Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng không?

Câu hỏi: Xin hỏi LuatVietnam: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 đến Tòa để lấy lời khai, nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng và không có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này, Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp:

Điều 143. Đình chỉ giải quyết vụ án

1. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;

b) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút đơn yêu cầu độc lập;

d) Người khởi kiện không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu độc lập của họ;

đ) Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

e) Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu;

g) Thời hiệu khởi kiện đã hết;

h) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này mà Tòa án đã thụ lý.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 135 của Luật Tố tụng hành chính thì tại phiên đối thoại vụ án hành chính nếu người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt là thuộc trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được.
Như vậy, theo các quy định này thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính mà người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai đến Tòa để lấy lời khai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án cấp sơ thẩm có quyền đình chỉ giải quyết vụ án, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Riêng đối với trường hợp người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên đối thoại mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được và Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định.
 

Xem thêm: Đình chỉ vụ án hình sự là gì? Được áp dụng khi nào?

Trên đây là nội dung tư vấn về "Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng không?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Đào Trung Kiên

Được tư vấn bởi: Luật sư Đào Trung Kiên

Công ty luật TNHH MTV Hoàng Tín

http://luathoangtin.vn/- 789300660

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi