Xác định như thế nào là đương sự ở nước ngoài?

#6822 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ngày 15/6/2021, tôi có cho anh A vay tiền. Anh A là người nước ngoài định cư, học tập, làm việc ở Việt Nam. Do đến hạn anh A không trả tiền tôi nên tôi định khởi kiện anh A. Tuy nhiên, anh A đã ra nước ngoài. Vậy trong trường hợp trên, tôi phải nộp đơn khởi kiện nên tòa án nhân cấp huyện hay tòa án nhân dân cấp tỉnh? Dựa vào tiêu chí gì để xác định một đương sự là đương sự ở nước ngoài? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trong trường hợp trên, nguyên đơn phải nộp đơn khởi kiện lên Toà án nhân dân cấp tỉnh theo điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự: Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 35: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Theo đó, anh A là người nước ngoài định cư, học tập, làm việc ở Việt Nam nên anh A được xác định là đương sự ở nước ngoài, khi phát sinh tranh chấp thì căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây: Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam…”. Do đó, việc tranh chấp phát sinh giữa bạn và anh A thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, về thẩm quyền giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không định nghĩa đương sự ở nước ngoài mà quy định cá nhân là người nước ngoài tham gia thì vụ việc đó có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định:

‘’1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.”

Các quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP là hướng dẫn và phân loại chi tiết các trường hợp chủ thể là người nước ngoài mà không định nghĩa đối với chủ thể “người nước ngoài” là gì nên không trái với việc xác định yếu tố nước ngoài trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khái niệm “người nước ngoài” của Luật Cư trú.

Xem thêm: Cho vay tiền không có giấy tờ có đòi được không?

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY