Trả lời:
Trước đây, Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123 Bộ Luật Lao động 2012, cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; (từ năm 2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ thay thế thành tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên);
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 18 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật; (từ năm 2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ thay thế người dưới 15 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật);
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Bên cạnh đó, Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:
- Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, doanh nghiệp tiến hành lập biên bản vi phạm, thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp người lao động là người dưới 18 tuổi (từ năm 2021, người lao động là người dưới 15 tuổi) để tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
- Trường hợp doanh nghiệp phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì thực hiện như sau:
+ Doanh nghiệp thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và người lao động và luật sư, công đoàn cơ sở trong trường hợp nhờ bào chữa, đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.
+ Khi nhận được thông báo của doanh nghiệp, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, các thành phần tham dự theo quy định phải xác nhận tham dự cuộc họp. Trường hợp không tham dự phải thông báo cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
+ Trường hợp một trong các thành phần tham dự theo quy định không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì doanh nghiệp vẫn tiến hành xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, doanh nghiệp trước khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở) và người lao động, đồng thời luật sư, hoặc tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trong trường hợp nhờ bào chữa.
Bộ luật Lao động 2012 quy định xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, trong đó tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì phải có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở để có thể tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật lao động.
Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, sẽ không còn khái niệm tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và sẽ được thay thế thành tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Bộ Luật Lao động 2019, tổ chức đại diện người lao động bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động. Trong đó, công đoàn là tổ chức trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (loại hình tổ chức đại diện cho người lao động đã và đang tồn tại ở nước ta, được coi là tổ chức đại diện cho người lao động cho đến nay).
Đồng thời, từ 01/01/2021, sẽ có thêm tổ chức đại diện cho người lao động đó là tổ chức của người lao động. Tổ chức của người lao động được hiểu là các tổ chức đại diện cho người lao động khác so với tổ chức công đoàn cơ sở.
Do đó, thay vì lựa chọn gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn như hiện nay thì từ năm 2021, pháp luật cho phép người lao động trong doanh nghiệp được quyền lựa chọn thành lập, gia nhập vào tổ chức công đoàn hoặc một tổ chức của người lao động khác.
Vì vậy, từ năm 2021, trong trường hợp doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì phải có sự tham gia của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để có thể tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!