Xin cấp lại sổ đỏ cho người bị mất năng lực hành vi dân sự như thế nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Bố tôi là thương binh hạng 4/4, được nhà nước cấp sổ đỏ để sinh sống. Tuy nhiên ông đã làm mất sổ đỏ, hiện nay sức khỏe ông rất yếu, không ký và điểm chỉ để ủy quyền cho tôi thay ông xin cấp lại sổ đỏ được. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này, tôi cần phải làm thế nào để xin cấp lại sổ đỏ cho bố tôi. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Căn cứ Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy, một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi có quyết định của Tòa án dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Căn cứ Điều 376 và Điều 377 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 376. Quyền yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

Điều 377. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

Như vậy, theo quy định trên thì bạn phải làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức. Bạn có thể kèm theo chứng cứ để chứng minh bố bạn không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Căn cứ Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Căn cứ Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 58. Quyền của người giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Trong trường hợp này, nếu bố bạn được Tòa án tuyên là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người giám hộ đương nhiên của bố bạn theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ có các quyền của người giám hộ trong đó có quyền được đại diện thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ cho bố bạn.

Xem thêm: Bị mất Sổ đỏ, thủ tục xin cấp lại thế nào?

Trên đây là nội dung tư vấn về "​​​Xin cấp lại sổ đỏ cho người bị mất năng lực hành vi dân sự như thế nào?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY