Trả lời:
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự - Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 (Sau đây gọi chung là BLDS).
Căn cứ Điều 122 BLDS có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.
Đối chiếu quy định tại Điều 117 BLDS quy định về điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự như sau:
Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Theo đó, về hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất căn cứ Điều 502 BLDS và Điều 167 Luật Đất đai 2013 có quy định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực.
Như bạn trình bày, Hợp đồng mua bán giữa bạn và gia đình ông A đã có chứng thực tại UBND xã. Tuy nhiên thửa đất này là của hộ gia đình ông A, tại Hợp đồng mua bán lại chưa có chữ ký của vợ ông A.
Căn cứ Điều 64 Luật Đất đai 2013 hướng dẫn tại khoản 5, Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT có quy định đối với Hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên và chỉ được thực hiện việc ký tên này khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, khi xác lập hợp đồng mua bán, chưa có văn bản đồng ý của các thành viên hộ gia đình được công chứng, chứng thực theo quy định thì Hợp đồng mua bán có thể bị vô hiệu về hình thức. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1, Điều 129 BLDS có quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức như sau:
Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Từ quy định pháp luật nêu trên, nếu hợp đồng chưa đáp ứng điều kiện của pháp luật về mặt hình thức nhưng bạn đã trả đủ 350 triệu đồng hoặc đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ của mình trong giao dịch cho gia đình ông A thì giao dịch chuyển nhượng Quyền sử dụng đất giữa hai bên đủ điều kiện được công nhận hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 132 BLDS về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, với trường hợp Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức chỉ có thời hiệu trong 02 năm kể từ ngày hợp đồng được xác lập. Theo như bạn trình bày, bạn và gia đình ông A đã ký Hợp đồng từ tháng 10/2017, đến nay đã gần 06 (sáu) năm, quá thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Do đó, căn cứ khoản 2, Điều 132 BLDS: “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực” hợp đồng đã có hiệu lực theo pháp luật.
Như vậy, giao dịch dân sự nêu trên giữa bạn và gia đình ông A đã có hiệu lực. Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bạn có thể làm đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu công nhận hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng nêu trên.
Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do có căn cứ chứng minh giao dịch này vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc do các lý do khác theo quy định của pháp luật mà chưa hết thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 132 BLDS thì căn cứ khoản 2, Điều 131 BLDS có quy định: “2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”
Như vậy, đối chiếu quy định pháp luật nêu trên, trong trường hợp bạn đã thanh toán đủ 350 triệu đồng cho gia đình ông A, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, gia đình ông A sẽ có nghĩa vụ hoàn trả lại 350 triệu đồng này cho bạn.
Xem thêm: Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào? - LuatVietnam
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Trách nhiệm pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu là gì?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!