Trốn truy nã 25 năm, đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì có bị khởi tố nữa không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Em trai tôi có trộm cắp tài sản, đã bị bắt quả tang nhưng sau đó bỏ trốn đến nay là 25 năm và đã có quyết định truy nã. Gia đình tôi không ai liên hệ được với em trai từ thời điểm đó đến nay. Vậy xin hỏi, sau bao lâu kể từ khi em trai tôi phạm tội thì có thể bị truy nã? Nếu em trai của tôi trốn đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ không bị khởi tố nữa đúng không ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Đối tượng bị truy nã là ai? Điều kiện ra quyết định truy nã là gì?

Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về tối đượng bị truy nã như sau:

Điều 2. Đối tượng bị truy nã

1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.

3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.

4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.

5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Ngoài ra, Điều 4 của Thông tư này cũng quy định về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã, cụ thể:

Điều 4. Ra quyết định truy nã

1. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

b) Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

2. Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã; trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã là Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã. Ngoài ra, theo quy định nêu trên thì không đề cập đến vấn đề sau bao lâu kể từ khi phạm tội Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định truy nã mà chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện nêu tại khoản 1 Điều 4 như sau:

- Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy bị truy nã đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả.

- Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Tron-truy-na

2. Trốn truy nã 25 năm và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì có còn khởi tố được không?

Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Có thể hiểu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Tuy nhiên, tại khoản 3 điều này cũng nêu rõ nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Tóm lại, đối với trường hợp bạn hỏi, em trai của bạn bỏ trốn và đã có lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em trai bạn sẽ được tính lại từ thời điểm người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Do vậy về nguyên tắc, em trai bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện khi ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

3. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Như vậy, đối với các tội danh được quy định như trên sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Cách tính thời hạn truy nã mới nhất hiện nay

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Trốn truy nã 25 năm, đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì có bị khởi tố nữa không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192  để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi