BỘ NGOẠI GIAO ---------------- Số: 16/2012/TB-LPQT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan về hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, ký tại Ta-sơ-ken ngày 03 tháng 10 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2012.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
Nơi nhận: - Văn phòng Quốc hội (để báo cáo); - Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (để báo cáo); - Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo); - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); - Vụ Châu Âu, BNG; - Đại sứ quán Việt Nam tại U-dơ-bê-ki-xtan; - Lưu: LPQT (2). | TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ Lê Thị Tuyết Mai |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA U-DƠ-BÊ-KI-XTAN VỀ
HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC KIỂM DỊCH THỰC VẬT
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan (sau đây gọi tắt là các Bên);
Với mục đích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật và nâng cao công tác bảo vệ thực vật của cả hai Bên, ngăn chặn sự lây lan của dịch hại kiểm dịch thực vật vào lãnh thổ quốc gia của các Bên, tránh thiệt hại do dịch hại kiểm dịch thực vật gây ra;
Sẵn sàng thúc đẩy mậu dịch và trao đổi giữa hai nước hạt giống, vật liệu làm giống và các sản phẩm khác thuộc diện kiểm dịch thực vật;
Đã thỏa thuận các nội dung sau:
Điều 1. Định nghĩa
Nhằm mục đích của Hiệp định này, các thuật ngữ sau đây được sử dụng:
- “dịch hại KDTV” – dịch hại, tác nhân gây hại (sinh học) và cỏ dại, theo các Danh mục nêu trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2;
- “thiên địch” – sinh vật ăn côn trùng;
- “bẫy bả” – các chất do côn trùng tiết ra để hấp dẫn cá thể trong loài;
- “chế phẩm sinh học” – chế phẩm có vi sinh vật gây bệnh ở dạng tiềm tàng để phòng chống côn trùng có hại;
- “vật thể thuộc diện KDTV” – vật liệu giúp các sinh vật thuộc diện kiểm dịch lây lan (gồm hạt giống, vật liệu làm giống, cây và các bộ phận của cây, các sản phẩm khác có nguồn gốc thực vật), được nhập/xuất khẩu hoặc đang quá cảnh qua lãnh thổ các Bên.
Điều 2. Tăng cường hợp tác
Để phát triển hợp tác trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, các Bên phải:
- tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các dịch hại kiểm dịch thực vật lây lan từ lãnh thổ Bên này sang lãnh thổ của Bên kia trong quá trình các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh;
- thường xuyên trao đổi thông tin bằng văn bản về sự xuất hiện, lây lan của dịch hại kiểm dịch thực vật trong lãnh thổ của các Bên cũng như trao đổi thiên địch, bẫy bả, tác nhân sinh học và các chất khác để giảm sinh vật thuộc diện kiểm dịch;
- thông báo các điều khoản sửa đổi và bổ sung đối với các quy tắc kiểm dịch thực vật điều chỉnh việc xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh các vật liệu thuộc diện kiểm dịch;
- hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và tư vấn về thực hiện các biện pháp phát hiện, khoanh vùng và xử lý các dịch hại kiểm dịch thực vật;
- phân tích vấn đề và nghiên cứu thành tựu trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật tại các điểm biên giới;
- tổ chức cho chuyên gia hai bên phối hợp kiểm tra tại nước xuất khẩu đối với các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
- trong trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, khi một Bên yêu cầu, phải gửi đoàn chuyên gia thực hiện các biện pháp khẩn cấp chung.
Điều 3. Kiểm dịch thực vật
Bất kỳ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nào được vận chuyển từ Bên này sang Bên kia phải tuân thủ các quy định sau:
1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được vận chuyển từ Bên này sang Bên kia phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của Bên kia.
2. Vật thể thuộc diện kiểm dịch phải được thực hiện kiểm dịch chặt chẽ trước khi xuất khẩu.
3. Trong trường hợp phát hiện vật thể bị nhiễm dịch hại kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, mỗi Bên có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ thực vật, sản phẩm thực vật trong lãnh thổ nước mình theo pháp luật hiện hành của mỗi Bên.
4. Cấm sử dụng rơm, lá và các vật liệu thực vật khác có khả năng mang các loại dịch hại làm vật liệu bao gói hoặc chèn lót, ngoại trừ giấy và các vật liệu tổng hợp.
5. Phương tiện vận chuyển, bao gói và vật liệu chèn lót phải được làm sạch hoặc xử lý khử trùng trước khi xuất khẩu.
Vật liệu bao gói, chèn lót bằng gỗ phải được xử lý theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc tế số 15 về các biện pháp kiểm dịch thực vất (ISPM 15)
6. Trong trường hợp cần thiết, các Bên sẽ phối hợp cùng nhau để thực hiện kiểm dịch thực vật tại lãnh thổ nước xuất khẩu.
Điều 4. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Mỗi lô hàng thuộc diện kiểm dịch được vận chuyển từ lãnh thổ Bên này sang (hoặc qua) lãnh thổ Bên kia phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm soát kiểm dịch thực vật của Bên xuất khẩu cấp và chứng nhận vật thể này đạt yêu cầu kiểm dịch thực vật Bên nhập khẩu đưa ra. Chứng nhận kiểm dịch thực vật phải được trình bày bằng quốc ngữ của Bên xuất khẩu và tiếng Anh. Các mẫu giấy này phải được các Bên trao đổi cho nhau và thông báo kịp thời cho Bên kia trong trường hợp có sự thay đổi mẫu giấy.
Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được nhập khẩu hoặc quá cảnh vào (hoặc qua) lãnh thổ của Bên nhập khẩu trên cơ sở và điều kiện được xác định trong giấy phép kiểm dịch thực vật để nhập khẩu do cơ quan kiểm soát kiểm dịch thực vật của Bên nhập khẩu cấp.
Điều 5. Kiểm tra và thông báo
Trong quá trình nhập khẩu hoặc quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nào đó, các cơ quan chức năng của các Bên có quyền đưa ra điều kiện và yêu cầu bổ sung liên quan đến kiểm dịch thực vật.
Nếu phát hiện thấy các sinh vật thuộc diện kiểm dịch trong quá trình kiểm dịch tại Bên nhập khẩu, các cơ quan chức năng của các Bên có quyền trả lại vật thể thuộc diện kiểm dịch về nước xuất khẩu hoặc tiến hành tẩy trùng, trong trường hợp không thể tẩy trùng – việc tiêu hủy tuân thủ theo pháp luật của bên nhập khẩu. Các cơ quan chức năng của Bên nhập khẩu gửi thông tin bằng văn bản về các biện pháp thực hiện cho các cơ quan chức năng của Bên xuất khẩu.
Chi phí tẩy trùng, trả lại hoặc tiêu hủy vật thể thuộc diện kiểm dịch được tính vào chi phí của bên nhận hàng ở Bên nhập khẩu và sẽ được bên gửi hàng ở Bên xuất khẩu hoàn lại sau.
Các Bên có trách nhiệm thông báo cho Văn phòng Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế theo quy định thành viên và không cung cấp thông tin cho bên thứ 3, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bên kia.
Điều 6. Cơ quan chức năng
Các Bên chỉ định cơ quan chức năng thực hiện Hiệp định này như sau:
Phía Việt Nam là: Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Phía U-dơ-bê-ki-xtan là: Thanh tra Nhà nước về kiểm dịch thực vật, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước của nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan.
Điều 7. Giải quyết tranh chấp
Các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng đàm phán giữa các Bên.
Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng của các Bên sẽ tiến hành tham vấn để giải quyết các vấn đề nảy sinh và cơ cấu thực hiện để thi hành Hiệp định này cũng như cung cấp cho nhau thông tin khoa học và các hỗ trợ khác trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật.
Thời gian, địa điểm và chương trình các cuộc họp này được xác định khi có thống nhất của các cơ quan chức năng của các Bên. Phía Bên chủ nhà chịu chi phí tổ chức họp. Từng Bên tự chịu chi phí đi lại và các chi phí khác.
Điều 8. Các thỏa thuận quốc tế
Các điều khoản của Hiệp định này không làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các Bên theo các thỏa thuận quốc tế mà các Bên là thành viên.
Điều 9. Bổ sung, sửa đổi
Hiệp định này có thể được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở sự đồng ý của các Bên. Nội dung bổ sung, sửa đổi sẽ được ghi nhận trong Nghị định thư. Các Nghị định thư này sẽ là một phần không thể tách rời của Hiệp định này. Các Nghị định thư có hiệu lực theo Điều 10 của Hiệp định này.
Danh mục dịch hại, bệnh cây và cỏ dại, buộc phải kiểm dịch ở quốc gia của các Bên được nêu rõ trong Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Hiệp định này. Danh mục các vật thể thuộc diện kiểm dịch có thể bổ sung hoặc sửa đổi trên cơ sở sự đồng ý của các Bên.
Điều 10. Hiệu lực, chấm dứt hiệu lực
Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản, qua đường ngoại giao, về việc các Bên hoàn thành các thủ tục trong nước để Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định này có giá trị trong thời hạn năm (05) năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn mỗi lần năm (05) năm, trừ khi 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn năm năm, một trong hai Bên thông báo cho Bên kia về ý định chấm dứt Hiệp định.
Hiệp định này chấm dứt hiệu lực sau sáu (06) tháng kể từ ngày một Bên nhận được văn bản thông báo qua đường ngoại giao do Bên kia gửi để thông báo về ý định chấm dứt Hiệp định.
Làm tại, Ta-sơ-ken, ngày 03 tháng 10 năm 2011, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng U-dơ-bê-ki-xtan và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM BỘ TRƯỞNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Cao Đức Phát | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA U-DƠ-BÊ-KI-XTAN BỘ TRƯỞNG NÔNG NGHIỆP VÀ TÀI NGUYÊN NƯỚC Zafar Sh. Ruziev |