trợ hoạt động của tổ chức cộng đồng; tổ chức hội nghị cộng đồng hằng năm; chi phí nhiên liệu thực hiện tuần tra trên thuỷ vực; tái tạo nguồn lợi thủy sản; truyền thông; thu thập thông tin về hoạt động khai thác thuỷ sản tại khu vực được giao quyền quản lý.
d) Trình tự, thủ tục hỗ trợ:
Đại diện tổ chức cộng đồng hoặc người dân gửi Đơn đề nghị hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Cơ quan tiếp nhận).
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận Đơn đề nghị hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản đến tổ chức cộng đồng hoặc người dân về việc đủ hoặc không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Cơ quan tiếp nhận chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan,cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thuỷ sản cấp tỉnh, người dân, tổ chức cộng đồng tại nơi dự kiến thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức xem xét, xác định nhu cầu và khảo sát thực tế (nếu cần) để xây dựng “Đề án hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” phù hợp với quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, gửi Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện Nghị định này gắn với việc tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành thủy sản để phát triển bền vững, hiệu quả.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, giám sát các địa phương việc thực hiện các quy định nêu tại Nghị định này; đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; thực hiện, định kỳ sơ kết; tổng kết kết quả thực hiện và báo cáo Chính phủ.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xác định các dự án ưu tiên đầu tư hàng năm.
d) Chủ trì xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chuẩn quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật về cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển phù hợp với quy định và chuẩn mực quốc tế.
đ) Đánh giá sức tải môi trường nuôi trồng thủy sản trên biển; nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản; dự báo ngư trường và quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đồng thời công khai quy hoạch để các địa phương thực hiện.
e) Xây dựng các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng.
g) Tổ chức thẩm định, ra quyết định công nhận trang thiết bị, quy trình, sản phẩm công nghệ cao ứng dụng công nghệ cao trong khai thác, nuôi trồng thủy sản trên biển, bảo quản sản phẩm thủy sản.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch 5 năm, hàng năm để cấp bù lãi suất, hỗ trợ một lần sau đầu tư và thực hiện các chương trình dự án đầu tư, bảo đảm tập trung hoàn thành dứt điểm từng công trình.
3. Bộ Tài chính:
a) Bố trí ngân sách thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định này.
b) Hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất thực hiện chính sách tín dụng quy định tại Nghị định; Hướng dẫn bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại khoản nợ vay của chủ tàu; Hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất của nợ gốc quá hạn mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng cho vay trước thời điểm bàn giao khi thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định này.
c) Hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm theo quy định tại Điều 6 Nghị định này. Chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm thực hiện hợp đồng bảo hiểm cho ngư dân, kịp thời bồi thường bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
d) Hướng dẫn bổ sung các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được hưởng cơ chế xử lý rủi ro theo quy định tại Nghị định này.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ chủ tàu; Hướng dẫn các ngân hàng thương mại chuyển đổi khoản nợ vay từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới theo cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định này.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định này.
5. Các Bộ, ngành khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chính sách phát triển thủy sản quy định tại Nghị định này.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách quy định tại Nghị định này tại địa phương.
2. Căn cứ yêu cầu và khả năng thực tế của địa phương, bố trí kinh phí và trình Hội đồng nhân dân đồng cấp ban hành bổ sung, nâng mức hỗ trợ những chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản trên địa bàn ngoài những chính sách được quy định tại Nghị định này.
3. Giao Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức xem xét, thẩm định sự phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương của “Đề án hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án.
4. Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp cùng ngành ngân hàng trên địa bàn đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo chính sách thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
5. Xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến thống nhất của ngân hàng thương mại cho vay đối với trường hợp chủ tàu vì nguyên nhân khách quan, bất khả kháng dẫn đến không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng thương mại và không đủ năng lực hoạt động khai thác hải sản, có nhu cầu chuyển nhượng tàu; chủ tàu mới có đủ năng lực tài chính, năng lực khai thác thủy sản đồng ý nhận chuyển nhượng tàu.
6. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với các ngân hàng thương mại rà soát để có biện pháp tháo gỡ khó khăn và đôn đốc thu hồi nợ vay cụ thể, phù hợp với từng nhóm chủ tàu; hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong quá trình thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo; thực hiện chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
7. Định kỳ hàng quý và kết thúc năm tài chính, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 10. Trách nhiệm của các Hội, Hiệp hội thủy sản
1. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định tại Nghị định này.
2. Hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện các chính sách phát triển thủy sản.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của chủ tàu, chủ cơ sở nuôi biển công nghiệp
1. Được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định của Nghị định này.
2. Trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới tàu cá hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới tàu nhưng chuyển quyền thực hiện dự án cho chủ tàu mới, khi chủ tàu mới đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này thì chủ tàu mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ và thực hiện các nghĩa vụ của dự án được nối tiếp.
3. Trường hợp chủ tàu gặp rủi ro trong quá trình khai thác, đánh bắt do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, kịp thời thực hiện các thủ tục về xác nhận rủi ro, thiệt hại, phạm vi bảo hiểm,… để người dân sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
4. Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản và các quy định trong Nghị định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các chính sách đang được thực hiện theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các văn bản sửa đổi, bổ sung trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục được thực hiện đến hết thời hạn của chính sách.
2. Thời gian hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đối với chủ tàu vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện trong suốt thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất (tối đa 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; tối đa 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới).
3. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ cao trên tàu cá, quản lý nuôi biển, kỹ thuật viên nuôi trồng thủy sản trên biển thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
4. Trong trường hợp một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân thụ hưởng được lựa chọn một chính sách hỗ trợ cao nhất.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày …… tháng ….. năm 20…..
2. Nghị định này thay thế các văn bản sau đây:
a) Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
b) Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản;
c) Nghị định số 172/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản;
d) Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ
|
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!