Thông báo 52/2014/TB-LPQT của Bộ Ngoại giao về hiệu lực của Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a

thuộc tính Thông báo 52/2014/TB-LPQT

Thông báo 52/2014/TB-LPQT của Bộ Ngoại giao về hiệu lực của Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a
Cơ quan ban hành: Bộ Ngoại giao
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:52/2014/TB-LPQT
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông báo
Người ký:Nguyễn Văn Ngự
Ngày ban hành:11/08/2014
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Ngoại giao
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
-------
Số: 52/2014/TB-LPQT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2014
 
 
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
 
 
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtơ-rây-li-a, ký tại Can-bê-ra ngày 20 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Biên bản theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự
 
 
HIỆP ĐỊNH
HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
 GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ Ô-XTRÂY-LIA
 
Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ô-xtrây-lia (sau đây gọi là “các Bên);
NHẬN THẤY RẰNG hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ sẽ tăng cường các mối quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước và sẽ nâng cao trình độ khoa học và công nghệ vì lợi ích của cả hai quốc gia cũng như toàn thể nhân loại;
LƯU Ý đến Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Ô-xtrây-lia và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác Khoa học và Công nghệ được các Bên ký tại Hà Nội vào ngày 28/9/1992 nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho sự hợp tác cùng có lợi về khoa học và công nghệ;
THỪA NHẬN Thỏa thuận “Đối tác toàn diện Việt Nam - Ô-xtrây-lia” mà các Bên ký tại Can-be-ra ngày 7/9/2009 thể hiện ý định thiết lập nền tảng hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ;
MONG MUỐN tiếp tục thúc đẩy các chính sách và cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển quốc gia cho khu vực nhà nước và tư nhân của mỗi nước;
XÉT THẤY hợp tác khoa học và công nghệ là một điều kiện quan trọng để phát triển nền kinh tế quốc dân;
DỰ ĐỊNH tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến và đặc thù; và
MONG MUỐN thiết lập hợp tác quốc tế năng động và hiệu quả giữa tất cả các tổ chức khoa học và cá nhân các nhà khoa học tại hai nước;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều I
Trong Hiệp định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Vật liệu cơ sở” là những vật liệu được xây dựng ngoài phạm vi của Hiệp định này hoặc trước khi ký kết Hiệp định này do một trong các Tổ chức hợp tác cung cấp để sử dụng trong một Hoạt động hợp tác theo Hiệp định này.
2. “Thông tin bí mật” có cùng nghĩa với "Thông tin không được công bố" theo Điều 39.2 Mục 7 Phần II của Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền Sở hữu trí tuệ, được trình bày trong Phụ lục 1C của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới làm tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994, và do vậy nó có nghĩa là thông tin:
a. bí mật với nghĩa là những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ hoặc dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó;
b. có giá trị thương mại vì có tính chất bí mật; và
c. được người kiểm soát hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng những biện pháp phù hợp thực tế.
3. “Tổ chức hợp tác” là bất kỳ cơ quan chính phủ, trường đại học, trung tâm nghiên cứu hay các tổ chức khác hoặc doanh nghiệp được thành lập trong phạm vi lãnh thổ của mỗi Bên tham gia vào một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này.
4. “Hoạt động hợp tác” là bất kỳ hoạt động nào được thực hiện hoặc được hỗ trợ bởi các Bên hay các Tổ chức hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này và chiếu theo một Thỏa thuận thi hành.
5. “Vật liệu tạo thành” là những vật liệu được tạo ra từ hoặc là kết quả trực tiếp của một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này.
6. "Thỏa thuận thi hành” là một văn bản chứng minh các thỏa thuận nhằm thực hiện hay triển khai một hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này giữa các Tổ chức hợp tác.
7. “Sở hữu trí tuệ" dẫn chiếu tới toàn bộ các đối tượng sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng của Mục 1 tới Mục 7 của Phần II của Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ đề cập trong Phụ lục IC của Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới, làm tại Marrakesh ngày 15/4/1994.
8. “Các Vật liệu" bao gồm thông tin, tài liệu nghiên cứu hay vật liệu khác (bất kể dạng sinh học hay phi sinh học) được sử dụng hoặc tạo ra từ một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này.
Điều II
1. Các Bên sẽ thúc đẩy hợp tác song phương về khoa học và công nghệ vì sự phát triển khoa học và công nghệ của mỗi nước vì các mục đích hòa bình.
2. Phù hợp với pháp luật và quy định của mỗi nước, các Bên sẽ đẩy mạnh sự hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
3. Các Bên sẽ thúc đẩy việc hợp tác khoa học và công nghệ giữa các Tổ chức hợp tác tương ứng của mình mà không bị ảnh hưởng bởi các Khoản trên của Điều này, trong khuôn khổ của Hiệp định này.
Điều III
1. Nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học và công nghệ, trong khuôn khổ của Hiệp định này, các Bên sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi, khi thích hợp, cho việc xây dựng các đầu mối liên hệ và hợp tác chung giữa các Tổ chức hợp tác của mỗi nước, và ký kết các Thỏa thuận thi hành giữa các tổ chức này nhằm triển khai các Hoạt động hợp tác.
2. Các Bên sẽ nỗ lực để tạo thuận lợi cho việc đưa các quy định về Sở hữu trí tuệ và Thông tin bí mật vào các Thỏa thuận thi hành được xây dựng phù hợp với các quy định tại Điều VII và Phụ lục I của Hiệp định này.
Hợp tác khoa học và công nghệ trong khuôn khổ Hiệp định này có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn, những hình thức sau đây:
a. Xây dựng và thực hiện các các chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai chung;
b. Trao đổi thông tin khoa học và công nghệ, kể cả việc phổ biến thông tin cho các bên thứ ba, phù hợp với Điều VII của Hiệp định này;
c. Trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật tham gia các chương trình và dự án hợp tác cũng như các hoạt động khác trong khuôn khổ Hiệp định này;
d. Tổ chức hội nghị, hội thảo và tập huấn khoa học về các chuyên đề mà các Bên cùng quan tâm; và
e. Các hình thức hợp tác khác mà các Bên có thể thỏa thuận.
Điều V
Các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật, các cơ quan chính phủ và các tổ chức của các nước thứ ba hay các tổ chức quốc tế, trong trường hợp thích hợp, có thể được các Bên mời tham gia vào các dự án và chương trình đang được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định này.
Điều VI
Các Bên sẽ thực hiện Hiệp định này phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành của mình và nguồn kinh phí phù hợp hiện có của mỗi nước.
Điều VII
1. Các Bên đồng ý rằng các Tổ chức hợp tác khi thực hiện Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này sẽ tự chịu trách nhiệm áp dụng các bước cần thiết, kể cả việc xin ý kiến tư vấn của chuyên gia để đảm bảo vị thế thương mại và pháp lý của mình được bảo vệ hiệu quả và đầy đủ, và để đảm bảo sự bảo vệ về mặt cơ học và pháp lý đối với Vật liệu cơ sở bao gồm cả các quyền Sở hữu trí tuệ liên quan, Vật liệu tạo thành, gồm cả các quyền Sở hữu trí tuệ và Thông tin bí mật liên quan.
2. Các Bên nhất trí rằng các vấn đề liên quan tới việc bảo vệ và sở hữu các quyền Sở hữu trí tuệ được tạo ra và xử lý bởi các Tổ chức hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này sẽ thuộc trách nhiệm và sự thỏa thuận của các Tổ chức hợp tác có liên quan. Các Bên sẽ nỗ lực tạo thuận lợi cho việc hoàn tất các Thỏa thuận thi hành giữa các Tổ chức hợp tác của nước mình phù hợp với Phụ lục I.
3. Các Bên sẽ nỗ lực tạo thuận lợi cho việc phổ biến thông tin khoa học và công nghệ có bản chất phi sở hữu phát sinh từ các Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này cho bên thứ ba phù hợp với các quy định và chính sách thông thường của các Tổ chức hợp tác, trừ phi các Tổ chức hợp tác này cùng có quyết định khác phù hợp với các Thỏa thuận thi hành được thiết lập theo Điều III.
4. Việc chấm dứt hoặc hết hạn hiệu lực của Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ theo bất kỳ Thỏa thuận thi hành nào đã ký trước thời điểm Hiệp định này chấm dứt hay hết hạn hiệu lực.
Điều VIII
1. Phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành của mình, mỗi Bên sẽ nỗ lực tối đa để tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập cảnh của các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật tham gia vào các Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này.
2. Phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành của mình, mỗi Bên sẽ nỗ lực tối đa để tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu đối với các thiết bị và Vật liệu được sử dụng trong các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này.
Điều IX
1. Các Bên sẽ thành lập một Ủy ban hỗn hợp Ô-xtrây-lia - Việt Nam về Hợp tác Khoa học và Công nghệ gồm các đại diện do mỗi Bên chỉ định.
2. Ủy ban hỗn hợp có các nhiệm vụ sau:
a. Thảo luận và rà soát các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến mối quan hệ khoa học và công nghệ tổng thể giữa hai Bên; và
b. Rà soát tiến độ triển khai các lĩnh vực hợp tác đã được thống nhất trong khuôn khổ Hiệp định này và đưa ra các khuyến nghị liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác.
3. Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ sẽ họp luân phiên tại Ô-xtrây-lia và Việt Nam hai năm một lần hoặc vào thời gian cụ thể mà hai bên thống nhất.
Điều X
Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế khác mà mỗi Bên đã tham gia.
Điều XI
Mọi bất đồng giữa hai Bên nảy sinh do việc diễn giải hoặc thực thi Hiệp định này sẽ được hai Bên giải quyết một cách thân thiện thông qua trao đổi hoặc đàm phán.
Điều XII
Hiệp định này sẽ có hiệu lực từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của các Bên cho nhau thông qua kênh ngoại giao về việc đã hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết của mình để Hiệp định bắt đầu có hiệu lực.
Điều XIII
Hiệp định này, bao gồm cả Phụ lục có thể được sửa đổi với sự chấp thuận bằng văn bản của các Bên. Mọi sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của mỗi Bên cho nhau, thông qua kênh ngoại giao về việc đã hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết của mình để những nội dung sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Điều XIV
1. Hiệp định này có hiệu lực vĩnh viễn trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia thông qua kênh ngoại giao về ý định của mình chấm dứt Hiệp định này. Việc chấm dứt Hiệp định sẽ có hiệu lực sau sáu tuần kể từ ngày nhận được thông báo.
2. Trong trường hợp các Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này đang được thực hiện tại thời điểm nhận được thông báo chấm dứt Hiệp định, thì chúng sẽ được tiếp tục thực hiện nốt sau khi việc chấm dứt Hiệp định có hiệu lực, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
VỚI SỰ CHỨNG KIẾN Ở ĐÂY, những người ký tên dưới đây được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ của mình, đã ký và đóng dấu Hiệp định này.
Làm tại Can-be-ra, ngày 26 tháng 6 năm hai ngàn không trăm mười ba bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai bản có giá trị như nhau.
 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
THAY MẶT
CHÍNH PHỦ Ô-XTRÂY-LIA





Don Farrell
Bộ trưởng Khoa học và Nghiên cứu
 
 
PHỤ LỤC I
BẢO VỆ, SỞ HỮU VÀ PHÂN CHIA CÁC QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ THÔNG TIN BÍ MẬT
 
1. Phụ lục này xác định các vấn đề Sở hữu trí tuệ mà các Tổ chức hợp tác cần phải giải quyết trong các Thỏa thuận thi hành.
2. Các Tổ chức hợp tác thực hiện một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này cần phải đưa vào từng Thỏa thuận thi hành những điều khoản đã được thống nhất liên quan đến việc xác lập, bảo vệ, chia sẻ, chuyển giao, cấp li-xăng và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ, kể cả việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ liên quan đến Vật liệu cơ sở và Vật liệu tạo thành và việc xử lý Thông tin bí mật trước khi bắt đầu thực hiện Hoạt động hợp tác.
3. Các Tổ chức hợp tác cần phải đưa vào từng Thỏa thuận thi hành những điều khoản đã được thống nhất để xác định và bảo vệ chống lại việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba trước khi tiến hành một Hoạt động hợp tác. Đặc biệt, mỗi Thỏa thuận thi hành cần phải quy định cụ thể các thủ tục thích hợp để xác định quyền Sở hữu trí tuệ của bên thứ ba có thể:
a. bị Tổ chức hợp tác xâm phạm trong khi thực hiện các Hoạt động hợp tác theo Hiệp định này; hoặc
b. xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ phát sinh trong khuôn khổ Thỏa thuận thi hành.
4. Các Tổ chức hợp tác thực hiện một Hoạt động hợp tác theo Hiệp định này cần phải đảm bảo rằng quyền Sở hữu trí tuệ trong mọi Vật liệu tạo thành sẽ được phân chia giữa các Tổ chức hợp tác phù hợp với các điều khoản quy định trong Thỏa thuận thi hành, có tính đến:
a. các đóng góp trí tuệ của từng Tổ chức hợp tác;
b. các đóng góp tài chính của từng Tổ chức hợp tác;
c. các đóng góp về Vật liệu cơ sở, nỗ lực nghiên cứu, và công tác chuẩn bị của từng Tổ chức hợp tác;
d. giá trị đóng góp về Vật liệu của từng Tổ chức hợp tác;
e. các trang thiết bị do từng Tổ chức hợp tác cung cấp;
f. lợi ích của mỗi Tổ chức hợp tác do các Tổ chức hợp tác cùng quyết định;
g. việc xem xét về mặt pháp lý có liên quan; và
h. các xem xét có liên quan khác do các Tổ chức hợp tác cùng nhau quyết định.
5. Cụ thể là, các Tổ chức hợp tác thực hiện một Hoạt động hợp tác theo Hiệp định này cần phải cùng nhau quyết định trong mỗi Thỏa thuận thi hành các điều khoản sau:
a. xác định Vật liệu cơ sở của mỗi Tổ chức hợp tác và:
i. bản chất của sự bảo hộ đã hoặc cần dành cho Vật liệu cơ sở đó; và
ii. bản chất các quyền của bên thứ ba giới hạn việc sử dụng Vật liệu cơ sở;
b. quy định các thủ tục thích hợp để:
i. xác định;
ii. quyết định quyền sở hữu của; và
iii. bảo vệ Vật liệu tạo thành;
c. quy định các thủ tục thích hợp để quyết định các điều kiện mà theo đó từng Tổ chức hợp tác có thể được cấp li-xăng để sử dụng Vật liệu tạo thành cho các mục đích phi thương mại của riêng mình và cho các mục đích thương mại (bao gồm cả việc sản xuất);
d. quy định các điều khoản thích hợp tạo thuận lợi cho một Tổ chức hợp tác cấp li-xăng sử dụng Vật liệu cơ sở của mình cho một Tổ chức hợp tác khác, ví dụ khi nào là cần thiết để sử dụng mang tính thương mại đối với Vật liệu tạo thành;
e. quy định các thủ tục cần thiết để cấp li-xăng cho các bên thứ ba sử dụng Vật liệu tạo thành, kể cả khi việc sử dụng như vậy đòi hỏi phải tiếp cận Vật liệu cơ sở của Tổ chức hợp tác khác và các điều kiện để li-xăng sử dụng Vật liệu cơ sở được cấp;
f. quy định các biện pháp đảm bảo tính mật và các thủ tục thích hợp để tất cả các Tổ chức hợp tác tham gia vào một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này phê duyệt trước về việc công bố rộng rãi thông tin thông qua các ấn phẩm, hội nghị, hay các phương tiện khác;
g. quy định các quyền và nghĩa vụ của các nhà nghiên cứu được mời tham gia vào Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này và đặc biệt liên quan đến các Vật liệu mà họ tạo ra trong quá trình thực hiện công việc của mình trong Hoạt động hợp tác;
h. nếu các Tổ chức hợp tác mong muốn làm cho các điều khoản của Thỏa thuận thi hành có hiệu lực theo luật quốc gia thông qua một hợp đồng, cần chỉ định luật điều chỉnh và một diễn đàn thích hợp để giải quyết tranh chấp, trong khuôn khổ Thỏa thuận thi hành đó; và
i. quy định các thủ tục thích hợp để giải quyết tranh chấp kể cả thông qua trọng tài thương mại quốc tế.
6. Các Tổ chức hợp tác cần phải cùng nhau quyết định giá trị của các Vật liệu được sử dụng trong một Hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ của Hiệp định này có tính tới các yếu tố sau:
a. tính đặc thù và/hoặc tính khan hiếm của những Vật liệu này; và
b. giá trị thương mại tiềm năng của các kết quả nghiên cứu chung.
7. Các Tổ chức hợp tác thực hiện một Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này cần phải đưa vào từng Thỏa thuận thi hành các điều khoản quy định rằng vào thời điểm hết hạn hoặc chấm dứt Thỏa thuận thi hành, các quyền và nghĩa vụ của các Tổ chức hợp tác theo Thỏa thuận thi hành đối với quyền Sở hữu trí tuệ và Thông tin bí mật tồn tại vào thời điểm hết hiệu lực hoặc chấm dứt đó, sẽ vẫn còn nguyên hiệu lực, trừ khi các Tổ chức hợp tác cùng có quyết định khác.

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất