Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi của Chính phủ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi lần 2
Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Chính phủTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 38, khoản 4 Điều 39, khoản 5 Điều 41, khoản 8 Điều 43, khoản 5 Điều 45, khoản 2 Điều 52, khoản 4 Điều 53, khoản 4 Điều 58, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 63, khoản 4 Điều 64, khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 5 Điều 78 và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ

 

Số:        /2019/NĐ-CP

 

DỰ THẢO 2

(07/05/2019)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Hướng dẫn chi tiết một số điều

và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi

 

            Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

            Căn c Luật Chăn nuôi  ngày 19 tháng 11 năm 2018;

            Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

            Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 38, khoản 4 Điều 39, khoản 5 Điều 41, khoản 8 Điều 43, khoản 5 Điều 45, khoản 2 Điều 52, khoản 4 Điều 53, khoản 4 Điều 58, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 63, khoản 4 Điều 64, khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 5 Điều 78 và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc là protein thô và lysine tổng số; trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho động vật cảnh là protein tổng số; trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi khác là các chỉ tiêu quyết định bản chất, công dụng của sản phẩm và do nhà sản xuất công bố trong tài liệu kỹ thuật kèm theo hoặc trên nhãn sản phẩm.

Chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi là chỉ tiêu có ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, an toàn thực phẩm của sản phẩm chăn nuôi gồm độc tố; các vi sinh vật gây hại; kim loại nặng; các chỉ tiêu hóa lý khác quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chỉ tiêu chất lượng của thức ăn chăn nuôi bao gồm chất chính và chất khác được nêu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc nhãn sản phẩm.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi là cơ sở thực hiện một hoặc toàn bộ các hoạt động chế biến, gia công, san chia, bao gói, bảo quản thức ăn chăn nuôi.

Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng thiết bị âm thanh hoặc sóng siêu âm hoặc các biện pháp khác để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến.

Gây nuôi chim yến bao gồm các hoạt động nuôi dưỡng chim yến, nhân giống và di đàn chim yến.

Hệ số đơn vị vật nuôi là hằng số áp dụng để quy đổi trực tiếp số lượng gia súc, gia cầm sang đơn vị vật nuôi.

Nhà yến là công trình xây dựng mới hoặc được cải tạo để nuôi chim yến.

Nhân giống nhân tạo chim yến là hoạt động ấp nở và nuôi dưỡng nhân tạo chim yến.

Nuôi chim yến là hoạt động dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.

Sản phẩm chim yến là tổ yến, trứng chim yến và con giống.

Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là sản phẩm hóa học, sinh học sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm của chất thải chăn nuôi đối với môi trường.

Điều 4. Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này

1. Tùy theo điều kiện tiếp nhận, trả kết quả của Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ, bổ sung thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức sau đây:

a) Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính: Thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ;

b) Nộp hồ sơ qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax): Thành phần hồ sơ không thuộc yêu cầu tại điểm a khoản này.

2. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ được quy định như sau:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay khi tổ chức, cá nhân đến nộp hồ sơ;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng thì trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính xem xét tính đầy đủ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung.

4. Cách thức nộp phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính được quy định như sau: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành trực tiếp tại Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính hoặc bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ thanh toán khác.

5. Cách thức trả kết quả được quy định như sau: Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng.

6. Trường hợp Nghị định này có nội dung quy định khác với quy định nêu tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này thì thực hiện theo quy định đó.

7. Ngôn ngữ sử dụng trong thành phần hồ sơ là tiếng Việt. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài thì phải có bản dịch bằng chữ tiếng Việt.

8. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp.

 

Chương II

GIỐNG VẬT NUÔI

 

Điều 5. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn (chi tiết khoản 3 Điều 19 Luật Chăn nuôi)

1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, đánh giá và trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn định kỳ hằng năm.

Điều 6. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (chi tiết khoản 3 Điều 19 Luật Chăn nuôi)

1. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, đánh giá và trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu định kỳ 03 năm.

 

Chương III

THỨC ĂN CHĂN NUÔI

 

Điều 7. Điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi 

1. Điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với thức ăn chăn nuôi phải được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, không có nguy cơ ăn mòn, gây thôi nhiễm chất độc hại từ thiết bị sang thức ăn chăn nuôi, không gây bẩn hoặc làm nhiễm chéo; cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật; dụng cụ phục vụ lưu trữ, bảo quản, vận chuyển thức ăn chăn nuôi phải có thông tin; có hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất; có khu vực và dụng cụ lưu mẫu nguyên liệu, mẫu thành phẩm không ảnh hưởng đến chất lượng mẫu và bảo đảm truy xuất được nguồn gốc mẫu;

2. Điểm d khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Kho phải có đủ diện tích, thông thoáng, có đủ ánh sáng, để nhận biết được thông tin bằng mắt thường tránh nhầm lẫn; có giải pháp chống ẩm thích hợp và không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; có biện pháp bảo quản các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong điều kiện phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất.

3. Điểm đ khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Cơ sở sản xuất phải có giải pháp để kiểm soát tạp chất (cát sạn, kim loại, bụi) gây nhiễm bẩn vào sản phẩm; kiểm soát, phòng chống động vật xâm nhập vào khu vực sản xuất, khu lưu trữ nguyên liệu và thành phẩm; phòng, chống mối mọt; thu gom chất thải và biện pháp xử lý phù hợp để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm và bảo đảm vệ sinh môi trường; có quy trình kiểm soát nguyên liệu, quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đầu ra; biện pháp bảo hộ, vệ sinh cho người lao động và khách tham quan khu vực sản xuất.

4. Điểm i khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi được quy định chi tiết như sau:

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, ngoài đáp ứng các quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này; điểm e và điểm k khoản 1 Điều 38 của Luật Chăn nuôi thì phải có khu vực pha trộn kháng sinh riêng hoặc có quy trình làm sạch thiết bị để tránh phát tán và gây nhiễm chéo kháng sinh trước khi sản xuất mỗi lô sản phẩm khác nhau.

Điều 8. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại (chi tiết khoản 4 Điều 39 Luật Chăn nuôi)

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được quy định như sau:

a) Cục Chăn nuôi cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, cơ sở sản xuất đồng thời thức ăn bổ sung và các loại thức ăn chăn nuôi khác;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại địa phương, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh điều kiện sản xuất theo Mẫu số 02.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đối với cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo các nội dung quy định tại khoản 6 Điều này và lập biên bản theo Mẫu số 03.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, tổ chức, cá nhân thực hiện khắc phục và gửi báo cáo khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra.

Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 04.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi truyền thống phục vụ mục đích thương mại: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 04.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nếu hồ sơ đạt yêu cầu; trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân (tên cơ sở, địa chỉ cơ sở sản xuất, số điện thoại, số fax) trong Giấy chứng nhận;

c) Bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đã được cấp, trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất.

5. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp lại phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Nội dung kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn nuôi được quy định như sau:

a) Kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn nuôi;

b) Kiểm tra thực tế điều kiện tại cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Điều 38 Luật Chăn nuôi và Điều 7 Nghị định này, lập biên bản theo Mẫu số 03.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Kiểm tra về việc thực hiện nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Chăn nuôi.

7. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi với tần suất 12 tháng một lần.

Đối với các cơ sở sản xuất thức chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương, việc kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với tần suất 24 tháng một lần. Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thức ăn chăn nuôi.

8. Trường hợp cơ sở có thay đổi hoặc bổ sung dây chuyền thiết bị sản xuất, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều này.

9. Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi:

Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tiến hành xử lý vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở thuộc trường hợp quy định tại điểm a và c khoản 3 Điều 39 Luật Chăn nuôi;

b) Cơ sở thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 39 Luật Chăn nuôi và Điều 7 của Nghị định này mà không khắc phục trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày cơ sở bị phát hiện không đáp ứng điều kiện.

10. Chi phí phục vụ hoạt động kiểm tra, đánh giá, giám sát để cấp và duy trì Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi chi trả theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 9. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh (chi tiết khoản 5 Điều 45)

1. Tiêu chí vật nuôi được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh ở giai đoạn con non được quy định như sau:

a) Lợn từ 01 đến 60 ngày tuổi hoặc từ sơ sinh đến 25 kg;

b) Gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ từ 01 đến 21 ngày tuổi;

c) Bê, nghé, dê, cừu dưới 06 tháng tuổi.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi giai đoạn con non đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Điều 10. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu (chi tiết khoản 5 Điều 41)

1. Cơ quan cấp phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm, để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu là Cục Chăn nuôi.

2. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam.

3. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Văn bản thỏa thuận sử dụng dịch vụ phân tích giữa một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp trong nước với một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý về thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu, trong đó có cam kết sản phẩm nhập khẩu là phi thương mại.

4. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để nuôi thích nghi bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để nuôi thích nghi theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy xác nhận về số đối tượng vật nuôi, địa điểm nuôi, mục đích nuôi, số lượng vật nuôi thích nghi.

5. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Đề cương nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Hồ sơ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu theo Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Hợp đồng sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích xuất khẩu phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về việc nhập hàng hóa để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

7. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu được quy định như sau:

a) Tổ chức, các nhân gửi hồ sơ phù hợp mục đích nhập khẩu quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 hoặc 6 đến Cục Chăn nuôi.

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Chăn nuôi có văn bản đồng ý cho phép nhập khẩu theo Mẫu số 06.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không đồng ý phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Kiểm tra tại nước xuất khẩu đối với thức ăn chăn nuôi (chi tiết khoản 5 Điều 41)

1. Nội dung đánh giá: Kiểm tra hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, phòng thử nghiệm.

2. Thành phần đoàn đánh giá: Cục Chăn nuôi và đơn vị có liên quan.

3. Cục Chăn nuôi ban hành quyết định thừa nhận lẫn nhau về hệ thống quản lý thức ăn chăn nuôi.

Điều 12. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất và lưu hành trong nước (chi tiết Điều 43 Luật Chăn nuôi)

1. Cơ quan kiểm tra là Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh/thành phố.

2. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi được áp dụng đối với cơ sở sản xuất, cơ sở mua bán, cơ sở xuất khẩu, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi.

2. Hình thức kiểm tra được quy định như sau:

a) Kiểm tra thường xuyên: Phải được thông báo trước bằng văn bản của cơ quan kiểm tra.

b) Kiểm tra đột xuất: Phải có quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền, không cần thông báo trước.

Điều 13. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (chi tiết Điều 43 Luật Chăn nuôi)

1. Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Biện pháp kiểm tra được quy định như sau:

a) Đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống thì việc kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

b) Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì việc kiểm tra nhà nước về chất lượng dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

c) Trường hợp thức ăn chăn nuôi truyền thống trong quá trình lưu thông trên thị trường bị phát hiện không bảo đảm chất lượng, gây mất an toàn cho người, động vật, môi trường hoặc khi có khiếu nại hoặc bị tố cáo về chất lượng hoặc hoạt động sản xuất thì sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra quy định tại điểm b khoản này.

3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:

Tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo Mẫu số 07.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, phiếu đóng gói (Packing list), hóa đơn mua bán (Invoice), phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất khẩu cấp cho lô hàng (Certificate of Analysis), nhãn sản phẩm của nhà sản xuất, bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

c) Một trong các tài liệu sau: Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương của cơ sở sản xuất đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống và nguyên liệu đơn.

4. Trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.

5. Miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được quy định như sau:

a) Việc miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Thời hạn miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 01 năm;

b) Trong thời gian được áp dụng chế độ miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, trước khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân tự cập nhật thông tin lô hàng nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm: Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này; Văn bản xác nhận sản phẩm được áp dụng miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của cơ quan kiểm tra.

Ngay sau khi hoàn thiện thủ tục tự cập nhật thông tin lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân được thông quan và tự chịu trách nhiệm về hồ sơ và chất lượng sản phẩm.

c) Giám sát lô hàng thức ăn chăn nuôi được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thực hiện theo quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Điều 14. Xử lý kết quả kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi (chi tiết Điều 43 Luật Chăn nuôi)

1. Kết quả kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi là kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm của phòng thử nghiệm được chỉ định sau khi tính độ dao động kết quả thử nghiệm quy định Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Xử lý trường hợp kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi theo trình tự sau:

a) Cơ quan kiểm tra thông báo cho tổ chức, cá nhân kết quả kiểm tra bằng văn bản qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, nếu không có khiếu nại thì cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Giải quyết khiếu nại về kết quả kiểm tra:

a) Trường hợp không nhất trí với kết quả kiểm tra, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại bằng văn bản gửi cơ quan kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra gửi mẫu lưu hoặc mẫu lấy lại (khi cần thiết) gửi tới 01 phòng thử nghiệm khác được chỉ định để thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại về kết quả thử nghiệm thực hiện bởi phòng thử nghiệm duy nhất được chỉ định tại Việt Nam, cơ quan kiểm tra có thể gửi mẫu thử nghiệm tới phòng thử nghiệm ở nước ngoài đã được công nhận bởi tổ chức công nhận quốc tế, tổ chức công nhận khu vực hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận.

Điều 15. Thu hồi và xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng (chi tiết Điều 43 Luật Chăn nuôi)

1. Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc buộc thu hồi sản phẩm thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có sản phẩm bị buộc thu hồi phải tiến hành thông báo ngay cho khách hàng dừng việc kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi bị buộc thu hồi, tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm về nơi xử lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

2. Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng giám sát quá trình thu hồi và xử lý thức ăn chăn nuôi bị buộc thu hồi, đăng tải ngay kết quả thu hồi, xử lý trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh/thành phố nơi xử lý vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát việc thu hồi, xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng xảy ra trên địa bàn theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và theo ủy quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Chương IV

ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI

 

Điều 16. Quy mô chăn nuôi (chi tiết Điều 52 Luật Chăn nuôi)

1. Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi được quy định như sau:

a) Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tối đa nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;

b) Quy mô chăn nuôi các loại vật nuôi khác được xác định bằng số lượng vật nuôi tối đa mỗi loại vật nuôi khác tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;

c) Trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi là tổng quy mô của từng loại vật nuôi.

2.Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định như sau:

a) Trang trại quy mô lớn: 300 đơn vị vật nuôi trở lên;

b) Trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;

c) Trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến 30 đơn vị vật nuôi;

d) Cơ sở chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.

3. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung quy mô chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

4. Hệ số đơn vị vật nuôi quy định như sau:

a) Hệ số đơn vị vật nuôi sử dụng làm căn cứ quy đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi;

b) Hệ số đơn vị vật nuôi, công thức chuyển đổi số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung quy mô chăn nuôi, hệ số đơn vị vật nuôi thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

Điều 17. Mật độ chăn nuôi đối với các vùng sinh thái (chi tiết khoản 4 Điều 53 Luật Chăn nuôi)

1. Diện tích đất nông nghiệp làm căn cứ xác định mật độ chăn nuôi bao gồm tổng diện tích các loại đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Vùng sinh thái được sử dụng để xác định mật độ chăn nuôi gồm 07 vùng sinh thái được quy định như sau:

a) Trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình;

b) Đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình;

c) Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế;

d) Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận;

đ) Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng;

e) Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh;

g) Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

3. Mật độ chăn nuôi của các vùng sinh thái được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung mật độ chăn nuôi của các vùng sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn (chi tiết Điều 58 Luật Chăn nuôi)

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi tại địa phương.

Trường hợp cơ sở chăn nuôi nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, tổ chức cá nhân lựa chọn một Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản sao (chứng thực) văn bản chứng minh chủ sở hữu được sử dụng đất để xây dựng trang trại chăn nuôi.

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi Mẫu số 03.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh thông tin thay đổi về tổ chức, cá nhân.

c) Bản gốc Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi lần đầu được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra điều kiện của cơ sở chăn nuôi và ghi biên bản theo Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định thì cơ sở chăn nuôi thực hiện khắc phục và gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra kết quả đã khắc phục.

Trường hợp cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp không cấp: cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

5. Trình tự, thủ tục cấp lại:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trường hợp không cấp: cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.  

6. Trường hợp cơ sở chăn nuôi bị phát hiện vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Chăn nuôi, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, thông báo tới Cục Chăn nuôi và trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 19. Quản lý nuôi chim yến (chi tiết Điều 64 Luật Chăn nuôi)

1. Vùng nuôi chim yến và xây dựng nhà yến:

a) Vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến;

c) Việc xây dựng, hoạt động của cơ sở nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1, khoản 2 Điều 55 Luật Chăn nuôi;

d) Cơ sở nuôi chim yến phải có hồ sơ theo dõi quá trình chăn nuôi, khai thác tổ yến bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm chim yến, lưu hồ sơ tối thiểu 01 năm từ sau mỗi đợt khai thác tổ yến.

2. Hoạt động dẫn dụ chim yến phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Thiết bị dẫn dụ chim yến là máy phát âm thanh để dẫn dụ chim yến;

b) Cường độ âm thanh tối đa để dẫn dụ chim yến không được vượt quá 70 dBA (đề xi ben A);

c) Chỉ phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong thời gian từ 5 giờ đến 20 giờ mỗi ngày;

d) Không phát âm thanh thiết bị dẫn dụ chim yến phục vụ mục đích khác.

3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến;

b) Khu vực/nhà sơ chế, bảo quản tổ yến tách biệt nhà nuôi yến, cách xa nguồn gây ô nhiễm, để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm;  

c) Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp để bảo đảm sinh vật gây hại không xâm nhập vào khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến;

d) Có nguồn nước sử dụng trong sơ chế tổ yến đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước sinh hoạt;

đ) Có hồ sơ ghi chép, lưu trữ thông tin về việc khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến.

Điều 20. Quản lý chăn nuôi hươu sao (chi tiết Điều 67 Luật Chăn nuôi)

1. Cơ sở nuôi hươu sao phải đáp ứng điều kiện cơ sở chăn nuôi quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Chăn nuôi và các yêu cầu sau:

a) Trại chăn nuôi phải bảo đảm hươu sao được sống gần gũi với điều kiện tự nhiên;

b) Con giống hươu sao phải có nguồn gốc từ cơ sở nuôi hươu sao hợp pháp;

c) Chủ cơ sở chăn nuôi phải lập hồ sơ theo dõi cá thể và hệ phả hươu sao.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, bảo quản nhung hươu sao phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Gây tê hươu sao trước khi cắt nhung để hươu sao không bị đau đớn;

b) Bảo quản nhung sau khi cắt trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm;

c) Ghi chép, lưu trữ thông tin liên quan đến khai thác, bảo quản nhung hươu sao để bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Điều 21. Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi (chi tiết khoản 2 Điều 68 Luật Chăn nuôi)

1. Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, đánh giá và trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi định kỳ 03 năm.

 

Chương V

NHẬP KHẨU VẬT NUÔI SỐNG VÀ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI

 

Điều 22. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi (chi tiết điểm d khoản 3 Điều 78)

1. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Sản phẩm chăn nuôi của các loại vật nuôi thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ theo quy định tại Điều 37 Luật Thú y;

b) Sản phẩm chăn nuôi thuộc đối tượng phải phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm quy định tại Điều 49 Luật An toàn thực phẩm;

c) Sản phẩm chăn nuôi có nguồn gốc, xuất xứ từ cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến, bảo quản bị nghi ngờ hoặc phát hiện có sử dụng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi;

d) Sản phẩm chăn nuôi nuôi được sơ chế, đóng gói, bảo quản tại cơ sở bị nghi ngờ hoặc phát hiện bị ô nhiễm bởi các chất độc hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

2. Hoạt động đánh giá, xác định nguy cơ về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất xứ trước khi nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Hoạt động kiểm tra tại khoản 3 Điều này được quy định như sau:

a) Kiểm tra hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, môi trường, an toàn sinh học liên quan đến quản lý dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm;

b) Kiểm tra quy trình sản xuất, công bố chất lượng, nhật ký sản xuất, khả năng truy xuất nguồn gốc; văn bản chứng minh cơ sở an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh do nước sở tại cấp;

c) Kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất để chứng minh cơ sở đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm;

d) Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của vật nuôi, sản phẩm vật nuôi xuất khẩu;

đ) Lấy mẫu vật phẩm tại cơ sở để thử nhiệm, chứng minh cơ sở đáp ứng yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của Việt Nam (nếu cần);

e) Thông báo, công khai kết quả kiểm tra và quyết định biện pháp xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

Điều 23. Quy định về nhập khẩu vật nuôi sống (chi tiết khoản 5 Điều 78 Luật Chăn nuôi)

1. Yêu cầu đối với vật nuôi sống nhập khẩu làm thực phẩm:

a) Được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ xác nhận sử dụng làm thực phẩm;

b) Có nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi không sử dụng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Đáp ứng yêu cầu về an toàn dịch bệnh đối với động vật nhập khẩu theo pháp luật về thú y.

2. Cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống (bao gồm vật nuôi làm giống, vật nuôi làm thực phẩm) nhập khẩu vào Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước khác về cửa khẩu nhập khẩu vật nuôi sống được quy định như sau:

a) Cửa khẩu cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.

b) Cửa khẩu trên đất liền: Lào Cai, Lạng Sơn, Cầu Treo, Mộc Bài.

c) Cảng biển: Hải Phòng, Quy Nhơn, Cát Lái.

 

Chương VI

SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

 

Điều 24. Công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chi tiết Điều 62 Luật Chăn nuôi)

1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất trong nước bao gồm:

a) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, văn bản thông báo tiếp nhận công bố hợp quy của sản phẩm (nếu có);

b) Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) được cấp bởi phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;

c) Kết quả khảo nghiệm đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được sản xuất;

d) Mẫu của nhãn sản phẩm.

3. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị công bố thông tin sản phẩm Mẫu số 01.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao Giấy đăng ký doanh nghiệp (nếu có);

c) Bản sao giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;

d) Bản thông tin về thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử dụng của sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp;

đ) Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của sản phẩm của nhà nhập khẩu;

e) Nhãn bao bì sản phẩm kèm theo nhãn phụ bằng tiếng Việt;

g) Bản sao chứng thực kết quả thử nghiệm chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của sản phẩm được cấp bởi phòng thử nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ chỉ định hoặc được công nhận bởi tổ chức công nhận quốc tế hoặc tổ chức công nhận khu vực hoặc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc thừa nhận;

h) Kết quả khảo nghiệm đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam.

4. Thủ tục, trình tự công bố được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nộp hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải có thông báo gửi tới tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

5. Trường hợp thay đổi thông tin về tên sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của tổ chức, cá nhân đăng ký, quy cách bao gói sản phẩm thì tổ chức, cá nhân tự thực hiện thay đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Trường hợp thay đổi thông tin về tên nhà sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, ký hiệu tiêu chuẩn công bố áp dụng, dạng, màu sắc sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng thì tổ chức, cá nhân phải đề nghị thay đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hồ sơ, trình tự, thủ tục sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị thay đổi thông tin theo mẫu quy định tại Mẫu số 03.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; văn bản chứng minh thông tin được thay đổi.

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận và công bố thông tin thay đổi của sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải có thông báo gửi tới tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

7. Thu hồi công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các trường hợp sau:

a) Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thay đổi thành phần;

b) Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã đăng ký công bố.

Điều 25. Khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (chi tiết Điều 62 Luật Chăn nuôi)

1. Cơ sở khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu sau:

a) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu khảo nghiệm từng loại sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

b) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.

2. Nội dung khảo nghiệm:

a) Đánh giá về thành phần, chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Đánh giá về hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi của sản phẩm theo hướng dẫn sử dụng sản phẩm;

c) Tính an toàn đối với sức khỏe con người, sinh vật trong quá trình sử dụng sản phẩm;

d) Lập báo cáo kết quả khảo nghiệm sản phẩm theo Mẫu 04.MTCN Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

3. Cơ sở thực hiện khảo nghiệm phải lưu hồ sơ kết quả khảo nghiệm tối thiểu 03 (ba) năm sau khi kết thúc khảo nghiệm.

Điều 26. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (chi tiết Điều 62 Luật Chăn nuôi)

Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Nhà xưởng có kết cấu vững chắc; nền không đọng nước; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp.

2. Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm phải bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.

3. Phải có thiết bị thu gom và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất.

4. Cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật bảo đảm an toàn cho người và môi trường.

 

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHĂN NUÔI

 

Điều 27. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức tuyên truyền, đề xuất chính sách hỗ trợ, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức thực hiện văn bản quy pháp pháp luật về chăn nuôi;

b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các dự án phát triển chăn nuôi liên quan đến nhiều ngành hoặc nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên;

c) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Chăn nuôi năm 2018;

d) Tổ chức, thực hiện các nội dung quản lý được giao trong Nghị định này.

2. Bộ Tài chính:

a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác quản lý chăn nuôi;

b) Quy định về phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về phí, lệ phí có liên quan.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đối với giống vật nuôi, khu chăn nuôi, cập nhật danh mục vật nuôi khác được chăn nuôi.

Điều 28. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức, thực hiện các nội dung quản lý được giao trong Nghị định này.

2. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn các quy định của Nghị định này cho người dân tại địa phương.

3. Định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện quy định của pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

4. Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí cho các hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

 

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

2. Nghị định này thay thế những nội dung liên quan đến thức ăn chăn nuôi quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản và Điều 3 Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điều 30. Quy định chuyển tiếp

1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn theo quy định tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản tiếp tục được miễn kiểm tra theo hiệu lực ghi trên văn bản xác nhận miễn kiểm tra.

3. Các sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn đậm đặc nhập khẩu đã được phép lưu hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được phép lưu hành. Tổ chức, cá nhân phải tự cập nhật thông tin sản phẩm này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Điều 33 Luật Chăn nuôi.

4. Hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính về thức ăn chăn nuôi nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

Điều 31. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 




    Nguyễn Xuân Phúc

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi