Trả lời:
Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
[…]
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.”
Đồng thời, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ theo khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013:
“Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sau trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”
Như vậy, cá nhân, hộ gia đình xây nhà trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc các loại đất nông nghiệp sẽ không được xây dựng nhà ở, công trình kiên cố. Vậy nên, việc bạn xây nhà trên đất nông nghiệp là sử dụng đất không đúng mục đích, đây là hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Nếu bạn muốn xây dựng nhà, bạn phải tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai 2013:
“Điều 92. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất
1. Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, i khoản 1 Điều 64 và điểm b, d khoản 1 Điều 65 của Luật này.
2. Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạp lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng”
Như vậy, theo quy định pháp luật đất đai, nếu chưa hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, với trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp là sử dụng đất trái mục đích (mặc dù chưa bị phát hiện, chưa bị xử phạt hành chính) thì ngôi nhà đó sẽ không được Nhà nước bồi thường giá trị căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp vì sử dụng đất sai mục đích.
Còn về vấn đề có chủ trương thu hồi đất nhưng gia đình bạn không được mời đi họp là không phù hợp với quy định của pháp luật. Căn cứ theo Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Điều 69. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, anh ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
…
2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;”.
Xem thêm: Bồi thường về đất 2022: Điều kiện và cách tính tiền bồi thường
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Xây nhà trên đất nông nghiệp có được bồi thường hay không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!