Trả lời:
Thứ nhất, khi đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của vợ quân nhân mà đi làm thì bạn có phải bắt buộc tham gia BHYT theo doanh nghiệp không?
Căn cứ Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định đối tượng tham gia BHYT như sau:
“1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);..
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;……
l) Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;...”
Căn cứ tại khoản 2, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 thì:
“Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này“.
Bạn - vợ quân nhân thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT vừa thuộc đối tượng tham gia BHYT theo doanh nghiệp.
Do vậy, bạn cần đóng BHYT theo doanh nghiệp vì đối tượng tham gia BHYT theo doanh nghiệp được xếp trước đối tượng thân nhân của quân nhân.
Thứ hai, về mức hưởng BHYT của 2 đối tượng này
Căn cứ điểm d, điểm g Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng BHYT của thân nhân quân nhân quy định như sau:
Thân nhân quân nhân tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật bảo hiểm y tế; khoản 4 và 5 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;
- 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp khác.
Như vậy, dù bạn dùng thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân quân nhân hay thẻ bảo hiểm y tế của người lao động doanh nghiệp để đi khám chữa bệnh thì quyền lợi hưởng đều là 80% chi phí khám chữa bệnh.
Thứ ba, về vấn đề bạn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT của thân nhân quân nhân:
Căn cứ Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định như sau:
“1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.
2. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế…”
Như vậy, theo quy định trên thì mỗi người chỉ có 1 thẻ BHYT và như đã phân tích ở trên thì bạn cần tham gia và sử dụng thẻ BHYT tại doanh nghiệp. Khi bạn dùng thẻ BHYT của doanh nghiệp thì sẽ được hưởng các chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội; còn khi sử dụng thẻ BHYT thân nhân quân nhân sẽ không được hưởng chế độ này.
Xem thêm: Có hai thẻ BHYT được thanh toán chi phí KCB thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Vợ quân nhân có phải tham gia BHYT theo doanh nghiệp nữa không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!