Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế ban hàng kèm theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT có quy định về vị trí pháp lý của trung tâm ngoại ngữ như sau: “2. Trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục do tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư thành lập và đảm bảo Điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng”.
Điểm b khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014: “2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”
Trong đó doanh nghiệp được hiểu là “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014).
Tiếp đó, điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì:
“2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Như vậy với tính chất của một trung tâm ngoại ngữ là một pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, quá trình thành lập trung tâm ngoại ngữ có hoạt động kiểm tra lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm.
Giám đốc trung tâm là người trực tiếp quản lý, điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước các cơ quan quản lý của Nhà nước về mọi hoạt động của trung tâm.
Với tính chất như vậy có thể xem rằng trung tâm ngoại ngữ là một doanh nghiệp, hoạt động vì mục đích sinh lời. Do vậy viên chức không được đảm nhiệm vị trí là Giám đốc trung tâm ngoại ngữ.