Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Việc buôn bán, sản xuất thuốc điều trị COVID giả bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi đối tượng hàng hoá bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh thì nó lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều vì thuốc sẽ được sử dụng trực tiếp bằng các uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền.

Có những loại thuốc làm giả chỉ không có đúng khả năng phòng bệnh, chữa bệnh của thuốc những cũng có những loại thuốc làm giả còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thậm chí là tính mạng của người sử dụng.

Theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm.

Về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 26/08/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mức phạt quy định tại hai Điều này đối với hành vi nêu trên là từ 2 triệu đồng cho đến 140 triệu (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 triệu đồng cho đến 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Riêng đối với tội danh này cũng quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân.

Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Giá trị của hàng hoá tính theo giá bán; Giá trị hàng hoá tính theo giá trị của hàng thật; Tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; Có gây ra chết người hay không,... mà có thể phải đối mặt mức án từ 02 năm tù giam đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.

Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng cho đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn,...

Trong tình hình cả nước đang gồng mình từng phút từng giây để chống chọi với đại dịch Covid, đã có rất nhiều người đã tử vong và còn nhiều người khác cũng đang đứng trên bờ vực của sự sống, vậy mà còn có các cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là điều không thể chấp nhận được.

Đây không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY