BỘ NGOẠI GIAO --------------- Số: 02/2012/TB-LPQT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------- Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2012 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-li-a về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, ký tại Mi-lan ngày 13 tháng 7 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2012.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ PHÓ VỤ TRƯỞNG Lê Thị Tuyết Mai |
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA I-TA-LI-A VỀ MIỄN THỊ THỰC
CHO NGƯỜI MANG HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa I-ta-lia-a, sau đây gọi là “các Bên ký kết”, Với mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương,
Với mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tạo điều kiện cho việc đi lại của công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao, Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Công dân của các Bên ký kết, là người mang hộ chiếu ngoại giao còn giá trị và không phải là người đang công tác nhiệm kỳ tại lãnh thổ Bên ký kết kia, được miễn thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh lãnh thổ Nước tiếp nhận với thời gian lưu trú không quá chín mươi (90) ngày (trong một hay nhiều giai đoạn) trong thời hạn sáu (6) tháng, tính từ ngày nhập cảnh lần đầu vào lãnh thổ Nước tiếp nhận. Đối với công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời hạn chín mươi (90) ngày nói trên sẽ được tính từ ngày nhập cảnh đầu tiên vào khu vực Schengen.
Điều 2.
Hiệp định này không miễn thị thực cho thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và đại diện tại các tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Bên ký kết kia cũng như cho thành viên gia đình của họ mang hộ chiếu ngoại giao khi được bổ nhiệm tại Nước tiếp nhận.
Những người nói trên, sau khi được chấp thuận, có quyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và lưu trú trên lãnh thổ Nước tiếp nhận không cần thị thực trong suốt nhiệm kỳ công tác.
Điều 3.
Công dân của các Bên ký kết, mang hộ chiếu ngoại giao nêu tại các Điều 1 và 2 Hiệp định này, có thể nhập cảnh hoặc xuất cảnh lãnh thổ Bên ký kết kia qua tất cả các cửa khẩu dành cho giao lưu quốc tế.
Điều 4.
Hiệp định này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của công dân của các Bên ký kết, nêu tại các Điều 1 và 2 Hiệp định này, tôn trọng pháp luật của Nước tiếp nhận.
Điều 5.
Hiệp định này không ảnh hưởng đến quyền của cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên ký kết không cho nhập cảnh hoặc lưu trú trên lãnh thổ của mình bất kỳ công dân nào của Bên ký kết kia được coi là người không được hoan nghênh.
Điều 6.
Vì lý do an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, mỗi Bên ký kết có quyền đình chỉ, toàn bộ hoặc một phần, việc thực hiện Hiệp định này.
Bên ký kết kia phải được thông báo về việc đình chỉ thực hiện Hiệp định này qua đường ngoại giao, chậm nhất là 72 giờ trước khi việc đình chỉ này có hiệu lực.
Việc đình chỉ thực hiện Hiệp định này không ảnh hưởng tới quyền của công dân nêu tại các Điều 1 và 2 Hiệp định này, khi họ đã lưu trú trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.
Điều 7.
Các Bên ký kết sẽ trao cho nhau qua đường ngoại giao mẫu hộ chiếu ngoại giao chậm nhất là ba mươi (30) ngày trước ngày khi Hiệp định này có hiệu lực.
Trong trường hợp đưa ra mẫu hộ chiếu ngoại giao mới hoặc sửa đổi mẫu hiện tại, các Bên ký kết sẽ trao cho nhau qua đường ngoại giao mẫu hộ chiếu này chậm nhất là ba mươi (30) ngày trước ngày mẫu hộ chiếu mới hoặc mẫu hộ chiếu sửa đổi được đưa vào sử dụng.
Điều 8.
Hiệp định này có thể được sửa đổi thông qua các Nghị định thư bổ sung hoặc qua trao đổi công hàm ngoại giao giữa các Bên ký kết. Các văn bản này sẽ được coi là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
Điều 9.
Mọi bất đồng hoặc tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích các điều khoản của Hiệp định này được các Bên ký kết giải quyết thông qua thương lượng và tham vấn qua đường ngoại giao.
Điều 10.
Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi (30) kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao, theo đó các Bên ký kết thông báo chính thức cho nhau việc đã hoàn tất các thủ tục nội luật cần thiết của mình để Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn và sẽ chấm dứt hiệu lực sau ba (3) tháng kể từ ngày một Bên ký kết nhận được thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao của Bên ký kết kia về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.
Làm tại Milan, ngày 13 tháng 7 năm 2010, thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng I-ta-li-a và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau.
Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Nguyễn Quốc Cường THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO | THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA I-TA-LI-A Franco farattini BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |