Trả lời:
1. Việc xử lý các trường hợp làm giả và sử dụng giấy tờ giả thời gian qua đã thỏa đáng chưa?
Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, rất nhiều các hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả, cũng như các đường dây làm giả con dấu, gấy tờ, tài liệu đã bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, vấn nạn làm và sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh thì cũng đã xuất hiện các hành vi làm giả các loại giấy tờ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh (làm giả giấy xét nghiệm Covid, giấy đi đường.v.v..), tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cũng như làm lây lan dịch bệnh rất lớn.
Nguyên nhân của thực trạng này là do việc xử lý các hành vi vi phạm nhiều khi đã không được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên và hiệu quả, bỏ lọt nhiều hành vi vi phạm, dẫn đến tình trạng nhờn luật, không đảm bảo tính giáo dục và răn đe. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, không thống nhất, làm giảm hiệu quả của công tác thực thi pháp luật.
2. Có ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự các trường hợp sử dụng giấy tờ giả thay vì chỉ xử lý hành chính như hiện nay? Quan điểm của luật sư như thế nào?
Theo quy định của pháp luật thì hành vi “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật” sẽ bị xử lý hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo quy định này thì hành vi “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức” sẽ bị xử lý hình sự, bất kể là người làm giả có sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả vào mục đích trái pháp luật hay không. Còn đối với hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả” thì chỉ cấu thành tội phạm khi có việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Theo tôi quy định như trên là hợp lý, phù hợp với nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của từng loại hành vi nêu trên. Việc hình sự hoá tất cả các hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả sẽ là không phù hợp với thực tế, cũng như không đảm bảo được tính tương xứng giữa chế tài xử lý và tính nguy hiểm cho xã hội của từng loại hành vi vi phạm cụ thể.
3. Thời gian qua, các vụ cán bộ sử dụng bằng giả, văn bằng chứng chỉ đăng thi tuyển, bổ nhiệm thăng quan tiến chức bị phát hiện đa số chỉ xử lý hành chính như kiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, cho thôi việc… rất ít các vụ việc bị xử lý trách nhiệm hình sự… Cách xử lý như trên đã thỏa đáng hay chưa?
Sự cần thiết phải xử lý hình sự đối với tình trạng này như thế nào, kiến nghị về giải pháp xử lý nghiêm minh để có tính răn đe, phòng ngừa?
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để thi tuyển, bổ nhiệm, thăng chức dối với cán bộ, công chức hoặc viên chức đều là hành vi trái pháp luật, có đủ dấu hiệu của “tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi,bổ sung năm 2017). Do đó, ngoài việc phải chịu các chế tài kỷ luật theo quy định của Đảng và Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thì các hành vi vi phạm này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về tội danh nêu trên.
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để thi tuyển, bổ nhiệm, thăng chức dối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, cũng như uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, việc xem xét, xử lý hình sự đối với những vi phạm này là rất cần thiết, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm, cũng như bảo vệ uy tín, sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
4. Luật sư đề xuất giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng làm giả và sử dụng giấy tờ giả?
Trước hết, các cơ quan chức năng cần quan tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tăng cường tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Mặt khác, cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong việc làm và quản lý các loại giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức và công dân. Đơn cử như việc triển khai áp dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử; Căn cước công dân gắn chíp; số hoá các thông tin, tài liệu, giấy tờ, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước.v.v.. Điều này sẽ không chỉ giúp phòng, chống, hạn chế vấn nạn sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mà còn góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, cũng như nhiều lợi ích to lớn khác. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật có liên quan, để đảm bảo tốt hơn tính thống nhất trong quy định và việc áp dụng pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!