Trả lời:
Theo như pháp luật quy định, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm sản phẩm bánh mì muốn được công nhận và lưu thông trên thị trường thì bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
1. Về điều kiện để xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật: là bạn hoặc phải có Giấy phép Đăng ký kinh doanh do Phòng đăng ký kinh doanh cấp, hoặc phải có Giấy phép đăng ký Hộ kinh doanh do UBND cấp Quận/ Huyện cấp;
- Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng: Có hợp đồng thuê, mượn địa điểm kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với địa điểm đặt cơ sở kinh doanh;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông thường cơ sở sẽ phải thực hiện thủ tục xét nghiệm nước tại các cơ sở xét nghiệm đủ tiêu chuẩn do Bộ y tế quy định (Ví dụ tại Hà Nội sẽ là Trung tâm Y tế dự phòng);
- Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
- Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2. Sau khi xem xét hoàn thiện các tiêu chuẩn về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở sản xuất kinh doanh, bước tiếp theo chính là chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh để nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ xin cấp Giấy an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là bánh mì, bánh ngọt được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 43/2018/TT-BCT, bao gồm:
- Đơn đề nghị theo Mẫu số 01a tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BCT;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong phần này, cơ sở sẽ khái quát diện tích mặt bằng, trang thiết bị của cơ sở (chú ý cung cấp rõ số lượng, công suất của máy sản xuất),
- Sơ đồ khai quát về mặt bằng sản xuất kinh doanh của cơ sở phải đảm bảo điều kiện một chiều, nghĩa là từ nguồn nguyên liệu nhập vào cho đến khi ra thành phẩm là công đoạn ở những vị trí khác nhau một đầu vào và một đầu ra;
- Sơ đồ quy trình chế biến từ bước nhập nguyên liệu về, sơ chế, chế biến cho đến khi ra được thành phẩm;
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe: Chú ý, giấy khám sức khỏe này phải đảm bao tiêu chuẩn do Bộ y tế quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT;
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm: Tùy từng trường hợp, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh có số lượng dưới 10 người sẽ đi học xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm còn trường hợp cơ sở trên 10 người sẽ phải đăng ký đi tập huấn;
- Biên bản kiểm tra về giấy phép đảm bao điều kiện về phòng cháy chữa cháy cho thiết bị, máy móc được bố trí trong cơ sở Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 79/2014/NĐ-CP là cơ sở sản xuất công nghiệp.
3. Thẩm quyền cấp Giất chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công thương nơi đặt trụ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là bánh mì. Quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
4. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì quy định tại Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Bước 1: Thẩm duyệt hồ sơ: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.
Bước 2: Thẩm định cơ sở: Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở.
Đoàn thẩm định gồm từ 03 đến 05 thành viên, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên làm công tác chuyên môn về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm (có bằng cấp về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm) hoặc quản lý về an toàn thực phẩm (đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở được mời chuyên gia độc lập có chuyên môn phù hợp tham gia). Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở.
- Trường hợp hồ sơ, điều kiện thực tế của cơ sở đạt đủ yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, trong vòng 05 ngày, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trường hợp cơ sở không đạt điều kiện, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành lập biên bản, trong biên bản ghi rõ các lỗi của cơ sở cần khắc phục, và trong thời hạn 60 ngày cơ sở khắc phục các lỗi trên và nộp lại báo cáo khắc phục lên cơ quan tiếp nhận hồ sơ để đoàn xuống kiểm định lần 02 cơ sơ và xem xét lại hồ sơ cơ sở.
5. Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu lực 03 năm (Điều 7 Thông tư 43//2018/TT-BCT)