Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thiếu chữ ký có hiệu lực không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Năm 2000, bố tôi mất, không để lại di chúc. Có tất cả 7 người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm cả tôi. Tôi được 5 người ở hàng thừa kế thứ nhất đồng ý nhường phần hưởng di sản thừa kế là một thửa đất. Thời điểm đó, sau khi lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế xong (chỉ có chữ ký của 5 người), tôi đã làm hồ sơ đề nghị sang tên sổ đỏ cho tôi và đã được chấp nhận. Sổ đỏ hiện nay đã đứng tên tôi. Vậy xin hỏi, cơ quan nhà nước có quyền tịch thu sổ đỏ đã cấp cho tôi do cấp sai (vì còn thiếu 1 chữ ký) hay không? Nếu người thứ 6 đòi hủy sổ đỏ và chia lại thừa kế thì có được không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Cơ quan nhà nước có quyền tịch thu sổ đỏ đã cấp cho bạn do cấp sai không?

Do bố bạn chết năm 2000 và không để lại di chúc, di sản thừa kế mà bố bạn để lại là 01 thửa đất, theo đó những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi đều có một phần quyền đối với thửa đất đó theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì vậy, khi bạn muốn đứng tên trên thửa đất đó thì phải có sự đồng ý của 06 người còn lại và phải được lập thành văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng, chứng thực theo đúng quy định pháp luật.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của gia đình bạn chỉ có 05 người ký, thiếu chữ ký của 01 người trong hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn nên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế sẽ bị vô hiệu.

Theo đó, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bạn là cấp sai đối tượng sử dụng đất nên sẽ bị thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013, Điều 87 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.”

Theo đó, khi cơ quan nhà nước phát hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra cùng cấp thẩm tra, nếu kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì thông báo bạn biết lý do, sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo nếu bạn không có đơn khiếu nại thì sẽ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.

 

2. Nếu người thứ 6 đòi hủy sổ đỏ và chia lại thừa kế thì có được không?

Theo như phân tích ở trên, tất cả 07 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn đều có quyền đối với thửa đất và văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bị vô hiệu. Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế, theo đó bố bạn chết năm 2000, tính đến nay là 21 năm nên vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định pháp luật.

Chính vì vậy, người thứ 6 hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bạn và tiến hành phân chia di sản thừa kế của bố bạn để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Văn Tuấn

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty Luật TNHH TGS

https://tgslaw.vn- 1900.8698

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật