Quy trình thẩm định giá trong vụ việc dân sự

#3953 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Cho tôi hỏi, gia đình tôi đang có tranh chấp một thửa đất với nhà hàng xóm. Trên đất có nhà, cây cối và một số công trình khác. Toà án đã hẹn hai bên sắp xếp để tiến hành thẩm định giá những tài sản này. Vậy cho tôi hỏi, quy trình thẩm định giá sẽ diễn ra như thế nào? Nếu căn nhà đó là thuộc tài sản chung, nhưng một trong 2 chủ sở hữu đi vắng, chủ sở hữu còn lại không có chìa khóa thì tòa án có được phá khóa vào để thẩm định giá nếu chỉ nhận được sự đồng ý của một chủ sở hữu hay không? Nếu không được thì phải làm sao để thẩm định giá? Xin cảm ơn

Trả lời:

Thẩm định giá tài sản được hiểu là là biện pháp thu thập chứng cứ do các bên đương sự tự thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, nhằm tiến hành xem xét, xác định giá tài sản trong vụ việc dân sự và đưa ra kết luận pháp lí bằng văn bản về giá để làm căn cứ cho việc giải quyết quan hệ nội dung có tranh chấp trong vụ việc dân sự đang giải quyết tại Tòa án.

Theo luật Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, việc thẩm định giá được tiến hành theo các quy trình như sau:

- Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ việc ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá, tùy thuộc vào tài sản định giá mà Tòa án sẽ mời các bên liên quan của các cơ quan, tổ chức có chuyên môn, tư cách pháp lý riêng biệt để tham gia hội đồng thẩm định, định giá.

- Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ra thông báo về việc thẩm định định giá cho các bên liên quan bao gồm: đương sự, đại diện cơ quan chính quyền địa phương.

- Tiến hành buổi định giá, khi đã có mặt đầy đủ Hội đồng định giá, Cơ quan chính quyền địa phương thì thẩm phán mới có thể tiến hành định giá.

- Các cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định, đo vẽ, đánh giá, báo cáo lại cho Hội đồng định giá, các cơ quan tài chính sẽ dựa vào quy định pháp luật cụ thể mà tiến hành định giá tài sản.

- Việc định giá sẽ được thư ký trong Hội đồng định giá ghi chép lại thành Biên bản, sau khi các bên thông qua Biên bản thì ký vào Biên bản thẩm định, định giá tài sản.

Theo thông tin bạn trao đổi, căn nhà đó là thuộc tài sản chung, nhưng một chủ sở hữu hiện tại đi vắng, chủ sở hữu còn lại không có chìa khóa thì việc thẩm định giá sẽ rất khó khăn hoặc chưa thực hiện được.

Tuy nhiên nếu như có thể xác định được chủ sở hữu kia cố tình cản trở việc thẩm định, định giá thì Tòa án có thể áp dụng quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2020 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định trong trường hợp việc này ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, cụ thể như sau:

“Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.”

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY