Trả lời:
Căn cứ vào Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch giữa công ty bạn và công ty A được xem là “Hợp đồng mua bán tài sản”. Do đây là hợp đồng mua bán tài sản được ký kết giữa hai công ty nên những hành vi diễn ra liên quan tới hợp đồng này đồng thời được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005.
Như đã đề cập ở trên, hợp đồng mua bán được định nghĩa tại Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015 là “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
Như vậy, khi bạn đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng thì phía công ty A phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo đúng thỏa thuận giữa hai bên về phương thức trả tiền, thời hạn trả tiền và số tiền phải trả.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả tiền tại Điều 440 như sau:
“Điều 440. Nghĩa vụ trả tiền
1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này”.
Cũng theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
"Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."
Ở đây, Luật Thương mại 2005 không đề cập tới hình thức yêu cầu nên có thể hiểu Luật cho phép sửa dụng bất kì hình thức yêu cầu nào từ yêu cầu bằng miệng bằng văn bản, gửi mail, fax,…
Bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên có thể áp dụng các chế tài thương mại được quy định trong Luật Thương mại 2005 như: Buộc thực hiện đúng Hợp đồng theo Điều 297 Luật Thương mại năm 2005, phạt vi phạm theo Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 và bồi thường thiệt hại theo Điều 302 Luật Thương mại 2005.
Doanh nghiệp muốn xử lý việc bên mua không thanh toán tiền bằng chế tài phạt vi phạm thì khi ký hợp đồng hai bên phải thỏa thuận điều khoản phạt vi phạm trong hơp đồng. Còn nếu muốn bồi thường thiệt hại thì nhất thiết phải chứng minh được thiệt hại xuất phát từ việc chậm thanh toán tiền của công ty A.
Trong trường hợp đã áp dụng các chế tài thương mại nhưng bên mua vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì bên bán có quyền được kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài thương mại) để đòi số tiền trong hợp đồng, tiền lãi trên số tiền chậm trả, phạt hợp đồng và bồi thương thiệt hại (nếu có).
Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại là 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của một bên bị xâm hại.
Luật sư cho rằng, Công ty của bạn khi bị đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán như nêu trên thì nên gửi email nhắc nhở, đồng thời gửi công văn bằng thư bảo đảm để thông báo và yêu cầu thời hạn phải thanh toán. Nếu vẫn chây ỳ thì tiếp tục thực hiện các biện pháp khởi kiện theo quy định.
Xem thêm: Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì xử lý như thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!