Báo cáo 217/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 217/BC-UBTVQH12

Báo cáo 217/BC-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
Cơ quan ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hộiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:217/BC-UBTVQH12Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Tòng Thị Phóng
Ngày ban hành:25/05/2009Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Ngoại giao
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

------------------------

Số: 217/BC-UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2009

 

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT CƠ QUAN ĐẠI DIỆN

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

-----------------------

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

 

 

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11 năm 2008), Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Luật cơ quan đại diện). Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Cơ quan đại diện và góp nhiều ý kiến vào các điều của dự án Luật.

Sau kỳ họp, để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại tiến hành xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, tổ chức một số cuộc làm việc với các Bộ, ngành hữu quan.

Tại các phiên họp thứ 16 và 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật này.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các ý kiến đóng góp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo dự án nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. UBTVQH xin báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cơ quan đại diện như sau:

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về tên gọi của dự thảo Luật

Đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí với tên gọi của dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, nhằm mục đích điều chỉnh hoạt động của cơ quan đại diện ngoại của Việt Nam ở nước ngoài và để nhất quán với cách sử dụng cụm từ “ở ” trong các văn bản đã ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị được giữ nguyên tên gọi của Luật là “Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài”.

2. Về bố cục của dự thảo Luật

Đa số các ý kiến nhất trí với việc bố cục lại dự thảo. Đồng thời, nhiều ý kiến góp ý về cách sắp xếp các điều, khoản cho hợp lý hơn để thể hiện rõ các nội dung trong dự án Luật và bảo đảm tính lo-gic, mối liên hệ giữa các điều. Cụ thể là:

a) Về nội dung quản lý nhà nước tại Điều 5 của dự thảo trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có ý kiến cho rằng Điều này không thực sự cần thiết, vì hiện nay đa số các luật không quy định chi tiết về nội dung quản lý nhà nước và phạm vi quy định như tại Điều 5 chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, tại các điều 30 và 32 đã quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi nghiên cứu, UBTVQH nhận thấy ý kiến này là xác đáng và nhất trí với ý kiến của cơ quan thẩm tra là không cần thiết có Điều 5 dự thảo Luật mà lồng ghép nội dung quản lý nhà nước quy định tại Điều này vào các điều 3, 4, 30 và 32.

b) Đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với cách thể hiện lại các điều quy định về tổ chức bộ máy và biên chế của Cơ quan đại diện (Điều 15, Điều 16 cũ). Cụ  thể, ghép hai nội dung này lại thành một điều, vì bảo đảm sự chặt chẽ về hình thức thể hiện và gắn kết vấn đề tổ chức bộ máy của Cơ quan đại diện với vấn đề biên chế. UBTVQH xin tiếp thu ý kiến này, chỉnh lý dự thảo Luật theo cách kết hợp Điều 15 và Điều 16 cũ thành Điều 14 mới.

c) Về ý kiến cho rằng nên tách nội dung của “Điều 7 (cũ): Góp phần phát triển kinh tế đất nước” thành hai điều, UBTVQH xin được giải trình như sau: trong quá trình soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo đã cố gắng thể hiện các nhiệm vụ của Cơ quan đại diện theo hướng có các điều khoản tương ứng quy định cụ thể về nhiệm vụ của Cơ quan đại diện. Trường hợp tách nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế thành hai điều thì có thể dẫn đến sự mất cân đối giữa các điều trong bố cục của Chương II (nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đại diện). Đa số ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với cách giải trình này. Vì vậy, xin được giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật.

d) Về các quy định về điều kiện bảo đảm hoạt động của Cơ quan đại diện (Chương V cũ).

- Nhiều ý kiến cho rằng Điều 30 quy định về quyền ưu đãi, miễn trừ của cơ quan đại diện là những quyền đã được ghi nhận trong các công ước quốc tế về ngoại giao – lãnh sự, nên không phải quy định trong dự thảo Luật này. UBTVQH xin tiếp thu ý kiến này theo hướng chuyển nội dung của Điều 30 về quyền ưu đãi, miễn trừ của Cơ quan đại diện thành đoạn bổ sung vào Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật mới.

- Liên quan đến vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất hoạt động của cơ quan đại diện (Điều 31 dự thảo cũ), nhiều ý kiến cho rằng cần quy định những vấn đề này gắn với quy định về tổ chức và biên chế của Cơ quan đại diện. Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH nhất trí với phương án chuyển nội dung của Điều này vào Điều 15 và bổ sung thêm một điều là Điều 16 mới trong Chương III (mới) quy định về Tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí và trụ sở của Cơ quan đại diện.

- Đồng thời, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc chuyển Điều 32 của Chương V dự thảo cũ về chế độ thành viên Cơ quan đại diện lên thành Điều 26 mới trong Chương IV quy định về các vấn đề liên quan đến thành viên Cơ quan đại diện để lo-gic hơn.

Như vậy, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này chỉ còn 6 Chương với 36 Điều. Qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số các ý kiến đồng ý với cách bố cục mới này của dự thảo Luật.

3. Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1)

a) Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng nên bỏ cụm từ "thành lập” trong nội dung của Điều này vì trong hệ thống pháp luật hiện hành thì hầu hết các luật (trừ Luật doanh nghiệp) về vấn đề tổ chức của cơ quan, đơn vị không có quy định về việc thành lập và đây cũng là một trong những hoạt động của công tác tổ chức. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan quy định lại nội dung Điều 1 như sau:

"Điều 1.Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây được gọi là Cơ quan đại diện) và về quản lý nhà nước đối với Cơ quan đại diện”.

b) Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng như: đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí, tổ chức kinh tế, văn phòng đại diện của các thành phố lớn ở nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Về vấn đề này, UBTVQH xin báo cáo Quốc hội như sau:

Theo Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước Viên 1975 về đại diện của quốc gia tại các tổ chức quốc tế có tính phổ cập, đại diện chính thức của Nhà nước đương nhiên được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, trong khi các đại diện khác không thể có được. Đây chính là sự khác biệt đặc thù của đại diện chính thức của Nhà nước so với đại diện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác ở nước ngoài. Về nội luật, căn cứ theo Pháp lệnh Lãnh sự và Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì các đối tượng là cơ quan đại diện của tổ chức, doanh nghiệp, văn phòng đại diện của các thành phố lớn ở nước ngoài cũng không không thuộc đối tượng điều chỉnh của hai Pháp lệnh này.

Hơn nữa, tại Điều 10 về “Thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại” và Điều 33 về “Phối hợp công tác giữa cơ quan, tổ chức Việt Nam và Cơ quan đại diện” cũng có những quy định đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất về đối ngoại đối với các cơ quan không phải là đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam như: thông tấn báo chí, đại diện tổ chức kinh tế.

Do đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên quy định như tại Điều 1 dự thảo Luật về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật.

4. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)

a) Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc cần quy định rõ hơn một số khái niệm được sử dụng trong dự thảo Luật, UBTVQH xin chỉnh lý lại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 2 như sau:

“Điều 2.Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cơ quan đại diện” là Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự, Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế và được hưởng đầy đủ quyền ưu đãi, miễn trừ tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận phù hợp với luật pháp quốc tế.

a) “Cơ quan đại diện ngoại giao” là Đại sứ quán.

b) “Cơ quan đại diện lãnh sự” là Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

c) “Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế” là Phái đoàn thường trực, Phái đoàn, Phái đoàn quan sát viên thường trực và cơ quan có tên gọi khác thực hiện chức năng đại diện của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên chính phủ.”

b) Về một số ý kiến cho rằng trong cách thể hiện tại khoản 4 của Điều này cần thống nhất với khoản 10 Điều 103 của Hiến pháp năm 1992 quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước về việc “cử, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam”. Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH xin chỉnh lý lại khoản 4 như sau: “Người đứng đầu Cơ quan đại diện” là người được Chủ tịch nước cử hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm…”. Việc chỉnh lý này cũng được thực hiện tại các điều, khoản khác có quy định tương tự như Khoản 5 Điều 2, Điều 20, Điều 32.

c) Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung khái niệm về “Đại biện” và “thành viên gia đình”. Về vấn đề này, UBTVQH xin được giải trình như sau:

- “Đại biện” là một khái niệm đặc thù của ngành ngoại giao. Do đó, để có cách hiểu thống nhất về khái niệm này, tại Khoản 7 Điều 2 của dự thảo Luật đã bổ sung như sau: “Đại biện” là người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

- Về khái niệm “Thành viên gia đình”: nội hàm của khái niệm “thành viên gia đình” tuỳ thuộc vào quy định của cả nước cử và nước tiếp nhận.. Do tính chất linh hoạt, mềm dẻo của khái niệm này nên trong các Công ước Viên về ngoại giao và lãnh sự không có giải thích “thành viên gia đình”.

- Trường hợp sử dụng khái niệm “thành viên gia đình” như Luật Hôn nhân gia đình thì lại quá rộng, mở rộng thêm đối tượng được hưởng chế độ dành cho thành viên gia đình. Do đó, dự thảo chỉ quy định quyền của vợ, chồng của thành viên Cơ quan đại diện là những đối tượng được hưởng quyền (Điều 26 dự thảo Luật mới). Với những phân tích trên, UBTVQH xin đề nghị Quốc hội không đưa giải thích khái niệm “thành viên gia đình” vào Điều 2 của dự thảo Luật.

5. Về chức năng của Cơ quan đại diện (Điều 3)

a) Có ý kiến cho rằng, tại khoản 1 Điều này chỉ có Điểm a thuộc về chức năng, còn lại các điểm b, c và d là nhiệm vụ của Cơ quan đại diện và dự thảo phải quy định rõ chức năng của từng loại cơ quan đại diện. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH xin chỉnh lý như sau:

Điều 3.Chức năng của Cơ quan đại diện

1. Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

2. Cơ quan đại diện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quy định của Điều 12 Luật này.”

b) Có ý kiến đề nghị cần bổ sung và làm rõ thêm chức năng, thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận của Cơ quan đại diện đối với đại diện các cơ quan, bộ, ngành khác ở nước ngoài. Vấn đề này, UBTVQH xin được giải trình như sau:

Trong dự thảo Luật đã quy định khá đầy đủ nội dung thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của Cơ quan đại diện đối với đại diện của cơ quan, tổ chức Việt Nam và các đoàn đi công tác  tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận. Cụ thể, tại Điều 11 và Điều 36 (Khoản 1 Điểm d) dự thảo cũ, đã quy định về việc phối hợp giữa các Cơ quan đại diện với các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc chỉ đạo hoạt động đối ngoại của các đại diện nêu trên. Vì vậy, UBTVQH cho rằng các quy định như vậy đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại ở Cơ quan đại diện. Do đó, xin được giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật.

c) Có ý kiến đề nghị cần khẳng định và thể hiện rõ về chức năng phục vụ phát triển kinh tế của cơ quan đại diện tại Điều này. UBTVQH nhận thấy, việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của Cơ quan đại diện được quy định tại Nghị định số 08/2003 ngày 10/02/2003 và được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cơ quan đại diện, bên cạnh các nhiệm vụ khác về chính trị, an ninh quốc phòng, nhiệm vụ văn hóa, giáo dục khoa học và công nghệ… Vì vậy, cần xác định đây là một nhiệm vụ chứ không phải là chức năng của Cơ quan đại diện. Do đó, xin được giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật.

6. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cơ quan đại diện (Điều 4)

a)  Có ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc “tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng” vì có thể gây ra những vướng mắc nhất định trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như quốc phòng, an ninh… Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau:

Về pháp lý, Cơ quan đại diện là cơ quan do Chính phủ thành lập. Đo đó, việc quy định Cơ quan đại diện được “tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng” là phù hợp với nguyên tắc quản lý và điều hành cơ quan nhà nước; đồng thời điều này cũng đảm bảo tăng cường vai trò quyết định của người đứng đầu Cơ quan đại diện; bảo đảm xử lý các tình huống đối ngoại quan trọng, khẩn cấp, đáp ứng các yêu cầu của công tác ngoại giao tại các nước và các tổ chức quốc tế. Những hoạt động chuyên môn đặc thù của bộ phận quốc phòng và an ninh đã được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, xin đề nghị được giữ nguyên tắc “tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng” tại Điều 4 dự thảo Luật.

b) Về ý kiến bổ sung nguyên tắc “bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất trong hoạt động của các Cơ quan đại diện cùng hoạt động trong một quốc gia tiếp nhận”: Đây là nội dung cũng đã được cân nhắc trong quá trình soạn thảo Luật nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật quốc gia, đồng thời đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế và pháp luật của nước tiếp nhận. Hơn nữa, Điều 13 dự thảo Luật cũng đã quy định rõ vai trò quyết định của Đại sứ quán trong trường hợp tại một quốc gia đồng thời có Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế tại cùng một địa bàn mà có nhiều Cơ quan đại diện khác nhau thì Đại sứ quán là Cơ quan đại diện cao nhất. Vì vậy, xin được giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1. Về tên của Điều 13 (cũ)

Có ý kiến cho rằng tên của Điều 13 cũ  chưa phù hợp với nội dung của Điều này. UBTVQH xin tiếp thu và chỉnh sửa tên gọi của Điều này như sau:

"Điều 12.Phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Cơ quan đại diện"

2. Về vấn đề liên quan đến tổ chức và biên chế của Cơ quan đại diện

UBTVQH nhận thấy, cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện tại từng địa bàn cũng đã được tính toán, sắp xếp căn cứ vào tình hình, đặc điểm cụ thể của mỗi nơi. Trong dự án Luật cơ quan đại diện trình Quốc hội cho ý kiến cũng đã có Điều 11 về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại và Điều 22 về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan đại diện. Do đó, về mặt tổ chức, dự án luật cần có những quy định nhằm tăng cường tính tập trung thống nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp của Cơ quan đại diện; đồng thời, kế thừa, phát huy những ưu điểm, tính hợp lý của cơ cấu tổ chức hiện nay đang được áp dụng.

Về vấn đề biên chế của Cơ quan đại diện, có ý kiến cho rằng, tuy Cơ quan đại diện thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao, nhưng trong Cơ quan đại diện không chỉ có cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao mà căn cứ yêu cầu công tác còn có sự tham gia của cán bộ, công chức một số Bộ, ngành khác. Do đó, vấn đề biên chế cũng cần có sự thống nhất với các Bộ, ngành này. Ý kiến của một số Bộ, ngành đề nghịcần có sự thống nhất giữa Bộ ngoại giao với cáccơ quan hữu quan và Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế của Cơ quan đại diện. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ ngoại giao trình Chính phủ quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng Cơ quan đại diện mà không nêu cụ thể các lĩnh vực hoạt động của cơ quan đại diện. Vấn đề cơ cấu tổ chức cụ thể của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật của Chính phủ

Qua tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội và đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp lần thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung nêu trên, UBTVQH xin tiếp thu và chỉnh lý Điều 14 như sau:

Điều 14.Tổ chức bộ máy và biên chế

1. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan và Bộ Nội vụ xây dựng đề án về tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế của Cơ quan đại diện.  Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.

2. Biên chế của Cơ quan đại diện bao gồm cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao và căn cứ vào yêu cầu công tác, có cán bộ, công chức, viên chức của một số cơ quan hữu quan làm việc theo chế độ biệt phái phù hợp với quy định của pháp luật (sau đây được gọi là cán bộ biệt phái).

3. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được Thủ tướng Chính phủ duyệt, căn cứ yêu cầu hoạt động và quan hệ đối ngoại, sau khi trao đổi thống nhất với các cơ quan hữu quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định cụ thể về cơ cấu tổ chức và nhân sự của từng Cơ quan đại diện để phụ trách các lĩnh vực sau đây:

a) Chính trị;

b) Quốc phòng – an ninh;

c) Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học – công nghệ;

d) Văn hóa, thông tin, báo chí và giáo dục - đào tạo;

đ) Lãnh sự và công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;

e) Hành chính, lễ tân, quản trị.

3. Về kinh phí

Qua tổng hợp, UBTVQH nhận thấy, kinh phí dành cho Cơ quan đại diện được cấp từ ngân sách nhà nước, quy định trong dự thảo Luật cần khắc phục được những hạn chế trong việc cấp và sử dụng kinh phí cho Cơ quan đại diện thời gian qua, cũng như đảm bảo nguyên tắc thống nhất, tập trung, tiết kiệm, đáp ứng được thực tiễn hoạt động, đặc biệt trong chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản của Cơ quan đại diện. Riêng đối với kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù, do chưa được văn bản nào quy định nên cần phải có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ. Một số Bộ, ngành đề nghị kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí chuyên môn đặc thù cấp cho cơ quan chủ quản phụ trách các hoạt động đó. Đồng thời, chuyển quy định “Chính phủ hướng dẫn thi hành quy định tại điểm này” tại điểm c khoản 1 thành một khoản riêng và sửa lại thành “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này”.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu, trong dự thảo trình ra Quốc hội lần này, tại Điều 15, xin được chỉnh sửa như sau:

Điều 15.Kinh phí

1. Kinh phí của Cơ quan đại diện được cấp từ ngân sách nhà nước và được phân bổ như sau:

a) Kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho Cơ quan đại diện;

b) Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho Cơ quan đại diện, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng – an ninh;

c) Kinh phí dành cho các hoạt động chuyên môn đặc thù được cấp cho cơ quan chủ quản phụ trách các hoạt động đó để phân bổ thực hiện. Chính phủ hướng dẫn thi hành quy định tại Điểm này.

2. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của Cơ quan đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Về trụ sở, quốc kỳ, quốc huy, biển tên Cơ quan đại diện (Điều 16)

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII có ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một điều quy định về trụ sở, quốc kỳ, quốc huy, biển tên Cơ quan đại diên. UBTVQH xin giải trình như sau:

a) Sau khi nghiên cứu, UBTVQH nhận thấy ý kiến của Đại biểu Quốc hội là xác đáng và xin chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng bổ sung một điều mới (Điều 16) có một phần nội dung của Điều 31 cũ, cụ thể:

Điều 16.Trụ sở, cơ sở vật chất

1. Cơ quan đại diện có trụ sở tại quốc gia tiếp nhận hoặc tại quốc gia nơi đặt trụ sở của tổ chức quốc tế tiếp nhận. Trụ sở Cơ quan đại diện phải treo quốc kỳ, quốc huy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có biển đề tên Cơ quan đại diện.

2. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí cần thiết để Cơ quan đại diện và thành viên Cơ quan đại diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Cơ quan đại diện được trang bị và sử dụng hệ thống thông tin liên lạc riêng để duy trì liên lạc thường xuyên và bảo mật giữa Cơ quan đại diện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam.”

b) Trong quá trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng không cần nêu cụm từ “bảo mật” ở khoản 2 của Điều này, vì đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau: hiện nay trong hoạt động của Cơ quan đại diện, theo thông lệ, quốc gia tiếp nhận luôn cho phép Cơ quan đại diện được hưởng đăc quyền liên lạc trên một hoặc một số giải tần “sạch” và thông tin được phép mã hóa theo quy định riêng để đảm bảo yếu tố bí mật trong trao đổi thông tin liên lạc giữa quốc gia và cơ quan đại diện của quốc gia đó. Hơn nữa, việc đưa cụm từ “bảo mật” vào dự thảo Luật cũng sẽ là căn cứ để triển khai các hoạt động thông tin liên lạc của ngành ngoại giao. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép giữ nguyên như dự thảo luật.

5. Về trách nhiệm của thành viên cơ quan đại diện (Điều 24)

a) Có một số ý kiến cho rằng cần bổ sung vào Điều này quy định về trách nhiệm của cán bộ biệt phái đối với cơ quan chủ quản. Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau:

Trách nhiệm của cán bộ biệt phái đối với cơ quan chủ quản thực tế đã được quy định trong Luật cán bộ, công chức, cũng như trong quy định của cơ quan chủ quản. Theo đó, cán bộ biệt phái, bên cạnh việc chấp hành sự chỉ đạo và điều hành của Người đứng đầu Cơ quan đại diện và có trách nhiệm báo cáo Người đứng đầu Cơ quan đại diện, còn có nghĩa vụ báo cáo cơ quan chủ quản trong thời gian công tác tại Cơ quan đại diện.

b) Về cụm từ “tham gia các tổ chức chính trị” tại Khoản 5 Điều này, có ý kiến đề nghị sửa thành “tham gia các tổ chức chính trị phản động hoặc của nước ngoài” hoặc “tham gia các tổ chức chính trị không thuộc hệ thống của Việt Nam”. Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau:

Về đối ngoại, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm nếu bổ sung cụm từ “phản động hoặc của nước ngoài”. Hơn nữa, thành viên Cơ quan đại diện đều là Đảng viên hoặc Đoàn viên nên có trách nhiệm phải tuân thủ các Điều lệ Đảng và Điều lệ Đoàn. Theo đó, họ không được tham gia các tổ chức chính trị phản động hoặc của nước ngoài trong thời gian công tác tại Cơ quan đại diện. Do đó, UBTVQH xin bỏ cụm từ “tham gia các tổ chức chính trị” và viết lại Khoản 5 Điều 24 như sau:

5. Không được lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ vì lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của Nhà nước Việt Nam và Cơ quan đại diện. Trong thời gian công tác tại Cơ quan đại diện, không được tiến hành các hoạt động nghề nghiệp nhằm mục đích thu lợi riêng.”

6. Về nhiệm kỳ công tác của thành viên Cơ quan đại diện (Điều 27)

Có ý kiến cho rằng, để tránh lãng phí và phát huy hiệu quả hoạt động của thành viên Cơ quan đại diện, nên kéo dài hơn nữa nhiệm kỳ của thành viên Cơ quan đại diện, ví dụ có thể kéo dài nhiệm kỳ lên thành 5 năm. UBTVQH cho rằng nhiệm kỳ công tác của thành viên Cơ quan đại diện đã được thực hiện trong nhiều năm nay và không gặp trở ngại gì lớn, bên cạnh đó tại Điều này cũng có quy định về việc kéo dài nhiệm kỳ công tác cho những trường hợp cần thiết theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Do đó, xin được giữ nguyên quy định như trong dự thảo Luật.

7. Về các nội dung liên quan đến cán bộ biệt phái

a) Có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về nội dung quan hệ giữa Người đứng đầu Cơ quan đại diện với lãnh đạo các bộ, ngành, chủ quản có cán bộ biệt phái làm việc ở cơ quan đại diện. Về vấn đề này, UBTVQH xin giải trình như sau: tại Khoản 2 Điều 22 dự thảo Luật trình ra Quốc hội (Điều 21 của dự thảo mới) đã quy định rõ việc phối hợp giữa Người đứng đầu Cơ quan đại diện với các bộ, ngành có cán bộ biệt phái: "Phối hợp với cơ quan chủ quản chỉ đạo công tác đối với cán bộ biệt phái" theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép được giữ nguyên nội dung này như dự thảo Luật.

b) Về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với việc bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ, triệu hồi, cho thôi chức vụ và gọi về nước đối với cán bộ biệt phái, nhiều ý kiến cho rằng trước khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định những vấn đề này cần có sự thống nhất với thủ trưởng của cơ quan có cán bộ biệt phái. Qua quá trình thảo luận, lấy ý kiến và đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, UBTVQH nhận thấy ý kiến này là hợp lý và phù hợp thực tiễn trong hoạt động của cơ quan đại diện hiện nay, do đó tại khoản 8 của Điều 32 mới xin được sửa lại như sau:

8. Bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ, triệu hồi, cho thôi chức vụ và gọi về nước các thành viên khác của Cơ quan đại diện, ngoài các thành viên được quy định tại Khoản 7 Điều này.

Việc bổ nhiệm, kéo dài nhiệm kỳ, triệu hồi, cho thôi chức vụ và gọi về nước đối với cán bộ biệt phái được quyết định sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Thủ trưởng cơ quan có cán bộ biệt phái đó.

Ngoài những vấn đề lớn như đã nêu ở trên, còn có một số đề xuất, kiến nghị về mặt câu chữ và kỹ thuật hoặc có những ý kiến khác do chưa hiểu rõ nội dung của dự thảo, UBTVQH đã tiếp thu và xin phép không đề cập tại Báo cáo này hoặc sẽ có giải thích riêng cho đại biểu Quốc hội.

*

*           *

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

 

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

(đã ký)

 

Tòng Thị Phóng

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi