Trả lời:
I. Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
- Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
II. Nội dung tư vấn:
Căn cứ vào Điều 21 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử:
Thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử là thời điểm khách hàng nhận được trả lời của thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định này.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 19 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
Điều 19. Trả lời đề nghị giao kết hợp đồng
1. Trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải được thực hiện dưới hình thức phù hợp để thông tin có thể lưu trữ, in và hiển thị được tại hệ thống thông tin của khách hàng.
2. Khi trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng, thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng phải cung cấp cho khách hàng những thông tin sau:
a) Danh sách toàn bộ hàng hóa hoặc dịch vụ khách hàng đặt mua, số lượng, giá của từng sản phẩm và tổng giá trị hợp đồng;
b) Thời hạn giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ;
c) Thông tin liên hệ để khách hàng có thể hỏi về tình trạng thực hiện hợp đồng khi cần thiết."
Căn cứ những quy định trên, thời điểm giao kết hợp đồng khi tiến hành các giao dịch trên website là thời điểm khách hàng nhận được trả lời của thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được quy định cụ thể như trên, không phải thời điểm khách hàng đã ấn vào nút “đặt hàng” và “thanh toán sản phẩm.
Do đó, khi khách hàng đã đặt hàng, thanh toán sản phẩm, nhưng phía người bán (là bên bạn) đã từ chối, không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (đề nghị đặt đơn hàng) bằng cách ấn vào nút “hủy đơn hàng” được hiển thị trên hệ thống của khách hàng, đồng thời liên hệ lại với khách biết thì trong trường hợp này hai bên chưa có giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa nhau, tức là bên bạn chưa có xác lập với khách hàng về quyền, nghĩa vụ trong việc mua bán, chuyển giao hàng hóa tới khách hàng. Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc bên bạn “hủy đơn hàng” là việc bên bạn được thực hiện và cũng không vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi ấn “hủy đơn hàng”, nếu bên bạn đã nhận được tiền thanh toán của khách hàng, bên bạn phải đồng thời phải ngay lập tức hoàn trả lại cho khách hàng số tiền khách hàng đã thanh toán để đặt mua sản phẩm trước đó, đồng thời bên bạn cũng phải gỡ bỏ hoàn toàn các thông tin về các sản phẩm mà bên bạn thực tế không có để bán, để tránh gặp phải các trường hợp khách hàng kế tiếp đặt hàng, phải thực hiện đồng thời các nội dung trên thì bên bạn mới tránh khỏi các trách nhiệm rủi do pháp lý về sau.
Xem thêm: Các trường hợp hủy hóa đơn điện tử đã phát hành
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "Tự ý hủy đơn của khách đã đặt trên web có được không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!