Dự thảo Thông tư về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư về Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lần 2
Lĩnh vực: Ngoại giao Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Ngoại giaoTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc bổ nhiệm, chấm dứt hoạt động, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ NGOẠI GIAO
-------

Số: .../2019/TT-BNG


DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-------------

Hà Nội, ngày tháng năm 2019

 

 

THÔNG TƯ

VỀ LÃNH SỰ DANH DỰ CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự;

Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư về Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Chương I

Những quy định chung

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc bổ nhiệm, chấm dứt hoạt động, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác lãnh sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là viên chức lãnh sự không chuyên nghiệp, bao gồm: Tổng Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh sự (dưới đây gọi chung là Lãnh sự danh dự).

Điều 3. Tiêu chí bổ nhiệm Lãnh sự danh dự

Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, trong trường hợp có yêu cầu về công tác lãnh sự nhưng chưa có điều kiện thành lập Cơ quan đại diện lãnh sự hoặc bổ nhiệm viên chức lãnh sự thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam nếu đáp ứng ít nhất hai trong số các tiêu chí cụ thể sau đây:

a. Khu vực lãnh sự ở xa Cơ quan đại diện;

b. Có đông người Việt Nam sinh sống, làm ăn cư trú trong khu vực lãnh sự;

c. Có tiềm năng hợp tác về kinh tế,thương mại, đầu tư;

d. Có tiềm năng hợp tác, tranh thủ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế;

đ. Có tiềm năng hợp tác du lịch, có thể tranh thủ quảng bá về du lịch, văn hóa, hình ảnh đất nước – con người Việt Nam;

Điều 4. Điều kiện bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, nhiệm kỳ Lãnh sự danh dự và xếp hạng Lãnh sự danh dự

1. Người được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng những điều kiện sau:

a. Là công dân Việt Nam, công dân nước tiếp nhận hoặc công dân nước thứ ba;

b. Thường trú tại nước tiếp nhận;

c. Có uy tín và địa vị xã hội, có khả năng tài chính;

d. Có lý lịch tư pháp rõ ràng;

đ. Có sức khỏe đủ để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Lãnh sự danh dự của mình

e. Có hiểu biết về Việt Nam và nước tiếp nhận;

g. Không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Việt Nam hoặc của bất cứ nước nào, không nhận lương từ ngân sách của Chính phủ Việt Nam hoặc bất cứ nước nào.

2. Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ ngoại giao bổ nhiệm với nhiệm kỳ 03 (ba) năm theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục lãnh sự.

Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự có thể được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tái bổ nhiệm (từ lần thứ hai trở đi) theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục lãnh sự.

3. Xếp hạng của Lãnh sự danh dự bao gồm: Tổng Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự. Việc xếp hạng căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

a. Nhu cầu thúc đẩy quan hệ đối ngoại, chính trị - xã hội với nước tiếp nhận

b. Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và nước tiếp nhận;

c. Diện tích của khu vực lãnh sự;

d. Tầm quan trọng của khu vực lãnh sự (dân số, quy mô kinh tế, tầm quan trọng chính trị  v.v.);

đ. Quy mô cộng đồng người Việt Nam cư trú tại khu vực lãnh sự;

e. Uy tín, khả năng tài chính của Lãnh sự danh dự;

g. Hiệu quả hoạt động của Lãnh sự danh dự (đối với các Lãnh sự danh dự được bổ nhiệm từ lần thứ hai trở đi)

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Lãnh sự danh dự

1. Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ bảo vệ tại nước tiếp nhận lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.    

2. Lãnh sự danh dự thúc đẩy và khuyến khích các quan hệ kinh tế - thương mại - văn hoá - du lịch v.v. giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

3. Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ báo cáo định kỳ sáu (06) tháng một lần (vào ngày 25/06 và ngày 25/12 hàng năm) về kết quả hoạt động của Lãnh sự danh dự trong kỳ báo cáo và phương hướng công tác trong thời gian tiếp theo. Các báo cáo này được gửi cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự cũng có trách nhiệm lập và gửi báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của mình cho các cơ quan nêu trên.

4. Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật và tập quán của Việt Nam cũng như của nước tiếp nhận; tự thu xếp trụ sở và phương tiện làm việc cần thiết khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 13; bảo mật hồ sơ lãnh sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 14.

Sau khi chấm dứt hoạt động, Lãnh sự danh dự có trách nhiệm bàn giao con dấu, dấu chức danh, dấu tên, Quốc kỳ, Quốc huy, biển hiệu và hồ sơ lãnh sự theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 11 và Khoản 2, Điều 14.

5. Lãnh sự danh dự có thể thuê nhân viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 13.

6. Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có quyền liên hệ công tác và sử dụng các phương tiện thông tin - liên lạc theo quy định tại Điều 15 và Điều 16.

7. Lãnh sự danh dự có thể thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại sinh lời.

Điều 6. Nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự

1. Lãnh sự danh dự thực hiện một số hoặc toàn bộ những chức năng lãnh sự quy định tại Chương III Thông tư này theo sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nếu điều đó không trái với pháp luật hoặc tập quán của nước tiếp nhận.

Trong trường hợp đặc biệt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể uỷ nhiệm cho Lãnh sự danh dự thực hiện những chức năng lãnh sự khác quy định tại Điều 8 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Lãnh sự danh dự không được uỷ quyền cho người khác thực hiện những chức năng lãnh sự quy định tại Khoản 1 Điều này trừ trường hợp được Bộ trưởng Bộ ngoại giao cho phép.

Điều 7. Quản lý và chỉ đạo Lãnh sự danh dự

1.  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thống nhất quản lý và chỉ đạo Lãnh sự danh dự.

2. Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm quản lý và chỉ đạo trực tiếp Lãnh sự danh dự.

3. Trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể uỷ nhiệm cho Cục trưởng Cục lãnh sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp hoạt động của Lãnh sự danh dự.

 

Chương II

Bổ nhiệm, hoạt động và chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự

 

Điều 8. Việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự

             1. Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm.

2. Xếp hạng của Lãnh sự danh dự, khu vực lãnh sự và nơi đặt trụ sở làm việc của Lãnh sự danh dự được xác định trên cơ sở thoả thuận với nước tiếp nhận.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc tái bổ nhiệm Lãnh sự danh dự (từ lần thứ hai trở đi) trên cơ sở nguyện vọng và kết quả hoạt động của Lãnh sự danh dự cũng như sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì Lãnh sự danh dự.

Điều 9. Quy trình bổ nhiệm Lãnh sự danh dự

1. Quy trình bổ nhiệm Lãnh sự danh dự lần đầu

a. Người có nguyện vọng làm Lãnh sự danh dự nộp hồ sơ ứng cử làm Lãnh sự danh dự quy định tại Điều 10 Thông tư này cho Cục Lãnh sự (gửi trực tiếp hoặc thông qua Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm).

b. Cục Lãnh sự có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn ứng cử viên Lãnh sự danh dự bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, Cục Lãnh sự đề nghị Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm cho ý kiến về sự cần thiết của việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, về cá nhân ứng cử viên Lãnh sự danh dự, kiến nghị về khu vực lãnh sự và xếp hạng của Lãnh sự danh dự.

Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm có trách nhiệm tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận về khả năng chấp thuận việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự và thông báo cho Cục Lãnh sự biết kết quả.  

c. Sau khi có ý kiến của Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm, Cục Lãnh sự trao đổi với các đơn vị liên quan trong Bộ và các cơ quan hữu quan, sau đó, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự.

d. Sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng ý về nguyên tắc việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự đề nghị Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm có công hàm gửi Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận chính thức đề nghị chấp thuận việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự.

đ. Sau khi Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận có văn bản trả lời chính thức chấp thuận việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Quyết định bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, Giấy ủy nhiệm lãnh sự danh dự.

e. Sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Quyết định bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự chủ trì dự thảo và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quy chế hoạt động của Lãnh sự danh dự (có tham khảo ý kiến các đơn vị liên quan trong Bộ và Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm).

g. Cục Lãnh sự có văn bản đề nghị Cục Quản trị tài vụ và Phòng Hành chính Bộ Ngoại giao cung cấp con dấu, dấu chức danh, dấu tên, Quốc kỳ và Quốc huy  và biển hiệu. Cục trưởng Cục Lãnh sự ký cấp thẻ Lãnh sự danh dự (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).

h. Sau khi hoàn tất các thủ tục nêu tại điểm a đến g Khoản này, Cục Lãnh sự thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm biết để thông báo cho Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận và cá nhân Lãnh sự danh dự.

Cục Lãnh sự (hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm) tổ chức trao Quyết định bổ nhiệm Lãnh sự danh dự, Giấy ủy nhiệm lãnh sự danh dự và các phương tiện hoạt động nêu tại điểm g Khoản này cho Lãnh sự danh dự.

2. Quy trình tái bổ nhiệm Lãnh sự danh dự (từ lần thứ hai trở đi)

a. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, trên cơ sở nguyện vọng và Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Lãnh sự danh dự, căn cứ vào nhu cầu thực tế, người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc Cục trưởng Cục Lãnh sự có thể kiến nghị đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định tái bổ nhiệm Lãnh sự danh dự (từ lần thứ hai trở đi).

b. Sau khi trao đổi với các đơn vị liên quan trong Bộ và Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm, Cục Lãnh sự trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc tái bổ nhiệm Lãnh sự danh dự (từ lần thứ hai trở đi), ký Quyết định bổ nhiệm Lãnh sự danh dự và Giấy ủy nhiệm lãnh sự danh dự (trong trường hợp Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận yêu cầu Lãnh sự danh dự được tái bổ nhiệm phải trình Giấy ủy nhiệm lãnh sự danh dự mới).

c. Hồ sơ bổ nhiệm Lãnh sự danh dự từ lần thứ hai trở đi gồm các giấy tờ nêu tại điểm a, đ, g, Khoản 1 Điều 10, 02 ảnh cỡ 2x3 cm để làm Thẻ Lãnh sự danh dự (ảnh mới chụp, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu) và Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Lãnh sự danh dự.

3. Các trường hợp Lãnh sự danh dự đã chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 11, nếu có nguyện vọng xin làm Lãnh sự danh dự thì phải nộp hồ sơ và làm thủ tục theo quy trình bổ nhiệm Lãnh sự danh dự lần đầu quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao không đồng ý việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự (bao gồm cả bổ nhiệm lần đầu và tái bổ nhiệm), Cục Lãnh sự thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm biết để thông báo cho ứng cử viên Lãnh sự danh dự (đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu) hoặc cho cá nhân Lãnh sự danh dự (đối với trường hợp tái bổ nhiệm).

Điều 10. Hồ sơ ứng cử làm Lãnh sự danh dự

1. Người có nguyện vọng làm Lãnh sự danh dự nộp hồ sơ ứng cử làm Lãnh sự danh dự gồm các giấy tờ sau đây:

a. Thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ứng cử làm Lãnh sự danh dự, trong đó cam kết nếu được bổ nhiệm sẽ tự đảm bảo mọi chi phí cho hoạt động của Lãnh sự danh dự, không nhận thù lao, lương từ Chính phủ Việt Nam, tôn trọng pháp luật và tập quán của Việt Nam cũng như của nước tiếp nhận. Trong thư nêu rõ nơi dự kiến đặt trụ sở làm việc của Lãnh sự danh dự và khu vực lãnh sự.

b. Sơ yếu lý lịch

c. 01 ảnh cỡ 4x6 cm dán vào Sơ yếu lý lịch và 02 ảnh cỡ 2x3 cm để làm Thẻ Lãnh sự danh dự (ảnh mới chụp, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu).

d. Thư giới thiệu của cơ quan, tổ chức xã hội hoặc cá nhân có uy tín cao của nước tiếp nhận;

đ. Lý lịch tư pháp;

e. Chương trình, kế hoạch hành động dự kiến;

g. Bản sao có chứng thực hộ chiếu. Trong trường hợp là công dân Việt Nam hoặc công dân nước thứ ba thì cần nộp bản sao có chứng thực Thẻ thường trú tại nước tiếp nhận.

2. Các giấy tờ tiếng nước ngoài trong hồ sơ phải được dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt và chứng thực chữ ký người dịch theo quy định. Lý lịch tư pháp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi dịch và chứng thực chữ ký người dịch trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

 Điều 11. Việc chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự

1. Lãnh sự danh dự chấm dứt hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hoặc khi nước tiếp nhận chấm dứt chấp thuận việc bổ nhiệm Lãnh sự danh dự.

2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự khi xảy ra một trong những trường hợp dưới đây:

a. Khi Lãnh sự danh dự không thực hiện đúng hoặc không hoàn thành tốt chức năng được uỷ nhiệm;

b. Khi không còn nhu cầu bổ nhiệm Lãnh sự danh dự;

c. Khi Lãnh sự danh dự bị nước tiếp nhận tuyên bố là người không được hoan nghênh;

d. Khi Lãnh sự danh dự không còn đáp ứng những điều kiện qui định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

3. Ngoài những qui định tại Khoản 2 Điều này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự bất cứ lúc nào mà không cần giải thích lý do.

4. Quy trình chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự

a. Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc Cục trưởng Cục lãnh sự có thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự.

Khi có yêu cầu chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (có tham khảo ý kiến của Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm và các đơn vị liên quan trong Bộ) về việc xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự.

b. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng ý chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký Quyết định chấm dứt hoạt động của Lãnh sự danh dự, Cục Lãnh sự thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm biết để thông báo cho Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận và cá nhân Lãnh sự danh dự.

Lãnh sự danh dự có trách nhiệm bàn giao con dấu, dấu chức danh, dấu tên, Quốc kỳ, Quốc huy, biển hiệu và hồ sơ lãnh sự cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm để lưu trữ, bảo quản hoặc cho một người được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao uỷ nhiệm.

c. Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm thông báo cho Cục Lãnh sự sau khi hoàn tất việc tiếp nhận các phương tiện hoạt động và hồ sơ lãnh sự của Lãnh sự danh dự nêu tại Khoản b Điều này.

Tùy vào tình hình thực tế, Cục Lãnh sự hướng dẫn Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm về việc bàn giao các phương tiện hoạt động cho Lãnh sự danh dự mới hoặc gửi về Bộ Ngoại giao để tiêu hủy trong trường hợp không có ứng cử viên Lãnh sự danh dự thay thế.

Điều 12. Quốc kỳ, Quốc huy, con dấu, dấu chức danh, dấu tên, biển hiệu và Thẻ Lãnh sự danh dự

1. Quốc kỳ, Quốc huy Việt Nam được treo ở vị trí trang trọng tại địa điểm dùng làm trụ sở làm việc của Lãnh sự danh dự; biển hiệu đề tên trụ sở làm việc của Lãnh sự danh dự bằng tiếng Việt và tiếng Anh (hoặc tiếng nước tiếp nhận) được gắn ở cổng (cửa) ra vào của trụ sở.

Quốc kỳ Việt Nam được treo trên nhà ở và trên phương tiện giao thông của Lãnh sự danh dự khi phương tiện đó được sử dụng vào những công việc chính thức của Lãnh sự danh dự.

2. Nội dung và trình bày biển hiệu

a. Nội dung biển hiệu

Biển hiệu có hình quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và xếp hạng của Lãnh sự danh dự, cụ thể:

- Tổng Lãnh sự danh dự được cấp biển hiệu đề “Tổng Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

- Lãnh sự danh dự được cấp biển hiệu đề “Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

b. Trình bày biển hiệu

- Biển hiệu hình chữ nhật, tỉ lệ chiều rộng bằng 2/3 chiều dài và được treo ngang. Kích thước biển hiệu được thiết kế hài hòa với kích thước cổng (cửa) ra vào nơi đặt biển hiệu.

- Biển hiệu làm bằng đồng màu vàng, chữ khắc chìm màu đỏ. Xung quanh biển hiệu có đường viền mạch màu đỏ, cách mép khoảng 01 cm.

- Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khắc chìm. Quốc huy trên biển hiệu màu vàng, đỏ chuẩn theo quy định đối với quốc huy trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Vị trí trình bày các nội dung của biển hiệu theo thứ tự từ trên xuống dưới:

 Quốc huy được đặt trên cùng, chính giữa theo chiều ngang của biển hiệu. Đường kính hình quốc huy tối thiểu bằng 03 lần chiều cao chữ xếp hạng của Lãnh sự danh dự bằng tiếng Việt.

Dưới hình quốc huy, xếp hạng của Lãnh sự danh dự, quốc hiệu lần lượt được viết từ trên xuống dưới, cân ở giữa biển hiệu.

- Biển hiệu viết bằng hai thứ tiếng, tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng nước tiếp nhận theo thứ tự: Tiếng Việt viết trước và tiếng nước ngoài viết sau. Tiếng Việt và tiếng nước ngoài viết bằng chữ in hoa, khổ chữ bằng nhau, nếu là hệ chữ La - tinh thì cùng kiểu chữ.

- Ví dụ về nội dung và trình bày biển hiệu:

Biển hiệu của Tổng Lãnh sự danh dự bằng tiếng Việt và tiếng Anh:

Dự thảo Thông tư về Lãnh sự danh dự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lần 2

3. Lãnh sự danh dự được cấp con dấu có hình quốc huy với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng nước tiếp nhận. Nội dung con dấu bao gồm: Xếp hạng của Lãnh sự danh dự, quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và địa danh đặt trụ sở Lãnh sự danh dự.

Ví dụ:

“Tổng Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Bu-san, Hàn Quốc”

“Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cô-lôm-bi-a”

Lãnh sự danh dự có quyền sử dụng con dấu vào những công việc chính thức của mình và có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn, bàn giao con dấu cho người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho một người được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao uỷ nhiệm nhận con dấu đó sau khi chấm dứt hoạt động.

4. Lãnh sự danh dự được cấp dấu chức danh (01 dấu bằng tiếng Việt, 01 dấu bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước tiếp nhận) phù hợp với xếp hạng của Lãnh sự danh dự, dấu tên để phục vụ các công việc chính thức của Lãnh sự danh dự.

5. Lãnh sự danh dự được cấp Thẻ Lãnh sự danh dự theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:

a. Tổng Lãnh sự danh dự được cấp “Thẻ Tổng Lãnh sự danh dự” (mẫu số 01/BM-LSDD).

b. Lãnh sự danh dự được cấp “Thẻ Lãnh sự danh dự” (mẫu số 02/BM-LSDD).

Điều 13. Duy trì hoạt động của Lãnh sự danh dự

1. Lãnh sự danh dự có thể thuê nhân viên để phục vụ hoạt động của mình. Lãnh sự danh dự tự chịu trách nhiệm về việc thuê nhân viên và chi trả mọi chi phí liên quan đến việc thuê nhân viên.

2. Trụ sở, phương tiện làm việc

Lãnh sự danh dự tự thu xếp để có trụ sở và các phương tiện làm việc cần thiết khác và chịu mọi chi phí có liên quan.

Điều 14. Hồ sơ lãnh sự

1. Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ bảo mật hồ sơ lãnh sự và không được để lẫn hồ sơ lãnh sự với các giấy tờ, tài liệu riêng của mình, đặc biệt là các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp hoặc thương mại.

2. Lãnh sự danh dự bàn giao hồ sơ lãnh sự cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm sau khi chấm dứt hoạt động. Trong trường hợp không có những cơ quan nói trên thì Lãnh sự danh dự bàn giao hồ sơ lãnh sự cho một người được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao uỷ nhiệm.

Điều 15. Liên hệ công tác

1. Khi thực hiện chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có quyền liên hệ trực tiếp với nhà chức trách địa phương ở khu vực lãnh sự.

Khi cần liên hệ với nhà chức trách trung ương của nước tiếp nhận, Lãnh sự danh dự phải thông qua Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm; Lãnh sự danh dự có thể liên hệ trực tiếp nếu pháp luật hoặc tập quán của nước tiếp nhận cho phép hoặc nếu giữa Việt Nam và nước tiếp nhận có thoả thuận về vấn đề này.

2. Lãnh sự danh dự phải thông qua Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm để liên hệ với các cá nhân hoặc tổ chức ở trung ương và địa phương của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến hoạt động lãnh sự; Lãnh sự danh dự cũng có thể thông qua Cục Lãnh sự để liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Điều 16. Phương tiện thông tin - liên lạc

 1. Lãnh sự danh dự có thể sử dụng điện thoại, FAX, thư công tác, thư điện tử để thông tin - liên lạc với Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện của Việt Nam vì mục đích chính thức, phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận.

 2. Trong trường hợp đặc biệt được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho phép và nếu những nước có liên quan không phản đối, Lãnh sự danh dự có thể sử dụng giao thông viên lãnh sự, túi lãnh sự để thông tin - liên lạc với các cơ quan nêu tại Khoản 1 Điều này.

 

Chương III

Chức năng của Lãnh sự danh dự

 

Điều 17. Chức năng bảo hộ lãnh sự

1. Lãnh sự danh dự áp dụng mọi biện pháp thích hợp để bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam trong khu vực lãnh sự phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.          

2. Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ thông báo về mọi thông tin có được trong trường hợp công dân Việt Nam bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù trong khu vực lãnh sự cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục Lãnh sự và thực hiện những chỉ thị có liên quan của các cơ quan này.

Điều 18. Chức năng cung cấp thông tin

1. Lãnh sự danh dự báo cáo về tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học kỹ thuật, du lịch v.v. trong khu vực lãnh sự cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Bộ Ngoại giao theo yêu cầu của những cơ quan này.

2. Lãnh sự danh dự cung cấp cho công dân và pháp nhân Việt Nam trong khu vực lãnh sự những thông tin về pháp luật và tập quán của nước tiếp nhận, đặc biệt là pháp luật liên quan đến việc xuất nhập cảnh, cư trú, lao động của người nước ngoài và hoạt động của pháp nhân nước ngoài tại nước tiếp nhận.

Điều 19. Chức năng hỗ trợ và giúp đỡ công dân

1. Lãnh sự danh dự hỗ trợ và giúp đỡ các hoạt động văn hoá, xã hội của công dân Việt Nam trong khu vực lãnh sự.

2. Lãnh sự danh dự vận động giúp đỡ vật chất cho công dân Việt Nam trong khu vực lãnh sự khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn.

3. Lãnh sự danh dự tiếp nhận và chuyển các giấy tờ về hộ tịch của công dân Việt Nam thường trú trong khu vực lãnh sự hoặc đề nghị liên quan đến quốc tịch Việt Nam cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục lãnh sự.

Điều 20. Chức năng về thừa kế

1. Nếu trong khu vực lãnh sự có thừa kế được mở có lợi cho công dân Việt Nam mà những người này không có mặt ở nước tiếp nhận hoặc không uỷ nhiệm người khác đại diện quyền lợi của mình thì Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ áp dụng ngay những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người này đồng thời thông báo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục lãnh sự.

2. Trường hợp trong khu vực lãnh sự có thừa kế được mở có lợi cho Nhà nước hoặc pháp nhân Việt Nam, Lãnh sự danh dự cũng có nghĩa vụ thông báo như quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 21. Chức năng liên quan đến tàu biển, tàu bay và các phương tiện giao thông vận tải khác

1. Lãnh sự danh dự dành mọi sự giúp đỡ và can thiệp trong trường hợp cần thiết để tàu biển, tàu bay và các phương tiện giao thông vận tải khác của Việt Nam trong khu vực lãnh sự được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích tại nước tiếp nhận theo quy định của pháp luật của nước tiếp nhận, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Trường hợp các phương tiện nêu tại Khoản 1 điều này bị tai nạn, sự cố hoặc bị cướp đoạt trong hoặc gần khu vực lãnh sự, Lãnh sự danh dự thi hành ngay mọi biện pháp giải quyết hậu quả và giúp đỡ người và phương tiện bị nạn, đồng thời thông báo ngay cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục lãnh sự.

Điều 22. Chức năng đối với việc phòng dịch và bảo vệ thực vật, động vật

Lãnh sự danh dự thông báo ngay cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục lãnh sự về dịch bệnh xuất hiện trong khu vực lãnh sự có hại cho sức khoẻ con người, cây trồng và vật nuôi.

 

Chương IV

Những điều khoản cuối cùng

 

Điều 23. Khen thưởng

Lãnh sự danh dự có nhiều công lao trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và vào việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với nước tiếp nhận được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị Nhà nước Việt Nam khen thưởng.

Điều 24. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quy chế Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 06/NG-QĐ ngày 08/01/1994 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu:

- Thẻ Tổng Lãnh sự danh dự (mẫu số 01/BM-LSDD)

- Thẻ Lãnh sự danh dự (mẫu số 02/BM-LSDD)

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Cơ quan đại diện và các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn./.

 

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;

- Văn phòng TƯ Đảng và các Ban của Đảng;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao;

- Công báo;

- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Website Bộ Ngoại giao;

- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Lưu HC, LS.

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

PHẠM BÌNH MINH

 

 
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi