BỘ NGOẠI GIAO -------------------- Số: 09/2011/SL-LPQT | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2011 |
THÔNG BÁO HIỆU LỰC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao (Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế) trân trọng thông báo:
“Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước U-crai-na về hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan”, ký tại Kiev ngày 22 tháng 3 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2011; và gửi kèm Bản sao lục Hiệp định theo quy định Điều 68 của Luật nêu trên.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG Nguyễn Thị Minh Nguyệt |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC
U-CRAI-NA VỀ HỢP TÁC VÀ TƯƠNG TRỢ HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước U-crai-na (sau đây gọi là “các Bên ký kết”)
Nhận thấy rằng những vi phạm pháp luật Hải quan gây phương hại đến an ninh và sức khỏe cộng đồng, cũng như các lợi ích kinh tế, thương mại và tài chính của các quốc gia có liên quan;
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tính chính xác thuế Hải quan và các thuế khác đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, xác định đúng về phân loại hàng hóa, giá trị và xuất xứ của hàng hóa đó cũng như việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấm, hạn chế và kiểm soát hàng hóa;
Nhận thấy rằng việc buôn lậu ma túy, các chất hướng thần và các tiền chất ma tuý gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và xã hội;
Nhận thấy sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong các vấn đề liên quan tới việc áp dụng và thực thi pháp luật Hải quan;
Tin tưởng rằng các hành động chống vi phạm pháp luật hải quan có thể được thực hiện hiệu quả hơn với thông qua sự hợp tác giữa các Cơ quan Hải quan;
Trên cơ sở Khuyến nghị của Hội đồng Hợp tác Hải quan về Hỗ trợ hành chính lẫn nhau, được thông qua ngày 05 tháng 12 năm 1953;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Định nghĩa
Theo Hiệp định này:
1. “Pháp luật hải quan” có nghĩa là các luật và các quy định pháp lý khác liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, và quá cảnh hàng hóa hoặc các thủ tục hải quan khác, cũng như liên quan đến việc thu thuế, các loại phí và các khoản thu khác và việc áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế và kiểm soát của các Cơ quan Hải quan.
2. “Cơ quan Hải quan” đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nghĩa là Tổng cục Hải quan Việt Nam, đối với nước U-crai-na có nghĩa là Cơ quan Hải quan quốc gia U-crai-na.
3. “Vi phạm” có nghĩa là bất kỳ sự vi phạm hoặc cố tình vi phạm pháp luật Hải quan.
4. “Cơ quan Hải quan yêu cầu” có nghĩa là Cơ quan Hải quan đưa ra yêu cầu trợ giúp theo Hiệp định này hoặc nhận được hỗ trợ tương tự theo sáng kiến của Cơ quan Hải quan Bên kia.
5. “Cơ quan Hải quan được yêu cầu” có nghĩa là Cơ quan Hải quan được yêu cầu trợ giúp theo Hiệp định này hoặc cung cấp hỗ trợ tương tự theo sáng kiến của chính mình.
6. “Thông tin” có nghĩa là dữ liệu, bản báo cáo, hồ sơ và tài liệu có thể dưới hình thức thông tin điện tử hoặc dạng khác, hoặc các bản sao của các tài liệu nêu trên.
7. “Công chức” có nghĩa là công chức Hải quan.
8. “Người” bao gồm cả thể nhân và pháp nhân.
9. “Dữ liệu cá nhân” là tất cả tài liệu hoặc các thông tin được công bố công khai về cá nhân có thể nhận dạng được trong vi phạm hải quan.
Điều 2. Phạm vi của Hiệp định
1. Các Bên ký kết sẽ cung cấp cho nhau trợ giúp nhằm đảm bảo áp dụng đúng pháp luật hải quan và an toàn thương mại, việc tính chính xác thuế hải quan và các thuế khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và xác định đúng về phân loại, giá trị và xuất xứ của hàng hóa đó.
2. Các Bên ký kết cũng hỗ trợ nhau trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.
3. Hỗ trợ theo Hiệp định này phải được Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết cung cấp và trong giới hạn thẩm quyền và nguồn lực sẵn có của Cơ quan Hải quan đó.
4. Hỗ trợ theo Hiệp định này phải phù hợp với các quy định của pháp luật quốc gia của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu.
5. Các điều khoản của Hiệp định này chỉ nhằm cung cấp trợ giúp hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan giữa các Bên ký kết.
6. Hỗ trợ theo Hiệp định này không bao gồm việc bắt giữ hoặc tạm giữ người hoặc việc thu hoặc cưỡng chế thu các khoản thuế hải quan, các loại thuế khác, tiền phạt,v.v.
Điều 3. Các trường hợp đặc biệt của hỗ trợ
1. Theo yêu cầu và phải phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên ký kết được yêu cầu, Cơ quan Hải quan các Bên sẽ thông báo cho nhau về việc các hàng hóa được xuất khẩu hoặc nhập khẩu hợp pháp từ lãnh thổ hải quan của một Bên ký kết sang lãnh thổ hải quan của Bên ký kết khác. Thông tin này, theo yêu cầu, phải bao gồm thủ tục hải quan được sử dụng để thông quan cho hàng hoá.
2. Theo năng lực của mình và phải phù hợp với pháp luật quốc gia của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu, Cơ quan Hải quan được yêu cầu, theo yêu cầu của Bên kia hoặc theo sáng kiến của chính mình và theo văn bản thỏa thuận của Cơ quan Hải quan yêu cầu, sẽ thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát đặc biệt đối với và cung cấp thông tin về:
a) phương tiện vận tải bị nghi ngờ được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hải quan trên lãnh thổ hải quan của Bên ký kết yêu cầu;
b) hàng hóa được Cơ quan Hải quan yêu cầu xem là đối tượng thương mại bất hợp pháp có điểm đến là lãnh thổ hải quan của Bên ký kết yêu cầu;
c) người đã vi phạm hoặc bị nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan trên lãnh thổ hải quan của Bên ký kết yêu cầu;
d) nơi cất giữ hàng hóa bị nghi ngờ một cách có căn cứ là được dùng để phục vụ cho hoạt động nhập khẩu trái phép vào lãnh thổ hải quan của Bên ký kết yêu cầu.
3. Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết, phù hợp với pháp luật quốc gia của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu, sẽ cung cấp cho nhau các thông tin cần thiết, liên quan tới các hành vi vi phạm đã hoặc nghi ngờ sẽ xảy ra trong lãnh thổ hải quan của Bên ký kết kia, mà có thể có ích cho Cơ quan Hải quan yêu cầu. Trong các trường hợp vi phạm có liên quan đến ma túy, các chất hướng thần và các tiền chất hoặc có thể gây phương hại đến nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng, an ninh hoặc bất kể một lợi ích thiết yếu nào của Bên ký kết kia, thì thông tin đó phải được cung cấp bất cứ khi nào có thể mà không cần phải được yêu cầu.
Điều 4. Hợp tác và trợ giúp về chuyên môn nghiệp vụ
1. Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết, trên cơ sở sáng kiến của chính mình hoặc được yêu cầu, sẽ cung cấp cho nhau thông tin liên quan đến:
a) các hoạt động kiểm soát được coi là hữu hiệu nhằm ngăn chặn các vi phạm, đặc biệt là các biện pháp đấu tranh chống vi phạm;
b) các phương thức thủ đoạn vi phạm mới;
c) hàng hóa được biết là đối tượng vi phạm pháp luật hải quan, cũng như các phương thức vận chuyển và tàng trữ những hàng hóa này;
d) người được biết là có liên quan đến một hành vi vi phạm hoặc bị nghi ngờ sẽ liên quan đến một hành vi vi phạm pháp luật hải quan;
e) các dữ liệu có thể giúp các Cơ quan Hải quan trong việc đánh giá rủi ro phục vụ các mục đích kiểm soát và tạo thuận lợi thương mại;
f) các trường hợp mà Cơ quan Hải quan yêu cầu có lý do để nghi ngờ thông tin được cung cấp bởi người có liên quan trong các vấn đề hải quan;
g) các đánh giá và kết quả thu được từ việc áp dụng thành công các chương trình viện trợ và kỹ thuật mới;
h) các phương pháp kỹ thuật và cải tiến trong việc xử lý đối với hành khách và hàng hóa; và
i) thông tin về pháp luật hải quan của mỗi Bên ký kết.
2. Các Bên ký kết, thông qua các Cơ quan Hải quan của mình, sẽ tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực:
a) đề xuất sáng kiến, xây dựng hoặc cải tiến các chương trình đào tạo công chức cụ thể của Hải quan mỗi Bên;
b) thiết lập và duy trì các kênh liên lạc giữa các Cơ quan Hải quan của hai Bên nhằm tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin một cách bảo mật và nhanh chóng;
c) tạo thuận lợi cho việc điều phối hiệu quả giữa các Cơ quan Hải quan của hai Bên bao gồm việc trao đổi cán bộ, chuyên gia và cử các nhân viên liên lạc;
d) đánh giá và kiểm tra các quy trình thủ tục và trang thiết bị mới;
e) đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan của mỗi Bên; và
f) các vấn đề hỗ trợ hành chính chung khác theo từng thời điểm và yêu cầu phối hợp hành động chung của các Bên.
Điều 5. Trao đổi yêu cầu
1. Các yêu cầu thực hiện theo Hiệp định này được gửi dưới dạng văn bản. Các tài liệu được coi là hữu dụng cho việc thực hiện yêu cầu đó, khi đã có, phải được gửi kèm yêu cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, cũng có thể yêu cầu bằng lời, nhưng ngay sau đó phải khẳng định lại bằng văn bản.
2. Các yêu cầu thực hiện theo Khoản 1 của Điều này phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) tên cơ quan gửi yêu cầu;
b) đặc điểm của vụ việc;
c) đề nghị hỗ trợ, mục đích và lý do yêu cầu;
d) tên và địa chỉ của các bên liên quan trong yêu cầu, nếu biết;
e) mô tả vắn tắt vấn đề đang xem xét và các khía cạnh pháp lý có liên quan; và
f) mối liên hệ giữa yêu cầu hỗ trợ và vấn đề có liên quan đến yêu cầu hỗ trợ đó.
3. Tất cả các yêu cầu và tài liệu kèm theo phải được gửi bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ hành chính của Cơ quan Hải quan được yêu cầu hoặc bằng ngôn ngữ được cả hai Cơ quan Hải quan chấp nhận.
4. Nếu một yêu cầu không đáp ứng được các điều kiện chính thức như quy định tại Khoản 2 của Điều này, thì có thể đề nghị bổ sung hoặc hoàn thành các yêu cầu đó.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới việc chỉ dẫn các biện pháp phòng ngừa.
5. Việc trợ giúp sẽ được thực hiện thông qua trao đổi trực tiếp giữa các Cơ quan Hải quan của mỗi Bên.
Điều 6. Thực hiện yêu cầu
1. Cơ quan Hải quan được yêu cầu sẽ tiến hành tất cả các biện pháp hợp lý để thực hiện yêu cầu sớm nhất có thể.
2. Nếu Cơ quan Hải quan được yêu cầu không có thông tin được yêu cầu, thì họ sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập thông tin đó. Khi cần, Cơ quan Hải quan được yêu cầu có thể được các cơ quan chức năng khác của Bên ký kết được yêu cầu trợ giúp. Tuy nhiên, việc trả lời các yêu cầu chỉ được thực hiện bởi Cơ quan Hải quan được yêu cầu.
3. Trường hợp Cơ quan Hải quan được yêu cầu không phải là cơ quan thích hợp đáp ứng thực hiện yêu cầu, thì họ hoặc sẽ chuyển ngay yêu cầu đó đến cơ quan thích hợp để thực hiện yêu cầu theo thẩm quyền của cơ quan đó được quy định trong pháp luật quốc gia của Quốc gia Bên ký kết được yêu cầu hoặc thông báo cho Cơ quan Hải quan yêu cầu các thủ tục phù hợp để thực hiện yêu cầu đó.
4. Cơ quan Hải quan của mỗi Bên ký kết, trên cơ sở yêu cầu của Cơ quan Hải quan phía Bên ký kết kia, sẽ tiến hành các hoạt động cần thiết, bao gồm việc thẩm vấn các chuyên gia và tiến hành xác minh, kiểm tra và tìm hiểu sự thật liên quan đến các vấn đề được đề cập đến trong Hiệp định này. Các kết quả của quá trình xác minh, kiểm tra và tìm hiểu sự thật đó sẽ được chuyển cho Cơ quan Hải quan yêu cầu trong thời gian sớm nhất có thể.
5. Các cán bộ Hải quan của một Bên ký kết có thể có mặt trên lãnh thổ hải quan của Bên ký kết kia theo lời mời chính thức.
Điều 7. Hồ sơ tài liệu
1. Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết, trên cơ sở yêu cầu và phù hợp với pháp luật quốc gia của Bên ký kết được yêu cầu, sẽ cung cấp thông tin liên quan đến việc vận chuyển và đóng hàng, về giá trị, xuất xứ, cách sắp xếp và nơi đến của những hàng hóa đó.
2. Cơ quan Hải quan được yêu cầu, cùng với việc cung cấp các thông tin, sẽ nêu ra các chỉ dẫn cần thiết cho việc sử dụng hoặc giải nghĩa tài liệu.
Điều 8. Các trường hợp từ chối hỗ trợ
1. Trong các trường hợp Cơ quan Hải quan của Bên ký kết được yêu cầu cho rằng việc cung cấp hỗ trợ theo Hiệp định này sẽ vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, chính sách quốc gia hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia hoặc liên quan đến vi phạm bí mật quốc gia hoặc các bí mật khác được pháp luật bảo vệ thì có thể từ chối hoặc trì hoãn hỗ trợ, hoặc có thể cung cấp hỗ trợ nếu được đáp ứng một số điều kiện hoặc yêu cầu nhất định.
2. Trong trường hợp một yêu cầu bị từ chối hoặc không thể được thực hiện hoàn toàn hoặc một phần, thì Cơ quan Hải quan yêu cầu sẽ sớm được thông báo về việc này và lý do từ chối.
3. Việc hỗ trợ có thể được Cơ quan Hải quan được yêu cầu trì hoãn trong trường hợp việc thực hiện yêu cầu đó sẽ làm ảnh hưởng đến một quá trình xử lý, hoặc điều tra đang tiến hành. Trong trường hợp đó, Cơ quan Hải quan được yêu cầu sẽ bàn bạc với Cơ quan Hải quan yêu cầu để quyết định xem việc hỗ trợ có thể được thực hiện theo những yêu cầu và điều kiện do Cơ quan Hải quan được yêu cầu đưa ra hay không.
Điều 9. Tính bảo mật
1. Thông tin và các tài liệu trao đổi theo Hiệp định này chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích đã được quy định cụ thể trong Hiệp định này, trừ trường hợp Cơ quan Hải quan được yêu cầu đồng ý bằng văn bản cho phép sử dụng vào các mục đích khác.
2. Mọi thông tin hoặc tài liệu trao đổi mà Cơ quan Hải quan của bất kỳ Bên ký kết nào nhận được, theo Hiệp định này đều được xử lý như là những thông tin mật và sẽ không được chuyển cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào bên ngoài Cơ quan Hải quan yêu cầu, trừ trường hợp đã được quy định trong Hiệp định này. Các quy định tại Khoản 2 của Điều này sẽ không được áp dụng trong các trường hợp vi phạm liên quan đến các chất ma túy và gây nghiện. Những thông tin như thế sẽ được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền khác của Bên ký kết yêu cầu trực tiếp liên quan đến việc đấu tranh chống vận chuyển trái phép các chất ma túy. Ngoài ra, thông tin về các vi phạm liên quan đến sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội hoặc bảo vệ môi trường của Bên ký kết có Cơ quan Hải quan nhận được các thông tin đó có thể được chuyển tới các cơ quan chính phủ có thẩm quyền giải quyết các vấn đề đó. Những thông tin như vậy sẽ được xử lý như là những thông tin mật và sẽ được hưởng ít nhất là cùng một cấp độ bảo mật và bảo vệ theo quy định của pháp luật quốc gia có liên quan dành cho các thông tin tương tự có thể được áp dụng bởi Quốc gia của Bên ký kết nhận được thông tin đó.
3. Dữ liệu cá nhân chỉ được phép chuyển giao nếu mức độ bảo vệ thông tin cá nhân được pháp luật của các Bên ký kết bảo đảm ngang nhau. Các Bên sẽ bảo đảm ít nhất một mức độ bảo vệ dựa trên các nguyên tắc được đưa ra trong Phụ lục -là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
Điều 10. Chi phí
1. Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết không yêu cầu Bên ký kết kia thanh toán lại cho mình các chi phí thông thường phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định này.
2. Nếu việc thực hiện yêu cầu tương trợ đòi hỏi chi phí lớn hoặc bất thường thì Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết phải bàn bạc với nhau để quyết định điều kiện cho việc thực hiện yêu cầu tương trợ và cách thức thanh toán chi phí đó.
3. Các chi phí phát sinh từ việc hợp tác tổ chức các buổi hội thảo, các khóa đào tạo nghiệp vụ, trao đổi chuyên gia hoặc các chuyến công tác nghiên cứu, khảo sát sẽ do thỏa thuận giữa các Bên ký kết.
4. Chi phí cho sự có mặt của cán bộ Cơ quan Hải quan của một Bên ký kết tại lãnh thổ của Bên ký kết kia liên quan đến Điều 6 của Hiệp định này sẽ do Bên ký kết yêu cầu chi trả.
Điều 11. Thực hiện thỏa thuận
Các Cơ quan Hải quan sẽ chịu trách nhiệm thực hiện Hiệp định này và sẽ phối hợp:
1. Liên lạc trực tiếp để giải quyết các vấn đề phát sinh từ Hiệp định này;
2. Nếu cần thiết, sau khi bàn bạc có thể ban hành các chỉ thị hành chính hoặc các thủ tục để thực hiện Hiệp định;
3. Đồng thuận để giải quyết bất kỳ vấn đề hoặc nghi ngờ nào phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này hoặc bất kỳ vấn đề hải quan nào có thể phát sinh giữa các Bên;
4. Thỏa thuận gặp gỡ, nếu có một Bên yêu cầu, nhằm thảo luận về việc áp dụng các điều khoản của Hiệp định này hoặc về bất kỳ vấn đề hải quan nào phát sinh trong quan hệ của các Bên ký kết; và
5. Chỉ định và thông báo cho nhau đầu mối liên lạc bao gồm một cán bộ chuyên trách và một nhân viên liên lạc chuyên trách.
Điều 12. Quan hệ với các điều ước quốc tế khác
Hiệp định này hoặc bất kỳ hành động nào thực hiện theo Hiệp định này sẽ không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các Bên được quy định trong bất kỳ một hiệp định quốc tế nào mà mỗi Bên ký kết là thành viên.
Điều 13. Hiệu lực, sửa đổi và hủy bỏ
1. Hiệp định này sẽ kéo dài vô thời hạn và sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30) kể từ ngày thông báo cuối cùng bằng văn bản thông qua các kênh ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực.
2. Theo yêu cầu của một trong hai Cơ quan Hải quan hoặc khi kết thúc năm năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Cơ quan Hải quan của các Bên ký kết đồng ý gặp gỡ để xem xét lại Hiệp định này hoặc thảo luận về bất kỳ vấn đề hải quan nào khác có thể nảy sinh trong mối quan hệ giữa hai Cơ quan Hải quan, trừ khi hai Cơ quan Hải quan thông báo cho nhau bằng văn bản là việc xem xét lại là không cần thiết.
3. Hiệp định này có thể được thay đổi và sửa đổi theo sự đồng thuận của hai Bên ký kết. Những thay đổi và bổ sung sẽ được thực hiện bằng các nghị định thư riêng và là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
4. Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định này vào bất kỳ thời điểm nào. Việc chấm dứt hiệu lực sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày một Bên ký kết thông báo cho Bên ký kết kia bằng văn bản về việc chấm dứt hiệu lực thông qua các kênh ngoại giao. Các thủ tục đang diễn ra tại thời điểm chấm dứt hiệu lực phải được hoàn thành theo các quy định của Hiệp định này.
Để làm chứng, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền hợp thức của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.
Làm tại Kiev ngày 22 tháng 3 năm 2010, thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng U-crai-na và tiếng Anh, tất cả các bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau thì văn bản bằng tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH Đỗ Hoàng Anh Tuấn | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC U-CRAI-NA PHÓ CHỦ TỊCH THỨ NHẤT CƠ QUAN HẢI QUAN QUỐC GIA Ihor Pikovskiy |
PHỤ LỤC
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG VIỆC BẢO VỆ DỮ LIỆU
1. Dữ liệu cá nhân qua quá trình xử lý tự động sẽ:
a) Được thu thập và xử lý một cách bình đẳng và phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên ký kết;
b) Được lưu giữ cho các mục đích cụ thể và hợp pháp, và không được làm trái với các mục đích đó;
c) Đầy đủ, thích hợp và không vượt quá mục đích mà dữ liệu được lưu giữ;
d) Chính xác, và khi cần, phải được cập nhật những thông tin mới nhất;
e) được bảo vệ dưới hình thức cho phép việc xác định chủ thể dữ liệu không lâu hơn thời gian được yêu cầu cho mục đích mà các dữ liệu đó được lưu giữ.
2. Dữ liệu cá nhân liên quan đến sức khỏe hay đời sống sinh lý có thể không được tự động xử lý trừ khi pháp luật trong nước quy định các biện pháp bảo vệ thích hợp. Điều này cũng được áp dụng tương tự như đối với dữ liệu cá nhân liên quan đến tội phạm hình sự.
3. Các biện pháp an ninh thỏa đáng sẽ được sử dụng để bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được lưu giữ trong hồ sơ dữ liệu tự động nhằm chống sự phá hoại hay những tổn thất ngẫu nhiên, cũng như chống lại việc truy cập bất hợp pháp, sửa đổi hoặc phát tán dữ liệu.
4. Bất kỳ người nào cũng có thể:
a) lập hồ sơ cá nhân tự động, những mục đích cơ bản của việc lập hồ sơ cá nhân đó, cũng như xác định nơi cư trú hay địa chỉ công tác chủ yếu của người kiểm tra hồ sơ;
b) thu thập dữ liệu trong khoảng thời gian hợp lý và không quá chậm trễ hoặc xác nhận chi phí về việc dữ liệu cá nhân liên quan đến người đó có được lưu giữ trong hồ sơ dữ liệu tự động hay không, cũng như việc trao đổi với người đó về những dữ liệu này dưới hình thức dễ hiểu;
c) thu thập những đính chính hay vết xóa bỏ những dữ liệu này nếu chúng đã được xử lý trái với các điều khoản của pháp luật trong nước quy định về các nguyên tắc cơ bản được đưa ra tại mục 1 và 2 của Phụ lục này;
d) Có biện pháp khắc phục nếu yêu cầu về trao đổi, như sẽ được hoàn cảnh quyết định, đính chính, xóa bỏ được nêu ra trong các tiểu mục b và c của mục này không được tuân thủ.
5.1. Không có ngoại lệ đối với các quy định tại mục 1, 2 và 4 của Phụ lục này, ngoài giới hạn xác định tại mục này.
5.2. Việc làm trái các quy định trong mục 1, 2 và 4 của Phụ lục này sẽ được chấp nhận khi việc làm đó được quy định trong pháp luật của các Bên và là một biện pháp cần thiết trong xã hội dân chủ, vì mục đích:
a) Bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội, lãi tiền tệ quốc gia hay ngăn chặn tội phạm hình sự;
b) Bảo vệ chủ thể dữ liệu hay quyền lợi và tự do của những người khác.
5.3. Những giới hạn trong việc sử dụng những quyền cụ thể trong mục 4, tiểu mục b, c và d của Phụ lục này có thể được quy định bởi pháp luật đối với hồ sơ dữ liệu cá nhân tự động được sử dụng trong công tác thống kê hay cho các mục đích nghiên cứu tại những nơi không có nguy cơ về vi phạm bảo mật dữ liệu.
6. Không một điều khoản nào của Phụ lục này được hiểu là hạn chế hoặc ảnh hưởng đến khả năng một Bên cung cấp cho chủ thể dữ liệu một biện pháp bảo vệ có phạm vi rộng hơn các biện pháp được quy định trong Phụ lục này./.