Phải làm gì khi bà nội không cho ở trên mảnh đất do bà đứng tên?

Câu hỏi: Em ở Tiền Giang, 24 tuổi, trước kia em và ba mẹ em sống chung nhà, không may năm em 12 tuổi ba em mất. Bà nội đuổi em và mẹ đi với lý do bán đất. Em và mẹ không biết ở đâu nên mẹ em xây một cái chòi nhỏ 3 tấm tôn khoảng 3/7 của mảnh đất trước kia gia đình em sống, sống tạm đến bây giờ. Quanh năm em và mẹ cứ bị bà nội thưa kiện chửi rủa đuổi đi. Đất giấy tờ là bà nội đứng tên, em không biết phải làm sao. Cho em hỏi em có thể ở mảnh đất đó để sống không ạ?

Trả lời:

1. Cần xác định quyền sử dụng đất của hộ gia đình hay cá nhân

Trước tiên, cần xác định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) do bà nội bạn đứng tên là được cấp cho hộ gia đình do bà nội bạn đại diện đứng tên hay cấp cho cá nhân bà nội bạn.

Theo Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT sửa đổi tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình và cá nhân được thể hiện khác nhau như sau:

Cách thể hiện

Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình

Sổ đỏ cấp cho cá nhân

Thông tin ghi tại trang 1 của Sổ đỏ

- Ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

- Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

- Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (chứng minh hoặc thẻ căn cước - Trường hợp chưa có chứng minh hoặc thẻ căn cước thì ghi “Giấy khai sinh số…”, địa chỉ thường trú.

 

2. Hướng xử lý

- Trường hợp đất cấp cho Hộ gia đình (Sổ đỏ ghi hộ bà + tên bà nội bạn): Người đứng tên trên Sổ đỏ chỉ là người đại diện của hộ gia đình (thường là chủ hộ). Quyền sử dụng đất ghi trên Sổ đỏ thuộc về những người có đủ 02 điều kiện sau:

+ Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

+ Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Sổ đỏ).

Thường thì hiện nay sẽ căn cứ vào hồ sơ cấp Sổ đỏ để xác định thành viên hộ gia đình vào thời điểm cấp đất cho hộ gia đình.

Nếu bố bạn là thành viên của hộ gia đình vào thời điểm cấp Sổ đỏ, bố bạn mất mà không để lại di chúc thì quyền sử dụng đất của bố bạn sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn.

Theo đó, mẹ bạn và bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, sẽ được hưởng một phần quyền sử dụng đất của bố bạn.

Các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi có đất.

Nếu cả mẹ bạn cũng được xác định là thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp Sổ đỏ thì mẹ bạn có chung quyền sử dụng đất, mẹ bạn có quyền của người sử dụng đất (sinh sống…) cùng với các thành viên hộ gia đình khác (nếu có).

- Trường hợp đất cấp cho cá nhân bà nội bạn (Sổ đỏ chỉ ghi tên bà nội bạn): Chỉ người có tên trên Sổ đỏ có quyền sử dụng đất. Bà nội bạn có toàn quyền của người sử dụng đất. Mẹ bạn và bạn chỉ có thể thỏa thuận, thương lượng với bà nội bạn để được ở trên mảnh đất đó và đây cũng là cách tốt nhất.

Nguyễn Ngọc Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Văn phòng luật sư Kết nối

https://luatketnoi.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi