Trả lời:
Khi cá nhân, cơ quan, tổ chức hay các doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu của mình, nâng cao uy tín cũng như mong muốn đưa sản phẩm, hàng hóa đến với công chúng thì một hoạt động không thể thiếu đó là hoạt động quảng cáo. Quảng cáo chính là việc cá nhân, tổ chức dùng các phương tiện theo mục đích của mình để đưa sản đến mọi người để nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho chủ thể thực hiện việc quảng cáo. Trong đó, hình thức quảng cáo bằng biển hiệu là hình thức đã tồn tại từ lâu đời thậm chí có thể coi là một nét văn hóa trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc treo biển hiệu, biển quảng cáo như thế nào cũng cần phải có tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, tránh việc lạm dụng quảng cáo gây mất mỹ quan, thiếu văn hóa. Những điều kiện này bao gồm:
Thứ nhất, về hình thức biển hiệu
Theo quy định tại Điều 22 Quy chế hoặt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, Biển hiệu tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân có thể được phép thể hiện dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn led uốn chữ hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Thứ hai, về nội dung của biển hiệu
Nếu như là biển hiệu của doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 3 Luật Quảng cáo hiện hành, biển hiệu phải có các nội dung sau:
- Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Địa chỉ, điện thoại.
Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào (Điều 23 Quy chế hoặt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng).
Thứ ba, chữ viết trên biển hiệu
Chữ viết trên biển hiệu của doanh nghiệp cũng phải tuân thủ quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo hiện hành, theo đó biển hiệu phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt trừ trường hợp Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.
Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên Biển hiệu thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Thứ tư, kích thước biển hiệu
Cũng theo Điều 34 Luật Quảng cáo hiện hành, kích thước biển hiệu của doanh nghiệp phải đảm bảo như sau:
- Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.
- Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Thứ năm, vị trí treo biển hiệu
Vị trí lắp đặt biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Theo quy định tại Điều 23 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP:
- Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân;
- Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng;
- Tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
Ngoài ra, doanh nghiệp không chỉ cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hay quy chế hoạt động văn hóa kinh doanh công cộng mà còn phải cân nhắc đến các quy định về lấp biển hiệu của Tòa nhà văn phòng nơi doanh nghiệp bạn thuê, đặt trụ sở. Bởi lẽ, ở một Tòa nhà cho thuê văn phòng có rất nhiều doanh nghiệp và các doanh nghiệp đều cần phải đặt biển hiệu, biển quảng cáo.