Trả lời:
Vấn đề bạn hỏi qua trang Luật Việt Nam được Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong tư vấn như sau:
Về việc cấp giấy phép xây dựng
Trường hợp muốn xây dựng nhà ở, chủ đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp cho UBND cấp huyện. Hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu đối với từng trường hợp, từng loại công trình).
2. Bản sao có chứng thực giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy tờ về quyền sở hữu công trình, nhà ở.
3. Bản vẽ thiết kế công trình (2 bộ) gồm các tài liệu:
- Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất,
- Mặt bằng ranh giới lô đất,
- Bản vẽ bình đồ (đối với công trình theo tuyến), sơ đồ đấu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của công trình (giao thông, thoát nước);
- Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình;
- Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực);
- Bản vẽ hệ thống PCCC đã được thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về PCCC.
UBND cấp huyện, quận sẽ xem xét tính phù hợp của hồ sơ:
- Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng mà hồ sơ thể hiện sự phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì sẽ được cấp GP.
- Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn mà hồ sơ phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn thì sẽ cấp GPXD.
Như vậy, việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở phụ thuộc vào tính hợp pháp về quyền sử dụng đất và tính phù hợp của công trình với quy hoạch tại địa phương.
Nếu từ chối không cấp GPXD thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Hậu quả pháp lý với hành vi xây dựng nhà ở không phép
Theo khoản 5 Điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP của chính phủ thì:
Thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c dưới đây;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Nếu công trình của bạn vẫn đang chưa hoàn thiện thì căn cứ khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, bạn có 60 ngày kể từ ngày bị lập biên bản vi phạm hành chính để xin giấy phép xây dựng. Nếu không được cấp giấy phép xây dựng thì công trình của bạn sẽ bị buộc phải tháo dỡ.
Về cam kết của công ty xây dựng
Như bạn trao đổi, bạn được công ty xây dựng hứa hẹn, cam kết sẽ “lo cho” thủ tục xin giấy phép xây dựng nhưng hiện nay công trình lại bị đình chỉ và bị phạt có nghĩa là công trình đang được xây dựng chưa đúng giấy phép hoặc chưa có giấy phép.
Bạn cần xem lại thoả thuận giữa bạn với công ty xây dựng có ràng buộc trách nhiệm của công ty xây dựng và việc bồi thường thiệt hại hay không. Nếu không thì bạn không có cơ sở yêu cầu họ bồi thường.
Lời khuyên của luật sư
Bạn nên làm việc với công ty xây dựng, đề nghị công ty này phối hợp với bạn hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng cho công trình. Trường hợp công trình bạn xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở tại địa phương thì bạn nên phải điều chỉnh lại quy hoạch, thiết kế để được cấp giấy phép nếu không muốn bị tháo dỡ.
Thân chúc bạn sớm hoàn thành việc cấp giấy phép xây dựng.
Trân trọng./.