Báo cáo 1637/BC-BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XII

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 1637/BC-BNN-VP

Báo cáo 1637/BC-BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XII
Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:1637/BC-BNN-VPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Cao Đức Phát
Ngày ban hành:10/06/2009Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Nông nghiệp-Lâm nghiệp
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

----------------------

Số : 1637/  BC-BNN-VP

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------------

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2009

 

 

BÁO CÁO

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khoá XII

------------------------------

 

Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được chất vấn của 22 đại biểu với 34 câu hỏi chất vấn. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã gửi câu trả lời trực tiếp tới các Đoàn và Đại biểu Quốc hội có chất vấn. Dưới đây là báo cáo tổng hợp phần câu hỏi và trả lời về những vấn đề được nhiều Đại biểu quan tâm:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

- Chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn;

- Phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp;

- Bảo vệ và phát triển rừng;

- Phát triển thuỷ lợi.

1. Triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn:

Đại biểu Hà Thanh Toàn (Đoàn thành phố Cần Thơ), Lê Thanh Liêm (Đoàn Long An) chất vấn về việc triển khai Nghị quyết 26 của Ban chấp hành TW Đảng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

Triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Chương trình hành động của Bộ (Quyết định 3979/QĐ-BNN-KH ngày 15/12/2008). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai các lĩnh vực trọng tâm là:

- Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt như chương trình “661”, chương trình nước sạch và VSMTNT, tham gia thực hiện chương trình “135”; chương trình 61 huyện nghèo; xây dựng và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới; chương trình về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình đào tạo nguồn nhân lực nông thôn.

- Xây dựng mới Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đề án an ninh lương thực quốc gia đến 2020; đồng thời Bộ đã triển khai xây dựng 7 đề án chiến lược, 7 đề án quy hoạch và rà soát quy hoạch, 20 đề án  phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

- Đề xuất và triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách kích cầu trong nông nghiệp; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp và PTNT trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư phát triển sản xuất.

 

2. Chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn:

Đại biểu Lê Thanh Liêm (Đoàn Long An), Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Đoàn Kiên Giang) chất vấn về việc triển khai chính sách kích cầu trong nông nghiệp, nông thôn năm 2009.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc định hướng và điều chỉnh sản xuất phải rất linh hoạt để vừa sử dụng hiệu quả vốn kích cầu của Chính phủ, vừa giảm thiểu được tác động của khủng hoảng nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu lâu dài là “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao’’. Vì vậy, hướng sản xuất năm 2009 là:

- Đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản là thực phẩm thiết yếu và dự báo có thị trường khá thuận lợi như: gạo, các sản phẩm chăn nuôi, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi (ngô, đỗ tương), tôm, rau quả, chè,...

Sản xuất ở quy mô phù hợp trên cơ sở có hợp đồng tiêu thụ những mặt hàng đang chịu tác động mạnh của khủng hoảng và dự báo nhu cầu chưa có khả năng tăng: đồ gỗ xuất khẩu, một số loại thủy sản (cá tra).

- Tranh thủ vốn vay ưu đãi đầu tư đổi mới và hiện đại hoá quá trình sản xuất: áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng và vệ sinh thực phẩm, đầu tư máy móc thiết bị thay thế dần lao động thủ công trong các khâu gieo trồng, thu hoạch, khai thác thủy sản và bảo quản sau thu hoạch...

- Sản xuất phải gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh công tác theo dõi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư về thuỷ lợi, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển rừng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nông, ngư dân.

Để tăng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, Chính phủ chủ trương tăng đầu tư từ ngân sách, ưu tiên cho vay vốn đồng thời rà soát điều chỉnh cơ chế  chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực này. Trong Chương trình kích cầu của Chính phủ đã ưu tiên dành vốn hỗ trợ khu vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009). Riêng về đầu tư phát triển, ngoài vốn kế hoạch năm 2009 đã được bố trí (khoảng 20.000 tỷ đồng vốn NSNN và 8.000 tỷ đồng vốn TPCP), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử sụng 4000 tỷ đồng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho năm 2009 để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn (Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009), Chính phủ cũng  dự kiến bổ sung thêm 4000 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP để đầu tư các công trình thuỷ lợi và ứng khoảng 6.000 tỷ đồng vốn năm 2010-2011 cho các dự án ngành nông nghiệp và PTNT. Như vậy, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông lâm thuỷ sản năm 2009, dự kiến khoảng 42.000 tỷ, tăng 90% so với năm 2008.

3. Phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và quản lý vật tư nông nghiệp:

Đại biểu Vũ Thị Thu Hà (Đoàn Hưng Yên), Nguyễn Lân Dũng (Đoàn Đăk Lăk), Huỳnh Minh Hiếu (Đoàn Cà Mau),Trần Văn Kiệt (Đoàn Vĩnh Long), Lê Thanh Liêm (Đoàn Long An) chất vấn về hiệu quả công tác thú y; công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa kháng rầy, kháng đạo ôn; chính sách hỗ trợ nông dân gặp khó khăn do thiên tai; về niêm yết giá các loại phân, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

3.1. Về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm:

Trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản diễn biến phức tạp, có nhiều loại dịch bệnh mới, nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi của nước ta và sức khoẻ của con người. Để kịp thời đẩy lùi và ngăn chặn các loại dịch bệnh ở động vật, Chính phủ và các Bộ ngành đã rất quan tâm đến công tác thú y, cụ thể:

- Thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và các dịch bệnh động vật nguy hiểm.

- Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

- Tổ chức nhiều đoàn, nhiều đợt kiểm tra và chỉ đạo địa phương phòng chống dịch.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

- Ban hành chính sách hỗ trợ nhân dân có gia súc, gia cầm phải tiêu huỷ do dịch bệnh để việc chống dịch có hiệu quả hơn; có chính sách đối với cán bộ thú y cơ sở.

- Xây dựng Quỹ dự trữ quốc gia phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

- Đầu tư dụng cụ, trang triết bị phục vụ công tác chẩn đoán phòng, chống dịch bệnh.

Về đội ngũ thú y cơ sở, Trạm thú y trên toàn quốc hiện nay do địa phương trực tiếp quản lý. Theo đánh giá chung thì giữa các địa phương đội ngũ cán bộ làm công tác thú y chưa đồng đều, nhiều địa phương đội ngũ này còn yếu cả về số lượng lẫn chất lượng do đó chưa đáp ứng kịp thời khi có dịch bệnh xẩy ra, nhất là thú y thủy sản.

3.2 Về công tác vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật:

Để đảm bảo vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật làm thực phẩm, Bộ đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế để trình cấp có thẩm quyền ban hành; như là Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 29/4/2009, Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các văn bản trên quy định rất cụ thể về yêu cầu vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật lưu thông, buôn bán, tiêu thụ phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Để nhân dân khi ra chợ mua sắm, có tiêu chí chuẩn để lựa chọn thịt gia súc, gia cầm an toàn, ngày 25 tháng 7 năm 2005, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 48/2005/QĐ-BNN quy định về mẫu dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y. Tại Quyết định này đã quy định rất cụ thể: Sản phẩm động vật phải được cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật trước khi vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Do vậy, khi nhân dân mua thịt gia súc, gia cầm ở chợ cần phải xem thịt gia súc, gia cầm đã được đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y chưa? Nếu chưa có thì sản phẩm chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

3.3  Về tăng cường trang thiết bị, năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y:

Để cán bộ thú y có điều kiện được trang bị thiết yếu những dụng cụ đo lường chính xác, khoa học và thuận tiện để hoàn thành trách nhiệm của mình khi tham gia kiểm dịch, Bộ đã quy định:

- Tại các cơ sở giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật cán bộ thú y được trang bị trang sắc phục, các dụng cụ để chẩn đoán lâm sàng đối với động vật, trường hợp nghi ngờ thì tổ chức lấy mẫu gửi tới các phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

- Địa phương có điều kiện thì trang bị một số thiết bị, dụng cụ cho cán bộ kiểm dịch thú y thực hiện kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật hoặc khi tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất.

3.4. Về việc quản lý nuôi vịt thả đồng:

Đàn vịt có nguy cơ cao bị nhiễm vi rút cúm từ chim hoang kiếm ăn trên cùng cánh đồng. Để hạn chế việc lây lan dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ ban hành  Quyết định số 1405/QĐ-TTg qui định điều kiện ấp trứng gia cầm và chăn nuôi thủy cầm. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay, Bộ khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế nuôi vịt thả đồng để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nếu chủ gia cầm chăn nuôi vịt thả đồng thì phải đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt là việc tiêm phòng vắc xin để giảm thiểu nguy cơ đàn vịt mắc bệnh cúm gia cầm và giúp các cơ quan chức năng kiểm soát và xử lý triệt khi có ổ dịch cúm xảy ra.

Việc đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trước hết là bảo vệ để con người không mắc và chết do vi rút cúm H5N1 sau đó là bảo vệ đàn gia cầm. Qua thực tế chống dịch những năm qua, số người nhiễm và chết do vi rút cúm H5N1 và số ổ dịch trên gia cầm giảm xuống rất nhiều. Điều đó chứng tỏ các biện pháp chúng ta đưa ra là đúng đắn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

3.5. Về biện pháp xử lý gia súc, gia cầm mắc bệnh để làm thức ăn cho gia súc:

Về cơ sở khoa học, phần lớn các loại mầm bệnh gây bệnh trên động vật đều có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao (đun sôi hoặc các hình thức xử lý nhiệt khác trong một khoảng thời gian nhất định), do vậy hoàn toàn có thể xử lý xác động vật mắc bệnh bằng nhiệt độ và dùng lại làm thức ăn cho gia súc hoặc động vật thuỷ sản. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán mầm bệnh làm cho dịch bệnh lây lan rộng hơn, cụ thể:

- Trang thiết bị lớn để xử lý nhiệt đối với gia súc, gia cầm không có sẵn;

- Khó có thể luộc nguyên con gia súc do phải mất nhiều thời gian mới đạt nhiệt độ giết chết mầm bệnh trong một số cơ quan nội tạng của cơ thể, mặt khác nếu mổ động vật để luộc thì nguy cơ phát tán mầm bệnh là rất cao, không xử lý triệt để được môi trường và khó quản lý triệt để được sản phẩm động vật sau khi giết mổ;

- Thịt gia súc, gia cầm được luộc chín, nếu có sử dụng làm thức ăn cho gia súc vẫn phải trải qua một công đoạn chế biến nữa (sấy khô, nghiền thành bột thịt chẳng hạn), việc này đòi hỏi phải đầu tư nhà máy chế biến rất tốn kém;

Với phương châm chống dịch là nhanh chóng loại bỏ nguồn dịch và tiêu độc, khử trùng triệt để môi trường nơi có ổ dịch phát ra để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan rộng và rủi ro cho người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xử lý ổ dịch động vật bằng cách xử lý chôn, đốt động vật mắc bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật ra khỏi vùng dịch,… theo như cách mà hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng hiện nay, đặc biệt đối với những bệnh lây nhiễm cho người như cúm gia cầm.

3.6. Về việc nghiên cứu giống lúa kháng sâu bệnh:

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là loại bệnh do virut gây hại mà vector truyền bệnh lại do bọ rầy. Đây là loại bệnh gây hại rất phổ biến đặc biệt ở các tỉnh Đồng bằng sông cửu Long. Bệnh đạo ôn cũng là một trong những loại bệnh gây hại chính trên cây lúa, đặc biệt ở vụ xuân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận thức rất rõ về tác hại của các loại sâu, bệnh trên và đã tập trung kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chống chịu sâu bệnh đặc biệt đối với rầy nâu và bệnh đạo ôn, bạc lá. Bộ đã giao các đề tài khoa học cho Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng và Phân bón quốc gia... để chọn, tạo giống lúa có khả năng chống chịu với một số loại sâu bệnh hại chính như rầy nâu, đạo ôn, bạc lá..., thích hợp cho các vùng lúa chủ lực của cả nước; Xây dựng quy trình quản lý rầy nâu hại lúa, nghiên cứu các giải pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa; Nghiên cứu biện pháp quản lý tính kháng sâu hại (rầy nâu, sâu cuốn lá) một cách bền vững của các giống lúa chất lượng cao ở ĐBSCL.....

Bộ đã có chương trình hợp tác với Viện lúa quốc tế (IRRI), 2 bên luôn có sự trao đổi nguồn gen các giống lúa, các viện nghiên cứu lúa của Bộ mỗi năm tiếp nhận hàng trăm giống lúa mới của IRRI để tuyển chọn hoặc làm vật liệu tạo giống mới. Đây là một hướng quan trọng để có các giống lúa mới chống chịu sâu bệnh phục vụ sản xuất trong nước.

3.7. Về chính sách hỗ trợ nông dân khi sản xuất gặp rủi ro, thiên tai:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương dự thảo Quyết định về “Cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Ngày 05/5/2009 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay Bộ đang hoàn chỉnh lại theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2009.

3.8 Về quản lý vật tư nông nghiệp:

Hiện nay, các quy định về pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên do hệ thống tổ chức thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, năng lực phân tích, kiểm định chất lượng còn nhiều bất cập cùng với việc chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nông nghiệp chưa nghiêm nên vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp vẫn còn nhiều bức xúc.

- Về việc niêm yết giá thức ăn, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật: Theo quy định thì hàng hóa, dịch vụ đều phải niêm yết giá. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 qui định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại trong đó có quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định tại Điều 14 Nghị định này, thẩm quyền xử phạt thuộc UBND các cấp và cơ quan quản lý thị trường.

- Về việc thuốc bảo vệ thực vật in chữ cực nhỏ và không rõ nguồn gốc hóa học của nhãn thuốc: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 02/10/2006 quy định về quản lý thuốc BVTV, trong đó có quy định tất cả các loại thuốc BVTV khi bán buôn, bán lẻ và sử dụng phải có nhãn bằng tiếng Việt Nam, nhãn được in bằng cỡ chữ thông thường, tối thiểu là 8, rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ nhạt hoặc dễ bị rách nát trong quá trình lưu thông, bảo quản, vận chuyển và sử dụng; tại nội dung thứ 2 trên nhãn phải ghi tên thương phẩm, thành phần hoạt chất, hàm lượng hoạt chất, ghi rõ đơn vị được tính.

Tuy vậy, trong thực tế việc ghi nhãn thuốc BVTV vẫn còn nhiều sai phạm như Đại biểu nêu. Để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Quyết định nói trên  nhằm bảo đảm việc quản lý thuốc BVTV chặt chẽ, phù hợp với các văn bản luật mới được ban hành và phù hợp với quy định quốc tế.

Để chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, giá cả vật tư nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tập trung hoàn thiện khung pháp l‎ý: xây dựng Luật Thú y; Luật Thức ăn chăn nuôi; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật...; xây dựng các văn bản phân công, phân cấp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành trong Ngành nông nghiệp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp tránh chồng chéo, bỏ sót; rà soát, bổ sung, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm chất lượng, ATVSTP đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm

Nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống phòng phân tích, kiểm nghiệm: đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm; đánh giá, chỉ định/ công nhận các phòng kiểm nghiệm trong và ngoài ngành có đủ điều kiện; tham gia kiểm nghiệm chất lượng vật tư nông nghiệp.

Tăng cường công tác truyền thông, khuyến nông, khuyến ngư nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.

 

4- Bảo vệ và phát triển rừng:

Đại biểu Võ Văn Đủ (Đoàn Đăk Nông), Nguyễn Đình Xuân (Đoàn Tây Ninh), Phạm Thị Thanh Hương (Đoàn Bình Định), Nguyễn Kim Khoa (Đoàn Kon Tum), Bùi Thị Hoà (Đăk Nông) chất vấn về rà soát quy hoạch 3 loại rừng; độ che phủ rừng; tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

4.1. Về rà soát, quy hoạch 3 loại rừng:

Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng, đến thời điểm này cả nước đã hoàn thành rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng. Trong quá trình rà soát có trường hợp chuyển rừng sản xuất, rừng phòng hộ sang sang rừng đặc dụng; hoặc chuyển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang rừng sản xuất. Việc chuyển mục đích sử dụng từ loại rừng này sang loại rừng khác trong quá trình rà soát căn cứ vào các cơ sở sau đây:

- Các tiêu chí về phân loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất bao gồm: độ dốc, độ cao, độ dày tầng đất, lượng mưa…, được ban hành kèm theo Quyết định số 61/2005QĐ-BNN và Quyết định số 62/2005QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với kinh tế xã hội trên địa bàn của từng địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, tư tưởng chỉ đạo là bố trí phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ở mức độ cần thiết hợp lý, còn lại dành đất và rừng cho các mục tiêu kinh tế -xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, không để xẩy ra tình trạng rừng nhiều nhưng dân thì nghèo. Cũng với tinh thần đó, Chính phủ cũng chỉ đạo, cho phép chuyển đổi với một số khu vực rừng tự nhiên nghèo là rừng sản xuất sang trồng cao su. Thực tế đến tháng 5/2009 đã chuyển được 16.000 ha (chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên), toàn bộ đều thuộc rừng sản xuất, không có rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng.

Kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg  như sau:

+ Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trước khi rà soát, quy hoạch

Tổng diện tích đất lâm nghiệp: 18.337.174 ha, phân chia theo chức năng của rừng:

- Đất rừng đặc dụng: 2.343.814 ha

- Đất rừng phòng hộ: 9.167.152 ha

- Đất rừng sản xuất:   6.826.208 ha

+ Kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng:

Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp: 16.247.492 ha, trong đó:

- Rừng đặc dụng: 2.199.342 ha

- Rừng phòng hộ: 5.552.327 ha

- Rừng sản xuất:   8.495.823 ha

Việc tăng, giảm diện tích các loại rừng theo quy hoạch cụ thể  như sau:

- Rừng đặc dụng: Giảm 144.472 ha ( rừng tự nhiên 14.045 ha; rừng trồng 19.086 ha và đất không có rừng 111.341ha).

- Rừng phòng hộ : Giảm 3.614.824 ha ( rừng tự nhiên giảm 1.319.366 ha, rừng trồng giảm 322.134 ha và đất chưa có rừng giảm 1.973.324 ha).

- Rừng sản xuất:  Tăng 1.669.615 ha (rừng tự nhiên tăng 1.234.218 ha, rừng trồng tăng 266.655 ha, đất chưa có rừng tăng 168.742 ha).

- Diện tích đất không quy hoạch cho lâm nghiệp 2.089.682 ha chủ yếu là đất không có rừng, đất thổ cư, đất đã bị người dân canh tác trước đây quy hoạch vào đất lâm nghiệp là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ.

4.2: Về độ che phủ rừng:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2008 tại quyết định số 1267/QĐ-BNN-KL ngày 04/5/2009; tổng diện tích rừng có đến ngày 31/12/2008 trên toàn quốc là 13.118773 ha, trong đó có 10.118.591 ha là rừng tự nhiên và 2.770.182 ha là rừng trồng. Theo kết quả trên thì tổng diện tích rừng hiện có chiếm khoảng 40,35% tổng diện tích tự nhiên của cả nước (32.507.080 ha).

Theo kết quả thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, diện tích rừng trồng mới từ năm 2007 - 2008 là:

Chỉ tiêu

Thực hiện năm 2007

Thực hiện năm 2008

Trồng rừng mới:

204.409

239.285

- Rừng đặc dụng, phòng hộ

38.210

40.525

- Rừng sản xuất

166.199

198.760

Tuy nhiên, theo phương pháp tính độ che phủ, những diện tích rừng trồng năm 2007 và 2008 (rừng non, chưa khép tán) là 433.694 ha (tương đương 1,33% độ che phủ toàn quốc) không được đưa vào để tính độ che phủ của rừng. Vì vậy công bố độ che phủ của rừng năm 2008 chỉ đạt khoảng 39%.

Để đạt được chỉ tiêu theo Nghị Quyết số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều các giải pháp tổ chức thực hiện gồm:

- Xây dựng và hoàn chỉnh chỉnh chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia trồng rừng.

- Xây dựng kế hoạch trung hạn để các địa phương chủ động lập kế hoạch, triển khai thực hiện dự án.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và giải quyết các vướng mắc của các địa phương trong công tác phát triển rừng, đẩy nhanh tốc độ trồng mới rừng hai năm 2009 và 2010, phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

4.3. Về tình hình chặt phá rừng và chống người thi hành công vụ:

Trong năm 2008 trên toàn quốc đã phát hiện xử lý hàng ngàn tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm với 42.600 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quý I năm 2009, tiếp tục phát hiện xử lý 7.720 vụ theo quy định của pháp luật. Hàng trăm chủ rừng, cán bộ quản lý (trong đó có cán bộ kiểm lâm) cũng đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về các hành vi có liên quan.

* Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phá rừng trong thời gian qua:

- Mục đích của hành vi phá rừng trái pháp luật chủ yếu để lấy đất canh tác hoặc sang nhượng trái pháp luật, đòi tiền bồi thường của các dự án có sử dụng rừng và đất lâm nghiệp với giá sang nhượng đất và giá cả lâm sản cao. Ở nhiều địa phương nhiều người phá rừng, buôn bán lâm sản trái pháp luật trở nên giàu có. Do vậy, khi bị kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm họ tìm mọi cách chống đối, tổ chức đông người, thậm chí thuê người dân địa phương chống trả lại lực lượng thi hành công vụ.

- Công tác phổ biến, tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước còn hạn chế và thực hiện chưa hiệu quả.

- Một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ và tổ chức thực hiện thiếu nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, thậm chí ở một số nơi có biểu hiện cơ quan có trách nhiệm, cán bộ công quyền đã làm ngơ, tiếp tay cho các hành vi phá rừng, khai thác, tiêu thụ lâm sản, sang nhượng đất trái phép.

- Sự phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ, một số địa phương muốn tránh tạo “điểm nóng về an ninh, trật tự” nên việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật không kịp thời, thiếu kiên quyết, dẫn đến tình trạng coi thường kỷ cương pháp luật của Nhà nước.

* Biện pháp chỉ đạo giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

Trước thực trạng trên, để kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:

- Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 38 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thức hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số: 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg và số 08/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xẩy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép, chống người thi hành công vụ; tổ chức rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng sử dụng gỗ bất hợp pháp.

Những địa phương để phá rừng nghiêm trọng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và cần có biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định hiện hành để nâng cao ý thức và tinh thần  trách nhiệm bảo vệ rừng.

- Địa phương có diện tích rừng bị phá trái phép trong thời gian qua (nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bình Phước) tổ chức kiểm kê, thu hồi toàn bộ diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh, điều chỉnh kịp thời, phù hợp, thống nhất; thực hiện nghiêm túc quy hoạch được duyệt; tổ chức đánh giá toàn diện về việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian qua.

- Tổ chức rà soát các dự án đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp và chuyển đổi rừng sang trồng các loài cây khác theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm giải quyết quyền lợi của người dân địa phương, nhất là thu hút họ tham gia vào các hoạt động của dự án để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; tăng cường kiểm tra giám sát quá trình thực hiện, nhất là công tác bảo vệ rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt để trục lợi; chỉ cho khảo sát, phê duyệt các dự án chuyển đổi rừng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn.

- Tổ chức rà soát diện tích đất và rừng sau khi rà soát lâm trường quốc doanh đã giao cho địa phương quản lý để có phương án giao, cho thuê đất, rừng cho chủ rừng cụ thể, trong đó ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư và đồng bào dân tộc đang thiếu đất sản xuất. Sử dụng có hiệu quả diện tích đất chưa có rừng vào trồng rừng và cao su, không để tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất trái pháp luật. Đối với những diện tích đất và rừng không hoặc chưa thể giao, cho thuê cho chủ rừng cụ thể, giao trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc các tổ chức có năng lực giúp chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng đất và rừng sau khi giao cho địa phương quản lý lại trở thành “vô chủ”.

Thống kê kịp thời tình hình người di cư tự do và bố trí các dự án ổn định đời sống cho họ một cách chủ động; tập trung giải quyết đủ quỹ đất (từ quỹ đất thu hồi do phá rừng trái phép, các dự án chuyển đổi rừng, nếu thực sự còn khó khăn thì có thể cho chuyển mục đích sử dụng một số diện tích đất lâm nghiệp) để bố trí cho người dân di cư tự do và đồng bào tại chỗ còn đang thiếu đất.

- Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có giải pháp tăng cường năng lực quản lý, cơ chế tổ chức và chế độ chính sách đối với Ban quản lý rừng phòng hộ. Trước mắt, tổ chức thí điểm “nhất thể hoá” tổ chức hoạt động của Kiểm lâm với Ban quản lý rừng phòng hộ để hỗ trợ, tăng cường sự phối hợp, tránh phân tán, chồng chéo, tạo sự cộng đồng trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng giữa các đơn vị trong ngành lâm nghiệp ở địa phương.

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo hướng tăng mức chế tài đối với các hành vi phá rừng trái pháp luật; hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền điều tra, xử lý tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng.

- Tổng kết thực tiễn, xem xét hệ thống hoá, điều chỉnh các quy định về tổ chức, sắp xếp các lâm trường quốc doanh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt đề án nâng cao năng lực và đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm, cân đối tổng biên chế công chức, viên chức để bổ sung nhân lực cho lực lượng Kiểm lâm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ đề án và các giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành TW 7 về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trước mắt, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 603/TTg-KTN ngày 22 tháng 4 năm 2009 về việc kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương “điểm nóng” phá rừng, sau khi có kết luận kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

5. Phát triển thuỷ lợi:

Đại biểu Võ Văn Đủ (Đoàn Đăk Nông), Bùi Trí Dũng (Đoàn An Giang), Cao Ngọc Xuyên (Đoàn Bạc Liêu), Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh), Vũ Quang Hải (Đoàn Hưng Yên) chất vấn về công tác phát triển thuỷ lợi vùng ĐBSCL, ĐBSH ; sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo như sau:

5.1 Về tình hình thực hiện và giải ngân 2.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình thủy lợi ở ĐBSCL, giai đoạn 2006-2010 :

+ Toàn vùng ĐBSCL có 45 dự án thủy lợi sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2006-2010 với nguồn vốn là 2.000 tỷ đồng, trong đó : Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đầu tư 13 dự án, với số vốn đầu tư là 641,6 tỷ đồng và các địa phương quản lý đầu tư 32 dự án, với số vốn đầu tư là 1.358,4 tỷ đồng.

Đến 31/12/2008 đã thực hiện được 1.388 tỷ đồng và giải ngân được 971 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tương ứng là 69,4% và 48,6% tổng số vốn trái phiếu Chính phủ được phân bổ), trong đó: các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải ngân được 338 tỷ đồng (đạt 53%) và các dự án do địa phương quản lý đã giải ngân được 633 tỷ đồng (đạt 47%). Trong 5 tháng đầu năm 2009, các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đã giải ngân được thêm 214 tỷ đồng, nâng tổng số vốn đã giải ngân các dự án do Bộ quản lý lên 552 tỷ đồng, đạt 86% so với Tổng mức bố trí vốn TPCP giai đoạn 2006-2010. Dự kiến, đến hết năm 2009, sẽ giải ngân vượt kế hoạch TPCP đã giao.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân dự án: Ngoài những nguyên nhân chung như cơ chế chính sách đang trong quá trình được hoàn thiện, lực lượng tư vấn mỏng, Nhà thầu năng lực yếu, giá vật liệu biến động mạnh...có hai nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án thuỷ lợi Đồng bằng sông Cửu Long là:

- Công tác chuẩn bị đầu tư chậm. Tại thời điểm tháng 8/2006, khi thực hiện chủ trương của Chính phủ đầu tư các công trình thuỷ lợi vùng ĐBSCL từ nguồn vốn TPCP, hầu hết các dự án mới tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư. Trong số 13 dự án thuỷ lợi do Bộ quản lý, đến cuối năm 2008, mới có 6 dự án được phê duyệt dự án đầu tư; đến hết tháng 3 năm 2009, có 10 dự án được phê duyệt ( còn 3 dự án, các địa phương đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển danh mục đầu tư).

- Đền bù giải phóng mặt bằng: Hầu hết các dự án đều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng; điển hình là dự án Kênh Tân Thành - Lò Gạch (tỉnh Đồng Tháp) và dự án Kênh Trà Sư – Tri Tôn ( tỉnh An Giang)  thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng trong nhiều năm, nhưng đến nay một số điểm đền bù vẫn còn vướng mắc.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn TPCP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương  chỉ đạo, từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

+ Đánh giá chung về hiệu quả của các dự án thuỷ lợi phục vụ sản xuất ở ĐBSCL: Các công trình thuỷ lợi được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân và cải thiện môi trường sinh thái. Những hiệu quả lớn có thể thấy rõ như:

- Kiểm soát mặn; tạo nguồn nước tưới, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

- Cải thiện khả năng kiểm soát lũ, đặc biệt là lũ đầu vụ bảo vệ lúa vụ Hè thu; tiêu úng, tiêu chua xổ phèn cải tạo đất sản xuất.

- Tạo địa bàn bố trí dân cư vùng lũ; kết hợp phát triển giao thông thuỷ bộ trong khu vực.

+ Căn cứ  ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, các dự án thuỷ lợi được bổ sung 4.000 tỷ đồng, trong đó, bổ sung cho các dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý 300 tỷ đồng, các dự án do địa phương quản lý là 3.700 tỷ đồng). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, trong đó có các dự án thuỷ lợi Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng về công trình thuỷ lợi thuộc Tiểu dự án Nam Mang Thít trên địa bàn tỉnh Trà Vinh: Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan (giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa), có 07 cầu thuộc Tiểu dự án Nam Mang Thít trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bị chậm trễ, không kịp hoàn thành trước 31/12/2007 là thời hạn kết thúc của Hiệp định vay vốn đã ký với Ngân hàng Thế giới. Do phải chờ bố trí nguồn vốn trong nước nên sang năm 2009 Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 mới thực hiện được các thủ tục về đấu thầu, ký kết hợp đồng và bắt đầu thi công phần còn lại kể từ 20/5/2009. Theo tiến độ thực hiện hợp đồng, đến cuối năm 2009 sẽ thông cầu kỹ thuật và hoàn thành toàn bộ vào tháng 8 năm 2010.

5.2.  Về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải:

Bắc Hưng Hải là một trong những hệ thống thuỷ lợi liên tỉnh lớn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, phục vụ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và một phần Thành phố Hà Nội. Qua 50 năm xây dựng, quản lý và khai thác, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phục vụ sản xuất, cải tạo môi trường và dân sinh kinh tế đối với các địa phương trong vùng hưởng lợi.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng, các công trình hiện nay đã bị xuống cấp, cùng với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình hạn hán, úng ngập gia tăng, nên năng lực của hệ thống hiện tại khó đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Trong những năm tới, hệ thống này sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị thực hiện dự án Nâng cấp quản lý nước và khôi phục hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dự kiến dự án sẽ chính thức được phê duyệt và giải ngân từ năm 2010.

5.3. Về đầu tư thuỷ lợi nhỏ ở Đăk Nông và các tỉnh Tây Nguyên:

Tại Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành và sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010, Chính phủ đã bố trí vốn xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, trong đó Đăk Nông được bố trí 409 tỷ đồng do địa phương quản lý. Theo báo cáo của địa phương, đến hết năm 2008, Đăk Nông đã giải ngân được 113 tỷ đồng (so với 162 tỷ đồng đã được thông báo), đạt 69,7% .

Tại Quyết định số 1143/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm ứng vốn cho các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ thật sự cấp bách phục vụ đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, Đăk Nông được bố trí ứng trước 20 tỷ đồng. Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập đề án xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010, trong đó ĐăkNông có 128 công trình thủy lợi, phục vụ tưới 18.326 ha, vốn đầu tư khoảng 447 tỷ đồng.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2006 - 2010 (thông báo số 6954/VPCP - NN ngày 29/11/2007của Văn phòng Chính phủ). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 3604/BNN-TL ngày 31/12/2007 gửi UBND các tỉnh Tây Nguyên hướng dẫn tiêu chí lựa chọn các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ để đưa vào kế hoạch phát triển thuỷ lợi vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao UBND các tỉnh Tây Nguyên, căn cứ tiêu chí được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, lựa chọn các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ thật sự cấp bách đưa vào kế hoạch 5 năm và hàng năm để triển khai đầu tư xây dựng theo quy định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ vào khả năng nguồn ngân sách hàng năm, cân đối bố trí vốn hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên theo các chương trình, mục tiêu để thực hiện đầu tư các công trình nêu trên.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 và số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn và phát triển các trạm bơm điện đến hết năm 2015. Theo đó, hàng năm Nhà nước bố trí vốn tín dụng đầu tư phát triển để các địa phương vay thực hiện các chương trình trên.

Các địa phương, trong đó có Đăk Nông cần chủ động lập kế hoạch, phối hợp với các Bộ, các cơ quan liên quan để tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn trên kịp thời và có hiệu quả.

Các vấn đề Đại biểu chất vấn về cung ứng giống lúa chất lượng cao, tình trạng sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng với cây trồng, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, diêm nghiệp, tình trạng cát bay, cát chảy ở Quảng Bình…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời riêng cho các Đại biểu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc và thường xuyên của các vị Đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

Nơi nhận:

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng;

- Văn phòng Quốc hội (650 bản);

- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo lãnh đạo Chính phủ);

- Lưu VT.

BỘ TRƯỞNG

(đã ký)

 

 

 

 

Cao Đức Phát

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi