Video: Kết hôn trước tuổi 30 - "Hạn chót" dựng vợ gả chồng?

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, các đối tượng đến năm 2030" với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, có việc kết hôn của giới trẻ ngày nay.



Khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi

Đây là một trong những hoạt động ưu tiên cần thực hiện ngay trong thời gian tới.

Cụ thể, tại Quyết định số 588/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con...

Đặc biệt hơn, bên cạnh việc khuyến khích thì Thủ tướng cũng đặt ra giải pháp đối với những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. Đó là tăng trách nhiệm đóng góp cho xã hội và cộng đồng.

Việc tăng trách nhiệm đóng góp như thế nào có lẽ phải đợi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết.

Tuy nhiên, giải pháp này có thể sẽ phù hợp trước tình trạng giới trẻ hiện nay “sợ” kết hôn, thậm chí là không muốn sinh con. Từ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức sinh và kéo theo là sự già hóa dân số - một chiều hướng xấu cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Cha mẹ có được thúc giục, ép buộc con kết hôn?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và điểm b khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, hôn nhân phải được xác lập trên sự tự nguyện và cấm cưỡng ép kết hôn.

Trong đó, khoản 9 Điều 3 Luật này giải thích rõ, cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

Việc cưỡng ép kết hôn rất có thể bị coi là bạo lực gia đình. Bởi theo điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, một trong những hành vi bị coi là bạo lực gia đình là “Cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”.

Nếu thúc giục con cái lấy vợ, gả chồng đến mức “cưỡng ép” thì cha mẹ có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Do đó, dù là cha mẹ nhưng nếu ép con kết hôn cũng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Nghiêm trọng hơn, theo Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Như vậy, dù muốn con kết hôn ở mức độ nào thì người làm cha mẹ cũng nên dừng lại ở việc khuyến khích mà không nên cưỡng ép, tránh việc bị xử phạt cũng như ảnh hưởng tới hạnh phúc của con cái.

>> Đăng ký theo dõi Kênh Youtube Luật Việt Nam tại đây

LuatVietnam
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục